Tin tức

Kỷ nguyên vàng giải trí Hồng Kông vẫn có vai trò trong điện ảnh Trung Quốc

24/05/2018

Mặc dù phim Hồng Kông hầu như vắng mặt trong vụ mùa Cannes năm nay, diễn viên và ca sĩ từ thời kỳ hoàng kim giải trí của đặc khu này lại có mặt trong hai bộ phim Trung Quốc trình chiếu tại sự kiện.

Châu Nhuận Phát trong phim Điệp huyết song hùng của Ngô Vũ Sâm

Phim và âm nhạc Hồng Kông từ “kỷ nguyên vàng” của những năm 1980 vẫn đương thời trong điện ảnh Trung Quốc đương đại? Để tìm câu trả lời, bạn không cần phải nhìn đâu xa hơn hai phim chính của Trung Quốc tại Liên hoan phim Cannes năm nay.

Mặc dù phim Hồng Kông hầu như vắng mặt trong vụ mùa Cannes năm nay, diễn viên và ca sĩ của đặc khu này – bao gồm Châu Nhuận Phát, Diệp Thiến Văn, Trần Tuệ Nhàn và Vạn Ỷ Văn – hiện diện rất nhiều trong hai phim Trung Quốc có mặt trên đại lộ Croisette năm nay. Đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy văn hóa đại chúng của Hồng Kông từng có ở Đại lục, từ những năm 1980 đến đầu những năm 2000.

Trong Ash is Purest White của Giả Chương Kha, dự tranh giải thưởng cao nhất tại Cannes, một nhóm gangster tỉnh lẻ xem Châu Nhuận Phát đóng trong phim Điệp huyết song hùng của Ngô Vũ sâm năm 1989. Ca khúc chủ đề cho bộ phim đó, bản ballad Shallow Drunk Life của Diệp Thiến Văn, được trình bày nổi bật xuyên suốt.

Triệu Đào (trái) và Liệu Phàm trong phim Ash is Purest White của Giả Chương Kha

Sinh năm 1970, Giả Chương Kha bắt đầu sự nghiệp sau khi thắng giải tại Giải thưởng video và phim ngắn độc lập Hồng Kông với phim ngắn đầu tay Xiao Shan Going Home năm 1997. Anh nói phim Hồng Kông là nguồn giải trí và cảm hứng quan trọng cho công chúng Đại lục những năm 1980, đặc biệt là giới trẻ.

“Họ đã học được những ý tưởng và quy tắc nhất định từ phim của Ngô Vũ Sâm,” đạo diễn nói với South China Morning Post tại Cannes. “Không giống các tay xã hội đen Hồng Kông, nhưng họ đã bắt đầu hình thành các băng nhóm. Giống như nhân vật của [diễn viên chính] Liệu Phàm [trong Ash is Purest White] đang xem phim đó với bạn bè của anh ta, ngưỡng mộ tất cả những ‘người hùng’ và ‘người tốt’ ấy.”

Đây không phải là lần đầu tiên Giả Chương Kha đã đưa lên màn ảnh những liên hệ với ảnh hưởng mà văn hóa đại chúng Hồng Kông có ở Trung Quốc Đại lục. Trong Platform (2000), phim điện ảnh thứ nhì của anh, các thành viên của một đoàn văn công trẻ thập niên 1980 trải qua nghi thức gia nhập bằng cách vận dụng phong cách âm nhạc và biểu diễn Canto-pop. Trong bộ phim năm 2015, Mountains May Depart, một nhân vật trẻ tuổi phải lòng cô giáo sinh ở Hồng Kông với nhạc nền là một bản ballad Hồng Kông.

Nữ diễn viên Hồng Kông Vạn Ỷ Văn, tên của cô được liên hệ trong phim Long Day’s Journey Into Night của đạo diễn Tất Cống

Không chỉ có một mình Giả Chương Kha. Trong Long Day’s Journey Into Night của Tất Cống, tranh giải hạng mục Un Certain Regards của Cannes, nhân vật nam trở về quê hương tìm kiếm người tình cũ là Wan Qiwen. Cái tên đó là phát âm tiếng Quan Thoại cái tên tiếng Quảng Đông của nữ diễn viên Vạn Ỷ Văn, đã nổi tiếng ở Hồng Kông và các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài vào cuối những năm 1990 với bộ phim truyền hình Khử tà diệt ma.

Trong khi tìm kiếm Vạn Ỷ Văn, nhân vật nam chính được yêu cầu tìm một ca sĩ tên là Trần Tuệ Nhàn – là phát âm tiếng Quan Thoại cái tên Priscilla Chan, một trong những ca sĩ Canto-pop nổi tiếng nhất thế hệ của cô.

Những ám chỉ nhân vật giải trí Hồng Kông rõ ràng là có chủ ý, khi nhân vật chính không ngừng bị chế giễu vì theo đuổi ngôi sao điện ảnh và ca sĩ nhạc pop trong một thị trấn nhỏ.

Hoàng Giác (trái) và Thang Duy trong phim Long Day’s Journey Into Night của Tất Cống

Trong ghi chú sản xuất của mình, đạo diễn Tất Cống 28 tuổi thừa nhận rằng nhà làm phim Hồng Kông nổi tiếng Vương Gia Vệ là một trong những ảnh hưởng chính đến phong cách phim của anh.

Điều đáng chú ý là cả Giả và Tất đã bỏ qua văn hóa đại chúng hiện tại của Hồng Kông để lấy cảm hứng từ một quá khứ tương đối xa xôi, khoảng thời gian khi phim và nhạc Hồng Kông là những thứ đáng thèm muốn lưu hành chủ yếu bằng đĩa lậu và băng cassette.

Về những tài liệu tham khảo nổi bật của anh đối với phim giang hồ (thế giới ngầm) của Hồng Kông từ những năm 1980, Giả Chương Kha nói rằng chúng là “những kỷ niệm quan trọng, không thể nào quên” đối với anh.

Nữ ca sĩ Hồng Kông Trần Tuệ Nhàn

Liệu văn hóa đại chúng Hồng Kông ngày nay có thể để lại dấu ấn tương tự nơi giới trẻ Trung Quốc hay không thì phải chờ xem.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post