Tin tức

Dự án phim về vụ thảm sát Christchurch vấp phải phản ứng dữ dội từ New Zealand

17/06/2021

Các thành viên cộng đồng Hồi giáo lên án “chủ nghĩa cứu tinh da trắng” trong quyết định của đạo diễn tập trung vào phản ứng của Thủ tướng Jacinda Ardern.

Hoa tưởng niệm tự phát ở Christchurch, New Zealand, vào tháng 3 năm 2019

Kế hoạch làm phim về vụ thảm sát nhà thờ Hồi giáo Christchurch của Hollywood đã gây ra phản ứng dữ dội ở New Zealand, khi cộng đồng người Hồi giáo lên án quyết định của đạo diễn không tập trung vào nỗi đau và khả năng phục hồi của cộng đồng mà tập trung vào phản ứng của Thủ tướng Jacinda Ardern.

Hơn 60.000 người đã ký vào bản kiến nghị kêu gọi hủy bỏ bộ phim. Thủ tướng Ardern đã ra tuyên bố không liên quan đến bộ phim mà bà nói rằng bà chưa được hỏi ý kiến. Thị trưởng thành phố Christchurch nói đoàn làm phim sẽ không được chào đón ở thành phố của bà, và một nhà sản xuất người New Zealand đã rời bỏ dự án.

Một số người Hồi giáo cho biết bộ phim, như được dự tính, sẽ khai thác nỗi đau của họ và hô hào “chủ nghĩa cứu tinh da trắng” bằng cách đưa Thủ tướng Ardern làm nhân vật trung tâm.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern (thứ 2 từ phải) đi cùng Gamal Fouda (trái), Imam của Nhà thờ Hồi giáo Al Noor, khi bà đến để đặt tấm bảng tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng vào hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch năm 2019

“Điều đó thực sự gây tổn thương mạnh mẽ,” Goned Mire, học giả Fulbright tại Đại học Cornell, thành viên của cộng đồng Hồi giáo ở New Zealand, nói. Ông thêm rằng ông và những người khác chỉ biết về bộ phim qua mạng xã hội. “Nỗi đau vẫn còn hết sức dữ dội đối với rất nhiều nạn nhân, gia đình của họ và đối với toàn thể cộng đồng.”

Được công bố hôm 10/6, bộ phim có tựa đề They Are Us, lấy từ những bình luận của Thủ tướng Ardern về cộng đồng Hồi giáo sau vụ xả súng năm 2019 tại hai nhà thờ Hồi giáo, khiến hơn 50 người chết. Phim sẽ có sự tham gia của nữ diễn viên người Australia Rose Byrne trong vai nữ Thủ tướng Ardern đau buồn.

Đạo diễn bộ phim, nhà biên kịch người New Zealand Andrew Niccol, nói với Deadline rằng “bộ phim đề cập đến nhân bản chung của chúng ta, đó là lý do tại sao tôi nghĩ nó sẽ nói thay cho mọi người trên khắp thế giới.” Anh nói thêm, “Đây là một ví dụ về cách chúng ta nên ứng phó khi đồng loại của chúng ta bị tấn công.”

Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand, ra tuyên bố không liên quan đến bộ phim

Trong khi Thủ tướng Ardern được toàn cầu ca ngợi vì phản ứng đầy lòng trắc ẩn trước vụ thảm sát, những người theo đạo Hồi ở New Zealand nói rằng việc bộ phim tập trung vào bà là một phần của khuôn mẫu loại bỏ các nhóm thiểu số cố hữu ở Hollywood.

“Thật sốc khi thấy rằng, đã là năm 2021 rồi, nhưng chúng ta vẫn đang làm những bộ phim như thế này mà bạn có thể thấy vào những năm 1920 hoặc 1930 ở Hollywood, trong đó những vị cứu tinh da trắng đi vào sa mạc,” Ghazaleh Golbakhsh, nhà văn, học giả và nhà làm phim người Iran-New Zealand nói. “Lại quay trở lại kiểu tưởng tượng thuộc địa và phương Đông này.”

Mặc dù tin trên các phương tiện truyền thông Mỹ cho rằng đã tham khảo ý kiến cộng đồng Hồi giáo về bộ phim, nhưng nhiều thành viên nói họ không biết bất kỳ ai tham gia vào dự án.

“Vấn đề là bộ phim nói về Jacinda Ardern, nhưng đâu phải câu chuyện của bà ấy,” Adibah Khan, phát ngôn viên của Hiệp hội Thanh niên Hồi giáo Quốc gia New Zealand, tổ chức kiến nghị, nói. “Đó là câu chuyện của các nạn nhân và cộng đồng nạn nhân của họ, và sự thật là họ không hề được hỏi ý kiến.”

Nữ diễn viên người Australia Rose Byrne (trái) sẽ vào vai nữ Thủ tướng Ardern đau buồn

Mohamed Mostafa, người có cha bị giết trong các vụ tấn công, cho biết anh cảm thấy bị lợi dụng bởi dự án phim này. “Ai đó đang tìm cách khai thác nỗi đau và nỗi thống khổ của tôi — và vì lợi ích gì?” anh nói.

Anh thêm rằng thuyết cứu tinh da trắng là cách kể chuyện sai lầm. “Không có vị cứu tinh nào ở đây, vì chúng ta có 51 nạn nhân trong câu chuyện,” anh nói. “Nếu có cứu tinh, thì sẽ không có bất kỳ nạn nhân nào.”

Bà Golbakhsh so sánh bộ phim đang được lên kế hoạch với Green Book, bộ phim đoạt giải Oscar đã bị những người gièm pha bỉ bai là “tưởng tượng hòa giải chủng tộc”.

Bà nói: “Đây là kiểu khuyến khích cái quan điểm rằng hễ ai không phải là người da trắng thì đều hoặc quá yếu hoặc không thú vị, và do đó cứ đẩy họ vào làm nền thôi, chứ không phải là một nhân vật đa chiều.”

Bộ phim có tựa đề They Are Us, lấy từ những bình luận của Thủ tướng Ardern về cộng đồng Hồi giáo sau vụ xả súng năm 2019 tại hai nhà thờ Hồi giáo, khiến hơn 50 người chết

Một báo cáo từ Sáng kiến Hòa nhập Annenberg được công bố vào tuần trước cho thấy người Hồi giáo, chiếm gần một phần tư dân số toàn cầu, thể hiện chưa đến 2% nhân vật có thoại trong các bộ phim có doanh thu cao nhất được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2019. Gần 20% nhân vật là người Hồi giáo xuất hiện đã bị giết vào cuối phim, thường là một cái chết dữ dội.

“Tôi thực sự hy vọng rằng dự án này sẽ bị hủy bỏ và chúng tôi sẽ không bao giờ nghe về nó nữa,” anh Mostafa nói. “Khi nào chúng tôi sẵn sàng kể lại câu chuyện này, chúng tôi sẽ làm, một ngày nào đó. Và đó sẽ là chúng tôi kể câu chuyện của chúng tôi.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times