Bước vào năm thứ 16, CineAsia kết thúc vào đêm thứ năm 9/12 sau khi diễn ra ở Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hồng Kông từ 7-9/12. Ba đại diện của Trung Quốc được trao tặng các giải thưởng cao quý.
Tiết Hiểu Lộ nhận giải "Tài năng đang nổi"
Tiết Hiểu Lộ, nhà biên kịch chuyển làm đạo diễn từng đoạt giải thưởng người Trung Quốc, sẽ nhận giải thưởng khai mạc “Tài năng đang nổi của năm” tại triển lãm thương mại dành cho các nhà phân phối và chủ rạp chiếu bóng của CineAsia.
Tác phẩm đạo diễn đầu tay của Tiết Hiểu Lộ là Ocean’s Heaven (Thiên đường của đại dương), với Lý Liên Kiệt trong vai một người cha bị bệnh nan y cố gắng tìm người chăm sóc cho cậu con trai bị tự kỷ của mình, là tác phẩm khai mạc Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải vào tháng 6.
Bộ phim củng cố thêm vào sự tự tin Tiết Hiểu Lộ có được khi chiến thắng cuộc thi về biên kịch do Hiệp đoàn Điện ảnh hỗ trợ vào năm 2006.
“Tiết Hiểu Lộ là một ví dụ điển hình cho các đạo diễn và biên kịch đang lên, những người này sẽ chiếm giữ vũ đài trung tâm trong sự phát triển của ngành điện ảnh đang đâm chồi nẩy lộc của đất nước,” theo lời Mike Ellis, chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là giám đốc điều hành Hiệp hội Điện ảnh (MPA). “MPA chúng tôi rất tự hào về Tiết Hiểu Lộ và vì có mối liên hệ đặc biệt với chị. Chúng tôi rất vui mừng được ở đây chúc mừng cho chị.”
Nữ biên kịch/đạo diễn Tiết Hiểu Lộ
Ocean’s Heaven, do Tiết Hiểu Lộ viết kịch bản và đạo diễn, đã được các nhà phê bình khen ngợi, bộ phim xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân của chị khi làm tình nguyện giúp trẻ em tự kỷ ở Trung Quốc từ năm 1994 cùng với mạng lưới quốc gia Starry Rain (Mưa Sao) gồm phụ huynh của trẻ bị tự kỷ.
“Tôi rất vinh dự khi được nhận giải thưởng nay,” Tiết Hiểu Lộ nói. “Tôi muốn cảm ơn CineAsia vì đã công nhận tôi và cảm ơn MPA vì đã hỗ trợ cho các nhà làm phim trẻ, có triển vọng trong khu vực. Chính sự khích lệ nhiệt tình này đã khiến việc làm phim trở thành một niềm vui lớn lao hơn cả.”
Nói thêm rằng chị rất hài lòng khi thấy phim của mình giúp gia tăng sự chú ý của công chúng về bệnh tự kỷ, Tiết Hiểu Lộ chia sẻ: “Giống như công việc tình nguyện của tôi vậy, tôi hy vọng thông qua một ít nỗ lực, chúng ta có thể cùng nhau tạo nên sự khác biệt để đời cho trẻ em mắc phải căn bệnh này.”
“Thật là một niềm vinh dự to lớn khi chào đón Tiết Hiểu Lộ như một nghệ sĩ duy nhất có tài năng trải rộng, xứng đáng được tuyên dương và công nhận. Chúng tôi rất vui mừng công nhận Tiết Hiểu Lộ khi chị mở rộng phạm vi sáng tạo sang lĩnh vực đạo diễn, và chúng tôi trông chờ được xem nhiều tác phẩm khác của chị trong tương lai.”
Gần đây Tiết Hiểu Lộ là giáo sư cộng tác với Khoa Văn học Điện ảnh của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, và cũng trực thuộc một số hiệp hội nghệ sĩ có uy tín, bao gồm Hiệp hội Tác giả Trung Quốc, Hội Nghệ sĩ Điện ảnh Trung Quốc và Hội Nghệ sĩ Truyền hình Trung Quốc.
Trước khi làm đạo diễn, Tiết Hiểu Lộ đã viết một lượng lớn kịch bản phim điện ảnh và phim truyền hình, gồm chín bộ phim điện ảnh đã được ra rạp và hơn 180 tập phim truyền hình, cùng nhiều phim tài liệu và tiểu thuyết khác. Nhiều tác phẩm của chị đã giành được các giải thưởng quốc gia cũng như quốc tế, CineAsia cho biết.
CineAsia khép lại với giải thưởng “Thập kỷ” cho Chương Tử Di và Phùng Tiểu Cương
Chương Tử Di
Mười một năm sau khi giành giải Ngôi sao ngày mai của CineAsia, Chương Tử Di, Nữ diễn viên của Thập kỷ 2010 của CineAsia chia sẻ với khách mời tại hội nghị thường niên dành cho chủ rạp phim và nhà phân phối trong khu vực rằng cô rất tự hào được gặp gỡ những người đã góp phần chiếu sáng công việc của cô.
“Năm 1999, giải thưởng của CineAsia là nguồn động viên lớn nhất tôi từng nhận được. Giờ đây, những kỷ niệm lại đang hiện ra trước mắt tôi,” trích lời nữ diễn viên nổi tiếng vượt cả ngoài Trung Quốc nhờ vai diễn trong bộ phim ăn khách của Lý An năm 2000, Ngọa hổ tàng long. “Nhiều thứ đã thay đồi, nhưng niềm đam mê và sự hiếu kỳ đối với bản chất của các nhân vật tôi đóng vẫn còn đó.”
Trong chiếc đầm dài màu đỏ và đen và mái tóc đen nhánh buộc cao phía sau, Chương Tử Di trò chuyện với cả khán phòng đầy những người hâm mộ đến từ bộ phận ít thu hút nhất của ngành điện ảnh – những người mua bán máy chiếu, màn ảnh, máy làm bắp rang và chỗ ngồi xem phim – “Tôi muốn cảm ơn mọi người vì tất cả các bạn đều đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa phim điện ảnh ra thế giới.”
Chương trình thu hút hơn 1.000 khách mời từ các xưởng phim Hollywood, nhà sản xuất thiết bị toàn cầu và các nhà phân phối khu vực và chuỗi rạp chiếu đến với Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hồng Kông trong ba ngày làm việc, chủ yếu để nói về doanh thu phòng vé đang nở rộ của Trung Quốc, đạt 86% chỉ trong vòng nửa đầu năm nay.
Đạo diễn Phùng Tiểu Cương
Phần lớn thành công đó là nhờ Aftershock (Đường Sơn đại địa chấn) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương. Trong bài phát biểu ngắn gọn và dễ mến khi nhận giải Nhà làm phim của thập kỷ – do nhà sản xuất lâu năm của Media Asia Hồng Kông Lâm Kiến Nhạc trao tặng – Phùng Tiểu Cương đã khiến cả khán phòng cười lớn.
Phùng Tiểu Cương tháo chiếc mũ bóng chày đen quen thuộc khỏi đầu, nói với khán giả quốc tế bằng tiếng Anh một cách đơn giản với nụ cười hết cỡ không thường thấy ở ông: “Tận hưởng việc quay phim. Cảm ơn ông chủ của tôi. Hãy tiếp tục cho tiền. Cảm ơn. Tạm biệt.”
Đạo diễn Phùng có khá nhiều chuyện vui. Đường Sơn đại địa chấn đã thu về hơn 660 triệu nhân dân tệ (100 triệu USD) trong năm nay ở Trung Quốc, trở thành bộ phim trong nước thành công nhất mọi thời đại của nước nhà.
Một phần thành công của Phùng Tiểu Cương và thành công của các xưởng phim Hollywood – với các tác phẩm như Avatar (có tổng doanh thu ở Trung Quốc đạt 207 triệu USD trong năm nay) hoàn toàn nhờ vào khách mời ở khán phòng này và bằng chứng là quyết toán thu chi của những công ty như Harkness, một trong những nhà sản xuất màn hình phim chiếu rạp lớn nhất ở Mỹ.
“Chúng tôi không ngờ đơn đặt hàng của Trung Quốc lại nhiều như vậy,” đại diện của Harkness Bắc Kinh Allan Xing nói với The Hollywood Reporter vào cuối buổi tiệc rượu. “Chúng tôi đang mở rộng qui mô nhà xưởng ở Bắc Kinh và sẽ chuyển từ sản xuất màn chiếu trắng mờ sang màn bạc vào năm sau.”
Ông Xing cho biết, Harkness đã bán ra 600 màn chiếu phim chuyên dụng ở Trung Quốc vào năm 2010, con số giờ đây chiếm hơn nửa thị phần trong số các rạp chiếu Trung Quốc sử dụng các thiết bị tốt nhất. Số lượng 6.000 phòng chiếu phim của nước này hiện nay được trông đợi sẽ tăng gấp đôi với sự hỗ trợ của nhà nước và các chuyên viên bất động sản trong vòng vài năm tới. Chưa kể nhiều rạp trong số đó vẫn chưa thể đáp ứng con số đầu tư 40.000 nhân dân tệ cho một phòng chiếu phim chuyên nghiệp, ông Xing nói. “Tin tốt là họ sẽ tháo bỏ màn chiếu rẻ tiền và thay thế nó trong một năm khi doanh thu phòng vé cao hơn nữa.”
CineAsia do công ty Prometheus – chủ nhân trang The Hollywood Reporter – sở hữu.
Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter