Tin tức

Dying to Survive: Hiện tượng phòng vé kế tiếp của Trung Quốc

09/07/2018

Một bộ phim mới đã bùng nổ để chiến thắng với giới phê bình và thành công vang dội ở phòng vé, trong khi ghi lại một câu chuyện hiện tượng phản ánh cải cách và tiến bộ y tế của Trung Quốc kể từ đầu thế kỷ 21.

Từ trái qua: đạo diễn Ninh Hạo, đạo diễn Văn Mục Dã và đạo diễn kiêm diễn viên Từ Tranh chia sẻ những suy nghĩ sâu sắc của họ về bộ phim Dying to Survive tại sự kiện quảng bá tổ chức ở Đại học Thanh Hoa, ngày 2 tháng 7 năm 2018

Tài năng mới gặp tài năng cũ

Dying to Survive là bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc sống thực, sử dụng hài đen tối để miêu tả cuộc đấu tranh sinh tồn của những bệnh nhân ung thư bạch cầu – những người phải viện đến một tay buôn thuốc để buôn lậu thuốc rẻ tiền, chưa được thông qua từ Ấn Độ vào Trung Quốc. Tay buôn thuốc này sau đó tìm ra cách chuộc lỗi và trở thành một người hùng. Bộ phim là tác phẩm của đạo diễn mới nổi Văn Mục Dã, với sự hỗ trợ của hai nhà làm phim hài tên tuổi, Từ Tranh và Ninh Hạo.

Phim cũng đánh dấu lần hợp tác thứ năm giữa Từ và Ninh, nhưng mùa hè sinh lợi này là lần đầu tiên trong 12 năm hai người hợp tác. Trong những năm đó, cả hai đã cố gắng khám phá và giúp đỡ những tài năng đạo diễn mới và kịch bản hay. Lần này, họ làm điều hành sản xuất và đặt cược vào Văn Mục Dã, nổi bật lên vào năm 2013 với bộ phim ngắn Battle đoạt giải tại Liên hoan phim quốc tế FIRST ở Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Dying to Survive là phim dài đầu tiên của anh.

Dying to Survive dài 117 phút thiên về nghiêm túc hơn là làm cho người ta cười, nhưng vẫn mang một thông điệp tích cực. “Tôi luôn chú ý đến vấn đề thực tế, và muốn cho người ta niềm hy vọng từ sự tuyệt vọng,” Văn Mục Dã nói với China.org.cn. “Tôi sẽ tiếp tục làm dạng phim cảm động như thế này.”

Nhân vật tay buôn thuốc tây tên Trịnh Dũng của Từ Tranh (giữa) trong phim

Thành công tức khắc

Sự nổi tiếng của bộ phim đã tiếp tục tăng lên kể từ khi ra mắt tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần thứ 21, nhận được bảy lượt hoan nghênh nhiệt liệt. Trong những ngày gần đây, các suất chiếu giới hạn đã bắt đầu ở khắp Trung Quốc và bộ phim đã thu về hơn 150 triệu nhân dân tệ (22,53 triệu USD) ở phòng vé, một kết quả thử nghiệm gây sửng sốt. Một số nhà phê bình gọi phim là Dallas Buyers Club của Trung Quốc gặp Schindler List.

Tin tốt đã khiến các nhà sản xuất và nhà phân phối phát hành phim sớm một ngày trước lịch, vào thứ năm 5/7, và trong ngày mở màn đó – một ngày làm việc bình thường – phim thu về 160 triệu. Mang tới tổng doanh thu lên đến 323 triệu nhân dân tệ (khoảng 48,52 triệu USD) ngay cả khi chưa đến ngày phát hành chính thức vào thứ sáu 6/7.

Trong khi đó, trên trang bình phim Douban.com, xếp hạng của Dying to Survive đứng ở mức 9/10 dựa trên 153.700 đánh giá từ người dùng, điểm số cao hiếm có dành cho một phim sản xuất trong nước. Những người trong ngành dự đoán phim sẽ đạt mốc 3 tỉ nhân dân tệ (450 triệu USD) trong tương lai gần nếu được giải phóng hoàn toàn tiềm năng.

Từ Tranh (trái) và Vương Truyền Quân trong một cảnh phim

“Tôi tin rằng Dying to Survive sẽ vượt Operation Red Sea,” nam diễn viên Trương Dịch hào hứng nói sau khi tham dự buổi chiếu trước ở Bắc Kinh hôm thứ ba 3/7. Operation Red Sea của Lâm Siêu Hiền, mà Trương Dịch đóng vai chính, thu về 3,64 tỉ nhân dân tệ (546,94 triệu đôla Mỹ) hồi đầu năm nay và là bộ phim Trung Quốc có doanh thu cao thứ hai trong lịch sử.

Từ cuộc sống thực lên màn ảnh rộng

“Với lòng can đảm, đối mặt thực tế và thách thức, bộ phim là một tác phẩm của lương tâm, trách nhiệm và tình thương,” đạo diễn Cố Trường Vệ nói trong lời khen ngợi dành cho bộ phim.

Sức mạnh của Dying to Survive được rút ra từ câu chuyện có thật. Lục Dũng, một doanh nhân dệt may được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu năm 2002, tiến hành buôn lậu thuốc Gleevec phiên bản tương tự biệt dược gốc (thuốc generic) do Ấn Độ sản xuất – ban đầu do công ty dược Novartis của Thụy Sĩ phát triển và sản xuất – cho chính anh và nhiều người khác điều trị với giá cả chấp nhận được. Người đàn ông này đã bị cảnh sát giam giữ tại Nguyên Giang, tỉnh Hồ Nam năm 2014 vì bị cáo buộc bán thuốc giả. Anh được xem là một người hùng từ thiện và sau đó hơn 1.000 bệnh nhân ung thư bạch cầu đã viết thư gửi chính quyền Trung Quốc xin miễn tội cho anh. Công tố viên đã bác bỏ vụ kiện chống lại anh và thả anh vào năm 2015.

Lục Dũng, bệnh nhân ung thư bạch cầu và là nguyên mẫu của nhân vật chính trong phim Dying to Survive phát biểu tại sự kiện quảng bá ở Đại học Thanh Hoa hôm 2/7/2018

Truyền thuyết về anh đã gây xúc động cho Hàn Gia Nữ, biên kịch mới vào nghề, sau khi cô xem một chương trình truyền hình về anh năm 2015. “Tôi đã khóc nhiều lần khi tìm kiếm thông tin về người đàn ông này,” cô nói. Hàn Gia Nữ cũng thừa nhận khi sáng tạo kịch bản, cô chịu ảnh hưởng bởi bộ phim Erin Brockovich của Steven Soderbergh. Đây là kịch bản đầu tiên của cô được chuyển thể thành phim, nhờ đạo diễn Ninh Hạo, cũng cảm động vì câu chuyện.

Kịch bản của cô sau đó được đạo diễn Văn và một biên kịch khác làm lại, thay đổi vai chính từ bệnh nhân bệnh bạch cầu thành tay buôn thuốc, nhằm làm cho bộ phim trở nên kịch tính hơn. Nhưng nước đi này lại khiến cho nguồn cảm hứng ban đầu của câu chuyện, Lục Dũng, tức giận.

“Tôi không bao giờ muốn kiếm tiền từ những người cùng bệnh như mình,” Lục Dũng nói, “Tôi nghĩ bộ phim này sẽ làm tổn thương hình ảnh của tôi. Tôi không nói mình là anh hùng, tôi chỉ là một người bệnh giúp đỡ những người bệnh khác. Vai diễn trong bộ phim khác tôi hoàn toàn.”

Nhưng sau khi trao đổi với những người sáng tạo bộ phim, Lục Dũng bắt đầu hiểu những thay đổi sáng tạo đã được thực hiện này. Anh hài lòng với bản phim cuối cùng sau khi xem buổi chiếu trước được tổ chức ở Đại học Thanh Hoa vào thứ hai 2/7.

“Anh có thể yên tâm rằng khán giả sẽ hiểu và nhìn ra rõ ràng,” Từ Tranh, đóng vai nhân vật chính trong phim, nói với Lục Dũng sau buổi chiếu. “Vai tay buôn thuốc này thuộc về tôi, vai người hùng thuộc về anh.” Lục Dũng đã nhẹ lòng sau khi nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt và tràng cổ vũ. Đêm đó, các nhà sản xuất và sáng tạo bộ phim cũng cam kết quyên góp 2 triệu nhân dân tệ (hơn 300.000 đôla Mỹ) cho bệnh nhân ung thư bạch cầu Trung Quốc.

Phản ánh sự tiến bộ

Lục Dũng cũng nói rằng bộ phim miêu tả những gì xảy ra khi người ta không đủ tiền mua thuốc nhập khẩu giá cao. Anh đã đồng ý với thông điệp cuối phim rằng tình hình đang được cải thiện nhờ những nỗ lực gần đây của chính phủ.


Để giải quyết vấn đề giá quá cao và giảm gánh nặng tài chính cho bệnh nhân ung thư và gia đình họ, hồi tháng 5 năm nay Quốc vụ viện Trung Quốc cam kết áp dụng các biện pháp kết hợp. Bao gồm bãi bỏ thuế quan cho thuốc ung thư nhập khẩu, cắt giảm thuế VAT và thay đổi thủ tục nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy việc thu mua của chính quyền trung ương và đưa các loại thuốc ung thư rất cần thiết vào danh mục hoàn trả bảo hiểm y tế.

“Bây giờ rất khác, không có bệnh nhân nào tiếp cận tôi hỏi mua thuốc Ấn Độ nữa,” Lục Dũng nói thêm. “Bộ phim này phản ánh thời đại đó, và cũng phản ánh sự tiến bộ của Trung Quốc.”

Một khoảnh khắc cảm động xảy ra ở phần cuối sự kiện quảng bá tại Đại học Thanh Hoa, trong đó khán giả đồng loạt bật đèn pin điện thoại để chiếu sáng những tia hy vọng đầy sao.

Bạn của Lục Dũng là Yi Ran và đồng nghiệp Li Qun, là một cảnh sát và nhà thơ đã nghỉ hưu, bước lên sân khấu để đọc bài thơ của Li đề tặng cuộc sống: “Cuộc sống và cái chết rất gần / Để bừng nở hay rơi rụng chỉ trong tíc tắc / Con đường dài phía trước, nhưng thiên đường và ánh nắng không hề xa / Với cái mát mẻ của mưa mùa thu và ấm áp của mặt trời buổi sáng / Từ trên trời tôi sống lại, và biết mùa xuân ở khắp trần gian.”

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn