Tin tức

Nhà sư Huyền Trang lên màn ảnh rộng trong xuất phẩm hợp tác Trung-Ấn

30/12/2015

Hết lần này đến lần khác, bộ tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân thời nhà Minh (1368-1644) lên phim truyền hình, điện ảnh, và hoạt hình.

Đây có lẽ là câu chuyện được chuyển thể nhiều nhất ở Trung Quốc và vì thế tạo ảnh hưởng to lớn lên ấn tượng của nhiều thế hệ người Trung Quốc về nhà sư Huyền Trang (602-664), nhà sư có thật mà nhân vật Đường Tăng của bộ tiểu thuyết dựa vào.

Huỳnh Hiểu Minh, phải, trong vai Huyền Trang

Bất chấp ảnh hưởng lan tỏa rộng rãi trong xã hội, việc khắc họa sự yếu đuối và nhạy cảm của Đường Tăng trong Tây du ký lại khá sai lệch khi nói đến việc thể hiện nhân vật lịch sử này. Dành 19 năm đi, học hỏi và trở về quê nhà từ Thiền viện Nalanda ở Ấn Độ, Huyền Trang có lẽ là một trong những nhà sư nổi tiếng nhất đời Đường (618-907).

Xuất phẩm đồng sản xuất Trung-Ấn, Huyền Trang, do đạo diễn Trung Quốc Hoắc Kiến Khởi chỉ đạo và Huỳnh Hiểu Minh trong vai Huyền Trang cùng các nam nữ diễn viên Ấn Độ, nhắm mục tiêu bộc lộ nhà sư Huyền Trang thực và hành trình gian truân của ông tới Ấn Độ với khán giả.

Tại buổi họp báo công bố bộ phim ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đoàn phim đã chia sẻ trải nghiệm làm phim của họ ở Trung Quốc và Ấn Độ cùng những phát hiện bất ngờ về di sản của nhà sư đáng kính này ở nơi mà ông tìm được sự giác ngộ.

Không có bạn đồng hành và thậm chí la bàn, hành trình mà Huyền Trang băng qua hoang mạc nay là Khu tự trị Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ có lẽ là phần khó khăn nhất trong chuyến Tây du hành hương của ông. Vì lý do đó, đạo diễn Hoắc nhấn mạnh việc cquay một phần lớn bộ phim ở vùng hoang mạc này.

Đạo diễn Hoắc Kiến Khởi, giữa, chỉ đạo trên trường quay

"Điều kiện cực kỳ gian khổ này nhấn mạnh sự kiên trì trong đức tin của nhà sư," Hoắc Kiến Khởi nói.

"Có rất nhiều phiên bản khác nhau của Kinh Phật ở Trung Quốc thời đó, khiến ông rất bối rối. Nghe nói về sự hiện hữu của một ngôi chùa lớn và thiêng ở Ấn Độ, ông quyết định đưa Kinh Phật thực thụ về Trung Quốc," Hoắc Kiến Khởi nói với tờ Global Times.

Mặc dù chuyến đi của ông không có những nhân vật được miêu tả trong Tây du ký, hành trình của nhà sư Huyền Trang cũng đầy rẫy những trở ngại hiểm nghèo, bao gồm thiên nhiên như hoang mạc, và do con người như một quan lại địa phương tìm cách ngăn cản ông ra khỏi đất nước.

"Nhân thân của ông lúc đó có nghĩa là ông không được phép ra khỏi nước," Hoắc Kiến Khởi nói thêm.

"Dứt khoát đây là vai diễn khó khăn nhất mà tôi đảm nhận từ trước đến nay," Huỳnh Hiểu Minh cho biết.

Đoàn phim trên một vùng hoang mạc

"Chúng tôi thường xuyên di chuyển đến các khu vực khác nhau trong hoang mạc vì cảnh phim và tôi phải mang vác ba lô rất nặng." Cơ bản là màn trình diễn một người nhấn mạnh vào tâm lý của nhân vật chính, phim là thách thức với Huỳnh Hiểu Minh, nam diễn viên thường được nhận những vai diễn nhờ vẻ điển trai.

Để bám sát sự thật lịch sử, một số phần phim được quay ở Ấn Độ. Sau khi đến nước Ấn Độ thời cổ, Huyền Trang không chỉ học Kinh Phật, mà còn đi khắp nơi, nói chuyện với người địa phương và ghi chép về ảnh hưởng của Phật giáo đối với cuộc sống của con người.

Đi đến đâu ông cũng ghi chép, và những ghi chép đó về sau đã trở thành tác phẩm Đại Đường Tây Vực Ký, chứa đầy thông tin về đủ các khía cạnh xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, như địa lý, chính trị, thuế và ngôn ngữ.

"Chỉ khi nào bạn đến đất nước đó (Ấn Độ), bạn mới thực sự cảm nhận được ảnh hưởng của ông và sự quen thuộc của người địa phương đối với Huyền Trang. Câu chuyện của ông có trong sách giáo khoa bậc tiểu học và trung học," đạo diễn Hoắc cho biết.

Áp phích phim

Là một trong ba phim được làm trong chương trình Hợp tác sản xuất Trung-Ấn bắt đầu hồi tháng 5/2015, dự kiến phim Huyền Trang sẽ khởi chiếu ở Trung Quốc và Ấn Độ trong nửa đầu năm 2016.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times