Tin tức

Trung Quốc phát triển mạnh phim hoạt hình

10/09/2011

Với sức mạnh kinh tế và chính trị tăng nhanh trên toàn cầu, Trung Quốc háo hức củng cố thứ gọi là quyền lực mềm - sức hấp dẫn và ảnh hưởng về văn hóa - ở nước ngoài bằng việc làm phim hoạt hình. Nhưng liệu có thể đấu lại Buzz và Woody?

Bước vào khuôn viên khu vực làm phim hoạt hình lớn nhất Trung Quốc, khách tham quan được chào đón bằng những bức tượng nhân vật kích thước như thật của Disney và Pixar: Belle khiêu vũ với Quái vật, Mowgli và Baloo ngồi trên thân cây còn Buzz và Woody tạo dáng kiểu bạn bè kinh điển.

Nhưng đây không phải chi nhánh ở hải ngoại của các hãng phim Mỹ. Thay vì vậy, những bức tượng bản sao này có ý muốn truyền cảm hứng cho thế hệ họa sĩ hoạt hình mới của Trung Quốc làm ra những bộ phim có thể sánh với các phim bom tấn và kinh điển của Hollywood như Người đẹp và Quái vật, Cậu bé rừng xanhToy Story.

Thế hệ họa sĩ hoạt hình mới của Trung Quốc được tạo điều kiện phát triển thuận lợi

Công viên hoạt hình quốc gia chính thức mở cửa vào tháng 5/2011 và chiếm khoảng 100 hecta tại Khu sinh thái Trung Quốc – Singapore ở Thiên Tân, cách Bắc Kinh 100 dặm về hướng đông nam. Khu vực này là một phần nỗ lực trị giá 695 triệu đôla của Bộ văn hóa nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hoạt hình và thực hiện những bộ phim có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Mặc dù khu sản xuất do chính phủ quản lý nhưng các hãng phim từ khắp nước có thể thuê địa điểm và trang thiết bị với mức giá trợ cấp – động lực nhằm khuyến khích việc sản xuất nhiều phim hoạt hình hơn. Một công ty hay cơ quan chính phủ có thể chỉ đơn giản đưa ra một ý tưởng, và các họa sĩ hoạt hình ở xưởng sẽ lo phần còn lại – tuy vậy, dĩ nhiên là nội dung tùy thuộc vào luật kiểm duyệt. Nhiều công ty tư nhân được mong đợi sẽ lập văn phòng trực thuộc tại công viên.

Khu vực lấy làm tự hào về công nghệ hoạt hình tiên tiến nhất trên thế giới, gồm có xưởng làm phim bắt hình động lớn nhất châu Á và thứ gọi là phần mềm phác hoạ hình ảnh ba chiều nhanh nhất thế giới. Người ta vẫn còn xem xét liệu Trung Quốc có thể vượt qua điều mà ngay cả những người quản lý xưởng phim miêu tả là khó khăn lớn hơn: thiếu sự sáng tạo nghệ thuật.

“Những họa sĩ hoạt hình Trung Quốc không có suy nghĩ riêng,” Yang Ye, giám đốc kinh doanh ở xưởng phim, nói. “Nếu bạn bảo họ làm vật gì tròn, họ sẽ làm vật tròn nhưng lại không hỏi ‘Tại sao lại tròn?’”

Công viên hoạt hình rõ ràng là mối ưu tiên của chính quyền trung ương, bao gồm việc sản xuất phim hoạt hình nằm trong kế hoạch kinh tế 5 năm hiện thời của quốc gia. Với sức mạnh kinh tế và chính trị tăng nhanh toàn cầu, Trung Quốc háo hức củng cố thứ gọi là quyền lực mềm - sức hấp dẫn và ảnh hưởng về văn hóa của - ở nước ngoài.

Viêc tham gia của chính phủ trong việc quảng bá ngành công nghiệp hoạt hình không phải là mới. Năm 2006, Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Quốc gia cấm phát sóng phim hoạt hình nước ngoài trên truyền hình từ 17 giờ đến 20 giờ hàng ngày. Lệnh cấm được nới rộng đến 9 giờ tối vào năm 2008. Một số người tin rằng lệnh cấm này là nhân tố chính trong sư thành công của chương trình truyền hình Cừu vui vẻ và sói xám, loạt phim hoạt hình nổi tiếng nhất Trung Quốc, do hãng Toon Express có trụ sở ở Hồng Kông sản xuất.

“Trẻ em chỉ có ít thời gian xem truyền hình vì phụ huynh luôn thúc giục bọn trẻ học bài,” Yang nói. “Khi mọi kênh đều chiếu Cừu vui vẻ thì tất nhiên bộ phim sẽ thành công thôi.”

Cừu vui vẻ chuyển từ truyền hình sang điện ảnh. Bộ phim điện ảnh Pleasant Goat thứ ba được phát hành ở Trung Quốc vào tháng 1/2011 và là phim hoạt hình do Trung Quốc sản xuất đạt doanh thu cao nhất từ trước đến giờ với 22,7 triệu đôla, theo tin từ EntGroup, một công ty nghiên cứu và tư vấn giải trí ở Bắc Kinh. Nhưng phim thua xa doanh thu phòng vé Trung Quốc của các phim thể loại khác, bao gồm phim chính kịch và hài kịch của trong nước lẫn nước ngoài.

Cừu vui vẻ và sói xám là phim hoạt hình thành công của Trung Quốc

Căn cứ vào doanh thu phòng vé tương đối ít ỏi của phim hoạt hình Trung Quốc, các nhà đầu tư không sẵn sàng chi nhiều tiền cho những dự án thế này. Chuyện đó dẫn đến việc các phim với giá trị sản xuất thấp không được người dân yêu thích. (Trái lại, những phim chuyển thể từ hoạt hình có người thật đóng chứng kiến xu hướng đối lập những năm gần đây, với ngân sách vượt mốc 100 triệu đôla cùng nguồn đầu tư từ các công ty tư nhân và nhà nước.)

Một ví dụ là Tây Bách Pha, phim hoạt hình duy nhất khác ra rạp cùng thời điểm với Kung Fu Panda 2 do hãng DreamWorks Animation SKG ở Glendale sản xuất.

Tây Bách Pha, tên một làng ngoại ô Bắc Kinh, kể về một nhóm trẻ ở giữa đợt tấn công cuối cùng của Quân Giải phóng Nhân dân vào Bắc Kinh trong cuộc nội chiến Trung Quốc. Phong cách phim hoạt hình này gợi nhớ đến phim Pocahontas của Disney hơn là cảm giác do máy tính tạo ra của Kung Fu Panda.

Phim Tây Bách Pha chỉ thu về 100 ngàn đôla tiền vé và bị rút khỏi rạp sau chưa đầy ba tuần, so với doanh thu phòng vé 94,9 triệu đôla của Kung Fu Panda kể từ đầu tháng 8/2011. Việc này có thể bắt nguồn từ câu chuyện buồn tẻ và mang tính tuyên truyền của Tây Bách Pha hơn là do chất lượng và khả năng công nghệ của phim.

Các hãng phim Trung Quốc mua cùng một công nghệ giống nhiều hãng hoạt hình Mỹ, và rất nhiều công việc hậu kỳ của các phim hoạt hình Mỹ được làm ở Trung Quốc. Bên trong xưởng phim Thiên Tân, các biển hiệu lớn chào bán công nghệ tại chỗ, cùng thiết bị từng dùng để thực hiện một số phim hoạt hình “khủng” nhất của Hollywood.

Mối lo chính là các phim sản xuất ở xưởng hoạt hình Thiên Tân cuối cùng sẽ bị vấn đề y hệt mà nhiều phim chuyển thể có người thật đóng đã đối mặt trên thị trường quốc tế - phần lớn cốt truyện đều đào quá sâu về văn hóa Trung Hoa nhằm làm cho phim dễ chấp nhận với khán giả nước ngoài.

Bộ phim 18 triệu đôla Legend of a Rabbit, được thực hiện ở khu làm phim hoạt hình nhỏ hơn ở Thiên Tân, là phim hoạt hình tốn kém nhất của Trung Quốc cho đến giờ. Bộ phim, ra rạp hồi tháng 7/2011 và kiếm được 2,4 triệu đôla trong hai tuần đầu tiên, xoay quanh một chú thỏ vì năm 2011 là năm Thỏ theo lịch Trung Quốc; tổng cộng có 12 phim được lên kế hoạch cho 12 năm để ca ngợi mỗi con vật hoàng đạo.

Poster phim Legend of a Rabbit

Các hãng phim hoạt hình Trung Quốc nhận ra việc thiếu tính sáng tạo và đang cố gắng khắc phục bằng cách học tập bộ phim giữ kỉ lục phòng vé Avatar.

“Phong cách hình ảnh và cách kể chuyện độc đáo là mối ưu tiên,” Jon Chiew nói, anh là tổng giám đốc của Crimson Forest Films, một công ty ở Bắc Kinh với hãng hoạt hình nội bộ sử dụng một số công nghệ giống xưởng hoạt hình Thiên Tân. “Chúng tôi tiếp nhận kỹ thuật làm phim tương tự với kỹ thuật từng sử dụng trong phim Avatar, cho một phong cách hình ảnh thú vị hơn so với các phim hoạt hình trước đây được làm ở địa phương.”

Việc đầu tư lớn của chính phủ ở lĩnh vực sáng tạo có những kết quả khá thất vọng trong quá khứ và thậm chí còn gây hại trong một số trường hợp.

“Có tâm lý ăn theo khi mọi người cố đi theo sự bảo trợ của chính phủ,” Duncan Clark, chủ tịch công ty nghiên cứu BDA China ở Bắc Kinh, nói. “Quá nhiều người chạy theo phong trào và thực sự việc đó hóa ra lại triệt tiêu tính sáng tạo.”

Mặc dù các phim hoạt hình Trung Quốc có thể nhận được sự đối đãi ưu ái ở thị trường trong nước, nhưng việc chiều chuộng đó không đảm bảo rằng các nhân vật sẽ được người dân yêu thích. Một nghiên cứu năm 2009 của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc thấy rằng chỉ có một trong 20 nhân vật hoạt hình yêu thích của thiếu niên Trung Quốc là từ Trung Quốc. Tất cả nhân vật khác là của Nhật.

Nhà phê bình phim Wu Renchu ở Thượng Hải nhận thấy hoạt hình trong nước luôn phải chơi đuổi bắt với ngành công nghiệp hoạt hình đã phát triển ở nước ngoài.

“Các phim hoạt hình Mỹ và Nhật ảnh hưởng đến thanh thiếu niên ở Trung Quốc và đặt ra chuẩn mực,” ông Wu nói. “Khi phim Trung Quốc không theo được mức đó thì những phim đó không thành công.”

Nếu vẫn còn bất kỳ thắc mắc là ngành công nghiệp này đang mong chờ hạ bệ những gã khổng lổ ở Hollywood, chỉ cần nhìn vào phim Legend of a Rabbit. Câu chuyện nói về một chú thỏ, lúc đầu là một đầu bếp không biết võ công, học hỏi nhanh chóng và cuối cùng phải đấu với một bậc thầy võ thuật độc ác: là gấu trúc.


Dịch: © Minh Châu @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times