Tin tức

Khủng hoảng tuổi trung niên trở thành thể loại phim hái ra tiền ở Trung Quốc

10/11/2015

Đời có vẻ không khắc nghiệt với những diễn viên đóng vai các nhân vật chịu khốn khổ trong các bộ phim nói về khủng hoảng tuổi trung niên – thể loại được ưa chuộng này đã đem về hàng tỉ nhân dân tệ hai tháng qua ở phòng vé.

Lượng khán giả đi xem những phim mới nhất thuộc thể loại này nhiều kinh ngạc, Lost in Hong KongGoodbye Mr. Loser, theo thứ tự lần lượt thu được 1,61 tỉ nhân dân tệ (250 triệu đôla Mỹ) và 1,17 tỉ.

Từ Tranh, phải, đạo diễn và đóng chính trong Lost in Hong Kong

Do Từ Tranh, một đạo diễn phim hài có tên tuổi của Trung Quốc, chỉ đạo, Lost in Hong Kong kể chuyện một người đàn ông từ bỏ chức vụ quản lý ở một công ty để đi Hồng Kông tìm lại mối tình đầu.

Trong Goodbye Mr. Loser, nhân vật tuổi trung niên mơ mộng giữa ban ngày về thời sinh viên, ở đó anh lấy lại phẩm giá đã đánh mất bằng cách theo đuổi một cô gái và phục hồi niềm tin nơi người mẹ thất vọng của anh.

Hai bộ phim hài này là mới nhất trong dòng phim về khủng hoảng tuổi trung niên, liên quan đến những người đàn ông mệt mỏi và chán nản trong độ tuổi từ 40 đến 60.

Bất chấp độ tuổi đặc thù của nhân vật, các phim này đã hấp dẫn khán giả trẻ lẫn trung niên.

Đạo diễn Từ Tranh nói khủng hoảng tuổi trung niên là điều ai cũng gặp phải. Phim miêu tả đề tài này luôn tìm cách đánh đúng tâm lý khán giả trung niên.

"Những người ở tuổi 30 và 40 có khẩu vị chín chắn hơn và sẵn sàng mua vé xem phim. Tôi làm phim dựa trên suy nghĩ của mình về cuộc đời, đã chứng tỏ là đặc biệt thú vị với khán giả," Từ Tranh nói trong một phỏng vấn.

Khi xã hội Trung Quốc bước vào giai đoạn chuyển tiếp, khủng hoảng tuổi trung niên trở nên phổ biến hơn.

Zhang Yiwu, giáo sư tiếng Trung và phê bình điện ảnh tại Đại học Bắc Kinh, nói những phim này kịch hóa những suy nghĩ và cảm xúc vụn vặt từ đời thực, phản ánh khủng hoảng tuổi trung niên theo cách đáng khen ngợi.

Liu Fan, nhà nghiên cứu tại Học viện Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc, nói việc hầu hết nhà sản xuất đều ở vào tuổi trung niên "khiến họ có khả năng phát huy được tối đa đề tài này."

Ngoài khán giả trung niên, thế hệ trẻ sắp sửa bước vào giai đoạn giữa của cuộc đời cũng quan tâm đề tài này và đóng góp vào sự nổi tiếng của các bộ phim.

Một khảo sát cho thấy gần 85% khán giả xem những phim thuộc thể loại này ở vào độ tuổi từ 18 đến 35, trong đó nhóm tuổi 18 đến 25 chiếm 35,77% trong tổng số.

Giới phê bình phim tin rằng vì phim nói về khủng hoảng tuổi trung niên có khuynh hướng so sánh tuổi trẻ với tuổi trưởng thành, tạo nên sức hấp dẫn với khán giả trẻ.

Mơ về quá khứ để rồi cũng phải quay lại với hiện thực khắc nghiệt - cảnh trong Lost in Hong Kong

Trong hai phim nói trên, các nhân vật chính đều mơ tưởng về quá khứ và tái ngộ mối tình đầu, dù cả hai đều phải quay lại với hiện thực phũ phàng. Những cảnh hành động gợi cho khán giả nhớ đến nỗ lực thoát ly thực tế của chính họ, vốn thường vô vọng.

"Bằng cách so sánh các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, các phim này dễ dàng lôi kéo khán giả vào những giấc mơ giữa ban ngày, cho họ tạm xa rời thực tế," Liu nói.

Nhưng tất cả rồi cũng phải trở lại với hiện thực, ông nói, nhắc nhở khán giả sống cho hiện tại.

"Chừng nào các phim hài có thể khơi gợi suy nghĩ về các vấn đề xã hội đồng thời cộng hưởng với khán giả, thì bạn không thể phủ nhận sự xuất sắc của chúng," ông nói.

Những phim như thế thôi thúc khán giả có ý tưởng rõ ràng cả về cuộc sống của họ hiện đang ở đâu và nơi họ muốn đến.

"Goodbye Mr. Loser thực sự là một phim sâu sắc, làm cho khán giả phải đối mặt với thực tại đời sống khắc nghiệt theo một cách hài hước," một cư dân mạng có tên Taotaosi bình luận trên trang cá nhân của mình trên Sina Weibo.

Goodbye Mr. Loser làm cho khán giả phải đối mặt với thực tại đời sống khắc nghiệt theo một cách hài hước

Một cư dân mạng khác có tên Junior Field nói "một phim hài hay là phim soi rọi cuộc sống, trong lúc làm bật ra tiếng cười. Goodbye Mr. Loser đã làm đúng chính xác như vậy."

Đây là một trong những thể loại hái ra tiền của cơn bùng nổ điện ảnh Trung Quốc.

Giới phê bình nói thành công của nhiều thể loại phim chứng tỏ sự đa dạng đang tăng lên của thị trường phim Trung Quốc, vốn từng bị áp đảo với phim sử thi và phim hài chỉ mới cách đây vài năm.

Đến ngày 5/9/2015, các rạp chiếu Trung Quốc đã thu 30 tỉ nhân dân tệ, vượt tổng doanh thu năm 2014 là 29,6 tỉ nhân dân tệ. Hơn một nửa doanh thu đó đến từ phim nội địa, số liệu chính thức cho thấy.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times