Tin tức

Island of Lemurs: Madagascar đánh thức sự quan tâm đến loài vượn cáo hiền lành đang bị đe dọa

01/10/2014

Ai biết vượn cáo là bậc thầy thiền định nào?

Loài linh trưởng này, tổ tiên của chúng đến từ Madagascar cách đây chừng 60 triệu năm, thích chơi đùa. Chúng cũng thích đánh giấc trưa trên cành cây, và khi vui vè, chúng phát ra những tiếng kêu nho nhỏ dễ thương giống tiếng khìn khịt của lợn con.

Chúng còn biết họp báo ngon lành. Tại khách sạn Ritz-Carlton trung tâm Los Angeles, Felix, một chú vượn cáo đuôi vòng 10 tuổi, và Taj, một chú vượn cáo màu nâu 7 tuổi, bình thản trong tay người nuôi chúng, thể hiện thái độ "quẳng gánh lo đi mà vui sống" khi máy quay phim chụp ảnh chớp nháy xung quanh.

Biên kịch Drew Fellman và chuyên gia về vượn cáo Tiến sĩ Patricia Wright (phải)
cùng chú vượn cáo tên Felix
[Ảnh: Mel Melcon / Los Angeles Times]

Như bất cứ ai thu được sự chú ý đến thế ở Los Angeles, hai chú vượn cáo đuôi vòng này ở đây để quảng bá cho bộ phim của chúng — phim tài liệu 3D IMAX Island of Lemurs: Madagascar, do ai dẫn chuyện vậy ta, còn ai nữa? Morgan Freeman. Phim đã ra mắt tại rạp chiếu của Trung tâm Khoa học California hồi đầu tháng 4 năm nay.

Felix và Taj lặng lẽ nhìn khi các tay chụp ảnh, chuyên viên đánh sáng, nhà báo và nhà hoạt động xã hội quay mòng mòng quanh chúng chụp ảnh. Taj hôn lên mặt người nuôi còn Felix thưởng thức bánh snack, khịt khịt vẻ hài lòng và đáng yêu vô cùng.

"Tôi nghĩ chúng ta yêu thích vượn cáo vì chúng sống một cuộc đời hết sức thư giãn, thoải mái," nhà linh trưởng học Patricia C. Wright nói, tác giả hàng đầu về vượn cáo và cũng xuất hiện trong bộ phim tài liệu này.

Nhờ nỗ lực của bà, Công viên quốc gia Ranomafana ở Madagascar đã mở cửa năm 1991 để bảo vệ các con thú. Nơi đây trở thành địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng, đem tiền về cho ngôi làng gần đó và tuyển dụng nhiều lao động địa phương làm việc cho trung tâm nghiên cứu trang bị hiện đại bậc nhất của công viên.

Morgan Freeman cùng một chú vượn cáo tại buổi ra mắt phim

"Nếu bạn ngắm nhìn các con khỉ, bạn sẽ thấy những con khỉ nhỏ vui đùa nhưng khỉ lớn thì không," Wright nói. "Nhưng khi bạn ngắm nhìn vượn cáo, cả gia đình vượn cáo vui đùa và vật nhau. Những nhà linh trưởng học chúng tôi thích nhìn chúng. Rất thú vị."

Và cũng thú vị như điều này, rằng không giống các loài linh trưởng khác, con đầu đàn của bầy vượn cáo là con cái. "Tôi thích điều đó," Wright nói, bổ sung rằng con vượn cáo cái đầu đàn không khệnh khạng như khỉ đầu chó và tinh tinh đực đầu đàn.

Bộ phim giới thiệu với chúng ta nhiều con vượn cáo sống ở những hòn đảo xa xôi trên Ấn Độ Dương, trong đó có những con vượn cáo nhỏ xíu, răng nhọn như chuột; loài vượn cáo nhảy nhót Sifaka; và vượn cáo Indri, loài này không bao giờ sống được trong tình trạng nuôi nhốt và mỗi sáng sớm liên lạc với nhau bằng một tràng rền rĩ ầm ĩ. Bộ phim tài liệu này lần đầu tiên chộp được khoảnh khắc một con vượn cáo Indri mới sinh.

Vượn cáo Indri mới sinh được nắm bắt trong phim

Trong khi cuộc sống của chúng thật điền viên, vượn cáo là loài đang bị đe dọa. Khoảng 90% rừng già ở Madagascar đã bị tàn phá — phần lớn là do cháy rừng — và tất cả loài vượn cáo lớn (một con bự cỡ khỉ đột) đã tuyệt chúng. Khoảng ba phần tư loài vượn cáo sống trên đảo này đang gặp nguy hiểm.

"Một số bị đe dọa nghiêm trọng và một số gặp nguy nhiểm," Wright nói. "Rất nhiều vượn cáo cần chúng ta cứu."

Biên kịch-sản xuất Drew Fellman và đạo diễn-quay phim David Douglas từ lâu đã muốn làm một phim tài liệu Imax bối cảnh Madagascar. Nhưng họ nghĩ rằng đó chỉ là một mơ ước hão huyền.

"Đây là một nơi bà khoảng cách giữa muốn và làm được điều gì lớn đến độ trở thành một chốn điên rồ," Fellman nói.

Một hình ảnh từ bộ phim IMAX Island Of Lemurs: Madagascar [Ảnh: Drew Fellman / Warner Bros. Entertainment]

Khi Fellman và Douglas làm bộ phim tài liệu Imax Born to Be Wild: 3D hồi năm 2011, Fellman đã gặp Wright tại một bữa tiệc vinh danh bà.

"Pat cực kỳ hiểu biết và từ lâu đã nghĩ nên làm phim [Imax] về Madagascar. Chúng tôi bắt đầu bàn luận về chuyện đó," Fellman nói.

Sau khi Born to Be Wild hoàn tất, Wright mời cả hai đến đất nước này. "Chúng tôi đi mất chừng một tháng và đi khắp nơi với bà và nghĩ không cách gì làm được," Fellman nói. "Hậ thống đường sá hoàn toàn bị cuốn sạch. Các con thú thường ở trong rừng thẳm và còn rất ít loài. Hễ chúng tôi xuất hiện là chúng biến mất tăm."

Và một lần họ đã tìm thấy chúng, nhưng gặp rắc rối để đến gần và thân thiết.

Nhưng việc sản xuất sử dụng máy quay Imax 3D kỹ thuật số nặng gần 20kg nên họ có thể mang trên ba lô đến những vùng sâu vùng xa. Máy quay IMAX truyền thống nặng hơn gấp tám lần.

Một gia đình vượn cáo

"Một trong những thách thức lớn là tìm được những nhóm vượn cáo chịu được chúng tôi," Fellman nói. "Vượn cáo có lãnh địa nhỏ bé của chúng."

Wright không khởi sự là nhà bảo vệ loài vượn cáo. Bà đến đất nước này năm 1986 để nghiên cứu loài vượn cáo Greater Bamboo cực hiếm ở khu vực rừng Ranomafana. Trong thời gian ở đó, bà giật mình trước nạn phá rừng diễn ra ở đây.

"Thế là tôi đến thủ đô tìm gặp bộ trưởng quản lý về nước và rừng và nói rằng cần phải bảo vệ những con thú này," bà kể. "Ông ta nói đó là một ý tưởng hay, nhưng cần có tiền và chúng tôi là nước rất nghèo. Nếu bà có tiền chúng tôi sẽ giúp bà [bảo vệ] rừng."

Vậy là Wright bắt đầu trợ cấp tiền để thu mua đất rừng và đi khắp các làng mạc giáp rừng để giải thích kế hoạch của bà và thông báo cho người dân biết rằng rừng sẽ cấm săn bắn.

Nhưng bà cũng bàn bạc đền bù cho việc mất nơi săn bắt. "Người dân muốn được chăm sóc y tế, trường học, giúp cho việc canhh tác của họ năng suất hơn và muốn một quả bóng đá," Wright nói.

"Họ nhận được quả bóng đá trước. Nhưng tôi có thể nói chúng tôi đã xây dựng 50 trường học và có một đội y tế đi đến những vùng sâu vùng xa nhất."

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi