Tin tức

Ba trường phái triết học lớn của Trung Hoa trong phim võ thuật Hồng Kông

21/10/2021

Thân thủ là then chốt trong phim võ thuật Hồng Kông, và càng nhanh càng tốt, David Bordwell viết, giải thích việc biên tập phim đã tăng tốc cho hành động, trong khi Trương Kiến Đức (Stephen Teo) nhìn điều này từ góc độ triết học Trung Hoa.

Hầu hết các sách về điện ảnh Hồng Kông đều tập trung vào lịch sử điện ảnh hoặc điện ảnh phản ánh xã hội và chính trị của thành phố này thế nào. Nhưng hai cuốn sách về phim hành động Hồng Kông, một cuốn tương đối cũ và một cuốn tương đối mới, có những cách tiếp cận khác nhau hết sức thú vị.

Bìa các cuốn sách của Bordwell và Trương Kiến Đức

Planet Hong Kong, của giáo sư điện ảnh người Mỹ David Bordwell, tập trung vào phong cách và thẩm mỹ phim, đồng thời khám phá các kỹ thuật làm phim khiến phim hành động Hồng Kông trở nên độc đáo.

Chinese Martial Arts Film and the Philosophy of Action, của học giả hàng đầu Trương Kiến Đức, chuyên về phim võ thuật, là một điệp khúc hấp dẫn về cách phim võ thuật có thể làm sáng tỏ thế giới quan triết học Trung Quốc rộng lớn hơn.

Cả hai cuốn sách đều mở rộng sự hiểu biết về thể loại phim võ hiệp.

Planet Hong Kong

David Bordwell nổi tiếng trong giới điện ảnh Hồng Kông. Cuốn Planet Hong Kong năm 2000 của ông bao quát các chủ đề lịch sử điện ảnh, nhưng dành phần lớn các trang sách phân tích cách làm phim Hồng Kông.

Thư Kỳ vào vai sát thủ bí ẩn trong bộ phim võ thuật lấy bối cảnh đời Đường của Hầu Hiếu Hiền Nhiếp Ẩn Nương / The Assassin (2015), một trong sáu bộ phim được nghiên cứu trong cuốn sách mới của Trương Kiến Đức Chinese Martial Arts Film and the Philosophy of Action

Bordwell xem xét kỹ thuật quay phim và biên tập phim hành động Hồng Kông, và phân biệt cách thực hiện này khác với các cách làm phim ở nơi khác như thế nào. Ông cũng xem xét nhu cầu thương mại của ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông đã hình thành cách thức làm phim của các đạo diễn như thế nào.

Bất kỳ sinh viên làm phim nào muốn làm một bộ phim hành động theo phong cách Hồng Kông đều có thể học được rất nhiều điều từ cuốn sách của ông.

Tác phẩm của Bordwell thẳng thắn một cách lý thú. Ông nói, phim Hồng Kông khác là vì chúng khác. Ví dụ, biên tập cắt cảnh nhanh hơn so với phim của các quốc gia khác. Ông nói, việc biên tập cắt cảnh nhanh được đẩy mạnh vào những năm 1970 để thu hút sự chú ý của khán giả — mục đích chính của đạo diễn là giữ khán giả ngồi vào rạp trong các suất chiếu nửa đêm — và tiếp tục cắt cảnh nhanh hơn, ông nói.

Lý Tiểu Long trong một cảnh phim Tinh võ môn (1972)

“Vào đầu những năm 1990, trung bình bốn đến sáu giây mỗi cảnh quay là bình thường ở tất cả các thể loại,” ông viết. “Những cảnh hành động, vốn khó có thể nhanh hơn được nữa, đã làm được. Cuộc chiến đỉnh cao giữa Lý Tiểu Long và nhân vật phản diện người Nhật Bản trong Tinh võ môn ở mức 2,7 giây một cảnh quay, nhưng cảnh tương ứng trong bản kiểu như-làm lại Tinh võ anh hùng không chỉ kéo dài gấp ba lần mà thời lượng cảnh quay trung bình chỉ 1,6 giây.”

Bordwell cũng lưu ý một cách chính xác rằng nếu bạn xem phim ở Hồng Kông vào thời đó, chừng có vẻ còn nhanh hơn, vì người chiếu chạy phim không phải ở tốc độ 24 khung hình/giây mà ở tốc độ 26 khung hình/giây hoặc thậm chí 28 khung hình/giây để ép được nhiều suất chiếu hơn — điều mà người viết bài này có thể chứng thực!

Theo quan điểm của Bordwell, mục tiêu chính của điện ảnh Hồng Kông là giữ cho khán giả dán mắt vào màn hình bằng cách miêu tả thân thủ. Trong phim hành động Hồng Kông chỉ khi chết người ta mới không nhúc nhích — và có khi, không phải lúc nào chết là cũng nằm im.

Dương Thái Ni trong cảnh phim Thất kiếm năm 2005 của Từ Khắc

Thân thủ khiến người ta dán mắt, và không thèm sử dụng nhiều cận cảnh trong phim võ thuật chỉ để nỗ lực làm cho chuyển động nhanh hơn nữa, Bordwell viết trong cuốn sách đã được xuất bản bản tiếng Trung.

Phim võ thuật Trung Quốc và triết lý hành động

Trương Kiến Đức đã viết một tác phẩm về lịch sử điện ảnh Hồng Kông bằng tiếng Anh chuẩn, Hong Kong Cinema: The Extra Dimensions. Ông cũng đã viết nhiều về phim võ thuật, là tác giả của cuốn Chinese Martial Arts Cinema: The Wuxia Tradition, một lịch sử chi tiết về thể loại này.

Cuốn sách mới nhất của ông là diễn ngôn thanh thoát tuyệt đẹp về mối quan hệ giữa phim võ thuật và triết học truyền thống Trung Hoa.

Tác phẩm có khí chất tuyệt vời: không tìm cách phô trương các nhà làm phim võ thuật thấm nhuần triết học Trung Quốc như thế nào — ví dụ bằng kiến ​​thức về các nhà sư chùa Thiếu Lâm tỉ võ — mà cho thấy phim của họ có thể được sử dụng để minh họa các khía cạnh của triết học Trung Quốc như thế nào.

Ngô Kinh trong cảnh phim Chiến lang 2 (2017)

Trọng tâm kép về triết học cổ và điện ảnh của cuốn sách sẽ không dành cho tất cả mọi người, nhưng đây chắc chắn là một điểm độc đáo của thể loại này.

Học giả Trương chọn sáu bộ phim và sau đó triển khai cho thấy chúng có thể minh họa ý niệm của ba trường phái triết học lớn của Trung Hoa, Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo, và trường phái triết học ít được biết đến hơn như Mặc gia.

Ông làm cho cuốn sách trở nên sống động hơn với quyết định khôn ngoan sử dụng các bộ phim từ thế kỷ 21 làm ví dụ, thay vì các tác phẩm kinh điển được công nhận: Nhiếp Ẩn Nương của Hầu Hiếu Hiền, Vô ảnh của Trương Nghệ Mưu, Thất kiếm của Từ Khắc, Nhất đại tông sư của Vương Gia Vệ, Sư phụ cuối cùng của Từ Hạo Phong và Chiến lang 2 của Ngô Kinh.

Như những người hâm mộ phim võ thuật đều biết, có một mâu thuẫn ở trọng tâm của các phim võ hiệp: hiệp khách là những cao nhân muốn làm điều tốt, nhưng để làm điều tốt thì họ phải giết người và giết người thường bị coi là xấu. Các hiệp khách tuân thủ giá trị Nho giáo, nhưng phải vượt ra ngoài vòng khuôn phép sử dụng bạo lực để giữ gìn các giá trị Nho giáo.

Đặng Siêu trong một cảnh phim Vô ảnh năm 2018 của Trương Nghệ Mưu

Tham luận của Trương Kiến Đức về Nhiếp Ẩn Nương của Hầu Hiếu Hiền nói rằng bộ phim cung cấp một giải pháp theo kiểu kẻ giết người dần dần chuyển sang sử dụng các phương tiện phi bạo lực để đạt được mục tiêu của mình, lưu ý rằng nó thể hiện ý tưởng vô vi của Đạo giáo, tức "không làm gì".

Theo học giả Trương, quan trọng hơn, việc nhân vật nữ sát thủ của Thư Kỳ dần tỉnh ngô có thể được sử dụng để minh họa ba nền triết học chính: Nho giáo, Đạo giáo và cuối cùng là Phật giáo.

Tác giả cũng cảm thấy rằng Nhất đại tông sư của Vương Gia Vệ có thể được sử dụng để minh họa ý niệm vạn vật vô thường của Phật giáo. Ông cho rằng điều này được thể hiện qua mối quan hệ liên tục thay đổi giữa Diệp Vấn (Lương Triều Vỹ) và Cung Nhị (Chương Tử Di), nữ cao thủ Bát Quái Môn đã đánh bại anh trong một trận đấu tay đôi.

Chương Tử Di và Lương Triều Vỹ trong Nhất đại tông sư (2013)

“Trong Nhất đại tông sư, mối quan hệ trung tâm giữa Diệp Vấn và Cung Nhị nhắc lại lẽ vô thường,” học giả Trương viết, và nói thêm rằng “Vương Gia Vệ có thể được công nhận là một đạo diễn tác gia Phật giáo.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post