Tin tức

Điện ảnh 2012 nhìn lại: Điện ảnh Hoa ngữ hoài mong chất phương Đông tỏa sáng

07/02/2013

Thị trường phim Trung Quốc tiếp tục vươn lên mạnh mẽ. Các nhà làm phim ôm ấp khát khao phòng vé. Thương mại và nghệ thuật, biết chọn lối nào hay cố gắng dung hòa cả hai? Hãy cùng Quái vật Điện ảnh nhìn lại một năm thăng trầm đã qua của điện ảnh Hoa ngữ.

Điện ảnh Đại lục loay hoay giải bài toán doanh thu và chất lượng phim

Theo tin mới đây từ Tân Hoa xã, doanh thu phòng vé năm 2012 ở Trung Quốc đạt khoảng 17,07 tỉ nhân dân tệ (2,74 tỉ đôla), tăng 30,18% so với 13,1 tỉ nhân dân tệ của năm 2011.

Tuy nhiên, con số khổng lồ này không đại diện cho sự thịnh vượng của nền điện ảnh nước này. Trên thực tế, một số cơ quan thông tin đại chúng dùng từ “hỗn loạn” để miêu tả thị trường phim Trung Quốc năm vừa qua.

Cảnh trong phim Back to 1942

Năm 2012, chỉ hai trong bốn nhà làm phim ngôi sao của Trung Quốc ra mắt tác phẩm mới, nhưng cả hai đều đi chệch sang những lĩnh vực mới đối với họ.

Đạo diễn Phùng Tiểu Cương, nổi tiếng với những phim hài lãng mạn đặt hết tâm huyết vào phim bi kịch lịch sử giống nô lệ của tình yêu hơn là nguyên nhân đầu tư vào đó. (Giá cổ phiếu của tập đoàn Hoa Nghị Huynh Đệ sụt giảm khi bộ phim không thu hút lượng lớn khán giả như một phim hài tiêu biểu của ông).

Trần Khải Ca thu hẹp tầm nhìn rộng lớn thường thấy của mình để tập trung vào vấn đề xâm phạm riêng tư nảy sinh trên mạng, nhưng Caught in the Web thất bại ngay từ vòng đầu với vai trò đại diện của Trung Quốc ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại giải Oscar.

Các nhà làm phim hạng hai - đều ở độ tuổi 40 - đều vấp phải sự sa sút đáng kể. The Last Supper của Lục Xuyên; Guns N' Roses của Ninh Hạo; 11 Flowers của Vương Tiểu Soái; Full Circle của Trương Dương; Inseparable của Ngũ Sĩ Hiền; và White Deer Plain của Vương Toàn An - cùng nhiều người khác - đều đối mặt với thất thoát tài chính. Và đa số đều không được giới phê bình đánh giá cao.

Nếu những phim này bị chính tham vọng quá lố của mình, là quay phim vì nghệ thuật lẫn lợi nhuận, hạ gục - thì thế hệ trẻ hơn có mục tiêu trọn vẹn hơn. Họ trưởng thành với cả Hollywood và Hồng Kông, và cống hiến cho việc tiên quyết nhất là kể một câu chuyện hay.

Million Dollar Crocodile của Lâm Lê Thắng, First Time của Hàn Diên và To Forgive của Chu Mẫn Giang đều là những phim đầu tay lấp lánh tiềm năng nhưng lại chìm lỉm mà không gợi được chút âm vang nào.

Hollywood thống trị phòng vé Trung Quốc 2012.

Với 989 triệu tệ (tính tới ngày 31/12/2012 và vượt qua 1,1 tỉ nhân dân tệ sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch), Lost in Thailand của đạo diễn trẻ Từ Tranh trở thành quán quân phòng vé Trung Quốc năm qua. Tuy nhiên, nhìn lướt qua những bộ phim còn lại trong tốp 10, ta phát hiện chỉ có hai bộ phim Trung Quốc khác – Họa bì 212 con giáp của Thành Long. Những bộ phim khác trong tốp 10 là Titanic 3D, Mission Impossible: Ghost Protocol, Life of Pi, The Avengers, Men in Black III, Ice Age: Continental DriftJourney 2: The Mysterious Island. Back to 1942, tác phẩm được mong đợi từ lâu của đạo diễn nổi tiếng Phùng Tiểu Cương, xếp thứ 11 với 370 triệu tệ.

Chongqing Economic Times đưa tin, ngoại trừ vài phim như The Great Magician / Đại ma thuật sưBlack & White Episode 1: The Dawn of Assault, bên cạnh doanh thu vé bán còn có phụ thu từ quảng cáo kèm theo và bán bản quyền cho các trang web xem phim trên mạng và các đài truyền hình, tất cả những bộ phim nội địa khác kết thúc thua lỗ. Theo Ngô Tư Viễn, chủ tịch Hội các nhà làm phim Hồng Kông, nói với tờ báo này, 80% phim nội địa bị thâm hụt ngân sách trong năm qua.

Dù lời kêu gọi cải thiện chất lượng phim nội địa đã vang lên trong năm 2011 khi các tác phẩm nước ngoài chiếm gần nửa phòng vé năm đó, phim nội địa vẫn bị đánh bại vào năm 2012.

Bài học từ Họa bì 2, Lost in Thailand12 con giáp là công nghệ 3D, các cảnh hành động sôi nổi và nét hài hước địa phương là những yếu tố ăn tiền nhất – miễn là đúng thời điểm.

Nhất đại tông sư bị hoãn chiếu nhiều lần

Ngoài nỗi thất vọng về chất lượng của nền điện ảnh Đại lục, một điều khác bị nhiều khán giả nội địa phàn nàn là lịch chiếu lộn xộn. Ví dụ, Bạch Lộc Nguyên khởi chiếu vào ngày 13/9, nhưng hai ngày trước đó phim bị hoãn chiếu vì vấn đề kỹ thuật.

The Grandmaster / Nhất đại tông sư, The Last Supper / Huyết yếnSwitch / Phú xuân sơn cư đồ khét tiếng vì làm khán giả bực mình nhất, hết lần này đến lần khác làm khán giả háo hức chờ ngày phát hành, sau đó hoãn chiếu hàng tháng, thậm chí hàng năm trời.

Nhất đại tông sư là ví dụ nổi tiếng nhất. Theo cổng thông tin điện tử ent.sina.com.cn, đã 16 năm kể từ khi đạo diễn Hồng Kông Vương Gia Vệ lần đầu nêu ý tưởng thực hiện bộ phim. Và khi tác phẩm này mới định ngày ra mắt vào ngày 8/1/2013, nhiều cư dân mạng nói họ trông chờ một lần hoãn chiếu nữa.

Bên cạnh vài bộ phim kinh phí nhỏ không được chú ý nhiều, các phim kinh phí lớn, phổ biến thay đổi ngày chiếu bao gồm Lost in Thailand, 12 con giápThe Last Tycoon / Thủ lĩnh cuối cùng.

Sự rối loạn này, như bài báo trên ent.sina.com.cn đã kết luận, nhằm mục đích tránh cạnh tranh trực tiếp với các phim bom tấn Hollywood.

Tuy nhiên, nhà phê bình phim Phương Lưu Hương không tán thành ý kiến trên. Anh nói, “Không có lịch chiếu thật nào ở Trung Quốc, luôn luôn hỗn loạn. Ngay cả các bộ phim Hollywood cũng không thể quyết định khi nào thì chiếu. Quá nhiều tác động bên ngoài có khả năng ảnh hưởng đến thị trường [Đại lục].”

Cảnh trong phim Beijing Blues

Mặc dù hầu như mọi lúc, điều các nhà sản xuất phim quan tâm sau cùng là tổng doanh thu phòng vé, và dù khán giả thường so sánh các bộ phim dựa trên doanh thu vé bán, các chuyên gia trong ngành đồng thuận rộng rãi rằng phòng vé không phải lúc nào cũng là thước đo phù hợp để đánh giá một bộ phim.

Các ví dụ có thể thấy từ Seediq Bale, Beijing BluesFeng Shui / Vạn tiễn xuyên tâm năm vừa rồi.

Đạt chưa đến 10 triệu tệ ở phòng vé, Beijing Blues chứng tỏ giá trị của mình qua việc mang về giải Kim Mã, vì có thể “tạo ra đột phá” so với các đối thủ, như nhà phê bình phim Vương Tư Vỹ đã nói với Global Times.

Còn Seediq BaleVạn tiễn xuyên tâm, hai bộ phim này gây ấn tượng với người trong ngành bằng “thái độ làm phim nghiêm chỉnh,” Phương Lưu Hương, một nhà phê bình phim tự do nói. “Hai bộ phim này có khả năng phản ánh mặt tàn ác cũng như hiền hòa của hiện thực và lịch sử.”

Quan điểm chỉ riêng con số phòng vé không phải là minh chứng cho chất lượng phim cũng có thể thấy trong vài tác phẩm quốc tế năm 2012 như A SeparationThe Artist.

Giữa các năm 2011 và 2012, A Separation đoạt hơn 70 giải thưởng trên khắp thế giới, bao gồm một giải Oscar và giải Gấu vàng Liên hoan phim Berlin. “Mặc dù hệ thống kiểm duyệt ở Iran khắt khe hơn nhiều so với Đại lục, điện ảnh Iran không bao giờ thiếu chất lượng,” một bài báo trên ent.sina.com.cn nói. “Với kinh phí 300.000 đôla, A Separation khiến nhiều người trong ngành thẹn đỏ mặt.”

Theo các thống kê trên entgroup.cn, một cơ quan chuyên nghiên cứu ngành giải trí, đến ngày 30/12/2012, doanh thu tại Trung Quốc của The Artist – tác phẩm đoạt giải Oscar Phim hay nhất năm 2012 – chỉ đạt 1,54 triệu tệ. Con số khiêm tốn này phản ánh tình trạng sẵn phim ở rạp hơn là chất lượng phim. Thêm nữa, The Artist đã được phát hành rộng rãi ở dạng DVD được vài tháng: những người muốn xem phim này đã mua đĩa rồi.

'Comment' thuê gây ra cuộc khủng hoảng lòng tin trầm trọng

Đạt được một năm phá kỷ lục phòng vé nội địa nữa là thành quả quan trọng; tuy nhiên, như mọi người thường tự nhìn lại mình đôi chút vào dịp Tết, ngành điện ảnh Đại lục nên học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ để tránh lặp lại chúng.

Vụ tai tiếng lớn nhất, vượt xa các vụ khác, bị vạch trần năm vừa rồi là vấn đề “võng lạc thủy quân” (những bài bình luận giả mạo trên mạng để thay đổi xếp hạng của một bộ phim). Khi tai tiếng liên quan đến The Last Supper được công khai, các trang web bình luận phim và danh tiếng của các công ty điện ảnh phải nếm trải cuộc khủng hoảng lòng tin trầm trọng.

Bài học mà các chuyên gia lẫn những khán giả xem rạp thường xuyên có thể rút ra từ năm vừa qua là đánh giá chất lượng của một bộ phim không phải lúc nào cũng dựa trên doanh thu phòng vé cao ngất ngưởng, mà đúng hơn là từ ấn tượng mạnh mẽ mà bộ phim để lại trong lòng khán giả.

Một năm đáng quên của điện ảnh Hồng Kông

Năm 2012 hẳn là một năm kém vui và không đáng nhớ đối với công nghiệp điện ảnh Hồng Kông. So với 46 phim phát hành vào năm 2011, chỉ có 32 phim phát hành trong năm 2012.

Đó không phải là thất vọng duy nhất khi rõ ràng thiếu sự đa dạng thể loại phim với đa phần là các phim hài lãng mạn hay phim hành động; còn phim võ thuật, phim tâm lý và ly kỳ về tội phạm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cảnh trong phim All’s Well, Ends Well 2012

Đầu năm 2012, chúng ta đã được chào đón bởi phim hài Tết thường lệ. Loạt phim All’s Well, Ends Well của nhà sản xuất kiêm diễn viên Hoàng Bách Minh vẫn tiếp tục mặc dù trong buổi họp báo ở Malaysia ông nói rằng loạt phim này sẽ kết thúc.

Đối thủ phim Tết của Hoàng Bách Minh, nhà sản xuất kiêm diễn viên Tăng Chí Vỹ cũng tiếp tục sản xuất và đóng chính trong loạt phim hài tết của riêng mình, I Love Hong Kong 2012, có dàn diễn viên chính là 50 nghệ sĩ nổi tiếng.

Ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông luôn nổi tiếng với những phim hài Tết trong ba thập kỷ qua, phát hành đến 10 phim hài như vậy mỗi năm vào đầu thập kỷ 1990. Nhưng năm 2012, chỉ có hai phim hài Tết kể trên được sản xuất. Đây có thể là điều tốt khi chính thể loại này đang ngày một chán.

The Great Magician / Đại ma thuật sư của Nhĩ Đông Thăng, với sự tham gia của dàn diễn viên từng đoạt giải thưởng gồm có Lương Triều Vỹ, Lưu Thanh Vân và Châu Tấn, cũng phát hành đầu năm 2012 nhưng bộ phim này thuộc thể loại độc lập bao hàm giả tưởng và hành động pha chút hài hước. Đại ma thuật sư thu hút nhiều sự chú ý do dàn diễn viên toàn sao nhưng bản thân bộ phim là một sự thất vọng, chỉ được cứu vớt bởi diễn xuất nổi bật của các diễn viên.

Thể loại hành động đứng đầu danh sách với 14 phim bao gồm những tựa đề đáng nhớ như là Đại truy bộ của Chu Hiển Dương, Nghịch chiến của Lâm Siêu Hiền, Cold War / Điệp vụ đối đầu của Lương Lạc Dân và Lục Kiếm Thanh (mang về hơn 6 triệu đôla Malaysia chỉ riêng ở phòng vé Malaysia) và 12 con giáp của Thành Long.

Cảnh trong phim Cold War

Trong khi đó, thể loại phim lãng mạn – dù là hài lãng mạn hay tâm lý lãng mạn – 13 phim đã phát hành bao gồm Diva của Mạch Hy Nhân, Love in Time / 99 ngày thầm mến của Lý Gia Vinh, Love is … Pyjamas của Cốc Đức Chiêu, và Love Lifting của Khâu Lễ Đào.

Nhưng ngoài Love in a Buff / Xuân Kiều và Chí Minh của Bành Hạo Tường và Romance in Thin Air của Đỗ Kỳ Phong, những phim còn lại thật đáng quên đi.

Xuân Kiều và Chí Minh là phần tiếp theo của Love in a Puff / Khói thuốc tình yêu năm 2010, có cùng dàn diễn viên chính, Dư Văn Lạc và Dương Thiên Hoa. Phim đã thu hút nhiều chú ý và được ngợi khen vì miêu tả chân thực mối quan hệ của một cặp tình nhân.

Romance in Thin Air của đạo diễn phim ly kỳ - tội phạm danh tiếng ổn vào thời điểm này nhưng không để lại bất kỳ ấn tượng lâu dài nào, cho thấy Đỗ Kỳ Phong nên trở lại làm phim ly kỳ - tội phạm xoắn não thay vì làm phim lãng mạn.

Cảnh trong phim Romancing in Thin Air

Tác phẩm thật sự xuất sắc trong cả năm 2012 là bộ phim tâm lý xúc động và độc đáo của Hứa An Hoa, A Simple Life / Đào tỉ, đã đoạt năm giải thưởng chính – Phim xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất (Hứa An Hoa), Kịch bản xuất sắc nhất (Trần Thục Hiền), Nam diễn viên xuất sắc nhất (Lưu Đức Hoa) và Nữ diễn viên xuất sắc nhất (Diệp Đức Nhàn) – tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 31.

Điện ảnh Đài Loan nâng niu những điểm sáng độc đáo

Khi điện ảnh Đài Loan trỗi dậy từ gốc gác nghệ thuật và học cách yêu mến khán giả, mảng này đã ngày càng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư và phát triển về số lượng trong những năm qua.

Tiếc thay, số lượng không đồng nghĩa với chất lượng. Năm 2012 chứng kiến một lô tác phẩm dở tệ như phim tiếu lâm Bang Bang Formosa / Bảo đảo đại bạo tẩu, phim hành động Double Trouble / Bảo đảo song hùng, và phim gia đình Cornflower Blue / Lam sắc thỉ xa cúcJoyful Reunion / Ẩm thực nam nữ. Dù nhiều phim trong số này nhận được nhiều kinh phí trợ cấp từ chính phủ, vẫn không có nhiều người buồn đến rạp xem tiền thuế của họ được dùng thế nào.

Thậm chí các phim được khán giả đón nhận cũng không mấy thành công với các nhà phê bình. Các thành công phòng vé như Black and White Part 1: The Dawn of Assault / Bỉ tử anh hùng thủ bộ khúc: toàn diện khai chiến, và phim làm từ tác phẩm truyền hình The Fierce Wife Final Episode / Tê lợi nhân thê tối chung hồi, đều bị giới phê bình xem là thất bại.

Cảnh trong Bảo đảo song hùng

Bỏ qua những lời phê bình, vẫn có nhiều phim nổi bật vì câu chuyện giá trị và góc nhìn độc đáo. Sau khi xử trí phong tục khóc thương truyền thống của Đài Loan trong Seven Days in Heaven / Phủ hậu thất nhật năm 2010, đạo diễn Vương Dục Lân lại tìm thấy cảm hứng nơi nền văn hóa phổ thông giàu có của vùng đất này cùng Flying Dragon, Dancing Phoenix / Long phi phượng vũ. Lần này, thể loại ca tể hí, một dạng ca kịch của Đài Loan, ở vị trí trung tâm. Như Phủ hậu thất nhật, phim mới nhất này của đạo diễn Vương phối hợp hài hước với lối cường điệu cao độ và thêm vào chút thú vị địa phương để dệt nên một câu chuyện đầy hương vị về một đoàn ca kịch gia đình và cách các thành viên luôn tìm ra cái đẹp của cuộc sống dù gặp khó khăn liên tiếp.

Với phim dài thứ hai, GF*BF/Nam nữ bằng hữu, đạo diễn Dương Nhã Triệt thuật lại cuộc sống của ba người bạn trong thời gian gần 30 năm (từ 1985 đến 2012), cho thấy cảnh họ xoay vòng trong thời kỳ biến loạn chính trị xã hội trước khi tình trạng thiết quân luật được dỡ bỏ và phong trào sinh viên thập niên 1990, đến khi cuối cùng họ chấp nhận vị trí của mình trên thế giới này trong thiên niên kỷ mới. Dù phim vẫn còn điểm yếu, đạo diễn Dương xứng đáng được tán thưởng vì đã tạo nên một phim hoài bão về sự mất mát và mong ngóng với một dàn diễn viên mạnh do Quế Luân Mỹ, Trương Hiếu Toàn, và Phụng Tiểu Nhạc dẫn đầu.

Cảnh trong Long phi phượng vũ

Được biết đến với hướng khai phá điện ảnh ở mảng ký ức và hồi tưởng, When a Wolf Falls in Love with a Sheep / Nam phương tiểu dương mục trường của đạo diễn Hầu Quý Nhiên lột tả một mối tình ngọt ngào tươi trẻ diễn ra ở con đường đầy trường luyện thi ở Đài Bắc – đường Nam Dương. Có ngôi sao trẻ Kha Chấn Đông và tài năng mới Giản Mạn Thư đóng chính, bộ phim có vẻ sôi nổi với những đoạn hoạt hình sống động và giả tưởng thị giác, được thể hiện tốt nhất trong cảnh mười ngàn máy bay giấy lượn ngang con đường. Thiên hướng sử dụng con số, biểu tượng thời gian và những vật phẩm cũ của đạo diễn Hầu dựng nên hình ảnh giống của Vương Gia Vệ, và với bộ phim có phong cách này, đạo diễn hứa hẹn Hầu Quý Nhiên đã thành công trong việc tạo nên một thế giới như cổ tích đầy sáng tạo nơi tình yêu tuổi trẻ và hy vọng đâm chồi nảy lộc.

Với Touch of the Light / Nghịch quang phi tường, nhà làm phim đang nổi Trương Vinh Cát chọn hướng tiếp cận đơn giản, chân thực để kể một câu chuyện ấm lòng, truyền cảm hứng về tình bạn giữa một cô gái trẻ đa sầu đa cảm và một nghệ sĩ dương cầm tài năng bị mù từ khi còn bé. Phần nhiều sự thu hút của phim đến từ hai diễn viên chính được chọn khéo là Trương Dong Dung và Hoàng Dụ Tường, trong đời thực anh là người khiếm thị đầu tiên tốt nghiệp khoa dương cầm tại Đại học Nghệ thuật Đài Loan. Nghịch quang phi tường có thể được xem là phiên bản mở rộng của phim ngắn The End of the Tunnel / Thiên hắc, cũng có hai diễn viên này vào vai chính nhưng cảm xúc gói gọn vương vấn lâu hơn.

Poster Nghịch quang phi tường

Ở mảng phim tài liệu, đạo diễn Lý Tĩnh Huệ đã dành ra 13 năm theo chân bốn nữ công nhân Philippines cô gặp lần đầu vào năm 1998 tại một viện dưỡng lão ở Đài Bắc. Kết quả là Money and Honey / Miến bao tình nhân, mang đến cái nhìn gần gũi vào cuộc sống những người phụ nữ làm việc xa nhà để giúp đỡ gia đình. Lý Tĩnh Huệ giữ nhiều vai trò trong dự án phim tài liệu này, không chỉ là một nhà làm phim sau ống kính, mà còn là một thành viên năng động trước máy quay, kết bạn với các công nhân này và thậm chí còn hộ tống họ về quê nhà ở Philippines. Kết quả đợt quay bao quát tại hiện trường các nhân vật của đạo diễn Lý là một bộ phim tài liệu mạnh ở sự miêu tả đồng cảm, gần gũi và riêng tư về đời sống của những người phụ nữ này. Sự bất công và phân biệt có hệ thống chỉ được thể hiện sơ qua.

Mười phim Hoa ngữ ấn tượng nhất năm 2012

Khó mà chọn ra 10 phim Hoa ngữ hay nhất năm 2012, song có những nguyên nhân vững chắc lý giải vì sao những bộ phim đó đáng xem. Chất lượng nghệ thuật không phải là tiêu chí duy nhất của danh sách này. Sự phổ biến cũng là một mối quan tâm chủ yếu. Vài bộ phim có thể không nổi bật trong mảng nào nhưng vô cùng phù hợp với xã hội hay gây ra những cuộc tranh luận rộng rãi vượt ra ngoài bản thân bộ phim.

Back to 1942

Phùng Tiểu Cương nói về một chương đen tối trong lịch sử Trung Quốc khi ba triệu người ở tỉnh Hà Nam chết trong nạn đói năm 1942. Trong không khí dè dặt, đạo diễn Phùng khám phá nguyên nhân thực sự của thảm kịch, như tệ tham nhũng và chiến tranh, đằng sau những lý do bề ngoài như hạn hán và châu chấu phá hại. Bản thân bộ phim dài 147 phút không vui vẻ gì nhưng lại dẫn dắt người xem suy ngẫm về cả mặt sáng lẫn mặt tối trong bản chất của con người.

A Simple Life

Phim tâm lý của Hứa An Hoa, dựa trên câu chuyện giữa một người ở lớn tuổi và cậu chủ trẻ, gần như hoàn hảo về dẫn chuyện và diễn xuất.

Nhân vật chính A Đào là bảo mẫu đã sống 60 năm cùng một gia đình. Khi bà bị đột quỵ, người con trai của gia đình nhận trách nhiệm chăm sóc bà, người đã chăm sóc cậu từ bé.

Đạo diễn Hứa tài tình ở chỗ không chỉ làm cho A Simple Life lấy nước mắt khán giả, mà hơn nữa, trở thành phim tâm lý xúc động với những người bình thường nhất. Phương pháp phản ủy mị của bà lặng lẽ kéo khán giả vào câu chuyện và những suy nghĩ về cách chúng ta đối diện với tuổi già.

Love in the Buff

Đây là phần hai của phim lãng mạn được đón nhận nồng nhiệt Love in a Puff (2010).

Đôi uyên ương trẻ tuổi người Hồng Kông phải lòng nhau qua những giờ giải lao hút thuốc chia tay trong phần hai, và cả hai người chuyển đến Bắc Kinh để bắt đầu lại.

Nếu phần đầu truyền tải nhiều cảm xúc khi yêu đương hơn là câu chuyện chân thực về tình yêu, phần hai nói về những mâu thuẫn thực tế giữa những người yêu nhau, như vấn đề ngoại tình và người tình xưa. Phim cũng đề cập đến những khác biệt văn hóa mà nhiều người Hồng Kông – giống như hai nhân vật chính – đương đầu khi chuyển tới Đại lục.

Đạo diễn Bành Hạo Tường dễ dàng kể một câu chuyện hài mà nhiều người trẻ, cả ở Hồng Kông lẫn Đại lục, có thể đồng cảm.

Lost in Thailand

Bộ phim về hành trình vui vẻ của ba người đàn ông ở Thái Lan là một hiện tượng. Phim thu về 1 tỉ nhân dân tệ (160 triệu đôla) từ khi khởi chiếu vào ngày 12/12 để trở thành phim nội địa sinh lời nhất từ trước tới nay.

Cảm xúc vui vẻ của mùa cuối năm gắn với màu tang thương của hai bộ phim chiếu cùng lúc, Back to 1942The Last Supper, góp phần vào thành công của Lost in Thailand. Tuy nhiên nguyên nhân quan trọng hơn để bộ phim 30 triệu tệ gây xôn xao như thế là cốt truyện thống nhất và diễn xuất của ba diễn viên chính – Từ Tranh (cũng là đạo diễn phim), Hoàng Bột và Vương Bảo Cường.

Phim không có cảnh hành động hay kỹ xảo. Nhưng ba nhân vật chính – hai người thành thị sống dưới áp lực và một người thợ làm bánh kếp lạc quan – dễ gây sự đồng cảm của khán giả. Các câu chuyện cười gần gũi với cốt truyện và tính cách các nhân vật.

Đây chắc chắn không phải là một phim hài xuất sắc. Nhưng Lost in Thailand là một bộ phim Hoa ngữ đúng thể loại hiếm thấy.

Warriors of the Rainbow: Seediq Bale

Phim sử thi đẫm máu của Ngụy Đức Thánh miêu tả ấn tượng về phong cảnh tráng lệ và những con người quả cảm ở Đài Loan.

Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1895 đến năm 1945. Năm 1930, bộ lạc Tái Đức Khắc, một trong những tộc người thổ dân đầu tiên định cư ở vùng đất đồi núi này, nổi dậy chống lại quân Nhật.

Bộ phim nghiên cứu sâu một giai đoạn ít được biết đến trong lịch sử và mối quan hệ giữa văn minh và man rợ, giữa tốt và xấu.

Nhưng vì tựa đề kỳ lạ, độ dài 150 phút và tiếp thị kém, phim không được đón nhận tốt lắm ở phòng vé Đại lục.

White Deer Plain/ Bạch Lộc Nguyên

Bộ phim là đề tài bàn tán kể từ khi là ý tưởng. Cuốn tiểu thuyết chuyển thể được cho là không thể dựng thành phim vì quy mô của câu chuyện mà nó đề cập đến, thời gian dàn trải 50 năm với hơn 20 nhân vật chính.

Đạo diễn Vương Toàn An, người tỉnh Thiểm Tây, nơi câu chuyện diễn ra, thành công trong việc mang vẻ bề ngoài và cảm giác của vùng đất và những con người nơi đây lên màn ảnh. Màu sắc và bối cảnh trở thành phần sinh động của câu chuyện.

Tuy nhiên, đạo diễn Vương phải xử lý mâu thuẫn giữa việc truyền tải trọn vẹn câu chuyện và kiểm duyệt. Bộ phim bị cắt từ độ dài gốc 300 phút xuống hai giờ. Dàn diễn viên đông đảo được thay thế bằng tiêu điểm tập trung vào Điền Tiểu Nga, một phụ nữ quyến rũ.

Có thể câu chuyện, ngay từ ban đầu, quá lớn cho khuôn khổ một bộ phim và cho môi trường ngành điện ảnh hiện tại.

Beijing Blues

Bắc Kinh đã được khắc họa trong nhiều phim Hoa ngữ đương đại, thường là với tư cách một đô thị hiện đại. Nhưng trong khung cảnh như trên bưu thiếp và dưới những tòa nhà chọc trời, có những người bán hàng, chủ tiệm ăn, móc túi, bịp bợm và ăn xin sinh sống. Đạo diễn Cao Quần Thư có vẻ quan tâm hơn đến những người dân thường và bức tranh cuộc sống của họ qua đôi mắt một cảnh sát mặc thường phục.

Đạo diễn Cao quả là táo bạo khi xếp 30 người nổi tiếng trên Sina Weibo, trang web dạng Twitter của Trung Quốc, vào các vai chính. Người làm trong ngành xuất bản Trương Lập Hiến vào vai nhân vật chính – một cảnh sát đấu tranh với tội phạm trong cộng đồng trong khi vật lộn với vấn đề sức khỏe. Phim đoạt giải Phim hay nhất, Quay phim xuất sắc nhất và Biên tập xuất sắc nhất tại giải Kim Mã năm vừa qua, giải thưởng được mệnh danh là giải Oscar của Đài Loan.

Design of Death / Sát sinh

Cách kể chuyện sáng tạo của đạo diễn Quản Hổ và diễn xuất dữ dội của nam diễn viên chính Hoàng Bột biến Sát sinh thành phim hài châm biếm gợi suy nghĩ, miêu tả một nhân vật đặc biệt hiếm thấy trong các phim Hoa ngữ. Nhân vật chính Ngưu Kết Thực là mối phiền toái, không hợp với cấu trúc văn hóa xã hội của cộng đồng, nên luôn bị, ngay cả những người trong cộng đồng, xa lánh.

Phim gợi cho khán giả Trung Quốc nhớ tới Nhật ký người điên của Lỗ Tấn, trong đó một thằng đần bị đánh đập dã man khi hắn vi phạm một quy tắc đạo đức của cộng đồng.

Sát sinh có thể giống như trò hề làng xã nhưng giàu ẩn dụ và ý tưởng về mối quan hệ giữa một cá nhân với những phong tục tập quán vững chắc của xã hội.

Họa bì 2

Phần hai của đạo diễn Ô Nhĩ Thiện thu về gần 700 triệu tệ tại phòng vé Trung Quốc.

Là một trong những phim nội địa đạt doanh thu cao nhất từ trước tới nay, Họa bì 2 có mọi yếu tố bắt mắt mà các phim bom tấn ngày nay có thể hãnh diện: dàn diễn viên toàn sao, kinh phí lớn, kỹ xảo phong phú và các cảnh hành động sôi nổi.

Dù các nhà phê bình không đánh giá cao chất lượng nghệ thuật, Họa bì 2 có những yếu tố cần thiết của một thành công thương mại. Với ngày phát hành 28/6 – mùa nghỉ hè – và tiếp thị mạnh trong xã hội cũng như trên các phương tiện thông tin truyền thống, thành công của phim truyền cảm hứng cho nhiều người tìm kiếm vinh quang ở phòng vé.

The Last Supper / Huyết yến

Người xem chia làm hai phe yêu ghét. Bộ phim trúc trắc gợi cho người xem nhớ tới các vở kịch của Shakespeare hay các tác phẩm của Akira Kurosawa về mặt bối cảnh và lời thoại.

Vài đoạn tỏa sáng trí tuệ, song những phần khác nhàm chán và nhạt nhẽo. Rõ ràng đạo diễn Lục Xuyên có tham vọng và can đảm nghiên cứu thế giới nội tâm của một kẻ độc tài, song nhiệm vụ này đôi khi dường như vượt quá tài năng của anh.

Nam diễn viên chính Lưu Diệp không phù hợp cả về tuổi tác lẫn diễn xuất để khắc họa đúng nhân vật chính phức tạp, trong khi các nhân vật phụ thật tẻ nhạt.

Dịch: © Xuân Hoa – Thái Hiền - Mai Khanh - Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times, China Daily, Taipei Times, The Sun Daily


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi