Tin tức

Xu hướng đồng sản xuất phim chuyển đến thị trường Trung Quốc

29/09/2014

Trong bối cảnh phim điện ảnh Mỹ được xuất sang Trung Quốc nhiều hơn, các công ty sản xuất phim Mỹ cần phải bắt đầu tìm kiếm những cách thức mới để thu hút khán giả Trung Quốc. Transformers 4: Age of Extinction, được công chiếu vào ngày 27/6 vừa qua, có lẽ đã vận dụng mọi chiêu bài nhằm lấy lòng thị trường Trung Quốc. Xu hướng này có vẻ sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai không xa.

Thị trường điện ảnh ở Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng

Thị trường Trung Quốc được kỳ vọng sẽ trở thành mục tiêu lớn tiếp theo của ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ. Theo số liệu của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, doanh thu phòng vé Trung Quốc đã tăng 27% thu về 3,6 tỉ đôla trong năm 2013, và hướng tới 5 tỉ đôla trong năm 2014 dựa trên số liệu mới nhất. Vào ngày 21/5, con số này vượt qua 10 tỉ tệ, xấp xỉ 1,6 tỉ đôla doanh thu, nhanh hơn một tháng so với năm ngoái. Cho đến nay, 28 bộ phim đã thu về hơn 16 triệu đôla, bao gồm 13 bộ phim nội địa và 15 bộ phim được nhập khẩu, phần lớn trong đó là phim Mỹ.

Doanh thu phòng vé Bắc Mỹ dường như đang nhích lên chậm hơn nhiều so với sự phát triển nhanh chóng tại thị trường Trung Quốc, dao động ở mức 10,9 tỉ đôla trong năm 2012 và 2013, cao hơn một chút so với 10,1 tỉ đôla năm 2011.

Phòng vé Trung Quốc phát triển nhanh chóng

Lượng lớn phim Mỹ được xuất khẩu đến thị trường điện ảnh Trung Quốc đã đem về cho các nhà làm phim Mỹ lợi nhuận khổng lồ. Điều này không chỉ vì Mỹ đã sở hữu một thị trường lớn ở Trung Quốc chiếm tới một nửa những bộ phim đứng tốp đầu, mà còn vì phim Mỹ “mới” chiếm được một nửa và Hollywood còn muốn nhiều hơn nữa.

Transformers liên quan gì đến “cao khảo”?

Một tháng trước khi công chiếu Transformers 4 thì việc quảng bá rầm rộ ở Trung Quốc đã bắt đầu. Hợp tác với China Movie Media Group, Paramount đang nỗ lực phối hợp để thu hút khán giả Trung Quốc trong các buổi công chiếu phim tại liên hoan lẫn việc quảng bá những đặc trưng của Trung Quốc.

Bộ phim được chọn bế mạc Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải một vài ngày sau khi ra mắt thế giới tại Hồng Kông. Bên cạnh đó, có lẽ sáng kiến hay nhất mà hãng Paramount đã sử dụng là thông điệp video từ nam diễn viên chính Mark Wahlberg gửi lời chúc may mắn đến các học sinh Trung Quốc với “cao khảo”, tức kỳ thi tuyển sinh cao đẳng và đại học vào đầu tháng 6. Trong video, Mark Wahlberg đang ngồi trong một bối cảnh của bộ phim, nói kèm phụ đề tiếng Trung rằng:

"Xin chào tất cả mọi người, tôi là Mark Wahlberg, ngôi sao của bộ phim Transformers 4: The Age of Extinction. Kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm đang đến, vì vậy tôi muốn chúc tất cả các bạn học sinh gặp nhiều điều may mắn, và đừng quên xem Transformers 4 sau kỳ thi!"

Mark Wahlberg trong phim Transformers 4

Nội dung lai Mỹ - Trung

Ngoại trừ việc quảng bá rầm rộ, thì nội dung của bộ phim là một dấu hiệu cho thấy bộ phim được thiết kế để thu hút cảm tình của khán giả Trung Quốc. Được hậu thuẫn bởi kênh Điện ảnh CCTV-6 của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, và tham gia tài trợ bởi công ty Jiaflix Enterprises, Transformers 4 là một sản phẩm lai Mỹ - Trung Quốc. Kết quả là, khán giả Trung Quốc đã được chứng kiến một số chi tiết quen thuộc.

Xem xét đến việc sản xuất của Transformers 4. Bắt đầu tháng 5/2013, đoàn làm phim khởi quay ở thung lũng Monument, Utah, Detroit, Michigan thay cho Hồng Kông, và McCormick Place ở Chicago được tu sửa lại thành một thành phố ở Trung Quốc. Sau đó vào tháng 10/2013, đạo diễn Michael Bay thông báo rằng họ sẽ đến Trung Quốc để hoàn thành những cảnh chính và quay một số cảnh ở Trung Quốc. Hơn nữa, nữ diễn viên nổi tiếng Trung Quốc Lý Băng Băng vào vai Tô Nguyệt Minh, là "giám đốc điều hành của một công ty sản xuất rôbô biến hình ở Trung Quốc" trong phim.

Xu hướng đồng sản xuất trong ngành công nghiệp điện ảnh

Transformers 4 cũng được biên tập khác nhau cho khán giả Mỹ và Trung Quốc. Nhưng đây không phải là bộ phim Hollywood đầu tiên do các công ty Mỹ hợp tác với Trung Quốc, dẫn tới hai phiên bản khác nhau của một tác phẩm.

Thượng Hải năm 2044 trong phim Looper

Năm 2012, bộ phim sử thi xuyên không Looper của Rian Johnson đã phát hành hai phiên bản: bản ở Mỹ, với hầu hết những cảnh quay ở Mỹ và chỉ một cảnh ngắn dựng ở Trung Quốc, và bản Trung Quốc, với nhiều cảnh ở Thượng Hải hơn. Bộ phim Looper đã nhận được tài trợ từ DMG, một tập đoàn giải trí và tiếp thị của Trung Quốc.

Tương tự như vậy, bộ phim có doanh thu đứng thứ hai Trung Quốc vào năm 2013 là Iron Man 3, cũng là một sản phẩm do Mỹ-Trung Quốc hợp tác sản xuất. DMG của Trung Quốc cũng đứng sau bộ phim này, và đổi lại họ có nhiều nội dung đặt trọng tâm vào Trung Quốc hơn.

Quan trọng hay là râu ria?

Iron Man 3 có cảnh quay độc quyền ba phút trong phiên bản Trung Quốc, nhưng hầu hết khán giả Trung Quốc đều bày tỏ sự thất vọng sau khi xem “phiên bản đặc biệt” này.

Đơn cử như, ngôi sao điện ảnh người Trung Quốc Vương Học Kỳ thủ vai bác sĩ Ngô, được cho là đóng vai trò quan trọng trong cốt truyện, nhưng chỉ là khách mời thoáng qua trong phần mở đầu. Một vai khác là y tá của bác sĩ Ngô, do Phạm Băng Băng thủ vai, thì bị cắt hoàn toàn trong phim phiên bản Mỹ.

Thậm chí trong bản Trung, cốt truyện bị chỉ trích là quá cứng nhắc. Ba cảnh quay Vương Học Kỳ xuất hiện trong bộ phim không liên quan mấy tới cốt truyện chính, chưa kể đến ba đoạn diễn không mấy liên quan của Phạm Băng Băng khi đóng vai là một cô y tá trong một ca phẫu thuật của Tony. Thậm chí một số khán giả Trung Quốc còn lấy làm thích thú khi họ được xem hai bộ phim khác nhau: một bộ phim Trung Quốc thì do Vương Học Kỳ và Phạm Băng Băng đóng chính, và bộ phim Iron Man 3 của Mỹ.

Phạm Băng Băng trong phim Iron Man 3

Nhưng một điều chắc chắn rằng, mặc dù nội dung không tự nhiên cho lắm nhưng Iron Man 3 vẫn được xếp vào là bộ phim doanh thu cao thứ hai tại phòng vé Trung Quốc năm 2013.

Dựa vào những quảng bá ồ ạt cho bộ phim, Transformers 4: Age của Extinction có vẻ tự nhiên hơn khi phối hợp cả nội dung Mỹ lẫn Trung Quốc. Thêm vào đó, so với Iron Man 3 hay Looper, Transformers 4 tốt hơn khi được hỗ trợ bởi kênh Điện ảnh CCTV-6, đưa bộ phim này trở thành bộ phim phương Tây đầu tiên nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía chính phủ Trung Quốc. Đó có lẽ là lý do mà bộ phim này nhận được rất nhiều sự chú ý trong thời gian quảng bá. Doanh thu phòng vé khả quan được kỳ vọng rất nhiều.

Một lần nữa, quả là không dễ dàng gì để kết hợp các yếu tố Mỹ và Trung Quốc vào cùng một bộ phim mà không gượng gạo. Hiện tại, bộ phim lai được mong đợi nhất vẫn chưa được phát hành là Kung Fu Panda 3, dự kiến sẽ được phát hành vào năm tới, dựa vào thành tích nổi bật hai phần trước cả về mặt nội dung lần doanh thu phòng vé.

Nhưng dĩ nhiên phim người đóng có thể gặp nhiều khó khăn hơn khi kết hợp nội dung của hai nước. Có lẽ trong tương lai tới sẽ có nhiều cơ hội cho hãng phim Hollywood đưa nhiều ngôi sao tới Trung Quốc và sẽ đưa Trung Hoa thành một phần ngang hàng trong cốt truyện của bộ phim, chứ không phải là ba phút được nhét vào.

Dịch: © Gia Khang @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Equities.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi