Biên kịch Cao Tuyền đã viết trên blog mạng của cô: “Bởi vì chúng tôi
viết một số phần của kịch bản, tên của chúng tôi đáng lẽ cũng phải được
đưa vào danh sách tác giả kịch bản.”
Triệu Thị cô nhi, tác phẩm chuyển thể từ vở kịch thời Nguyên
(1206-1368) là câu chuyện về một vị đại phu đã hy sinh con trai của
chính mình để cứu đứa con duy nhất của Triệu gia sau khi gia đình họ bị
thảm sát bởi một viên tướng, và giúp đứa trẻ tìm cách trả thù khi cậu
lớn lên.
Cao Tuyền cho biết cô và Nhậm Bảo Như được đạo diễn
Trần mời tới viết kịch bản vào năm 2008. Họ ngừng lại sau khi hoàn thành
nửa đầu kịch bản vào tháng 7/2009 bởi vì đạo diễn Trần đã thay đổi sự
phát triển của kịch bản.
Hai biên kịch Cao Tuyền và Nhậm Bảo Như khiếu nại về quyền tác giả của họ
trong kịch bản Triệu Thị cô nhi
Cao Tuyền và Nhậm Bảo Như, hai tác giả
kịch bản nữ nổi tiếng, cũng đã cộng tác viết kịch bản một số bộ phim
truyền hình nổi tiếng như Farewell Vancouver (Tạm biệt Vancouver) và My Youth Who Call the Shots (tên tiếng Việt: Tuổi thanh xuân).
Tại
buổi chiếu ra mắt vào ngày 4/12, Cao Tuyền và Nhậm Bảo Như thấy tên họ
được liệt kê là “người viết giai đoạn đầu” trong phần ghi danh trong khi
Trần Khải Ca được ghi nhận là tác giả kịch bản duy nhất.
“Thật
là một sự sáng tạo! Chúng tôi chưa từng nghe thấy thứ gì như là ‘người
viết giai đoạn đầu’,” Cao Tuyền viết. “Đó đơn giản chỉ là một sự chối bỏ
thô bạo quyền tác giả của chúng tôi.”
Nhà sản xuất, Trần Hồng,
vợ Trần Khải Ca, tranh luận là Cao Tuyền và Nhậm Bảo Như không nên được
công nhận là tác giả kịch bản bởi vì họ không hoàn thành kịch bản và
việc chứng nhận là “người viết giai đoạn đầu” cũng đã được các luật sư
đồng ý.
Trần Khải Ca, đạo diễn Trung Quốc nhận được sự vinh
danh quốc tế, nổi tiếng là bậc thầy trong việc tiếp cận các bộ phim với
tầm nhìn triết lý và trí tuệ.
Bộ phim năm 1993 của đạo diễn Trần Bá Vương biệt Cơ
nói về mối quan hệ đồng tính giữa hai ngôi sao kinh kịch, đã giành giải
Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes và nhận được hai đề cử Oscar.
Vị thế ngày càng suy giảm
“Gian
lận về quyền tác giả đã cho phép các đạo diễn hầu như nắm quyền kiểm
soát toàn bộ việc làm phim và đẩy các tác giả xuống một địa vị thấp
kém,” lời phàn nàn của Cao Tuyền đã nhận được sự hưởng ứng từ các đồng
nghiệp.
“Quyền lợi của các biên kịch thường bị đạo diễn và nhà
sản xuất chà đạp,” biên kịch Wang Xingdong cho biết. “Những khoản tiền
công không được trả, quyền tác giả bị tước đoạt và nạn đạo văn không
phải là hiếm gặp đối với các biên kịch.”
Giáo sư Fan Zhizhong của
trường Đại học Triết Giang cho rằng lời khiếu nại của các tác giả kịch
bản là cực điểm của một xu hướng đã tồn tại lâu trong ngành công nghiệp
điện ảnh: “Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đã bị gắn chặt với một
kiểu văn hóa coi trọng các hiệu ứng hình ảnh hơn là lời dẫn chuyện, kể
từ thập kỷ 80, điều này ở một mức độ nào đó đã dẫn tới việc địa vị của
các nhà biên kịch bị suy giảm.”
Tuy nhiên, các tác giả cho biết điều này cũng liên quan tới sinh kế của họ.
Một
tác giả từ chối cho biết danh tính phát biểu: “Hầu hết các biên kịch
của Trung Quốc đều bị trả công cực kỳ ít ỏi. Khoản tiền trả cho rất
nhiều tác giả chỉ từ ba đến năm phần trăm ngân sách bộ phim, ít hơn
nhiều so với đạo diễn và các diễn viên chính.”
“Khoản tiền chúng tôi được chia vô cùng thiếu cân xứng với đóng góp chúng tôi bỏ ra.”
Tuy
nhiên, một số ít các tác giả ưu tú không nằm trong trường hợp của những
lời khiếu nại này, kiếm được “những khoản tiền hậu hĩnh” cho tác phẩm
của họ, theo như lời biên kịch Pan Yichen.
“Có một sự bất công lớn giữa khoản tiền kiếm được cũng như địa vị của những người nổi tiếng và kẻ vô danh.”
Và một số đạo diễn vẫn sẵn lòng lắng nghe gợi ý của các tác giả và ghi nhận đóng góp của họ.”
Sợ bị báo thù
Những lời khiếu nại dành cho đạo diễn Trần Khải Ca là một phần
trong thực trạng kéo dài của ngành công nghiệp điện ảnh
Rất nhiều người cho rằng những thất vọng mà các tác giả phải chịu là do thiếu vắng các đạo luật và quy định.
Đạo
diễn Thôi Linh Yến cho biết Hollywood đã có một bản nguyên tắc và quy
định liên quan đến chuyện đến chuyện chú thích bản quyền được liệt kê
trong Sổ tay ghi danh trên màn ảnh.
Các biên kịch luôn có thể
viện tới Hiệp hội tác giả Mỹ, một tổ chức của các nhà biên kịch, nếu họ
cảm thấy quyền lợi của họ bị xâm phạm.
Đạo diễn Thôi cho biết:
“Tuy nhiên tại Trung Quốc, chúng ta không có những nguyên tắc hoặc quy
định như vậy hay bất kỳ tổ chức chuyên biệt nào để bảo vệ quyền lợi của
các nhà biên kịch.”
“Chúng tôi phải giữ mối quan hệ tốt với các
nhà sản xuất và các đạo diễn để đảm bảo hợp đồng của chúng tôi được thực
hiện suôn sẻ,” Cao Tuyền cho biết.
“Rất nhiều biên kịch giữ im
lặng về việc bị ngược đãi vì sợ gặp phải sự trả thù,” một nhà biên kịch
giấu tên cho biết. “Một khi bạn đã đứng lên lên tiếng về sự bất mãn của
mình với các đạo diễn và nhà sản xuất, rất có khả năng bạn sẽ bị liệt
vào danh sách đen và do đó mà phải đối mặt với một tương lai còn ảm đạm
hơn.”
Cao Tuyền cho rằng: “Vấn đề sẽ không thể được giải quyết
bằng việc các tác giả kịch bản gây chiến với đạo diễn và nhà sản xuất.
Giải pháp là sự thiết lập các luật lệ và quy định để quy định quyền lợi
và nghĩa vụ của các nhà biên kịch.”
Ding Baode, một nhà biên kịch
tới từ Thượng Hải cho rằng vấn đề này đồng thời có thể ảnh hưởng tới sự
phát triển và vận mệnh của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc: “Bằng
cách bảo vệ quyền lợi của các biên kịch, chúng ta có thể đem lại sức
sáng tạo lớn hơn cho ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc.”
“Căn
bệnh của rất nhiều bộ phim Trung Quốc là những lời thuyết minh chất
lượng thấp và thiếu đi cốt truyện sáng tạo, điều này có liên quan nhiều
thái độ đối xử khinh miệt dành cho các nhà biên kịch.”
“Cách đối
xử bằng việc tước đi của họ sự ghi danh mà họ xứng đáng được nhận đã đè
nén sức sáng tạo và đam mê của họ. Chỉ có cách mang lại cho họ sự tôn
trọng và trả công họ xứng đáng thì chúng ta mới có thể trông đợi vào
nhiều kiệt tác hơn trên màn ảnh.”
Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Tân Hoa xã