Tin tức

Nỗ lực hết mình để viên đạn được bay

30/01/2011

Người đàn ông mà tạp chí Time gọi là đạo diễn dũng cảm nhất đất nước đã làm vỏn vẹn có bốn phim trong vòng 17 năm, nhưng mỗi bộ phim là một tác phẩm được xây dựng một cách cẩn thận, đánh dấu một cột mốc trong nền điện ảnh Trung Quốc.

Giữa rất nhiều câu thoại khó quên trong Let the Bullets Fly (Nhượng tử đạn phi), bộ phim mới của đạo diễn Khương Văn là câu nói này: “Ai nói một người phải quỳ gối để kiếm tiền? Tôi kiếm tiền mà vẫn có thể đứng thẳng!” “Ai mà không muốn làm như vậy ?” – vị đạo diễn 47 tuổi này phát biểu với China Daily khi được hỏi liệu dòng thoại đó có phản ánh niềm tin của bản thân ông hay không.

Tạp chí Time đã gọi đạo diễn Khương là “nam diễn viên cộc cằn và đạo diễn táo bạo nhất Trung Quốc”. Ông chỉ làm có bốn phim trong vòng 17 năm, nhưng mỗi bộ phim đều được công nhận là một cột mốc trong nền điện ảnh Trung Hoa. Ở tuổi 31, tác phẩm đạo diễn đầu tiên của Khương Văn, In the Heat of the Sun (Ngày mặt trời tỏa rạng), lấy bối cảnh “cuộc cách mạng văn hóa” (1966-76), là một trong những bộ phim được theo dõi và bàn luận nhiều nhất ở Trung Quốc năm 1994 và được bình chọn là một trong số 100 bộ phim Trung Quốc xuất sắc nhất thế kỷ bởi tạp chí Asia Weekly.

Bộ phim thứ hai của ông Devils on the Doorstep với đầy nét hài hước châm biếm kể về cuộc kháng chiến chống quân Nhật xâm lược (1937-45) và giành Giải thưởng Lớn tại Liên hoan phim Cannes 2000. Tác phẩm gây tranh cãi The Sun also Rises (Mặt trời lại mọc) năm 2007 một lần nữa chứng minh tài năng xuất chúng của ông với lối kể chuyện độc đáo và sự sáng tạo không giới hạn của bộ phim.

Với tư cách một diễn viên, Khương Văn từng được phong là Marlon Brando của Trung Quốc vì lối diễn xuất mạnh mẽ trong những bộ phim như Cao lương đỏ của Trương Nghệ Mưu; là một đạo diễn ông thường được nhắc tới như là Quentin Tarantino nội địa – một thiên tài sáng tạo đã nhận được sự ca ngợi từ cả giới phê bình và công chúng.


Poster bộ phim mới nhất của Khương Văn: Nhượng tử đạn phi

Tất cả các tác phẩm của Khương Văn đều mang phong cách riêng biệt của ông: nam tính, sâu sắc và giàu trí tưởng tượng.

Và điều đó cũng đúng với Nhượng tử đạn phi – bộ phim dài 132 phút sẽ ra mắt vào ngày 16/12. Bộ phim sẽ giữ lại nhiều nét trong Inglourious Basterds của Tarantino nhưng có một chút của tất cả mọi thứ: nét hài hước mỉa mai, những trò cười vui nhộn, chính trị và chủ nghĩa băng đảng. Sự pha trộn đậm đặc này chưa từng thấy trong điện ảnh đại lục.

Lấy ví dụ cảnh mở đầu: một đoàn tàu đang lao ầm ầm về phía trước, nhưng khói đang bốc lên từ một chiếc nồi hơi khổng lồ bên trong. Vài con ngựa trắng đang kéo đoàn tàu, trong đó có ba người ngồi quanh chiếc nồi hơi, quất lên những nhịp điệu kỳ cục. Một tên cướp đứng trên đỉnh núi ngắm bắn dọc đường ray nhưng đoàn tàu không dừng lại. “Hãy để viên đạn bay”, hắn nói. Vài giây sau đoàn tàu lao đầu xuống sông – và hắn ở lại bắn vào dây cương của mấy con ngựa.

Giải thích lý do của việc sử dụng ngựa cho cảnh quay này, Khương Văn nhấn mạnh rằng điện ảnh phải ấn tượng và hoành tráng. Nếu không thì làm phim để làm gì, ông nói.

“Những bộ phim của tôi là rượu, không phải nước lã,” ông từng nói: “Chỉ khi một số trở nên quá mạnh, chúng sẽ trở thành ethanol.”

Một ví dụ là The Sun also Rises, bộ phim mới nhất của ông thực hiện với kinh phí 80 triệu nhân dân tệ (11.8 triệu USD) nhưng chỉ thu về 30 triệu nhân dân tệ. Mặc dù các nhà phê bình rất hoan nghênh bộ phim nhưng rất ít khán giả có thể hiểu được những tưởng tượng bay bổng trong câu chuyện trần thuật gồm bốn phần lấy bối cảnh Trung Quốc những năm 1950-70 nói về điều gì.

Nhưng Khương Văn sẽ không thừa nhận bất kỳ nỗi thất vọng nào về thất bại phòng vé của bộ phim.

The Sun also Rises không phải được làm để hiểu mà để lay động khán giả,” ông cho biết: “Không phải thiên nhiên thường làm các bạn cảm động sao? Bạn có thấu hiểu tự nhiên không ? Bạn cảm động khi vợ bạn sinh hạ một đứa con, nhưng bạn có hiểu điều đó không?”

Nhượng tử đạn phi thì khác. Huỳnh Thụ Sinh, người đóng vai chính trong The Sun also Rises, nói rằng Khương Văn muốn chứng tỏ ông cũng có thể làm được một bộ phim có thể hiểu được và có lợi nhuận. Bản thân đạo diễn Khương tóm tắt bộ phim như phiên bản hiện đại của trận chiến của Robin Hood với tên côn đồ trong thị trấn.

“Lần này sẽ không khó hiểu đâu,” – đạo diễn Khương đùa, nhưng tiếp tục nói một cách nghiêm túc hơn: “Nhưng việc một bộ phim có dễ hiểu hay không không ảnh hưởng gì tới sức mạnh của bộ phim đó.”

Ông đã rất cố gắng để biến Nhượng tử đạn phi thành một bộ phim dễ tiếp cận với hầu hết khán giả, vật lộn với 30 bản thảo kịch bản và thậm chí còn cố gắng hơn nữa để đảm bảo đây là một bộ phim đầy sức thuyết phục.

Là một người cầu toàn, ông vẫn còn đang trong xưởng phim bận rộn với việc phối âm cho bộ phim một giờ trước buổi lễ tuyên truyền ở Bắc Kinh ngày 6/12. Một số nhà báo thậm chí đã bỏ đi khi ông tới.


Đạo diễn Khương Văn nổi tiếng với sự cầu toàn trong từng tác phẩm của mình

“Làm sao tôi có thể cho các bạn xem phim khi bộ phim đó không hoàn hảo?” ông giải thích lý do tại sao ông lại đến muộn trong buổi tuyên truyền bộ phim của chính mình.

Ông nổi danh với việc luôn đảm bảo cho mọi cảnh quay phải đúng như những gì ông mong đợi, cho dù vượt quá thời gian hay ngân sách.

Ông cho biết: “Nhà sản xuất của tôi thường bảo tôi 70% là được rồi. Tôi muốn làm theo lời ông ấy, nhưng tôi thực sự băn khoăn, 70% là cái gì? Điều duy nhất tôi có thể làm là không để sót lỗi nào.”

Khi thực hiện In the Heat of the Sun ông đã sơn một cột ống khói cao 30 mét nửa xám nửa đỏ. Để thực hiện The Sun also Rises, ông sử dụng hàng trăm con chim và nhuộm lông chúng theo màu mà ông mong muốn .

Trong Nhượng tử đạn phi, trong một cảnh ba diễn viên chính: Châu Nhuận Phát, Cát Ưu và ông tranh cãi tại bàn tiệc, ông đưa vào ba chiếc máy quay đặc biệt từ Mỹ và việc này chiếm mất một phần năm ngân sách bộ phim. Và để làm một con đường mà ông nghĩ là thành phố trong bộ phim nên có, ông đã vận chuyển hàng tấn đất đỏ từ tỉnh Vân Nam qua quãng đường 1500km tới trường quay ở Quảng Châu.

“Ông ấy muốn mọi thứ hoàn hảo,” – người phụ trách thu âm Wu Ling cho biết: “Nếu không có hạn chót cho buổi khởi chiếu, ông ấy sẽ biên tập đi biên tập lại, dù khán giả không để ý thấy bất cứ khác biệt nào. Ví dụ, tiếng tát một nhân vật thường được thực hiện bằng cách đánh vào cánh tay, nhưng ông ấy sẽ không làm thế. Cứ nhìn vào mặt diễn viên mà xem, mặt anh ta đỏ hết cả lên.”

Khương Văn không thích nói về chuyện phòng vé. Một đạo diễn không nên quan tâm quá nhiều đến tiền bạc, ông đã tuyên bố như thế khi thực hiện Devils cách đây mười năm. Vào năm 2007, khi một số nhà báo bảo ông là khán giả thấy cốt truyện của The Sun also Rises khó hiểu, việc này sẽ làm tổn hại đến doanh thu phòng vé, ông nói: “Hãy xem lại lần nữa.”

Ông tiếp tục tin rằng mình có thể kiếm tiền mà không cần uốn gối thỏa hiệp.

“Tôi không biết cách bán một bộ phim,” ông nói: “Tôi chỉ biết cách làm một bộ phim hay.”

Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily