Tin tức

Triệu Thị cô nhi của Trần Khải Ca: chất lượng nghệ thuật, đạo đức và danh tiếng

30/01/2011

Hai năm sau bộ phim cuối cùng của ông là Mai Lan Phương, đạo diễn Trần Khải Ca đã trở lại với tác phẩm cổ trang Triệu thị cô nhi – tác phẩm chuyển thể từ tích truyện Triệu thị cô nhi của Trung Quốc với một cách xử lý tình tiết hiện đại.

Được công chiếu từ ngày 4/12, Triệu thị cô nhi kể về một người đàn ông đã hy sinh chính con đẻ của mình để cứu sống hàng trăm đứa trẻ sơ sinh khác, đặc biệt là con của sư phụ ông. Đây là một tác phẩm cổ trang khác của Trần Khải Ca sau Bá Vương Biệt Cơ (1993), The Emperor and the Assassin (Kinh Kha ám sát Tần Vương - 1999) và Mai Lan Phương (2008).

Poster phim

“Câu chuyện Triệu thị cô nhi có những xung đột mạnh mẽ và đẩy kịch tính lên cao độ - giữa vua với tướng quân, sư phụ với đệ tử, cha đỡ đầu với con đỡ đầu và giữa cha với con, những mâu thuẫn này rất quý giá đối với những bộ phim chuyển thể,” đạo diễn Trần Khải Ca đã nói tại một sự kiện quảng bá bộ phim gần đây. “Nhưng quan trọng hơn là tôi muốn được chia sẻ một câu chuyện thật hay.”

Theo lời đạo diễn Trần, giữ nguyên cốt truyện cổ điển sát với nguyên tác nhất có thể trong khi thêm vào những phân tích và sự thấu hiểu từ góc nhìn hiện đại là một cách làm hay. Ông nói, “Cũng giống như khi chuyển thể các tác phẩm của Shakespeare, bạn sẽ không bao giờ thất bại nếu bạn chuyển thể nội dung sát với nguyên tác nhất.”

Ông nói thêm rằng, “Tất nhiên, tôi cần phải đưa ra được một tác phẩm chuyển thể hiện đại hơn, chúng ta đang sống trong thời kỳ rất coi trọng những giá trị bình thường của con người trước khi tôn trọng những người anh hùng và tôn thờ họ.”

“Trước kia Triệu thị cô nhi từng được chuyển thể sang tác phẩm kinh kịch trong đó Trình Anh (người cha) đã hy sinh đứa con mới chào đời của mình mà không có một chút do dự. Điều này không phải là điều mà mọi người thường làm và nó đi ngược với tính nhân đạo,” ông giải thích.

Trình Anh đã hy sinh con đẻ của mình để cứu con của sư phụ

Trần Khải Ca đã mất 18 tháng để viết kịch bản và khiến nó trở nên dễ được đồng cảm và thực tế hơn. “Tôi đã viết nội dung và để cho Trình Anh giao con trai mình cho Đồ Ngạn Giả (tướng quân), vì ông ta hứa là sẽ không giết đứa trẻ. Nhưng sau đó Đồ Ngạn Giả đã nuốt lời và khiến Trình Anh trở thành một người hùng có thể hy sinh chính con đẻ của mình vì con của người khác, làm cách này các tính tiết sẽ dễ được đón nhận hơn và cũng tăng thêm lòng nhân đạo cho nhân vật Trình Anh,” ông đã giải thích kỹ hơn.

Dù cho tích truyện cổ điển này rất quen thuộc đối với hầu hết mọi người dân Trung Quốc nhưng bộ phim lại đang được quảng bá là “khiến bạn tò mò đến tận phút cuối cùng”. Sau khi ra mắt đoạn phim giới thiệu, phản ứng của khán giả lại không thật hào hứng như hứa hẹn.

Một biên tập viên đã nhận xét với Global Times rằng, ‘Tôi nghĩ là bộ phim nằm ở mức được, cũng không quá hay, không quá tệ và phần sau của phim thì khá tẻ nhạt.”

Một khán giả 26 tuổi khác lại cho biết: “Bộ phim tập trung vào nhân vật Trình Anh hơn là người cô nhi và sự trả thù của cậu ấy, tôi đã hy vọng được xem nhiều hơn về cô nhi này.”

Vai cô nhi Triệu Vũ lúc lớn do Huỳnh Hiểu Minh đảm nhận

Trong khi nói rằng Triệu Thị cô nhi không mong sẽ làm hài lòng được tất cả khán giả, đạo diễn Trần còn cho biết ông đã thêm vào nhiều yếu tố về tình người để làm phim thêm hấp dẫn.

“Nửa đầu của phim có rất nhiều khoảnh khắc và sự kiện kịch tính sẽ không khiến khán giả thấy chán,” đạo diễn nói. “Nửa sau của phim khá là khó để khắc hoạ, có những cảnh rất bình thường như là hai cha con ăn mì cùng nhau, thể hiện tình cảm thực sự giữa họ.”

Trong khi vẫn có nhiều dự đoán khả năng thành công về mặt doanh thu của Triệu Thị cô nhi từ phía báo chí, bộ phim hiện đang đặt mục tiêu sẽ vượt được mức 300 triệu nhân dân tệ (45 triệu đôla Mỹ) và cũng sẽ được phân phối ở thị trường quốc tế.

Triệu thị cô nhi đã thu về 51 triệu nhân dân tệ (7 triệu đôla) trong tuần công chiếu đầu tiên. Không còn nghi ngờ gì về việc bộ phim sẽ thành công về mặt thương mại, cho dù khi xét từ góc độ nghệ thuật thì phim vẫn còn thiều sót, ít nhất là đối với người viết và hầu hết những người hâm mộ của đạo diễn này, những người từng bị cảm động sâu sắc bởi Bá Vương Biệt Cơ và cũng bị thất vọng sâu sắc với tác phẩm mới nhất của ông.

Một số đạo diễn chỉ có thể quay được một tác phẩm đề đời cho mình, đạo diễn Trần cũng không là ngoại lệ. Sau khi thực hiện Bá Vương Biệt Cơ vào năm 1993 và mang về nhà giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Cannes đồng thời cũng thiết lập được tên tuổi ở trị trường quốc tế, những tác phẩm từ sau đó của Trần Khải Ca, cho dù là từ thể loại cổ trang kỳ bí đến phim tiểu sử, đều giống nhau tại một điểm: một mối tình tay ba tréo ngoe, một người hùng cô đơn bị hiểu lầm và những cảm xúc đồng tính mơ hồ giữa hai nhân vật nam.

Một cảnh trong phim

Không có tác phẩm nào đến gần được đỉnh cao nghệ thuật của Bá Vương Biệt Cơ; trên thực tế, rất nhiều tác phẩm của ông đã bị chỉ trích là những bộ phim tệ hại. Thất bại năm 2005 mang tên Vô cực đã khiến người hâm mộ và các nhà phê bình phải đặt dấu hỏi về khả năng đạo diễn của Trần Khải Ca, và nếu như Triệu Thị cô nhi có tương đối tốt hơn thật thì cũng không phải là một bộ phim hay, ít nhất là ở nửa sau của phim.

Tác phẩm này được chia làm hai phần rất rõ, phong cách và cốt truyện của hai phần lại hoàn toàn đối lập nhau, cứ như là do hai người khác nhau viết kịch bản vậy. Sau đó như người viết tìm hiểu được thì đúng là như thế thật.

Không lâu sau tuần đầu tiên phim được công chiếu, nhà biên kịch Cao Tuyền đã phàn nàn trên weibo (phiên bản twitter của Trung Quốc) của cô rằng bất chấp thực tế là cô, Trần Khải Ca và một người khác cùng viết kịch bản cho nửa đầu của phim, thì cô cũng chỉ được giới thiệu là “tham gia vào kịch bản thời gian đầu” thay vì chữ “biên kịch”.

Sau khi đã nhanh chóng liên lạc được với Cao Tuyền thì được biết rằng, cô đã buộc tội Trần Khải Ca và vợ ông – nhà sản xuất Trần Hồng đã bỏ qua sự đóng góp của cô vào những phần quan trọng nhất trong nửa đầu của phim, chỉ vì cô đã rút khỏi đội viết kịch bản cho nửa sau vì “những lý do cá nhân”.

Tuy nhiên, Mr J, người có mối quan hệ gần gũi với đạo diễn Trần lại cho biết, Cao Tuyền đã buộc phải phá vỡ hợp đồng vì cô lúc đó đang bận viết kịch bản cho một bộ phim truyền hình sau khi hoàn thành kịch bản cho phần đầu phim và đã trì hoãn việc hoàn thành nốt phần sau.

Trần Hồng sau đó đã rút tên Cao Tuyền khỏi phần giới thiệu kịch bản nhưng sau khi hỏi ý kiến các luật sư của mình, bà đã thêm tên cô vào phần “tham gia vào kịch bản thời gian đầu”. Vì Cao Tuyền là bên vi phạm hợp đồng trước cho nên cô không thể kiện gì được.

Lời giải thích này cũng làm rõ luôn những tin đồn về vấn đề gọi là bản quyền xoay quanh Triệu Thị cô nhi đã bị hiểu lầm thành Trần Khải Ca ăn cắp ý tưởng từ những nhà biên kịch khác.

Cao Tuyền nói rằng Trần Khải Ca đã đóng góp rất nhiều vào kịch bản mà vì thế hoàn toàn có quyền ghi tên ông là người viết kịch bản cho phim. Tuy nhiên, như Mr J đã chỉ ra, đạo diễn Trần là kiểu đạo diễn rất phụ thuộc vào kịch bản.

Thành công của Bá Vương Biệt Cơ chủ yếu là nhờ vào kịch bản và diễn viên chính Trương Quốc Vinh, chứ không phải vì phong cách đạo diễn của ông. Thất bại của những phim Trần Khải Ca thực hiện sau này chủ yếu đều là vì kịch bản nghèo nàn, những kịch bản chịu sự can thiệp quá nhiều của ông.

“Vì sao Bá Vương Biệt Cơ lại trở thành một kiệt tác như vậy, bởi vì chính nhà biên kịch Lô Vi đã bắt Trần Khải Ca hứa là không được sửa bất cứ một từ nào,” Mr J nháy mắt và nói.

Theo lời của Trần Hồng, nhà sản xuất Triệu Thị cô nhi và cũng là vợ của đạo diễn Trần Khải Ca, tháng 12 được lựa chọn là thời điểm hoàn hảo để công chiếu phim, vì đây là mùa cao điểm của phòng vé Trung Quốc.

Trần Hồng cho biết, “Các phim nói tiếng Hoa không dễ được bán ra thị trường quốc tế.”

Bà cũng nói thêm, “Còn đối với Triệu Thị cô nhi, bộ phim đã được bán cho bảy quốc gia rồi, đây cũng là một kết quả khá mãn nguyện.”


Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times