Sau vụ tấn công ngày 11/9, thoạt đầu có vẻ như ngành công nghiệp điện
ảnh sẽ phản hồi theo cách truyền thống là kể những câu chuyện liên quan
đến ngày đó.
Thực ra, đúng một năm sau đó, vào mùa thu năm 2002, một nỗ lực hợp tác
giữa 11 nhà làm phim quốc tế đã âm thầm xuất hiện tại các rạp chiếu phim
nghệ thuật ở vài thành phố lớn của Mỹ. Bộ phim có tên đơn giản là 11. 09. 01 — 11. 09
và kết hợp giữa nhiều phim ngắn, tất cả đều trực tiếp hoặc gián tiếp đề
cập đến những sự kiện xảy ra hôm đó. Một số thẳng thừng gây đau nhói,
như phim tư liệu Babel của đạo diễn Alejandro González Iñarritu
tái hiện cảnh những thân người rơi xuống từ tòa tháp đôi. Những phim
khác như cuộc gặp gỡ ngắn giữa nhà làm phim người Iran Samira Makhmalbaf
với học sinh tiểu học để thảo luận về bản chất sự trừng phạt của thần
linh ("Chúa không có máy bay," một cô bé nói. "Chúa tạo ra con người.")
sâu sắc một cách đáng buồn và thầm lặng.
Nhưng sau màn thết
đãi nhỏ nhoi đó, có vẻ như Hollywood sẽ áp dụng chính sách không can
thiệp. Hai dự án thu hút một lượng khán giả đáng kể năm 2006 World Trade Center, với câu chuyện xúc động có thật về hai sĩ quan cảnh sát bị kẹt dưới tòa tháp đã sụp đổ và United 93, bộ phim theo tốc độ thực của những sự kiện có thể đã xảy ra trên chiếc máy bay đã đâm xuống một cánh đồng ở Pensylvania. United 93 nhận được hai đề cử giải Hàn lâm cho đạo diễn xuất sắc và biên tập phim. Hai phim được phát hành rộng rãi hơn, phim tâm lý Reign Over Me của Adam Sandler và Remember Me của Robert Pattinson đã thất bại trong việc kết nối với khán giả.
Nicolas Cage vào vai một sĩ quan cảnh sát bị kẹt dưới tòa tháp đôi bị sụp đổ trong World Trade Center,
một trong những phim nói về ngày 11/9 quy tụ nhiều ngôi sao và thu hút nhiều khán giả
Nhà làm phim độc lập Brian Sloan có thể đưa mình vào danh sách những đạo
diễn kiêm biên kịch ít ỏi dám dứt khoát đề cập đến sự kiện 11/9. Phim
độc lập WTC View năm 2005 của ông nói về một người New York cố
cho thuê một phòng trong căn hộ liền kề tòa tháp đôi của anh ta, tuy hư
cấu nhưng bắt nguồn từ chuyện có thật. Đạo diễn người New York, sống
không xa nơi giờ đây là Khu vực số 0, từng đăng quảng cáo tìm bạn cùng
phòng ngày 10/9/2001. Kinh nghiệm nói chuyện với những người từng đến
căn hộ của ông sau vụ tấn công, tất cả đều có chuyện để kể, sau cùng lại
trở thành một vở kịch và một bộ phim. Và có vẻ như bản năng tức thì
mách bảo rằng trải nghiệm của ông cần phải được kể ra sớm hơn.
"Điều
gây cảm hứng cho tôi," Sloan nói, "là khi tôi nhận ra rằng mình đã sống
trong thời điểm đáng nhớ của lịch sử và tôi thấy bị thúc bách phải làm
phim tài liệu ngay. Đương nhiên đó là một câu chuyện rất quan trọng.
Nhưng đây cũng là câu chuyện về người dân thành phố phải sống thế nào
với sự việc kinh khủng đã xảy ra và cách họ sống cùng nhau sau đó."
Một phim khác trước đó, 25th Hour
của Spike Lee, không nói về vụ tấn công mà giới thiệu những hình ảnh
đáng nhớ có liên quan. Phim tâm lý này mở đầu bằng hình ảnh hai đèn pha
tái hiện tòa tháp đôi và sau đó là công trường ở Khu vực số 0. Aaron
Hills, người phụ trách nhà hát reRun Gastropub ở Brooklyn kiêm phóng
viên tờ The Village Voice, ban đầu không đoan chắc những hình
ảnh này sẽ hiệu quả. "Sự khơi gợi của bộ phim có vẻ là đúng thời điểm
nhưng là một sự tra cho vừa không hợp lý để chuyển thể một quyển tiểu
thuyết đã xuất bản trước khi hai tòa tháp sụp đổ," Hillis nói. "Và giờ
đây, sau ngần ấy năm, những hình ảnh đau thương đó ám ảnh tôi hơn bất kỳ
phim ảnh nào khác hậu 11/9."
Manohla Dargis, đồng trưởng ban bình luận phim của The New York Times,
xác nhận rằng tuy có một số ít phim chính thống của Hollywood thẳng
thắn đối mặt với đề tài này, thực sự hậu quả của 11/9 luôn tồn tại trong
phim.
Cảnh trong United 93
"Chúng ta có thể nhìn vào loạt Harry Potter qua đám mây đen
11/9," Dargis giải thích. "Rất khó mà không thấy, với ý tưởng Chúa tể
Voldermort là ông trùm của những thế lực tàn ác muốn tàn phá thế giới.
Và kết thúc khải huyền tái khẳng định điều đó trong tôi."
Những
hình ảnh và ký ức về ngày ấy vẫn còn đau đớn. Mười năm không phải quãng
thời gian quá dài. Nên khi một phim chính thống đa mục đích quyết định
chọn thời điểm trọng đại đó và nỗ lực đem lại ý nghĩa thì kết quả có thể
quá nặng nề. Khán giả đi xem phim vào tối thứ bảy thường có tâm lý rời
bỏ thế giới xấu xa lại sau lưng để trải nghiệm sự hồi hộp, phấn chấn
không bộc lộ trên gương mặt. Nên gián tiếp chính là hướng đi mới.
Chẳng giúp ích được gì là những phim thất bại như Remember Me
(mà Dargis miêu tả là "kinh khủng" và "lợi dụng") thình lình biến 11/9
thành một phim hành động, theo lời Sloan là "một công cụ kịch bản rẻ
tiền". Chính bản thân nhà làm phim này vốn không phải người hâm mộ của World Trade Center, lớn tiếng tự hỏi "phim này cung cấp thông tin gì về thời điểm đó cho khán giả."
Phim tài liệu chiến tranh như Farenheit 11/9 của Michael Moore và No End In Sight
của Charles Ferguson mạnh mẽ đế cập đến chính sách ngoại giao của Mỹ
sau vụ tấn công. Nhưng một phim chiến tranh hư cấu chưa một lần bàn về
lý do quân đội Mỹ hiện tại có mặt tại Trung Đông, The Hurt Locker, lại đoạt giải Oscar Phim xuất sắc nhất.
Dargis nói Hurt Locker
"hoàn toàn là một phim về 11/9, không phải bàn cãi. Và tôi cho rằng đó
là một phần lý do phim này đoạt giải Oscar năm ấy. Đây cũng là một cách
đối mặt với điều đó phần nào mang tính dạy đời."
Cảnh trong The Hurt Locker
Và ra mắt đúng vào Giáng sinh là Extremely Loud and Incredibly Close,
với sự góp mặt của Tom Hanks và Sandra Bullock. Dựa theo tiểu thuyết
của Jonathan Safran Foer, là một phim tâm lý gia đình nói về một cậu bé
mất cha trong vụ tấn công vào tòa tháp đôi.
"Phim này sẽ đem lại
nhiều hơn một chút so với những phim tương tự ít ỏi dám trực tiếp đề cập
đến vụ tấn công. Nhưng khi xem xét lại lịch sử 70 năm điện ảnh về Thế
chiến II, chúng tôi chưa đến gần được điểm cuối nỗ lực của Hollywood
nhằm nắm bắt thời điểm ấy và những đả kích đang diễn ra."
"Chúng
tôi không thể đối mặt với chủ đề trung tâm nên đành khai thác vòng
ngoài," Dargis nói. "Chưa làm được. Sẽ còn chưa làm được trong một thời
gian dài."
Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: msnbc