Tin tức

Thu lời từ các phim bom tấn

30/01/2011

Nếu như doanh thu phòng vé của các phim Hollywood tại Trung Quốc đang không ngừng tăng lên thì người Mỹ lại có vẻ thờ ơ với ngành điện ảnh Trung Quốc ngoại trừ một vài tên tuổi nổi tiếng như Chương Tử Di và Thành Long.

Bona Film Group, công ty chuyên phân phối phim Trung Quốc, vừa mới phát hành cổ phiếu lần đầu tiên trên sàn Nasdaq vào ngày 9/12. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của công ty đã sụt giảm 22,35%, xuống còn 6,6 đôla từ mức giá phát hành ban đầu là 8,5 đôla trong ngày giao dịch đầu tiên.

Vì là công ty điện ảnh đầu tiên của Trung Quốc phát hành chứng khoán ở Hoa Kỳ nên những gì Bona đang trải qua đối lập hẳn với đối thủ của mình là Tập đoàn Truyền thông Hoa Nghị Huynh đệ, khi giá cổ phiếu của tập đoàn này đã tăng gần 150%, lên mức 63,66 nhân dân tệ (9,56 đôla) trong ngày phát hành đầu tiên trên thị trường chứng khoán theo phong cách Nasdaq của Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái.

Nhìn về lâu dài

“Có thể sẽ mất nhiều thời gian để các nhà đầu tư Mỹ hiểu hơn về việc kinh doanh của chúng tôi, do có một vài sự khác biệt giữa nền điện ảnh Trung quốc và Hoa Kỳ,” trưởng phòng tài chính của Bona đã cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại vào ngày thứ năm (9/12). “Chúng tôi tìm kiếm nguồn lợi nhuận lâu dài cho các cổ đông của mình.”


Chương Tử Di sẽ vào vai Hoa Mộc Lan trong bộ phim 3D hợp tác sản xuất của công ty Bona

Vị trưởng phòng này còn cho hay Bona có kế hoạch mở rộng các kênh phân phối ra nước ngoài cho phim Trung Quốc, cũng như hợp tác với các hãng phim nước ngoài để sản xuất phim ảnh. Tác phẩm mới nhất của công ty có sự hợp tác của một công ty Canada là bộ phim 3D tiếng Anh Legend of Mulan (Nữ anh hùng), do đạo diễn Hà Lan Jan de Bont chỉ đạo và nữ diễn viên Trung Quốc Chương Tử Di đóng vai Hoa Mộc Lan.

“Sự hợp tác sản xuất sẽ khiến bộ phim thu hút được thêm một lượng khán giả Mỹ đáng kể, và giúp chúng tôi có được quyền phân phối phim ở Trung Quốc,” ông nói, đồng thời bổ sung thêm là ở Trung Quốc chỉ có những công ty điện ảnh nhà nước mới được quyền phân phối các phim nhập khẩu, trong khi những phim hợp tác sản xuất thì sẽ được phân phối giống như là phim nội địa.

Ông rất lạc quan về khả năng phát triển của Bona dựa vào thị trường điện ảnh đang phát triển mạnh ở Trung Quốc. “Tần suất một người đến rạp chiếu phim trong một năm ở Trung Quốc chỉ là 0,3, trong khi ở Mỹ con số này lên đến 4,3,” ông nói. “Nếu mỗi một người Trung Quốc đều đến rạp xem phim mỗi năm một lần, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường điện ảnh lớn thứ hai trên thế giới với doanh thu phòng vé hàng năm ở mức 30 tỷ nhân dân tệ (4,5 tỉ đôla).

Doanh số vé bán ra vẫn đang tăng lên

Tổng doanh thu phòng vé ở Trung Quốc tính đến ngày 30/11 năm nay là 8,7 tỉ nhân dân tệ (1,3 tỉ đôla), theo thống kê của EntGroup, một công ty tư vấn giải trí ở Bắc Kinh. Một vài phim được chiếu trong tháng 12, trong đó có Harry Potter và bảo bối tử thầnTriệu thị cô nhi, vẫn đang làm doanh số bán vé tăng mạnh.

EntGroup từng ước tính doanh thu phòng vé trong nước sẽ đạt mức 10,3 tỉ nhân dân tệ (1,55 tỉ đôla) trong năm nay, tăng trưởng 65% so với năm ngoái, và chủ yếu là nhờ vào các phim bom tấn nước ngoài như AvatarInception và phim Đường Sơn đại địa chấn của Trung Quốc.

 

Người dân Trung Quốc đổ xô đi xem Avatar

Gao Shouzhi, phó chủ tịch EntGroup đã nói, “Nếu mức tăng trưởng có thể giữ được ở mức 40-50% thì Trung quốc chắc chắn sẽ nhảy vọt từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 2 trên toàn thế giới về mặt doanh thu phòng vé trong năm tới.”

Nhưng số lượng người xem vẫn không tăng nhanh như doanh thu. Một viên chức của Cục Quản lý Truyền thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc trước đây đã cho biết là số lượng người đi xem rạp vào khoảng 200 triệu người tính đến tháng 10, tương đương với lượng khán giả của cả năm ngoái.

Vì lạm phát vẫn đang tiếp tục tăng cao nên các nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ liệu người tiêu dùng có sẵn sàng bỏ tiền ra xem phim với giá vé cao hay không. Giá vé trung bình vào khoảng 36 tệ (5,40 đôla) ở Trung Quốc, chiếm 2,5% thu nhập khả dụng hằng tháng của người dân thành thị, trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ này chỉ là 0,5%, theo báo cáo của công ty Deloitte Consulting vào đầu năm nay.

Các nhà đầu tư quan tâm

Tuy nhiên, tốc độ phát triển cao của ngành điện ảnh đã thu hút được các nhà đầu tư. Các chủ hầm mỏ, những nhà kinh doanh bất động sản, các thương nhân Ôn Châu và những nhà quản lý quỹ cổ phiếu cá nhân được biết là sẵn sàng bước vào lĩnh vực này.

“Các nhà đầu tư chủ yếu vẫn quan tâm đến lĩnh vực sản xuất phim và xây dựng rạp chiếu bóng, vì rào cản nhập ngành tương đối thấp so với lĩnh vực phân phối,” phó chủ tịch EntGroup nói.

Ở Trung Quốc, thông thường các rạp chiếu phim được nhận một nửa doanh thu phòng vé, nhà sản xuất lấy 40% và nhà phân phối phim được 10%.


Thế nhưng ngành điện ảnh không hẳn dễ sinh lời như người ngoài thường nghĩ. Ông nói thêm, “Sản xuất phim là một việc có rủi ro cao… trong khi đầu tư xây dựng rạp chiếu bóng phải mất 4-5 năm mới có thể hoàn vốn,”

Trung Quốc đã sản xuất 456 phim trong năm ngoái, trong đó khoảng 300 phim được chiếu trên màn ảnh rộng. Một số phim có vẻ bị các chủ rạp chiếu từ chối vì chất lượng kém, còn những phim khác lại thiếu những tên tuổi diễn viên hay đạo diễn lớn.

Một nhà phân tích ngành giải trí đến từ công ty Tư vấn đầu tư Trung Chính Thâm Quyến cho biết “Nếu mức đầu tư trung bình cho một phim là 5 triệu tệ (751.000 đôla) thì các nhà sản xuất phải mất tổng cộng khoảng 1 tỉ tệ (150,2 triệu đôla),” Ông Gao cũng nói, “Với số lượng rạp chiếu phim hiện đại đang ngày càng tăng lên trên khắp cả nước, sẽ có nhiều phim trong nước có cơ hội được chiếu hơn.”

Thiếu những sản phẩm ăn theo

Các nhà quan sát ngành nói rằng các công ty điện ảnh Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào doanh thu phòng vé. “Số tiền thu về từ phòng vé chiếm hơn 70-80% tổng doanh thu của một bộ phim ở Trung Quốc,” Gao Shouzhi nói. “Trong khi lượng vé bán ra chỉ chiếm chưa đến 30% doanh thu của tác phẩm điện ảnh Hollywood, những nguồn lợi nhuận khác chủ yếu đến từ việc bán các sản phẩm ăn theo bộ phim.”

Trưởng phòng tài chính Bona cho biết doanh thu từ phí bản quyền truyền hình, các sản phẩm truyền thông và video gia đình mới chỉ chiếm 7-10% tổng doanh thu của công ty.


Một sản phẩm ăn theo phim Người Nhện

“Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ bỏ quá xa, đặc biệt là trong việc phát triển các sản phẩm ăn theo phim,” là lời của Wu Jun, chủ tịch công ty Shanghai Movie Shine Entertainment Merchandising, người đã tung ra một dây chuyền bán lẻ những sản phẩm gợi nhớ đến các bộ phim từ năm 2002.

Nhưng ngành kinh doanh này không tiến triển thuận lợi như ông hy vọng. “Chúng tôi đã mở trên 20 cửa hàng ở các rạp chiếu phim trong năm 2005, nhưng đa số đều không kiếm được lợi nhuận,” ông cho biết và cũng nói thêm rằng hiện giờ ông chỉ giữ lại hai cửa hàng đang tiếp tục kinh doanh ở Thượng Hải.

Chủ tịch Wu nói các nhà sản xuất phim trong nước không chú trọng nhiều vào việc tạo ra những sản phẩm phụ từ bộ phim.

Ông cho hay, “Chúng tôi chủ yếu chỉ bán những sản phẩm ăn theo phim nhập khẩu… nhưng giá thành cao đã khiến khán giả e ngại và một số người thay vào đó còn mua những sản phẩm chưa có bản quyền.”

Theo lời phó chủ tịch EntGroup, hệ thống ngành điện ảnh chưa phát triển đầy đủ so với mô hình của Hollywood.

Ông nói, “Thiếu vắng tài năng và nạn ăn cắp bản quyền tràn lan đã cản trở sự phát triển của những sản phẩm bắt nguồn từ phim.”

Chủ tịch Wu hiện giờ đang chuyển hướng sang lĩnh vực game online, nhưng ông vẫn tiếp tục chờ cơ hội đến trong lĩnh vực này.

“Thị trường sản phẩm ăn theo phim của Trung Quốc sẽ phát triển một ngày nào đó, khi các nhà sản xuất phim đã trở nên quen thuộc hơn với marketing và khán giả cũng quen bỏ tiền ra không chỉ để mua vé xem phim,” ông nói.

Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times