Tin tức

Cuộc đua đến suất tiến cử Oscar Phim nước ngoài của Trung Quốc

06/10/2014

Câu hỏi đeo bám mọi đạo diễn phim lớn của Trung Quốc được đặt ra cho Khương Văn tại cuộc họp báo tại New York vào tháng 9.

Khương Văn và đồng sự tổ chức sự kiện này để tạo ra sự háo hức đối với tác phẩm sắp tới Gone With the Bullets, phim gangster lấy bối cảnh Thượng Hải những năm 1920 kế tiếp Let the Bullets Fly / Nhượng tử đạn phi, bộ phim đoạt doanh thu cao nhất trong ngành điện ảnh Trung Quốc bốn năm qua.

Câu hỏi liên quan tới bức tượng mạ vàng được trao hàng năm ở phía bên kia Thái Bình Dương. Một bộ phim từ Trung Quốc Đại lục đã đoạt giải, và quan chức Trung Quốc khao khát sự công nhận văn hóa mà Oscar mang lại.

(Từ trái qua) Cát Ưu, Thư Kỳ, Khương Văn, Chu Vận và Văn Chương [Ảnh: Ng Han Guan/ Associated Press]

Sau đó, Khương Văn hướng tới các quan chức Cục Điện ảnh Trung Quốc ngồi gần đó. “Các ngài sẽ gửi chúng tôi tới đó chứ?” anh nói với chút vui đùa.

Mỗi năm, ứng viên Trung Quốc tham dự giải Oscar Phim nước ngoài do Tổng Cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc, cơ quan quản lý ngành điện ảnh Trung Quốc, lựa chọn. Những người chỉ trích cơ chế này nói lựa chọn thất thường và khó khăn vì sự giới hạn do kiểm duyệt.

Năm ngoái, A Touch of Sin/ Trời định của Giả Chương Kha, được các nhà làm phim đồng nghiệp và các nhà bình luận nước ngoài ca ngợi nhiều, nhưng Cục Điện ảnh không bao giờ cho phép phim chiếu rạp tại Trung Quốc, có lẽ do miêu tả bạo lực và cách biệt về mặt kinh tế. Không phát hành đồng nghĩa với Trung Quốc không thể tiến cử bộ phim cho giải Oscar, và Back to 1942 / Nạn đói năm 1942, do Phùng Tiểu Cương đạo diễn, được lựa chọn thay thế.

Hai tác phẩm khác sau đây có khả năng là ứng viên năm nay hoặc sang năm: Coming Home / Quay về của đạo diễn Trung Quốc nổi tiếng Trương Nghệ Mưu, và Tôtem sói của đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Annaud.

Cảnh trong phim Gone With the Bullets

Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ, đơn vị điều hành giải Oscar, đặt hạn chót 1/10 cho các tiến cử. Các bộ phim đủ tư cách phải được chiếu ở nước sở tại trong bảy ngày liên tiếp trong khoảng thời gian từ 1/10/2013 đến 30/9/2014. Trong ba ứng viên tiềm năng trên, tác phẩm duy nhất đã phát hành là Quay về, khởi chiếu tại Cannes hồi tháng 5. Phim của Khương Văn dự kiến ra mắt năm nay, còn phim của Annaud chắc không lộ diện cho tới đầu năm 2015. Những người liên quan tới các dự án này đã bàn bạc về nỗ lực đoạt giải Oscar.

Trương Nghệ Mưu từ lâu là nhà làm phim yêu thích của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nổi tiếng tại Trung Quốc vì đạo diễn lễ khai mạc Olympic mùa hè 2008 tại Bắc Kinh cũng như vì sự nghiệp điện ảnh của ông, bao gồm Đèn lồng đỏ treo caoPhải sống. Nhưng giải Oscar lảng tránh ông đã lâu. Trung Quốc tiến cử bộ phim của ông The Flowers of War / Kim Lăng thập tam thoa (2011), do Christian Bale đóng chính trong vai người hùng bất đắc dĩ ở Thượng Hải thời chiến loạn, song tác phẩm không được các nhà phê bình Mỹ yêu mến nhiều và thậm chí còn không lọt vào danh sách rút gọn gồm chín bộ phim từ đó chọn ra năm đề cử Oscar.

Tại Cannes, một phóng viên Trung Quốc hỏi Trương Nghệ Mưu về “phức cảm Oscar” của ông.

“Chỉ có một cơ hội – đó là, bạn hoàn thành tốt bộ phim, may mắn đến, và bạn được tiến cử,” ông nói, theo Nhật báo Quảng Châu. “May mắn đến lần nữa, và năm trong số chín, bạn lọt vào danh sách chung cuộc Oscar. Và rồi chỉ khi may mắn đến lần nữa, bạn mới chiến thắng. Bạn cần ba lần may mắn liên tiếp.”

Củng Lợi trong phim Quay về [Ảnh: Bai Xiaoyan]

Quay về là câu chuyện tình diễn ra sau Cách mạng Văn hóa, thời kỳ đen tối thường chỉ được đề cập gián tiếp trong các tư liệu lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn qua email, Shelly Kraicer, một nhà bình luận phim kiêm tổ chức liên hoan, nói sự diễn tả lịch sử trong Quay về phù hợp với quan điểm chính thống, nên bộ phim rất có khả năng là lựa chọn Oscar chính thức.

“Với danh tiếng duy trì (chân dài đau khổ) của Trương Nghệ Mưu ở phương Tây như là một trong những xuất phẩm văn hóa thương hiệu hàng đầu của Trung Quốc, tôi sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu Quay về cuối cùng là tiến cử Oscar chính thức của Trung Quốc,” anh nói.

Một bộ phim nức tiếng khác nhắm tới khán giả quốc tế đông đảo là Tôtem sói, dựa trên cuốn tiểu thuyết đương đại nổi tiếng bình luận về bản chất ổn định cùng những điểm yếu của văn minh Trung Quốc, trái ngược với văn hóa bền vững của dân du mục lang thang khắp thảo nguyên châu Á bao la.

Tài trợ chính cho dự án là Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc, doanh nghiệp điện ảnh nhà nước lớn nhất. Sự lựa chọn Annaud làm đạo diễn thật thú vị, vì tác phẩm của ông Seven Years in Tibet, khắc họa tình bạn giữa một nhà leo núi người Áo và đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, người tẩu thoát khỏi Tây Tạng vào năm 1959 vì sự chiếm đóng của Trung Quốc.

Cảnh trong phim Tôtem sói

Ngày phát hành chưa được thông báo, song Lạt Bồi Khang, chủ tịch Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo rằng có thể phải đến đầu năm 2015. Nghĩa là bộ phim chắc sẽ cạnh tranh với Gone With the Bullets giành suất ứng viên Oscar của Trung Quốc năm sau. “Rốt cuộc phim nào được chọn?” Ông Lạt nói, theo một bài báo. “Tôi không biết, nhưng tôi hy vọng vào Tôtem sói.”

Bộ phim có khán giả trung thành ở Trung Quốc, nơi cuốn sách bán được năm triệu bản. Với “công ty điện ảnh nội địa, nhà xuất bản, tác giả, ưu tiên chính, tuy nhiên, là thực hiện một bộ phim thu hút đông đảo các đối tượng khán giả khác nhau và trở thành tác phẩm trào lưu chính thành công khắp thế giới,” Jo Lusby, giám đốc điều hành Penguin Books China, đơn vị giữ tác quyền nước ngoài của cuốn tiểu thuyết, nói.

Isabelle Glachant, nhà sản xuất người Pháp làm việc tại Trung Quốc, nói cô sẽ ngạc nhiên nếu Tôtem sói là tiến cử Oscar chính thức: “Không hiểu sao tôi nghi ngờ việc họ sẽ mời một đạo diễn Pháp đại diện cho Trung Quốc.”

Glachant nói cô tin Trương Nghệ Mưu là lựa chọn có khả năng hơn, vì Khương Văn từng bị liệt vào danh sách đen chính thức tại Trung Quốc sau khi đưa một bộ phim đến Cannes vào năm 2000 mà không được sự cho phép của Cục Điện ảnh. Cô cũng lưu ý rằng Let the Bullets Fly, câu chuyện ẩn dụ diễn ra vào giai đoạn tiền cộng sản ở Trung Quốc là “dấu hỏi lớn về mặt chính trị đối với nhà chức trách.”

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi