Tuy vậy, ngành điện ảnh Trung Quốc cũng đã bắt đầu có những biện pháp giải quyết vấn đề này. Vào tháng 4 vừa rồi, bộ phim Thiện nữ u hồn (1987) đã được phục chế và công chiếu ở Trung Quốc, sau sự trở lại của bộ phim tình cảm kinh điển Đông tà tây độc (1994)của đạo diễn Vương Gia Vệ, được phục chế vào năm 2008 và 2009.
Thêm vào đó, tại Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải vào tháng 6 vừa rồi,
các nhà làm phim đã lên kế hoạch phục chế 10 phim Trung Quốc kinh điển
khác.
“Những bộ phim kinh điển được phục chế để cho khán
giả hiện đại có cơ hội xem và thưởng thức chúng,” Zuo Ying, phó ban công
nghệ Thư viện Điện ảnh Trung Quốc (CFA), cho biết.
Nhưng vì số phim cần phục chế còn rất nhiều, thế nên dự án này vẫn gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính.
Nhiều
bộ phim Trung Quốc kinh điển từng làm kinh động hàng thế hệ khán giả
xem phim giờ lại ở tình trạng hết sức nguy kịch. Việc phục chế những
phim này giờ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Thiện nữ u hồn (1987)
CFA đã thu gom được khoảng 27.000 đến 28.000 bộ phim, con số lớn nhất ở
Trung Quốc và một phần ba số bộ phim đó được quay trước năm 1949.
Thường thì phim được chia ra làm hai loại: quay trước 1958 và sau
1958. Phim quay sau 1958 được bảo quản tốt ở nhiệt độ khoảng 5 độ C
nhưng những phim trước đó đều ở tình trạng nguy kịch vì được vận chuyển
đi chiếu nhiều quá trước khi được bảo quản.
Ví dụ, Ngư quang khúc,
một bộ phim công chiếu năm 1934, đã bị hủy hoại trong chiến tranh và
bản duy nhất còn lại đã không còn có thể phục chế được nữa.
Trung Quốc bắt đầu bắt tay vào tìm hiểu công nghệ phục chế phim từ năm
1970 và đến giờ chưa ngừng nỗ lực phục chế các tác phẩm xưa.
Những thước phim dễ cháy được chuyển sang những nguyên liệu bền hơn vào những năm 1980.
Nhiều phim thập kỷ 1930 và 1940 thường được làm với loại phim dễ cháy
và có thể bắt lửa bất cứ lúc nào khi nhiệt độ lên quá cao. Vào thời xưa,
cách dễ dàng nhất để phim bị hủy hoại là bị cháy, hoặc bị nấm ăn và trở
nên mòn qua thời gian.
CFA đã bắt đầu quá trình số hóa
phim vào thập kỷ 1990 và giờ đang lên kế hoạch số hóa 5.000 phim cũ với
ngân sách 280 triệu NDT.
Thường thì quá trình phục chế diễn
ra trên bản được số hóa vì những bản gốc đều là di sản văn hóa, nếu
trong quá trình phục chế gây tổn hại đến bản gốc, thì sẽ không thể cứu
vãn được.
Khán giả trong rạp đã rất háo hức khi được nghe bản nhạc đầu phim Thiện nữ u hồn, đem lại những ký ức năm xưa với vai diễn đáng nhớ của Trương Quốc Vinh.
“Việc phục chế bộ phim tốn ít nhất 2 triệu NDT,” nhà đầu tư của bộ phim, Wu Siyuan, cho biết.
Chi phí phục chế tùy thuộc vào người phục chế mong đợi gì ở bộ phim. Ví dụ, chi phí phục chế phim Bạch Tuyết của Disney ở Mỹ đã tốn 3 triệu USD, phần lớn tiền được dành để mua công cụ phục chế và thuê nhận sự có kỹ năng phục chế.
Chi phí phục chế có thể từ hàng vạn NDT lên tới hàng triệu NDT, tùy theo từng bộ phim.
“Trung bình, CFA dành khoảng 300.000 NDT vào việc phục chế mỗi bộ
phim, dưới mức trung bình quốc tế là 80.000 USD rất nhiều,” Zuo cho
biết.
Quá trình phục chế có thể mất hàng tháng hoặc hàng năm. Ngư quang khúc mất hai năm để phục chế.
Việc thiếu người có kiến thức chuyên môn là một trở ngại lớn cho dự án phục chế.
“Chúng tôi đang rất thiếu những người có kiến thức về phục chế phim,”
Zuo cho biết. “Ở Trung Quốc có khoảng 10 người có đủ khả năng quản lý
quá trình này và 100 người có thể làm việc chuyên nghiệp.”
“Đây không phải nghề được coi trọng ở Trung Quốc, người trẻ tuổi thích
làm phim mới hơn là phục chế phim cũ, một công việc mệt nhọc và nhàm
chán.”
Nhiều trường đại học có đào tạo về phục chế phim nhưng
nhiều học viên học xong lại đi làm nghề khác. Phục chế phim cần sự hiểu
biết công nghệ cao và hiểu biết tính cách của nghệ thuật phim ảnh.
“Những nhà phục chế phim bây giờ có kỹ thuật công nghệ tốt nhưng thiếu
hiếu biết về mặt nghệ thuật. Phim cũ rất khác phim ngày nay về cách
quay phim và những ý nghĩa nghệ thuật. Không hiểu được chúng, bộ phim có
thể được phục chế xong và mang tính cách rất khác bản gốc,” Zuo nói.
Công việc phục chế cần tránh lái bộ phim sang một hướng hoàn toàn khác
với mục đích ban đầu của người làm phim, nhất là khi một đoạn phim dài
bị hư hỏng. Nhiều khi người phục chế cần trao đổi với người làm phim gốc
để hiểu được mục đích của họ.
“Thật khó cho người phục chế
hiểu được cả thông điệp của những phim kinh điển khi người làm phim
không còn nữa để tham khảo ý kiến,” Zuo nói.
Ngành này cũng
còn thiếu những tiêu chuẩn chất lượng. Ví dụ, khi thiếu cả một đoạn
phim dài, liệu người phục chế có để bộ phim thiếu một đoạn, hay thay thế
bằng đoạn phim mới quay?
Hiện nay CFA đang tiến hành lập một số tiêu chuẩn cơ bản cho ngành phục chế phim.
Cảnh phim Đông tà tây độc
Bản phục chế bộ phim Đông tà tây độc đã mang về 30 triệu NDT từ doanh thu phòng vé khi công chiếu vào năm 2009. Nhưng ít phim phục chế lại thành công đến thế.
Ví dụ, Ngư quang khúc không
có cơ hội được chiếu ở các rạp và cũng sẽ không được chiếu trên truyền
hình vì còn nhiều phim khác có tiềm năng doanh thu hơn sẽ chiếm chỗ.
Phim
phục chế thường được chiếu miễn phí ở nông thôn, những nơi không tiếp
cận được với rạp chiếu. Một số được đem ra triển lãm ở nước ngoài để
giới thiệu văn hóa Trung Quốc với thế giới. Nhiều khán giả bình thường
không biết đến những phim này, phần lớn là tư liệu nghiên cứu của các
học giả điện ảnh.
Nhưng ở các nước khác, còn có các biện
pháp đa dạng để công chiếu phim phục chế. Ví dụ, nhiều thương hiệu hạng
cao ở Ý đang tài trợ việc quảng bá và công chiếu phim phục chế để tôn
vinh những tác phẩm nghệ thuật lâu đời này.
CFA đang tìm
hiểu những cơ hội mới để quảng bá phim phục chế. Họ sẽ tập trung vào
công việc tuyên truyền và đưa những bộ phim này tới với những khán giả
thành thị.
Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Beijing Review
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi