Tin tức

Đời phim trên ảnh: Nghệ thuật nhiếp ảnh ghi chép điện ảnh Hồng Kông

03/08/2021

Học giả điện ảnh người Mỹ David Bordwell từng nhận xét phim Hồng Kông “quá khoa trương, chơi ngông tiền bạc.” Dù “thời hoàng kim” của điện ảnh Hồng Kông thập niên 1980 và 1990 đã qua lâu rồi, những bộ phim được làm ở Hồng Kông ngày nay vẫn khắc họa văn hóa địa phương, đồng thời truyền cảm hứng cho một thế hệ nghệ sĩ trẻ mới.

Tằng Mịch nằm trong số đó. Tràn đầy sức sống, với vai trò nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ thị giác, cô đưa sáng tạo tiên phong vào việc thiết kế poster phim và chụp ảnh trên trường quay.

Phim hành động Hồng Kông Raging Fire năm 2021

Công việc của Tằng Mịch trên phim trường hơi khác so với các thành viên trong đoàn — tuy tất cả đều cố gắng nắm bắt toàn bộ quá trình diễn xuất, nhiệm vụ của cô là chỉ ghi lại một khoảnh khắc, nhưng khung hình duy nhất đó vẫn phải gói gọn toàn bộ sự năng động trong cảnh phim.

Sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông, Tằng Mịch, 34 tuổi, lần đầu cầm máy ảnh vào khoảng năm 2003, rồi trở thành nhiếp ảnh gia cho một số tạp chí địa phương một năm sau đó.

Cô đã chụp ảnh về nhiều chủ đề — từ thời trang đến khiêu vũ và ảnh quảng cáo cho các thương hiệu thương mại — và xuất bản hai cuốn sách nhiếp ảnh, Lady LuminanceThe Unforeseen Mile.

Năm 2011, Tằng Mịch giúp chụp ảnh phim trường cho Control, bộ phim hợp tác giữa Đại lục và Hồng Kông của đạo diễn Tất Quốc Trí với sự tham gia của Ngô Ngạn Tổ và Diêu Thần, đánh dấu bước đột phá đầu tiên của cô vào lĩnh vực điện ảnh.

Phim Hồng Kông Nessun Dorma năm 2016

Cuối năm 2015, khi đang chụp ảnh trên trường quay cho bộ phim hành động tội phạm Extraordinary Mission, cô nhận ra tiềm năng sáng tạo của công việc và quyết định biến nó thành sự nghiệp lâu dài.

“Để quay một bộ phim cần sự kiên trì, sáng tạo và tinh thần đồng đội, và tôi rất có cảm hứng để chụp ảnh phim trường,” cô nói.

Tằng Mịch nói được làm việc với các đạo diễn, diễn viên và êkíp giàu kinh nghiệm đã truyền cảm hứng cho cô. Cô thích quan sát họ làm việc.

Phim hành động là thể loại ưa thích của Tằng Mịch, vì cô nghĩ, ở một mức độ nào đó, chúng thể hiện phong cách nội tại của phim Hồng Kông. “Có rất nhiều bộ phim hành động xuất sắc và các đạo diễn phim hành động của Hồng Kông, và tôi thích sự phấn khích của những cảnh cận chiến và đấu súng,” cô nói.

Phim hành động tội phạm Extraordinary Mission năm 2017

Tuy nhiên, chụp ảnh phim trường luôn là một thách thức. “Ví dụ: khi chụp một cảnh đánh nhau, có thể có ba máy quay cầm tay theo sau các diễn viên để quay các góc khác nhau và tôi phải di chuyển để không gây trở ngại cho người điều khiển máy quay hoặc diễn viên, trong khi vẫn cố gắng nắm bắt thần thái của cảnh quay,” cô giải thích.

Khi chụp ảnh các vụ nổ, Tằng Mịch luôn tìm hiểu xem vụ nổ được dàn dựng thế nào và vụ nổ nhắm đến chỗ nào để không chỉ giữ an toàn cho bản thân mà còn tìm ra góc chụp tốt nhất.

“Chụp cảnh đua xe cũng rất nguy hiểm, bởi bạn không bao giờ biết thứ gì có thể đột ngột bay về phía mình,” cô nói.

“Góc chụp cảnh đua xe rất quan trọng, vì khi chụp từ ngay phía trước ô tô, khán giả có thể không cảm nhận được khoảng cách, nên phải tìm một góc và bố cục ảnh sao cho minh họa được khoảng cách và tốc độ,” Tằng Mịch nói.

Chụp ảnh cho phim không phải là sáng tạo cá nhân thuần túy mà Tằng Mịch sử dụng ống kính để thể hiện tầm nhìn của đạo diễn

Các trận đấu súng cũng đầy thử thách, nhưng đáng theo đuổi, cô lưu ý. Tốc độ màn trập và viên đạn rất khác nhau, vì vậy bất cứ khi nào chụp được họng súng nháng lửa, cô rất sung sướng.

“Khi quay phim hành động, đoàn làm phim và các diễn viên giống như vũ công. Tất cả đều được biên đạo chặt chẽ để chúng tôi thực hiện thân thủ đồng bộ,” cô nói.

Trên phim trường, Tằng Mịch chỉ chụp ảnh khi cô thấy bố cục và ánh sáng phù hợp. “Những bức ảnh tĩnh này có thể là tư liệu tốt cho áp phích phim,” cô giải thích.

“Trên phim trường, tôi không suy nghĩ quá nhiều, ngay khi nhìn thấy một cảnh đẹp, hoặc xứng đáng, tôi sẽ bấm nút chụp,” cô nói.

Bộ phim hành động ly kỳ tội phạm Hồng Kông năm 2017 The Brink là phim đầu tiên Tằng Mịch tạo áp phích.

The Brink là phim đầu tiên Tằng Mịch tạo áp phích

Phim xoay quanh vụ trộm hầm vàng ngầm dưới nước của một trùm xã hội đen, vì vậy Tằng Mịch đã thêm các yếu tố biển, bão vào áp phích.

Đối với áp phích từng nhân vật riêng lẻ, cô cũng đưa vào các môtíp tương tự và cô làm việc hết mình để thể hiện trực quan tính cách của từng vai diễn.

“Không như chụp ảnh chân dung, trực tiếp thể hiện tính cách của đối tượng, đối với áp phích nhân vật, tôi cần thể hiện tính cách, thần thái và một số yếu tố trong tuyến truyện của nhân vật, chứ không chỉ là hình ảnh của diễn viên,” Tằng Mịch nói.

“Trước đây của tôi sử dụng phong cách chụp ảnh gần với ảnh thời trang hơn, có màu sắc mạnh mẽ. Tuy nhiên, chụp ảnh cho phim không phải là sáng tạo cá nhân thuần túy. Tôi phải sử dụng ống kính của mình để thể hiện tầm nhìn của đạo diễn.”

Tằng Mịch (phải) và Lô Ngọc Oánh tại triển lãm ảnh Light in Motion: Photo Exhibition of Hong Kong Movies 2021

Đối với bộ phim hành động Hồng Kông Raging Fire, Tằng Mịch đã thử nghiệm các phương tiện truyền thông hỗn hợp để tạo áp phích — cô sử dụng kết xuất 3D để tạo ra nhân vật trước khi thêm các hiệu ứng cháy nổ.

Cô nói: “Chi tiết về nhân vật đã được tạo ra và tôi muốn thể hiện khi một người vô cùng tức giận, làn da và toàn bộ cơ thể của họ sẽ bị thiêu đốt, thể hiện chủ đề của bộ phim,” cô nói thêm rằng áp dụng cách tiếp cận trừu tượng vào một tấm áp phích đem lại thỏa mãn sáng tạo.

“Tôi cũng cố gắng sử dụng các bộ lọc khác nhau trên các áp phích trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau để thu hút khán giả,” cô nói.

Tằng Mịch cùng với nhiếp ảnh gia Lô Ngọc Oánh đã mở triển lãm chủ đề Light in Motion: Photo Exhibition of Hong Kong Movies 2021 trưng bày các tác phẩm của họ từ ngày 24 tháng 4 đến ngày 23 tháng 5. Triển lãm chung này do Create Hong Kong của Chính phủ Đặc khu Hồng Kông khởi xướng, Yanjiyou Bookstore tại Trung tâm mua sắm nghệ thuật K11 ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, là nhà tổ chức.

Nữ diễn viên Điềm Ni năm 1980 [Ảnh Lô Ngọc Oánh]

Triển lãm giới thiệu hình ảnh một số tinh anh hàng đầu của điện ảnh Hồng Kông, từ xưa đến nay, minh họa cho cơn sốt mê phim Hồng Kông.

Tằng Mịch hy vọng triển lãm tạo cơ hội cho khán giả Trung Quốc Đại lục hiểu và kết nối với điện ảnh Hồng Kông.

Trong suy nghĩ của Tằng Mịch, tinh thần của các nhà làm phim Hồng Kông là nỗ lực hết mức có thể đối mặt mọi vấn đề.

Cô nói: “Không như trước đây, khi điện ảnh Hồng Kông do phim hành động hoặc ly kỳ gay cấn thống trị, thế hệ đạo diễn mới của Hồng Kông tập trung hơn vào việc thể hiện cảm xúc, có thể kể nhiều câu chuyện xoay quanh triết học và nghệ thuật hơn.”

Đạo diễn Hứa An Hoa năm 1979 [Ảnh Lô Ngọc Oánh]

Bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh năm 1972, Lô Ngọc Oánh đã mang đến khoảng 50 bức ảnh các nhà làm phim Hồng Kông từ những năm 1980.

Cô nói rằng cô hy vọng quan điểm tinh thần của các nhà làm phim Hồng Kông những thập kỷ trước sẽ mang lại hy vọng và cảm hứng cho thế hệ nhà làm phim mới.

“Những người tôi chụp ảnh đã truyền gậy cho thế hệ sau, và những tác phẩm của tôi chỉ là một bản ghi lại xu hướng của thời đại,” Lô Ngọc Oánh nói.

Cô cho rằng khí chất của điện ảnh Hồng Kông là đi lên từ con số không, dù là về địa điểm, thiết bị, công nghệ hay tài năng, luôn giữ tinh thần cởi mở và chiến đấu, không quản ngại khó khăn vất vả.

Nam diễn viên võ thuật Hồng Kông Lưu Gia Huy năm 1979 [Ảnh Lô Ngọc Oánh]

Cô rất vui ngắm những áp phích phim và ảnh trên trường quay của Tằng Mịch, cô thấy rất ấn tượng.

Lô Ngọc Oánh nói áp phích phim là sản phẩm nói về thời đại của chúng. “Tôi rất phấn khích ngắm các áp phích phim, cảm giác giống như khi tôi nhìn thấy một đôi giày thể thao mới với thiết kế lạ lùng, bắt mắt và hấp dẫn,” cô nói.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily