Tin tức

Bloodless - giải kịch bản phim VR xuất sắc của Venice - không khai thác yếu tố tội ác

21/09/2017

Liệu có thể tạo ra một tác phẩm nghệ thuật về một vụ giết người mà không miêu tả hành vi tàn bạo? Liệu có thể chuyển tải nỗi đau đớn của người phụ nữ bị hại mà không khai thác khía cạnh thân xác? Có những câu hỏi mà đạo diễn Gina Kim tự đặt ra cho mình trong việc sáng tạo bộ phim hiện thực ảo (VR) Bloodless.

Tác phẩm đã đoạt giải kịch bản xuất sắc hạng mục VR của Liên hoan phim quốc tế Venice vừa kết thúc. Bloodless tương đối không có máu. Tuy nhiên, phim làm máu đông lại, ở một mức độ khác hẳn, nhờ trải nghiệm VR.

Cảnh trong phim Bloodless

Ngay khi đeo vào bộ kính Galaxy Gear VR, khán giả được đưa đến thành phố Dongducheon, tỉnh Gyeonggi, nơi có doanh trại quân đội Mỹ. Thường dân Hàn đi lại. Lính Mỹ đi lại. Một phụ nữ, sặc sỡ và như bóng ma, đi qua, và đó là những giây phút cuối cùng của cuộc đời cô ấy chúng ta được thấy.

Một hành trình lặng lẽ nhưng chìm đắm đến mức sốc. Khán giả cảm thấy rất thực về những con phố vắng vẻ của khu vực đó, nhưng cũng cảm thấy vô dạng và bất lực, không thể kiểm soát bất cứ chuyện gì xảy ra. Đồng thời, khán giả lại được tự do, một quyền tự do không thể có được với phim 2D truyền thống: Chúng ta được tự do nhìn lan man lẫn chăm chú vào bất cứ khía cạnh nào trong môi trường 360 độ tùy chọn. Một cảm giác riêng tư rõ rệt cũng xuất hiện. Bị khóa vào thế giới thực tế ảo qua bộ nghe nhìn VR là một trải nghiệm cô đơn, không như cùng xem một phim trong một rạp chiếu.

“Mọi thông tin được cung cấp theo cách kết nối hết sức lỏng lẻo. Đó là chủ ý của tôi, để khán giả chìm đắm hoàn toàn. Đây là thị trấn có doanh trại quân đội. Tôi muốn thể hiện nó hấp dẫn và chán nản thế nào,” Gina Kim nói với The Korea Herald trong cuộc phỏng vấn tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại và đương đại ở Seoul, nơi có thể xem được bộ phim.

Cái buồn chán trống trải của thị trấn

Kết thúc 12 phút phim, khán giả đã chứng kiến vụ giết người dã man năm 1991 mà bộ phim tài liệu này dựa theo. Vụ án liên quan đến một lính Mỹ đóng quân ở Dongducheon đã cưỡng hiếp và giết hại dã man cô gái bán bar người Hàn Quốc, Yoon Keum Yi. Tin tức nhạy cảm về vụ giết người kinh hoàng này được truyền thông đưa hình ảnh cái xác trần truồng của nạn nhân nằm trong phòng, sũng máu, đầy những nhát đâm.

Hai ngày sau nghi phạm giết người bị cảnh sát Hàn Quốc bắt và chuyển giao cho giới chức Quân sự Mỹ đóng ở Hàn Quốc (USFK), theo Hiệp ước Quy chế quân sự giữa hai nước. Quần chúng phản ứng đòi đưa lính Mỹ đó xét xử ở Hàn Quốc, và cuối cùng tên này bị tòa án Hàn Quốc kết án 15 năm tù.

“Tôi đã tham gia cuộc biểu tình đó khi đang là sinh viên năm nhất,” Gina Kim nói, lúc đó cô đang theo học chuyên ngành nghệ thuật phương Tây tại Đại học Quốc gia Seoul National.

Nạn nhân Yoon Keum Yi được thể hiện trong phim với sự tôn trọng phẩm giá

“Mỗi lần tôi nhìn thấy cái xác bị cắt xẻo dã man của Yoon Keum Yi được đăng lại, tôi lại thấy thêm một lần nữa phẩm giá của cô ấy bị hủy hoại.”

Với biến cố ấy ăn sâu trong tâm trí, Gina Kim đã chật vật 25 năm tìm cách chuyển tải vấn đề chính trị và lịch sử của những lao động tình dục ở trị trấn lính Mỹ đóng quân thành một trải nghiệm cá nhân và cụ thể mà không khai thác.

“Nhưng tôi cứ nghĩ mãi việc không thể trình bày câu chuyện này trên phim mà không khai thác hình ảnh (của nạn nhân) và từ đó tái hiện bản chất bạo lực,” cô nói.

“Không có xác” và từ chối chi tiết máu me là ý tưởng cốt lõi cho Bloodless. Nhưng làm sao khiến người ta cảm nhận mà không thể hiện cái xác? “Phải bắt đầu từ nghịch lý đó,” Gina Kim nói.

Sau khi thiết kế cẩn thận, phim của Kim đã đạt được kỳ công đó một cách tài tình.

Con phố tối tăm trên phim Bloodless

Cái buồn chán của thị trấn, cái u uất của căn phòng khách sạn tồi tàn nơi tội ác xảy ra, cái kinh hoàng của vụ giết người, nỗi cô độc của nạn nhân phải được cảm nhận trong những giây phút cuối cùng cô tồn tại – chứ không phải khi cái xác trần truồng của người phụ nữ đó bị phơi bày. Không miêu tả bất cứ hành động tàn bạo nào.

Tuy phim xử lý những vụ án giết người và những sự kiện lịch sử thì nhan nhản, hầu hết có xu hướng không tránh khỏi yếu tố nhìn trộm bệnh hoạn, Kim lưu ý. Những câu chuyện bạo lực trong điện ảnh truyền thống thường kết thúc là những biến thể của sự giải trí.

“Nói ngắn gọn và thẳng thừng, thể hiện bất cứ gì cũng là khai thác. Nhưng vấn đề là, đâu là giới hạn? Đâu là thỏa hiệp?”

Sau khi phát hiện VR vài năm trước, Kim rất sửng sốt. Loại hình truyền thông chìm đắm này, cô cảm nhận, đảm bảo khán giả không còn là “người xem thụ động nữa, có thể tận hưởng niềm vui tò mò từ cảnh tượng trước mắt họ, từ xa.”

Gina Kim với giải Kịch bản phim VR xuất sắc dành cho Bloodless tại Liên hoan phim Venice lần thứ 74

Bloodless được quay với tám máy GoPro. Hình ảnh được chắp ráp với nhau bằng quy trình hậu kỳ đắt đỏ và tiên tiến. Dự án này được Venta VR, một nhà sản xuất nội dung video VR Hàn Quốc, và Dankook University Graduate School of Cinematic Contents, hỗ trợ.

VR đã nổi lên thành một loại hình truyền thông kể chuyện mới. Venice trở thành liên hoan phim đầu tiên trên thế giới tạo ra hạng mục cạnh tranh cho phim thực tế ảo. Thành phố này dành nguyên một hòn đảo cho các rạp chiếu VR hiện đại, mới xây. Liên hoan phim quốc tế Busan sắp tới cũng sẽ có các buổi chiếu phim VR.

Cho đến nay, các nhà làm phim đã tập trung vào khía cạnh “trải nghiệm” của VR, cho phép người xem được đưa vào một thế giới kỳ ảo của những trận đấu súng và đua xe hoạt hình. Tuy nhiên, với Gina Kim, VR là “một phương cách hoàn toàn mới để tạo ra sự cảm thông.”

“Rất nhiều người tập trung vào việc VR cho phép bạn trải nghiệm. Vấn đề tối hậu là, đến mức nào? Nó hấp dẫn, nhưng đến mức nào? Nếu không làm cẩn thận, trải nghiệm đó có thể rất tàn bạo, một sự buông thả của nhà sáng tạo. Tôi muốn làm ngược lại.”

Gina Kim trên trường quay

Sự cảm thông luôn nằm ở trọng tâm các tác phẩm của Kim - “cảm giác bị hất hủi” là điều đã đi đến định nghĩa con người cô, Kim nói.

Nhà làm phim 45 tuổi này lấy thạc sĩ về điện ảnh tại California Institute of the Arts và giảng dạy ở Khoa Nghiên cứu Môi trường và Thị giác của Đại học Harvard. Gina Kim, từng là thành viên giám khảo tại Venice, hiện là giáo sư về điện ảnh tại University of California, Los Angeles.

Trong thời gian ở Harvard, xung quanh hầu như toàn các giáo sư nam da trắng, Kim cảm nhận một sự hất hủi cùng cực. Hồi đó khoa của cô không có lấy một sinh viên Hàn.

“Có hai mặt trong chuyện này. Khi bạn nhận ra bạn khác hẳn với mọi người còn lại trong nhóm, cuối cùng, bạn từ bỏ ý niệm tìm cách khớp vào. Quan điểm đó có thể nuôi dưỡng và bồi bổ một nghệ sĩ.

Vera Farmiga (phải) và Ha Jung Woo trong phim Never Forever năm 2007 của Gina Kim

“Nhưng cũng có nhu cầu được hỗ trợ. Nếu bạn không làm cho nhóm người đó thực sự hiểu và truyền cảm hứng cho bạn, bạn sẽ trở nên rất đơn độc và khó khăn. Nhưng cuối cùng, tôi tin rằng người ta có quyền là chính mình, vượt ra khỏi những kỳ vọng của bất cứ ai.”

Mọi phim Kim đã làm đều là đồng sản xuất của hai hay nhiều nước, với diễn viên đủ quốc tịch.

Năm 1995, khi sang Mỹ, Kim quay Gina Kim’s Video Diary, giới thiệu một quan điểm về phụ nữ di dân hiện đại di chuyển giữa châu Á và nước Mỹ, được chiếu ở Liên hoan phim Berlin. Invisible Light (2003) theo dõi hành trình thể chất và tinh thần của hai người phụ nữ một Hàn và một Mỹ gốc Hàn. Never Forever (2007), xuất phẩm đồng sản xuất Mỹ-Hàn đầu tiên, sử dụng melodrama thông thường để nghiên cứu về giới tính, tình dục, chủng tộc và giai cấp.

Final Recipe (2013) là phim Thái-Hàn và là phim nói tiếng Anh đầu tiên do một đạo diễn châu Á làm với một dàn diễn viên toàn người Á.

Final Recipe

Những dự án phim xuyên quốc tịch đó được xem là mạo hiểm. Không chuyển tải được tiếng nói văn hóa nhất quán, các dự án ấy thường kết thúc thành mớ bòng bong và thất bại, không thể có liên hệ với bất kỳ khán giả ở quốc gia nào.

“Tôi nghĩ tối cùng, (những dự án phim đa quốc tịch) nên thu về một giọng – là giọng của đạo diễn,” Kim nói. “Là người thực sự hiểu ý nghĩa của sự đa dạng.”

Phim của Kim nhận được phản ứng đủ kiểu ở các nước khác nhau. Ở Hàn, Never Forever được xem là vượt lên thể loại melodrama thông thường. Ở Pháp, giới phê bình chú trọng vấn đề giai cấp hơn.

“Bạn không thể nói với những nhóm người khác nhau theo cùng một kiểu, có lẽ thế,” cô nói. “Nhưng có một sợi dây xuyên suốt phổ quát cộng hưởng với tất cả mọi người, dẫu bằng những cách khác nhau. Quan trọng là tìm ra nó. Và nó không thể bị làm giả được.”

Gina Kim tại rạp chiếu phim VR của Liên hoan phim Venice diễn ra từ 30/9 đến 9/9

Bloodless sẽ trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Busan, diễn ra từ ngày 12 đến 21/10.

Lược dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Herald