Tin tức

Hollywood đấu tranh giai cấp

23/08/2012

Người Dơi, do Christian Bale thể hiện, đối đầu với nhân vật phản diện Bane của Tom Hardy và đám thuộc hạ của hắn làm cách mạng trong The Dark Knight Rises. Bộ phim vạch rõ sự tương quan giữa Cách mạng tư sản Pháp với tình hình kinh tế căng thẳng hiện nay.

Bạn thấy có chuyện chẳng lành.

Chuyện chẳng lành đã hình thành lâu nay rồi.

Và bất thần chuyện chẳng lành vỡ vạc ra, và chúng ta chứng kiến thế giới đảo lộn. Một thủ lĩnh hung bạo nắm lấy quyền hành, và thuyết giảng về một khởi đầu mới. Đoàn quân khố rách áo ôm của những tín đồ thực thụ của hắn bắt đầu chiếm đoạt tài sản tư nhân. Điền trang bị vét sạch sành sanh, đột chiếm các nhà tù và các tòa án nhân dân được triệu tập.

The Dark Knight Rises nói về một cuộc cách mạng hoàn toàn mới ở thành phố Gotham.

Và về nhiều phương diện, phim cũng là về Cách mạng tư sản Pháp — với những câu trích dẫn từ cuốn tiểu thuyết A Tale of Two Cities, những người vô tội khiếp sợ trong sự ngự trị của khủng bố và một người sải bước băng qua tất cả mọi thứ như một Robespierre* đầy nhiệt huyết.

Bóng gió đến quá khứ thì cũng thú vị. Tuy nhiên, càng thú vị hơn vì đây không phải là bộ phim mới duy nhất nhớ lại những tháng ngày máu lửa đó.

Trong phim Farewell, My Queen, máy quay lướt nhanh xuống đại sảnh của hoàng cung để nghe lén một Marie Antoinette tuyệt vọng.

Trong phim tài liệu The Queen of Versailles, vợ của một ông trùm hiện đại xa hoa hưởng lạc trong dinh thự của mình — rồi cho người ta phá sập nó.

Không khí nổi loạn bàng bạc. Và không chỉ có ba phim này từ một năm này. Ba phim này đến từ chỉ trong vòng hai tuần lễ — và cũng chỉ là khúc dạo đầu của một xu hướng phim về ý thức giai cấp mà cao trào là tháng 12 với Les Misérables lên màn ảnh rộng, một phim nhạc kịch hoành tráng về những người cùng khổ, "công lý" nhẫn tâm và cuộc nổi dậy của sinh viên Paris năm 1832.

Người ta sẽ đi xem phim, còn phim sẽ đi đến các công sự chiến đấu. Nhưng, thực ra phim đứng về phía bên nào? Và chính xác là gào thét lên điều gì?

Điện ảnh có thể cồng kềnh như một chiếc tàu biển chở khách — và việc chuyển hướng lộ trình cũng chậm chạp như vậy. Phải mất một thời gian để cho một xu hướng đã lỗi thời phai nhạt đi, để cho những ý tưởng mới thay vào; những gì chúng ta đang thấy trên màn ảnh lúc này thực ra đã bắt đầu từ những năm trước.

Không khác gì thời Đại suy thoái. Nền kinh tế sụp đổ vào mùa thu năm 1929, nhưng cũng phải mất nhiều năm mới có những phim phản ảnh hiện thực không-còn-mới-nữa.

Một cảnh trong Gold Diggers of 1933

Mãi đến năm 1933, hiện thực đó mới len lỏi vào chất liệu của mọi thể loại. Phim ca nhạc như Gold Diggers of 1933 khắc họa những cô gái trong đội đồng ca bị thiếu đói; phim hài như Dinner at Eight tách bạch trò đùa và cái ác nghiệt của việc phá sản. Ngay cả một phim kỳ ảo như King Kong cũng có những cảnh đầu phim về thất nghiệp và cứu tế.

Những phim khác trong năm 1933 toàn lấy chủ đề thảm họa kinh tế. Như bộ phim gây chấn động Heroes for Sale, với nhân vật chính bị mất việc được dán thẻ "Đỏ" và bị bọn khủng bố đánh thuê săn đuổi. Hay Wild Boys of the Road, với các cậu trai mới lớn trở thành đám ma cà bông đói khát. Hoặc phim Our Daily Bread nhiều hy vọng của năm sau đó, hình dung những kẻ rời bỏ thị thành định cư thành một cộng đồng trồng cấy.

Đây là những phim cực đoan — quá khích với hầu hết những kẻ tai to mặt lớn. Và đến năm 1934, Production Code của ngành có hiệu lực — luật kiểm duyệt của nó ấn định "cái gu" thịnh hành trong mọi "quan điểm về nhân vật của công chúng và những định chế công" trong phim — bắt đầu hạ nhiệt cơn giận sục sôi của điện ảnh.

Thỉnh thoảng có những cơn bùng nổ, do những nhà biên kịch cực tả. Modern Times / Thời đại tân kỳ của Charlie Chaplin, phim hài đen tối về những công việc đánh cắp linh hồn ở nhà máy và một nền kinh tế thân ai nấy lo hồn ai nấy giữ; những câu chuyện của Robert Riskin cho các phim Mr. Deeds Goes to TownMeet John Doe của Frank Capra thăm lại những nhà cải cách dân túy và, trong Doe, cảnh báo về hiểm họa bởi những tay triệu phú phát xít.

Nhưng phim thoát ly thực tế chiếm áp đảo; những câu chuyện về cuộc Đại suy thoái đã tàn phá hàng triệu người Mỹ bình thường như thế nào, không được hoan nghênh. Và, sau tiếng thét kích động cuối cùng của The Grapes of Wrath / Chùm nho uất hận, những phim về suy thoái xẹp xuống, như chính bản thân cuộc Đại suy thoái, và một cuộc thế chiến mới bắt đầu.

Thông cảm với kẻ sung túc

Khi suy thoái bắt đầu vào tháng 12 năm 2007, Hollywood lại phản ứng chậm chạp. Cả năm kế tiếp, vẫn cứ cho ra những phim về Cuộc chiến chống khủng bố — Stop-Loss, Traitor, Body of Lies, W. — mà bản thân những phim này đã "quá đát" lâu rồi (không có bao nhiêu người hâm mộ kéo nhau đi xem).

Mất một thời gian mới có vài dự án đầu tiên về "cái chuẩn mới" ra rạp. Nhưng khi có những dự án như vậy, các phim có cách tiếp cận hoàn toàn khác thời Đại suy thoái trước đây, và cẩn thận né tránh những câu chuyện về những nạn nhân yếu ớt nhất — bọn trẻ không trang trải nổi học phí đại học, công nhân nhà máy mất việc về nhà, người về hưu tằn tiện thức ăn và thuốc men.

Thay vào đó, phim tập trung vào loại nhân vật đặc quyền đặc lợi mà các nhà làm phim Hollywood có thể dễ dàng liên hệ hơn — nhà giàu bỗng chốc không còn giàu nữa.

Thế là The Company Men dành cho các nhà điều hành bị mất ghế cái nhìn cảm thông; Up in the Air dành phần lớn thời lượng không phải cho những người bị mất việc mà là cái tay "thiên lôi làm thuê" đáng thương buộc phải làm cái việc đi đuổi việc người khác. Wall Street 2Margin Call lo lắng cho những mảnh đời đầy áp lực của những tay chuyên đi sang đoạt mua bán công ty có tầm ảnh hưởng, chứ không phải những nhà đầu tư cò con bị hại.

Một số phim hay. Nhưng còn lâu mới sánh được The Grapes of Wrath / Chùm nho uất hận (mà nếu phim này được làm bây giờ có thể sẽ nói về một tay bán rượu vang trẻ tuổi tham vọng nào đó rắc rối trong xoay sở tiền mặt).

Có những ngoại lệ giận dữ — như bộ phim điên tiết Capitalism: A Love Story của Michael Moore, xem "lợi nhuận" là một từ bẩn thỉu và tuyên bố những người tiêu dùng vô trách nhiệm không có vai trò gì trong thảm họa này.

Hay, một cách kỳ cục, phim hài đạo đức giả The Other Guys của Will Farrel, sử dụng một cảnh để kết thúc mục "credits" cuối phim làm bài thuyết trình bằng PowerPoint về tiền lương béo múp của CEO (vì rõ ràng là không có ngành nào thắt ngặt về chuyện lương lậu ngoài tầm kiểm soát bằng ngành giải trí).

Nhưng, những triệu phú làm phim mới của Hollywood — không như các bậc tiền bối hồi đầu thập niên 30 — thấy cuộc suy thoái này chủ yếu giáng vào những người như họ. Họ mới đúng là nạn nhân, và mới đúng là vai chính. Đám người còn lại chúng ta — mà chúng ta thì quá dư thừa, hợp với vai quần chúng.

Đấu tranh giai cấp

Tuy nhiên, gần đây chuyện đã thay đổi. Hay có thay đổi không vậy?

Những phim năm nay như Farewell My QueenThe Queen of Versailles — công khai hay là ẩn ý — gợi lên những ngày máu đổ đầu rơi nhất của cuộc khởi nghĩa của giai cấp lao động. Những phim sắp ra rạp trong tháng 8 như $upercapitalistCosmopolis, và Arbitrage trong tháng 9, hứa hẹn đưa những ông trùm phố Wall không phải làm nhân vật chính mà là những ông hoàng nguy hiểm mới.

Xem ra bầu không khí lại sôi sục căm hờn.

The Dark Knight Rises thậm chí còn đi xa hơn, kết hợp Cách mạng tư sản Pháp và cuộc suy thoái thời hiện đại chúng ta với thành phố Gotham cường điệu điên cuồng — và hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu một tay kích động bạo động chính cống lại tiến lên lãnh đạo quần chúng.

Đầu phim, Gotham là một thành phố bề ngoài yên bình. Những nhà tư bản giàu không chịu nổi ngầm sử dụng quyền lực “khủng” (có người vì điều thiện, có người để làm ác), trong khi những tên tội phạm xấu xa nhất đã bị giam cầm vĩnh viễn.

Có dấu hiệu rắc rối — Selina Kyle, đạo chích mèo chuyên nghề tước của cải của những gã đàn ông ngu ngốc, cho Bruce Wayne biết rất nhiều điều. Nhưng ngay cả anh cũng không nhận thức hết xung đột sắp xảy ra.

Và rồi Bane xuất hiện.

Nhà tù trong The Dark Knight Rises

Hắn ta lớn lên trong một hầm giam, như những hầm giam bí mật thời trước cách nay đã lâu, nơi triều đình Pháp loại trừ đám dân phản loạn. Hắn dành nhiều năm trời trong ngục tù đen tối đó học trả thù giống như nhân vật nào đó của nhà văn Dumas, cùng với bất kỳ kiến thức nào hắn có thể thu nạp.

Cho đến khi hắn thoát ra và tập hợp tay chân.

Chúng mau chóng hủy hoại nền kinh tế. Chúng đánh cảnh sát trên đường phố. Chúng rầm rập xông tới nhà tù như nông dân phá ngục Bastille. Chúng đưa nhà giàu và thế lực ra tòa trước một quan tòa không biết đặt nghi ngờ, không có lòng khoan dung. Tất cả diễn ra trong lúc Bane trịch thượng nói về việc trả thành phố này lại cho công dân, và rao giảng "tự do" từ đàng sau chiếc mặt nạ thép tân thời.

Trận chiến kế tiếp

Đây là phim kịch tính nhất của Hollywood hiện đại — mặc dù mang tính ẩn dụ — tái hiện lại Cách mạng tư sản Pháp, thêm vào sự tương quan rõ ràng giữa cuộc cách mạng này với tình hình kinh tế căng thẳng hiện tại. (Đạo diễn Christopher Nolan còn tính đến chuyện — và khôn ngoan quyết định loại ra — đưa vào một đoạn phim tự quay về những người biểu tình phản kháng của phong trào Chiếm lấy phố Wall.)

Nhưng đồng thời — và chẳng lạ gì với một bộ phim nhiều triệu đôla, do những nhà triệu phú đôla làm ra — sự cảm thông của The Dark Knight Rises không dành cho những kẻ nổi dậy. Như hầu hết truyện tranh, phim không nói về chuyện thay đổi bằng bạo lực, mà về lập lại trật tự.

Và Bane cũng thế — thoạt tiên được đưa ra như là tường thành cách mạng chống lại một thành phố tham nhũng và dối trá — cuối cùng lộ diện thành một vị cứu tinh điên rồ với những mục tiêu còn hơn cả cực đoan.

"Ta là sự phán xét của Gotham," hắn tuyên bố, "thời kỳ hiểm nghèo mà tất cả các ngươi đã sống sót kết thúc ở đây."

"Mi là người xấu," một nạn nhân lắp bắp.

"Một người xấu cần thiết," Bane quả quyết.

Thế rồi, cuối cùng, Bane chẳng phải là một Robespierre mới mẻ chi cả, mà chỉ là một con chó dại xổng chuồng, mặt nạ của hắn chỉ là cái rọ mõm không hiệu quả. Và Người Dơi xử lý hắn giống như bạn xử lý một con thú điên.

Mặc dù có nhiều bất ngờ mang tính giải trí trong suốt bộ phim, chung cuộc The Dark Knight Rises — căng thẳng kịch tính, tham vọng sắc sảo — là một dự báo mang tính chính trị. Phim đi từ một màn tán tỉnh thời thượng với nỗi chán ghét chủ nghĩa dân túy đến nỗi chán ghét với đám đông quần chúng. Phim biến nhân vật cách mạng nhất của mình thành điên loạn, nên chúng ta có thể phớt lờ vấn đề có thật trong thông điệp của hắn. Một thông điệp bám lấy quyền lực truyền thống, từ trên xuống.

Đúng vậy, cũng như The Queen of Versailles, cũng như Farewell, My Queen, thừa nhận tình trạng náo động trên đường phố.

Thế nhưng không như những phim thời kỳ đầu cuộc Đại suy thoái, những phim thời hiện đại này lấy bối cảnh — đôi khi theo nghĩa đen — trong cung điện, và phân biệt giai cấp không phải với đám dân đen bên ngoài, mà với đám thượng lưu bên trong.

Nhưng còn nhiều nữa những câu chuyện diễn ra bên ngoài cung điện Versailles và trang viện uy nghi của nhà Wayne. Hoặc thậm chí bên ngoài những cánh cổng an toàn của dinh thự ở Bel-Air, chỗ cho những ông trùm Hollywood ngự và sáng tạo và làm cho lĩnh vực giải trí đại chúng đẹp đẽ lẫn lộn với những cảm xúc thuần chủ nghĩa dân túy.

Bởi vì giữa hai điều đó có sự khác biệt, và đó là một điều các hãng phim từng biết rõ, vào cái thời họ không đứng về phe nhà băng mà về phe những người phá sản, và cho những người thấp cổ bé họng lên tiếng trong những phim như I Am a Fugitive From a Chain Gang hay ngay cả My Man Godfrey.

Và đó là một điều họ nên nhớ lại thì mới có lợi cho họ.

Kẻo mà, như Selina Kyle lưu ý, thực sự có "một cơn bão đang đến."

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger


...

Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi