Tin tức

Cơn khát phim bom tấn của Trung Quốc khiến các nhà làm phim đau đầu

01/11/2011

Ngành công nghiệp điện ảnh của Trung Quốc phô diễn sức mạnh tăng trưởng tại liên hoan phim hàng đầu châu Á, nhưng nhiều nhà làm phim lo rằng cơn khát phim bom tấn đang tổn hại đến chất lượng và sự sáng tạo.

"Một đất nước đông dân với thị trường rộng lớn và rất nhiều cơ hội để phát triển thị trường đó," nhà làm phim độc lập Vương Tiểu Soái phát biểu bên lề Liên hoan phim Quốc tế Busan lần thứ 16.

Tác phẩm mới nhất của Vương Tiểu Soái 11 Flowers được trình chiếu tại Busan [Ảnh: AFP/File, Rafa Rivas]

"Vấn đề là người ta đang làm chỉ một loại phim - phim thương mại, kinh phí lớn - và không còn nhiều chỗ cho những người còn lại."

Trung Quốc chiếm vị trí quan trọng tại liên hoan phim này với 14 phim trong chương trình chính, các hãng phim tiêu biểu tại Thị trường phim châu Á và nhiều đạo diễn, diễn viên tài năng của Trung Quốc.

Doanh thu phòng vé của Trung Quốc tăng 64% năm 2010, đạt 1,5 triệu USD. Năm nay, thống kê chính thức cho thấy vé bán ra từ tháng 6 đến tháng 8 đạt 640 triệu USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc Trung Quốc mở thêm khoảng 1.400 rạp chiếu phim trong năm nay và ước tính tổng số có thể lên đến hơn gấp đôi lên 13.000 rạp trong bốn năm tới, khó mà không nói rằng cộng đồng phim quốc tế sẽ nhìn vào phương Đông một cách ghen tị.

Nhưng đạo diễn Trần Khả Tân - tham dự Liên hoan phim Quốc tế Busan với phim bom tấn Võ hiệp cùng hai ngôi sao Takeshi Kaneshiro và Thang Duy - có một cảnh báo dành cho tất cả những con số ấn tượng ấy.

Trần Khả Tân cho biết mặc dù càng ngày càng có nhiều phim kinh phí thấp của Trung Quốc thành công, thì vẫn có quá nhiều phim bom tấn - và chính những phim đó lấn át hết tại mọi rạp.

Đạo diễn Trần Khả Tân với phim bom tấn Võ hiệp
tại Liên hoan phim Quốc tế Busan
[Ảnh: AFP/File, Kim Jae Hwan]

"Cứ 10 rạp thì hết tám rạp chiếu phim bom tấn nên dù có thêm rạp cũng không có nghĩa là người xem có nhiều sự lựa chọn hơn," đạo diễn họ Trần cho biết.

Anh cho biết tính đa dạng của phim đang bị đe dọa, vì khán giả đến rạp để xem "phim cực kỳ hoành tráng" còn phim nhỏ thì xem tại nhà, khiến cho phim kinh phí thấp khó mà được thực hiện.

Trần Khả Tân là một trong số những nhà làm phim đầu tiên nhận ra xu hướng phim bom tấn tại Trung Quốc, và đưa những tài năng mà anh đã gọt giũa ở Hồng Kông sau các phim như Comrades, Almost a Love Story (Điềm mật mật) (1996) và ở Hollywood, nơi anh thực hiện The Love Letter (1999) đến Bắc Kinh.

Từ đó Trần Khả Tân đứng sau một loạt phim đình đám trong đó có tác phẩm thành công nhất ở cả phòng vé lẫn trong giới phê bình vào thời gian gần đây là The Warlords (Thống lĩnh) (2007).

Bộ phim hợp tác giữa Hồng Kông và Trung Quốc đoạt tám giải tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Phim xuất sắc nhất.

Đạo diễn Vương Tiểu Soái, với bộ phim mới nhất 11 Flowers được trình chiếu tại Busan, tin rằng cần có thời gian để thành công của phim bom tấn lan rộng khắp ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc.

"Nhiều đạo diễn và nhà làm phim thuộc mọi thế hệ rất vui khi có việc làm và kiếm ra tiền," Vương Tiểu Soái cho biết. "Nhưng khi nói đến những loại phim khác nhau, với nhiều đề tài mới mẻ thì lại có chiều hướng đi xuống."

Mặc dù trước đây từng thành công với Xe đạp Bắc Kinh (2001) - đoạt giải Gấu Bạc tại Liên hoan phim Berlin, đạo diễn họ Vương vẫn đến Pháp để gây quỹ cho 11 Flowers bởi ở Trung Quốc không có.

Thang Duy và Takeshi Kaneshiro đóng vai chính trong Võ hiệp
của đạo diễn Trần Khả Tân [Ảnh: AFP/File, Kim Jae Hwan]

Nhưng phim hợp tác như thế dần trở thành con đường cho các nhà làm phim Trung Quốc thực hiện dự án của họ.

Tuy Trung Quốc chỉ cho phép 20 phim quốc tế được chiếu tại nước này mỗi năm, các hãng phim nước ngoài vẫn có thể tham gia vào thị trường tại đây nếu họ hợp tác sản xuất với một đối tác Trung Quốc.

Đạo diễn Đài Loan Lâm Thư Vũ đang hy vọng vào cách này để đưa tác phẩm mới nhất của anh - bộ phim mới lạ Starry Starry Night - đến Trung Quốc.

Phim ra mắt toàn cầu tại Busan và tham gia tranh giải trong hạng mục chính New Currents dành cho các nhà làm phim châu Á.

Lâm Thư Vũ cho biết phim của anh có thể được như thế này là nhờ một phần vào thời kỳ bùng nổ hiện tại của các rạp chiếu phim Trung Quốc.

"Rõ ràng điều đó giúp phim của tôi có thêm kinh phí," đạo diễn của bộ phim là xuất phẩm hợp tác với hãng Hoa Nghị của Trung Quốc, một trong các tập đoàn thành công nhất tại nước này trong những năm gần đây nhờ phim bom tấn, chẳng hạn như Đường Sơn đại địa chấn (2010).

"Tôi có thể mơ lớn hơn vì nhà sản xuất chính của tôi hỏi liệu chúng tôi có muốn thử và đưa bộ phim vào thị trường Trung Quốc không. Nên khi quyết định làm điều đó, chúng tôi được cấp thêm kinh phí."

Trong khi đó, Vương Tiểu Soái, sau khi 11 Flowers được chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Busan, giờ không chỉ tập trung chú ý vào việc tìm kiếm khán giả tại quê nhà mà còn tìm nơi cho họ xem phim.

Cộng đồng phim quốc tế sẽ nhìn vào phương Đông một cách ghen tị [Ảnh: AFP/File, Kim Jae Hwan]

"Rất nhiều người muốn xem những bộ phim như của tôi - chúng tôi biết mình có những khán giả tuyệt vời," anh nói. "Nhưng rất khó để tìm được rạp nào chịu chiếu khi mà ai cũng tập trung vào phim bom tấn."

"Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng sớm muộn gì thì việc ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc càng thành công cũng đồng nghĩa với nhiều thành công hơn cho mọi người.".


Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: AFP


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi