Người Trung Quốc đã nhen nhóm lại tình yêu của họ đối với điện ảnh vào tháng trước trong khi cả thế giới say sưa trong những bữa tiệc mua sắm.
Vào tháng 12, một loạt các phim Trung Quốc đã càn quét phòng vé, với Triệu thị cô nhi và Đại tiếu giang hồ mỗi phim đều đạt mức 100 triệu nhân dân tệ (55,7 triệu đôla Hồng Kông) ngay trong tuần đầu tiên ra mắt.
Tiếp đó, Nhượng tử đạn phi và Phi thành vật nhiễu 2 thậm chí còn thành công hơn, khi tổng doanh thu cả hai thu về lên đến hơn 400 triệu nhân dân tệ cũng chỉ trong tuần đầu tiên. Nhượng tử đạn phi thậm chí còn vượt qua Avatar, bộ phim thống trị phòng vé mọi thời đại, đạt kỷ lục 60 triệu nhân dân tệ doanh thu chỉ trong một ngày tại Trung Quốc.
Phim Triệu thị cô nhi của đạo diễn Trần Khải Ca
Tất cả chuyện này diễn ra chưa đầy sáu tháng sau sự kiện Đường Sơn đại địa chấn, một bộ phim Trung Quốc khác, đã phá vỡ kỷ lục khi đạt được 100 triệu nhân dân tệ chỉ trong ba ngày công chiếu đầu tiên.
Với con rồng kinh tế có tốc độ tăng trưởng gần hai con số này, dường như nhiều người sẵn sàng bỏ ra 150 nhân dân tệ cho một chiếc vé xem phim.
Trong nửa cuối năm vừa rồi, doanh thu phòng vé Trung Quốc đã tăng 86% so với cùng kỳ năm 2009, với con số tổng cộng lên đến 4,84 tỷ nhân dân tệ.
Trích lời Vương Vân Bình, một nhà nghiên cứu ở Viện Kinh tế Kỹ thuật và Công nghệ trực thuộc cơ quan hoạch định kinh tế chính của đất nước, Uỷ ban Phát triển và Cải cách Quốc gia đã nói rằng ngành điện ảnh Trung Quốc đã “bước vào giai đoạn tăng trưởng mang tính hiện tượng.”
Nhà phê bình phim Trung Quốc Chu Lê Minh đã dự đoán đến ngày mà doanh thu phòng vé Trung Quốc vượt qua Mỹ, nơi có tổng doanh thu trong năm ngoái dự kiến xấp xỉ 10,6 tỷ đôla.
Vẫn còn một con đường dài phải đi, nhưng với việc doanh thu phòng vé Mỹ năm ngoái đã sụt giảm đôi chút trong khi ở Trung Quốc một bài báo cáo của First Group đã dự đoán là sẽ đạt 20 tỷ nhân dân tệ vào năm sau, và so sánh với mức gần 1 tỷ nhân dân tệ trong năm 2003, thì kỳ vọng này hầu như không phải là một điều quá xa vời.
Đường Sơn đại địa chấn - bộ phim đạt kỷ lục doanh thu phòng vé Trung Quốc
Vì thế mà không có gì ngạc nhiên khi các nhà khai thác điện ảnh nước ngoài muốn chiếm được một phần thị trường đang phát triển này. Tập đoàn IMAX thuộc Canada lên kế hoạch sẽ khai trương gần 100 rạp chiếu phim mới ở Trung Quốc, và đã ký hợp đồng với một loạt các đối tác. Trong tháng 9, IMAX đã ký hợp đồng với công ty CJ CGV ở Seoul, công ty sở hữu chuỗi rạp đa năng lớn nhất Hàn Quốc, để khai trương 15 rạp ở Trung Quốc.
Ngoài ra, tâm điểm chú ý của việc làm phim trong khu vực Hoa ngữ đang hướng về đại lục, theo lời Sam Wong, giám đốc dự án của hãng phim Best Video ở Hồng Kông.
Ông nói, “Với các phim Hồng Kông, tôi không thấy có sự phát triển trong những năm vừa qua. Tuy nhiên đối với những bộ phim lớn, các tác phẩm hợp tác sản xuất giữa Hồng Kông và Trung Quốc, quý vị có thể thấy là số lượng đang ngày tăng lên.”
Trong thập niên 1990 và đầu những năm 2000, ông cho biết, hầu hết các phim bom tấn nói tiếng Hoa đều chỉ do các hãng phim Hồng Kông sản xuất, nhưng giờ đây “hầu hết các phim quý vị xem đều do Hồng Kông và Trung Quốc hợp tác thực hiện”.
Ông cũng nói, “Càng ngày điện ảnh Hoa ngữ càng hướng về Trung Quốc đại lục.”
Tuy nhiên, ông cho biết vẫn có “một khoảng cách” giữa Hồng Kông và đại lục về chất lượng làm phim.
Dillon Xiang, chủ tịch hãng phim Bladedge có trụ sở tại Thượng Hải và Bắc Kinh cho biết hai khu vực này đang dần “tiến lại gần nhau hơn” trong những tiêu chuẩn sản xuất phim.
“Đặc biệt là trong năm năm qua, chúng ta đã được chứng kiến những sự thay đổi lớn,” ông nói. “Mọi người đều đang có khả năng hơn.”
Thập nguyệt vi thành (2009) là tác phẩm bom tấn hợp tác giữa Hồng Kông và Trung Quốc tiêu biểu
Điều này được được phản ánh trên cả màn ảnh nhỏ và màn ảnh rộng. Trong khi một số kênh của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc tiếp tục với những phim có thể bị xem là nhàm chán khi chỉ tập trung khai thác hoạt động của các vị lãnh đạo đất nước thì những kênh truyền hình khác đang ngày càng trở nên đa dạng. Theo lời ông thì “chỉ có rất ít các đài phát sóng” là đang cho ra những sản phẩm trong nước chất lượng cao.
Ông nói, “Tôi chắc chắn trong tương lai chúng ta sẽ còn có nhiều chương trình truyền hình tuyệt vời hơn thế nữa.”
Một số các chương trình truyền hình hay nhất vẫn đang tìm được một lượng khán giả trực tuyến lớn.
Trung Quốc có 450 triệu người đang sử dụng mạng internet, theo thống kê của Phòng Thông tin của Chính phủ Trung Quốc đưa ra vào ngày 30/12, và hơn 240 triệu người đã lựa chọn hình thức xem phim trực tuyến.
40 triệu người ở Trung Quốc được cho là đã không còn xem ti vi nữa.
Vì thế một lượng doanh thu khổng lồ đang được tạo ra từ các video trực tuyến, và bản quyền trình chiếu các chương trình truyền hình qua mạng có giá rất cao.
Vào tháng 3 năm ngoái, bản quyền sử dụng trên mạng cho bộ phim Tây du ký dài 60 tập đã được bán với giá 16,8 triệu nhân dân tệ so với chỉ có 100.000 tệ được trả cho Võ lâm ngoại truyện dài 81 tập vào năm 2006.
Mặc dù vậy, đối với doanh thu đang ngày càng tăng trên bảng xếp hạng, bức tranh về những năm gần đây vẫn chưa hoàn toàn khả quan đối với các nhà làm phim Trung Quốc.
Bộ phim Tây du ký 60 tập đã bán bản quyền cho nhà khai thác mạng với giá 16,8 triệu nhân dân tệ
Tuy ngành điện ảnh ở đại lục đã và đang phát triển rất nhanh, nhưng sự suy thoái của thế giới không vì thế mà bị xem như không có gì, theo lời của ông Xiang cho biết kinh phí cho các dự án lớn “đã bị giảm khá mạnh”.
Theo ông, điều này dường như phản ánh một sự thật rằng nhiều dự án lớn nhận được tài trợ quốc tế. Những nguồn tài trợ đến từ đại lục dường như có vẻ ít chịu ảnh hưởng hơn là tài trợ quốc tế,
Ông cũng nói, “Nếu là các dự án phim hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ, có thể cuối cùng chúng lại không được thực hiện vì vấn đề kinh phí.”
Ông nói thêm rằng tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy thị trường đang “phất lên”, năm sau tiến bộ hơn năm trước. Ông dự đoán rằng sự khôi phục này sẽ tăng nhanh vào năm nay, với mức độ tăng trưởng 20%.
Theo ông, cho dù khủng hoảng toàn cầu có đem lại những khó khăn gì nền điện ảnh Trung Quốc vẫn đang hướng tới một tốc độ phát triển vượt bậc.
“Nền điện ảnh đang tăng trưởng và sẽ bùng nổ,” ông nói. “Chúng ta có thế hệ đạo diễn thứ năm và thứ sáu, và chúng ta có rất nhiều bộ phim hay, và còn có cả công chúng nữa, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người thích đến rạp và trả nhiều tiền hơn để xem phim, thay vì chỉ xem DVD ở nhà.”
Các chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng bùng nổ ở Trung Quốc
Cùng với sự phát triển của ngành điện ảnh đại lục, ngành truyền hình Trung Quốc cũng đã mở rộng ra theo nhiều hướng để tương xứng với thị trường đang rất phát triển này - bao gồm cả sự bùng nổ về mức độ yêu thích các chương trình tìm kiếm tài năng.
Một trong những chương trình đáng chú ý nhất là Super Girl, kéo dài từ năm 2004 đến 2006 và lại được tiếp tục ghi hình vào năm ngoái. Thế nhưng chương trình của Đài truyền hình vệ tinh Hồ Nam đã phải nhận lấy nhiều lời phê bình từ các đảng viên Đảng Cộng sản gạo cội cho rằng cuộc thi hát này có ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ Trung Quốc.
Quán quân của chương trình China’s Got Talent Lưu Vỹ
Các chương trình bán bản quyền quốc tế cũng đã bước chân vào thị trường này, đáng chú ý với chương trình China’s Got Talent, phiên bản Trung Quốc của chương trình America’s Got Talent và Britain’s Got Talent, tất cả đều dựa trên một format được phát triển bởi ông bầu làng giải trí kiêm giám khảo chương trình thực tế của Anh quốc Simon Cowell.
Kỳ đầu tiên của China’s Got Talent vào năm ngoái đã gây được sự quan tâm chú ý của thế giới khi người thắng cuộc là Lưu Vỹ, một chàng trai trẻ biết chơi dương cầm bằng chân khi bị cụt cả hai tay do một tai nạn lúc nhỏ gây nên. Đứng ở vị trí á quân là một cậu bé diễn viên hài triển vọng bảy tuổi.
Trong khi đó, đại lục và Đài Loan đang tiến lại gần nhau hơn về mặt kinh tế, với một loạt những hiệp ước được ký kết nhằm giảm thiểu các rào cản thương mại giữa đôi bên. Điều đó đã được thể hiện qua một chương trình có một trong ba vị giám khảo là người Đài Loan.
Ngoài ra, một phần trong giải thưởng của Lưu Vỹ là anh được đảm bảo sẽ có một màn trình diễn với tư cách là khách mời đặc biệt của ca sĩ Đài Loan Thái Y Lâm.
Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The National