Tin tức

Các hãng phim Trung Quốc lên kế hoạch làm lại phim kung fu kinh điển bằng trí tuệ nhân tạo

02/07/2025

Các hãng phim và nghệ nhân Hollywood có thể đang mải đau đầu về tiềm năng AI sẽ có vai trò thích hợp nào trong ngành công nghiệp phim ảnh, nhưng các hãng phim Trung Quốc không chậm lại.

Lý Tiểu Long, Thành Long và Lý Liên Kiệt cùng vô số những người vĩ đại nhất mọi thời đại của điện ảnh võ thuật sắp được làm mới bằng AI.

Lý Liên Kiệt (thứ hai từ trái) phim Hoàng Phi Hồng của Từ Khắc [Nguồn: Golden Harvest]

Trong một thông báo mang tính thời đại tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải vừa rồi, một nhóm các hãng phim Trung Quốc đã tiết lộ họ đang chuyển sang AI để tái hiện khoảng 100 tác phẩm kinh điển của thể loại này.

Tác phẩm kinh điển Tinh võ môn / Fist of Fury (1972) của Lý Tiểu Long, tác phẩm đột phá Túy quyền (1978) của Thành Long và sử thi Hoàng Phi Hồng (1991) do Từ Khắc đạo diễn, tác phẩm đã đưa Lý Liên Kiệt lên hàng minh tinh điện ảnh, nằm trong số các tác phẩm được chuẩn bị để xử lý, thuộc “Dự án phục chế AI 100 tác phẩm kinh điển của Dự án di sản phim Kung Fu.”

Cũng sẽ có một bản làm lại kỹ thuật số bộ phim kinh điển Bản sắc anh hùng (1986) của Ngô Vũ Sâm, theo như giới thiệu, bộ phim biến nhân vật phản anh hùng đốt tiền do Châu Nhuận Phát thủ vai trong bản gốc thành người máy, và được tuyên bố là “phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới được sản xuất bằng AI, toàn bộ quy trình.”

Lý Tiểu Long trong Tinh võ môn (1972)

Những đại pháo của ngành công nghiệp Trung Quốc cũng có mặt bên lề Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần thứ 27 để đưa ra thông báo.

Do chủ tịch China Film Foundation Trương Phi Dân dẫn dắt, ông cho biết xử lý những “kho báu lịch sử thẩm mỹ” này bằng AI sẽ mang đến diện mạo mới “phù hợp với cách xem phim đương đại.”

“Đây không chỉ là di sản điện ảnh mà còn là khám phá táo bạo về phát triển sáng tạo của nghệ thuật điện ảnh,” Trương Phi Dân nói.

Trong khi đó, Điền Minh, chủ tịch của các đối tác dự án Shanghai Canxing Culture and Media, đã hứa rằng công việc — dự kiến bao gồm nâng cấp hình ảnh và âm thanh cũng như mức độ tổng thể của xuất phẩm — trong khi vẫn giữ nguyên cốt truyện và tính thẩm mỹ của bản gốc — sẽ vừa “tôn vinh nguyên tác” vừa “định hình lại thẩm mỹ thị giác.”

Cũng sẽ có bản làm lại kỹ thuật số bộ phim kinh điển Bản sắc anh hùng (1986) của Ngô Vũ Sâm, biến nhân vật phản anh hùng đốt tiền do Châu Nhuận Phát thủ vai (ảnh) trong bản gốc thành người máy, và được tuyên bố là “phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới được sản xuất bằng AI, toàn bộ quy trình”

“Chúng tôi chân thành mời các công ty hoạt hình AI hàng đầu thế giới cùng nhau bắt đầu cuộc cách mạng điện ảnh phá vỡ truyền thống đó,” Điền Minh nói, ông đã công bố một quỹ trị giá 100 triệu nhân dân tệ (13,9 triệu đôla) sẽ được triển khai để khởi động công việc.

Các đối tác dự án còn có Quỹ đặc biệt phát triển đô thị và điện ảnh của China Film Foundation và Quantum Animation, hãng phim đứng sau A Better Tomorrow: Cyber Frontier.

Những tiến bộ AI đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi tại liên hoan phim lớn nhất Trung Quốc, bắt đầu vào đêm khai mạc bằng một đoạn video dựng phim kết hợp hình ảnh được tạo ra bằng AI vào các cảnh trong những bộ phim kinh điển như phim kinh điển Roman Holiday của Audrey Hepburn-Gregory Peck.

Thành Long (phải) trong Túy quyền (1978)

Các nhà lãnh đạo đất nước đã nhanh chóng ủng hộ công nghệ mới nổi. Vào ngày 10 tháng 7 năm 2023, Cục Quản lý Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc cùng một số cơ quan khác đã đưa ra một bộ hướng dẫn chính thức có tiêu đề “Các biện pháp tạm thời để quản lý các dịch vụ trí tuệ nhân tạo tạo ra”, trước khi ban hành hướng dẫn tiếp theo — “Các biện pháp để xác định nội dung tổng hợp do trí tuệ nhân tạo tạo ra” — vào tháng 3 năm nay. Các cơ quan cho biết động thái này sẽ “thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và có trật tự của trí tuệ nhân tạo.”

Trịnh Tuyết Liên, tổng thư ký của Liên minh đầu tư ngành khoa học viễn tưởng Trung Quốc, đã tham gia vào nhóm chấp thuận chính thức cho sáng kiến này.

Các đối tác đứng sau “Dự án phục hồi AI 100 tác phẩm kinh điển của Dự án di sản phim Kung Fu” tại Liên hoan phim Thượng Hải 2025

“[Dự án] cho chúng ta thấy khả năng vô hạn để kết hợp văn hóa truyền thống và công nghệ tương lai, cũng như hướng phát triển trong tương lai của phim ảnh và truyền hình kinh điển truyền thống, đó là sử dụng thế hệ khoa học và công nghệ mới làm điểm tựa để cho phép thế giới trải nghiệm tốt hơn nét quyến rũ và sức sống truyền thống của văn hóa Trung Quốc,” bà Trịnh nói.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter