Tin tức

Nhìn lại điện ảnh châu Á năm 2010

28/02/2011

Điện ảnh châu Á trải qua một năm 2010 tương đối thành công, cả về doanh thu phòng vé lẫn chất lượng các bộ phim ra rạp.

ĐIỆN ẢNH TRUNG QUỐC

Năm vừa qua là một năm thịnh vượng đối với điện ảnh Trung Quốc, ít nhất là về mặt tài chính. Với Triệu Thị cô nhi của Trần Khải Ca và bộ phim hài được yêu thích Đại tiếu giang hồ (Call Me Nobody) đều vượt quá ngưỡng 100 triệu nhân dân tệ (15,03 triệu đôla Mỹ) trong tuần công chiếu đầu tiên, tổng doanh thu phòng vé các phim Trung Quốc dự đoán đạt được mục tiêu 10 tỉ nhân dân tệ (1,503 triệu đôla) trong năm 2010. Quốc gia này hiện đang là thị trường điện ảnh lớn thứ sáu trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, dù thành công về mặt phá kỷ lục phòng vé nhưng ngành điện ảnh Trung Quốc vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối cần quan tâm.

Phòng vé lai tạp

“Các phim Trung Quốc vẫn rất khó kiếm ra tiền,” Giám đốc sở điện ảnh thuộc Cục quản lý truyền thanh, điện ảnh và truyền hình Trung Quốc cho biết. “Cần phải phát triển nhiều hơn nữa các khâu viết kịch bản, chọn vai diễn và quảng bá.”

Trung Quốc đã nhập khẩu 24 phim nước ngoài trong năm 2010, chiếm hơn 40% doanh thu của toàn ngành. Chỉ riêng Avatar của đạo diễn James Cameron cũng đã thu về được hơn 1,3 tỉ nhân dân tệ (195,39 triệu đôla Mỹ), phá kỷ lục trong số các phim nước ngoài. Mười bộ phim bom tấn sản xuất trong nước đạt được 2,15 tỉ nhân dân tệ (323,145 triệu đôla Mỹ) trong suốt cả năm, và chưa đến 4 tỉ nhân dân tệ (601,2 triệu đôla) là tổng doanh thu của tất cả các phim nội địa còn lại, hầu hết trong số này đều là các phim nghệ thuật kinh phí thấp.

Các phim có khả năng thu lợi nhuận vẫn đang đi theo một lối mòn: phim bom tấn của đạo diễn và ngôi sao màn bạc lớn, chuyển thể từ một câu chuyện nổi tiếng như Dưới cây sơn trà (Under the Hawthorn Tree) và Triệu Thị cô nhi, hay các phim võ hiệp (võ thuật lịch sử hay võ thuật huyền ảo) như Thời đại sát thủ (Reign of Assassins), Diệp Vấn 2Địch Nhân Kiệt.

Under the Hawthorn Tree được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của Ái Mễ (2007)

Nhà phê bình điện ảnh Hồ Lượng đã nói với Global Times: “Có một lý do đơn giản lý giải vì sao phim Trung Quốc lại dễ đoán biết như thế: Chúng ta đã bị lạc hậu quá nhiều so với các nước phương Tây trong hầu hết mọi thể loại phim từ phim kinh dị, phim đô thị hiện đại hay viễn tưởng, vì thế các nhà làm phim của chúng ta rất hiếm khi chạm đến những lĩnh vực này. Còn đối với thể loại phim võ thuật cũng dễ bán ra nước ngoài hơn chúng ta lại làm rất xuất sắc.”

Không có đất cho những người trẻ tuổi

Một vấn đề nữa cũng đang ám ảnh ngành điện ảnh trong nước hiện nay à sự thiếu hụt những gương mặt mới. Diễn viên 53 tuổi Cát Ưu trong mùa phim Tết này đã đóng đến ba bộ phim bom tấn. Khán giả cứ phải xem đi xem lại những gương mặt như Châu Nhuận Phát, Huỳnh Hiểu Minh và Trần Khôn.

Diễn viên võ thuật 47 tuổi Chân Tử Đan đã góp mặt trong hầu hết các phim hành động Trung Quốc, từ Diệp Vấn 2, Cẩm Y Vệ cho đến Tinh võ Trần Chân.

Một khán giả 29 tuổi đã phải đặt nghi vấn, “Có thể Chân Tử Đan đúng là một diễn viên giỏi, nhưng mà hầu như tuần nào tôi cũng đều thấy mặt anh ấy ở ngoài rạp. Có phải là hiện nay Trung Quốc thực sự không còn một diễn viên nào khác nữa không?”

Phim hành động nào cũng có Chân Tử Đan góp mặt

Nhiều đạo diễn và nhà sản xuất cũng có chung mối quan ngại như vậy. Đạo diễn Chương Gia Thuỵ đã nói với Global Times, “Chọn diễn viên đóng trong phim thực sự là vấn đề rất đau đầu. Chúng tôi cần phải xem xét cả kỹ năng diễn xuất lẫn mức độ nổi tiếng của họ.”

Ông cũng nói thêm, “Gần đây dường nhưng chỉ có Cát Ưu là thực sự đạt được cả hai tiêu chuẩn này, nhưng ông lại 53 tuổi rồi. Những diễn viên trẻ hơn như Lưu Diệp, Trần Khôn hay Đồng Đại Vi cũng đã đều quá tuổi 30. Gần như không có một diễn viên nào giỏi đang còn ở độ tuổi 20 cả.”

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng gặp phải khủng hoảng tương tự trong việc tìm diễn viên khi thực hiện bộ phim Dưới cây sơn trà trong năm nay. “Đạo diễn tuyển chọn diễn viên đã đi gặp hàng triệu nữ sinh ở các trường đạo tạo diễn xuất, học viện hý kịch và những nơi khác, nhưng đều không tìm được một ai thích hợp.”

Trong khi các đạo diễn phàn nàn về việc khó tìm diễn viên giỏi, thì các diễn viên cũng đang lo lắng mình không có nổi một cơ hội diễn xuất. “Trước khi tôi đoạt giải thưởng, các nhà đầu tư sẽ không ai chịu tài trợ cho bộ phim khi nhìn thấy tên tôi trong bảng phân vai chính. Họ luôn đòi hỏi những tên tuổi lớn như Cát Ưu, và đạo diễn phải thoả hiệp điều đó,” nam diễn viên xuất sắc nhất được liên hoan phim Tokyo trao giải năm nay Vương Thiên Nguyên đã chia sẻ cùng Global Times.

Nhà phê bình Hồ Lượng giải thích rằng, “Phần đông khán giả đều muốn nhìn thấy các siêu sao, và các nhà đầu tư tài trợ phải dựa trên điều này, đó là lý do vì sao luôn chỉ thấy những gương mặt đã quá quen thuộc đó. Hiện nay vì tiêu chuẩn đỗ vào các trường đào tạo diễn xuất thấp và chương trình đào tạo còn yếu kém nên có rất ít những gương mặt mới gây được chú ý.”

Diễn viên kỳ cựu Cát Ưu đóng trong cả ba phim bom tấn được chú ý nhất mùa phim Tết này

Kỳ vọng to lớn

Tuy nhiên cho dù vẫn còn nhiều tồn tại nhưng việc đạt được mục tiêu 10 tỉ nhân dân tệ đã khiến các nhà làm phim Trung Quốc tự tin lên rất nhiều.

Hàn Tam Bình, chủ tịch công ty điện ảnh quốc doanh China Film Group, đã kêu gọi ngành điện ảnh đặt ra mục tiêu thậm chí còn lớn hơn là đến năm 2015 sẽ đạt được doanh thu hằng năm lên tới 30 tỉ nhân dân tệ (4,509 tỉ đôla Mỹ). Ông nói, “Số người đi xem phim rạp hiện vẫn còn rất hạn chế. Thậm chí người dân thành phố bốn năm mới đi xem rạp một lần (tính bình quân), con số này thấp hơn nhiều so với ở những nước láng giềng như Hàn Quốc và Nhật Bản.”

Trung Quốc hiện nay đã có khoảng 5.000 màn ảnh rộng tại các rạp chiếu bóng, đứng thứ tư trên thế giới, và con số này vẫn đang không ngừng tăng lên mỗi ngày.

“Nhìn chung, 10 tỉ nhân dân tệ doanh thu phòng vé là rất đáng kể, nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với doanh thu từ bất động sản, lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất ở Trung Quốc,” Giám đốc điều hành Stellar International cho biết. “Điện ảnh Trung Quốc sẽ phát triển hơn nếu nhận được nhiều sự quan tâm chú ý hơn của các nhà đầu tư, nhà làm phim và khán giả.”

Top 10 bảng doanh thu thường niên

Xếp hạng | Tên phim | Doanh thu (triệu nhân dân tệ)

Phim trong nước

1. Đường Sơn đại địa chấn | 647,75

2. Địch Nhân Kiệt | 295,50

3. Diệp Vấn 2 | 232,35

4. Đại binh tiểu tướng | 160,78

5. Dưới cây sơn trà | 144,13

6. Cẩm Y Vệ | 143,65

7. Tinh võ Trần Chân | 136,68

8. Việt quang bảo hạp | 131,79

9. Những ngày hè nóng bỏng | 131,65

10. Đỗ Lạp Lạp thăng chức | 128,81

Phim nước ngoài

1. Avatar | 1.378,70

2. Inception | 467,14

3. Alice in Wonderland | 226,40

4. The Expendables | 213,06

5. Iron Man 2 | 176,37

6. Clash of the Titans | 175,18

7. Prince of Persia: The Sands of Time | 158,22

8. Toy Story 3 | 110,90

9. How to Train Your Dragon | 91,24

10. Sherlock Holmes | 81,74

Những phim Hoa ngữ đáng nhớ của năm 2010

Let the Bullets Fly

Năm nay là năm những đạo diễn hàng đầu Trung Quốc – Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca và Phùng Tiểu Cương - đều ra mắt các tác phẩm mới, nhưng đều phải thua một đối thủ tự xưng mình là nghiệp dư.

Khương Văn từng là diễn viên chuyển sang làm đạo diễn và từ năm 1994 mới đạo diễn bốn bộ phim. Nhưng mỗi bộ phim đều có chất lượng cao.

Bộ phim mới của anh có bối cảnh vào thế kỷ 20, và là một bộ phim về đề tài cướp bóc với nhiều cảnh hành động. Thật ra “cướp bóc” có thể được hiểu nhầm khi thứ đang được nhắm tới là một chức quan trong tỉnh và những tài sản được gắn với chức quan này. Bộ phim có chút phong cách viễn tây khi phần lớn các cảnh phim là ở ngoại ô.

Poster phim Let the Bullets Fly

Khương Văn có một khiếu hài hước khá độc địa. Nhiều lời thoại có nhiều ẩn nghĩa và có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Cách sử dụng những yếu tố không hợp với thời đại một cách tinh tế của bộ phim tạo những ý nghĩa trưng cho nhiều cảnh phim. Diễn viên cho bộ phim này cũng rất xuất sắc.

Monga

Phim xã hội đen là một thể loại đã được các nhà làm phim Hồng Kông làm đi làm lại, vì thế khi đạo diễn Đài Loan Nữu Thừa Trạch bắt tay vào làm phim trong thể loại này, không ai mong đợi anh tạo ra một sự khác biệt. Bộ phim khá dễ đoán trước, nhưng cách kể chuyện của đạo diễn, với dàn diễn viên mới mẻ và đẹp mã, đã khiến nhiều khán giả phải chú ý và giúp bộ phim tạo được tiếng vang nhỏ ở phòng vé.

Dù không được chiếu ở Đại lục, bộ phim được nhiều người truyền miệng và qua đó được download và xem khá rộng rãi. Đây là một phim về sự trưởng thành của tuổi thiếu niên trong một bối cảnh xã hội đen. Những cảnh rượt đuổi trong phim gần như là một buổi giao hưởng hơn là một bộ phim cướp bóc. Bộ phim cũng gợi tưởng tới một câu chuyện tình đẹp.

Echoes of the Rainbow


Đây là một câu chuyện về một gia đình vào những thập kỷ 60 và 70, trong một Hồng Kông còn là thuộc địa của Anh và những công dân người Hoa đang đứng trước ngưỡng cửa của một phép màu kinh tế.

Dựa theo câu chuyện của chính gia đình đạo diễn, nhà biên kịch La Khải Nhuệ, bộ phim mang có chút vị cay đắng nhưng lại ngọt ngào.

Deep in the Clouds

Bộ phim này chưa được công bố rộng rãi nhưng lại nhận được nhiều sự khen ngợi tại Liên hoan phim Thượng Hải. Bộ phim kể về một ngôi làng miền núi phải chọn giữa việc bảo vệ môi trường và loài gấu đen và những cơ hội kinh tế tốt hơn.

Phim thuê nhiều người dân của chính làng này, những người ít khi được xem phim. Đây cũng là bộ phim nói tiếng bản địa, một ngôn ngữ mà chính đạo diễn cũng không hiểu. Tuy thế, bộ phim mang đầy tính chân thật và một sắc đẹp nên thơ gần như chưa bao giờ có được trong một bộ phim với nhiều thông điệp như thế này.

Đường Sơn đại địa chấn


Bộ phim kể về hai trận động đất lớn ở Trung Quốc, bắt đầu với trận động đất ở Đường Sơn năm 1976 và kết thúc với động đất Tứ Xuyên 2008, đây được cho là một phim về thiên tai. Tuy nhiên, Phùng Tiểu Cương đã tạo nên một bộ phim về tình yêu gia đình và những mâu thuẫn giữa những thế hệ trong gia đình.

Poster phim Đường Sơn đại địa chấn

Có thể cho rằng đây là phiên bản Trung Quốc của phim Sophie’s Choice. Có nhiều chi tiết về những người sống sót sau trận động đất mà người ngoài không thể biết tới, nhất là những tục lệ đốt giấy vào ngày giỗ đầu của người thân. Diễn xuất của Từ Phàm cho thấy rõ cảm giác tội lỗi của người sống sót và tình yêu của người mẹ trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc.

Lost on Journey

Bộ phim hài này dường như lấy cảm hứng từ Planes, Trains and Automobiles, một phim của Steve Martin về những khó khăn khi ta lên đường về quê nhà. Phiên bản Trung Quốc này lấy những tình huống với những yếu tố văn hóa Trung Quốc và hai diễn viên chính tượng trưng cho hai nhóm khác nhau trong xã hội.

Bộ phim có nhịp độ hợp lý với nhiều cảnh hài hước. Phim cũng có vẻ thiên vị kẻ yếu hơn và có một kết thúc có hậu, với những thông điệp đầy ý nghĩa.

Vegetate

Bộ phim thể hiện chủ nghĩa xã hội hiện thực một cách sâu sắc nhất, và đây dường như là một bộ phim theo nhiều tư tưởng Trung Quốc, ít khi được chiếu trên màn ảnh rộng. Bộ phim chỉ trích ngành dược của Trung Quốc, với nhiều sản phẩm chưa từng được qua kiểm duyệt hay đánh giá. Bộ phim có nhiều chi tiết cho thể giúp ta tìm hiểu được sự thật về những gì diễn ra trong ngành.

Dù xuất sắc như Erin Brokovich của Julia Roberts hay The Insider của Russell Crowe, Vegetate lại không có diễn viên nổi tiếng và chính điều này đã dẫn tới việc nó không có doanh thu tốt ở phòng vé.

Địch Nhân Kiệt


Bộ phim cổ trang với ngân sách cao này thể hiện một Trung Quốc vào thời kỳ xa hoa nhất, vào thời nhà Đường (năm 618-906), dưới quyền vị nữ hoàng đế nổi tiếng nhất trong lịch sử, Võ Tắc Thiên. Cốt truyện khá nhiều ngõ ngách giúp khán giả không bao giờ cảm thấy nhàm chán và dàn diễn viên đầy sao cũng được trợ giúp bởi bối cảnh công phu.

Poster phim Địch Nhân Kiệt

Đây là phiên bản Trung Quốc của phim Sherlock Holmes của diễn viên Robert Downey Jr. nhưng Địch Nhân Kiệt, dù là người có thật trong lịch sử, lại được biết đến rộng rãi qua lời kể của một học giả Trung Hoa người Châu Âu. Vì thế, bộ phim chịu nhiều ảnh hưởng của cả hai nền văn hóa.

The War of Internet Addiction

Đây không phải phim công chiếu ở rạp, nhưng là một phim ra mắt trên mạng, với nhiều hình ảnh từ các trò chơi điện tử. Tuy nhiên bộ phim có cốt truyện độc đáo và lời thoại lồng tiếng bởi nhiều cư dân mạng.

Bộ phim mang đặc tính kỹ thuật nhưng lại cho những cư dân mạng một tiếng nói về việc trò chơi yêu thích của họ bị chặn khỏi mạng internet. Đây là một bức tranh về sự tức giận và bối rối của cả một nhóm người. Cảnh cao trào của bộ phim cũng khá cảm động và có sức mạnh như sét đánh.

Love in a Puff


Bành Hạo Tường đã nắm bắt được không khí thành thị trong bộ phim kể về việc hẹn hò nam nữ thời hiện đại.

Cốt truyện khá tự do đã thể hiện được hình ảnh một thế hệ mới với tính cách thoải mái và những quan niệm tình yêu khá bay bổng. Đây là một bức tranh chính xác về tình yêu của giới trẻ ngày nay.

Những phim đáng nhắc tới khác


AvatarInception đều không phải là phim Trung Quốc nhưng lại có ảnh hưởng lớn ở nước này. Bộ phim đầu tiên đã tạo một kỷ lục phòng vé ở Trung Quốc, có thể rất khó vượt qua và tạo nên những tiêu chuẩn mới về chất lượng.

Inceptionlà bộ phim đã giúp khán giả quan tâm tới việc tìm hiểu ý nghĩa giấc mơ, một điều Sigmund Freud chưa bao giờ làm được ở một nước Trung Quốc đông dân tới thế.


ĐIỆN ẢNH NHẬT BẢN

Năm vừa qua là năm tuyệt nhất và cũng là năm tệ hại nhất của điện ảnh Nhật Bản. Một mặt, những phim do các đài truyền hình sản xuất chắc chắn ăn khách tiếp tục tung hoành ở các rạp chiếu phim. Mặt khác, những đạo diễn phim độc lập, bao gồm những người đã có tên tuổi và những gương mặt mới, đều rất khó khăn mới có được nguồn tài trợ và phát hành, và những rạp chiếu phim nhỏ thiên về phim nghệ thuật đang chết lần chết mòn.

Tuy vậy, câu chuyện không chỉ đơn giản là hãng phim lớn Toho xấu xa dẫm đạp hết những hãng phim nhỏ tốt đẹp. Thật ra, trong năm nay Toho và những hãng phim lớn khác đã cho ra mắt những phim khá hơn. Những phim điện ảnh có chất lượng này trong nhiều trường hợp còn tạo ra cơn sốt hơn cả những tập phim truyền hình chuyển thể thành phim điện ảnh hoặc phiên bản chuyển thể từ truyện tranh và phim hoạt hình - những phim thường bảo đảm doanh thu phòng vé nhất.

Doanh thu phòng vé Nhật Bản đã ghi kỷ lục mọi thời đại trong năm 2010, đạt 220,7 tỉ yen (2,66 tỉ USD), bất chấp nền kinh tế trì trệ và dân số sụt giảm để lập kỷ lục khán giả cao nhất kể từ năm 1974.

Tsumabuki Satoshi và Fukatsu Eri trong Akunin của Lee Sang Il

Các bộ phim trong nước có một năm tốt nhất từ trước đến nay, thu về tổng cộng 118,2 tỉ yen – vượt qua con số kỷ lục năm rồi, trong khi doanh thu phim nước ngoài khôi phục mạnh mẽ từ con số nghèo nàn năm 2009 để đạt 102,5 tỉ yen, theo thống kê từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Điện ảnh Nhật Bản.

2010 là năm thứ ba trong chuỗi năm mà phim trong nước bán chạy hơn phim nhập khẩu, sau khi chỉ có duy nhất một năm được như thế từ 20 năm trước đây. Tuy vậy, phim nước ngoài cũng ghi vài điểm thị phần, từ 43,1% năm 2009 tăng lên 46,4%, chủ yếu là từ các phim bom tấn 3D của Hollywood; Avatar (15,6 tỉ yen), Alice in Wonderland (11,8 tỉ yen) và Toy Story 3 (10,8 tỉ yen) là ba phim thành công nhất, bất kể nguồn gốc của chúng.

Các bộ phim nội địa dẫn đầu là phim hoạt hình Karigurashi no Arrietty (The Borrowers) của xưởng phim Ghibli, với 9,25 tỉ yen, phần tiếp theo của phim 3D Umizaru 3 The Last Message với 8,04 tỉ yen và một phim phần ba khác, Bayside Shakedown 3 – Set the Guys Loose! với 7,31 tỉ yen.

Xếp thứ tư, phim hoạt hình của hãng Toei One Piece Strong World với 4,8 tỉ yen, là bộ phim duy nhất không phải do Toho phân phối đứng trong tốp 13 phim trong nước có doanh thu cao nhất của năm.

Kokuhaku (Confessions), bỏ lỡ cơ hội lọt vào danh sách sơ tuyển tranh Oscar Phim nước ngoài xuất sắc nhất, thu về 3,85 tỉ yen và xếp thứ bảy trong nước, phim do Toho sản xuất và phân phối.

Matsu Takako trong cảnh phim Kokuhaku của Nakashima Tetsuya

Lợi nhuận từ tiền vé 3D giúp tăng giá vé trung bình khoảng từ 50 yen lên 1.266 yen, lần tăng đáng kể nhất sau nhiều năm giảm dần khi nền kinh tế dang trải qua tình trạng lạm phát.

Dân số Nhật cũng đang giảm: tại ngày lễ trưởng thành năm nay, con số thấp kỷ lục 1,24 triệu người ăn mừng sự kiện họ đã bước vào lứa tuổi thành niên (20 tuổi). Chưa kể bất chấp bất lợi về dân số này, số khán giả đến rạp cũng đạt gần 175 triệu người, và số rạp chiếu cũng leo lên 3.412 rạp.

Toho, sau một năm kỷ lục nữa, đang thử nghiệm giảm giá vé ở một số khu vực từ mùa xuân này trong nỗ lực làm tăng số khán giả xem phim.

Bảng xếp hạng doanh thu phòng vé Nhật Bản 2010

Xếp hạng | Tên phim | Doanh thu (USD)

1. Alice in Wonderland (2010) | 133.694.649

2. Toy Story 3 | 126.660.533

3. The Borrowers (Kari-gurashi no Arietti) | 110.013.058

4. Umizaru 3 (The Last Message) | 94.786.753

5. Bayside Shakedown 3: Set the Guys Loose | 85.245.510

6. Harry Potter and the Deathly Hallows (Part One) | 82.000.882

7. Resident Evil: Afterlife | 55.120.606

8. Space Battleship Yamato | 48.510.317

9. Pokémon: Diamond Pearl Gen-ei no hasha zoroark | 47.204.602

10. Kokuhaku (Confessions) | 42.577.928

Những phim xuất sắc năm 2010: các khoảnh khắc tuyệt nhất trong 12 tháng thăng trầm của điện ảnh Nhật

Akunin (Villain)

Phim của Lee Sang-Il về một chàng trai lao động nghèo chăm chỉ (Tsumabuki Satoshi thủ vai) đem lòng yêu một phụ nữ khoảng ba mươi tuổi làm việc ở tiệm tạp hóa đã được nhiều giải thưởng một cách xứng đáng. Đạo diễn Lee Sang-Il, từng làm phim Hula Girls năm 2006 đưa Aoi Yu lên thành một ngôi sao, cũng tận dụng được sự diễn xuất tuyệt vời của Fukatsu Eri trong vai người bán hàng ngại ngùng, không có sự sân si của người đời nhưng cũng rất chung thủy trong tình yêu. Lee Sang-Il đã làm được điều mà những đạo diễn bậc thầy của Nhật thường làm một cách dễ dàng, nhưng bây giờ lại hiếm như phép lạ, đó là làm những bộ phim sắc bén, tỏa sáng về những cuộc sống bình thường.

Poster phim Caterpillar của Wakamatsu Koji

Caterpillar

Dựa trên câu chuyện của Rapo Edogawa về một chiến binh (Onishi Shima thủ vai) trở về ngôi làng của mình sau chiến tranh, cụt tay cụt chân, đạo diễn thường làm những phim gây chấn động Wakamatsu Koji đã thực hiện một bộ phim đơn giản nhưng táo bạo và không khoan nhượng về chiến tranh thế giới thứ hai, về tiền tuyến và hậu phương. Terajima Shinobu, trong vai vợ của người hùng, tạo nên một sự cân bằng hoàn hảo, vừa kiêu hãnh tự hào vì những hy sinh của chồng mình (và trước sự thăng tiến của mình trong xã hội), vừa ghê tởm những thay đổi của chồng: một con thú chỉ biết ăn uống và tình dục. Cũng như một con nhộng, cô phải phục vụ chồng nhưng cũng muốn thoát mình ra khỏi cái kén.

Kokuhaku (Confessions)

Một giáo viên cấp II (Matsu Takako thủ vai) tìm cách trả thù những người đã giết đứa con nhỏ của cô - chính là hai học sinh trong lớp. Bộ phim u ám của Nakashima Tetsuya về cơn ác mộng này đã phá rất nhiều quy luật điện ảnh - kẻ giết người được tiết lộ ở phần đầu phim, giáo viên lạnh lùng và xa cách (cũng như chai lì về mặt cảm xúc), và những cảnh bạo lực gây chấn động được thể hiện bằng những hình ảnh chói lóa. Nhưng Kokuhaku, cũng như những phim khác của Nakashima, có sức mạnh sinh ra từ những sự mâu thuẫn này.

13 Assassins

Bộ phim làm lại của phim về võ sĩ đạo năm 1963 của Kudo Eiichi do đạo diễn Miike Takashi - người chuyên làm những phim lạ lùng - thực hiện, với phim này ông đã đem bộ phim của mình ra so tài với những bậc thầy của thể loại phim này với tất cả tài năng đáng nể của mình. Tham vọng này của ông được thể hiện trong mọi cảnh quay, nhưng rõ rệt nhất là trong trận chiến đỉnh cao dài 50 phút, với 13 võ sĩ chiến đấu với một viên tướng thích hành hạ người khác cùng 300 tên binh lính của ông ta. Khởi đầu chỉ là một sự bạo loạn đầy tính giải trí lại kết thúc với những võ sĩ bị thương và phải chiến đấu để sống còn - những khoảnh khắc chưa từng có trong những phim trước của Miike.

Một cảnh phim trong 13 Assassins của Miike Takashi

Otoutou (About Her Brother)

Phim lấy bối cảnh hiện đại của Yamada Yoji về mối quan hệ đầy căng thẳng giữa dược sĩ chăm chỉ (Yoshinaga Sayuri thủ vai) và người em nghiện rượu, thất bại trong nghiệp diễn (Shofukutei Tsurube) tránh được những chi tiết sáo rỗng - những đôi mắt lóng lánh nước và tiếng đàn violin dàn trải. Thay vào đó, Yamada chỉ để lại những chi tiết cần thiết nhất, từ từ đẩy câu chuyện lên cao điểm khi mọi sự giả tạo được trút bỏ và sự thật dần hiển hiện. Có những sự thật rất đau buồn và gây chấn động, nhưng cũng có những sự thật rất đẹp đẽ.

Golden Slumber

Cũng như bộ phim đưa mình ra với thế giới, Fish Story (2009), Nakamura Yoshihiro đưa những niềm đam mê của mình vào đây - từ việc sự thật có thể có nhiều hình dạng khác nhau, đến sự kết nối giữa tất cả mọi người với nhau - vào một bộ phim có nhiều tầng ý nghĩa, với cốt truyện đùa cợt với bộ não người xem. Người hùng của truyện, một người vận chuyển hàng hóa (Sakai Masato) bỗng vướng vào kế hoạch ám sát phải chạy trốn suốt bộ phim, nhưng cùng lúc đó phải tìm được người anh ta có thể tin tưởng. Phần giữa phim là phần ít nổi bật nhất, nhưng lại dẫn đến kết thúc với nhiều sự hé lộ tuyệt vời - cùng hi vọng.

Boys on The Run

Phim hài của Miura Daisuke về một người bán dây chuyện khờ khạo (Mineta Kazunobu thủ vai) tìm cách ngủ với đồng nghiệp xinh đẹp của mình (Kurokawa Mei) và đánh bại tình địch đẹp trai (Matsuda Ryuhei) hài hước một cách tinh tế và không phô trương, nhưng cũng cho thấy những sự thật trần trụi và tránh được những cảm xúc sáo rỗng. Giây phút hài hước xuất hiện tại những khoảnh khắc và góc độ lạ lùng, nhưng nhờ vậy mà trở nên hài hước hơn. Hãy chào đón sự xuất hiện của một đạo diễn hài hước độc đáo.

Sweet Little Lies

Đạo diễn làm phim độc lập kỳ cựu Yazaki Hitoshi tạo nên bức tranh chân dung của cuộc hôn nhân sắp tàn lụi với sắc xám triền miên. Tuy cách thể hiện phim u ám và lạnh lẽo, nội dung phim lại chứa đầy xung đột vì cả hai đều đang ngoại tình, và đằng sau vẻ bề ngoài êm ấm đó là những rắc rối, bí ẩn và sự thật mâu thuẫn. Nakatani Miki thể hiện một người vợ vừa tự cô lập mình một cách lạnh lùng vừa có nhiều đam mê cháy bỏng có thể chợt bùng cháy như ngọn lửa.

Poster phim GeGeGe no Nyobo của Suzuki Takuji

GeGeGe no Nyobo (Người vợ của GeGeGe)

Bộ phim tiểu sử của Suzuki Takuji nói về họa sĩ truyện tranh Mizuki Shigeru (Kudo Kankuro thủ vai) và vợ anh, Nunoe (Fukiishi Kazue thủ vai) có thể có nhiều khoảnh khắc giống truyện tranh, ví dụ như khi các nhân vật như bóng ma của Mizuki bất chợt xuất hiện từ trong trang sách, nhưng bộ phim chủ yếu nói lên cuộc sống và quá trình kiếm tiền vất vả, dai dẳng của người họa sĩ này - với cách thể hiện chân thận, đầy kính trọng và hài hước - mà không nhắc nhiều tới sự nổi tiếng hay tiền tài. Vừa gây nhạc nhiên vừa làm người ta ngưỡng mộ, đây là một bộ phim tiêu biểu cho dòng điện ảnh tiết độ chậm, các cảnh được quay thong thả, nhưng khiến người xem thỏa mãn hơn nhiều so với những bộ phim khiến trí não không cần hoạt động ngoài kia.

Yukai Rapusodi (The Accidental Kidnapper)

Đạo diễn kiêm diễn viên Sasaki Hideo có thể mượn ý tưởng từ A Perfect World của Kevin Costner về một tên lừa đảo (Takahashi Katsunori thủ vai) bắt cóc một thằng bé hỗn láo sáu tuổi (Hayashi Roi), nhưng đạo diễn này đã khiến nó thành một bộ phim hài hước trúng phóc. Cả hai đều không trông chờ gì ở tương lai (ngoại trừ bị tay chân của ông chủ cũ khử), thằng bé đi trốn người cha trùm băng đảng đáng sợ của mình (Aikawa Sho thủ vai), và tên lừa đảo bắt đầu thân nhau hơn sau những lần cãi nhau, cùng nhau chạy trốn và ăn ngấu nghiến đồ ăn rẻ tiền từ các tiệm tạp hóa. Một phiên bản Huckleberry Finn của Nhật, nhưng thay bè bằng chiếc xe cũ nát.


ĐIỆN ẢNH HÀN QUỐC

Số lượng khán giả và tổng doanh thu phòng vé tại Hàn Quốc trong năm qua vận động ngược chiều.

Số liệu thường niên do Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) công bố cho thấy một sự đối lập được lường trước khi số lượng vé bán ra giảm 5,2% xuống 146 triệu, nhưng tổng doanh thu lại tăng 6,55 lên 1,15 nghìn tỉ won (khoảng 20 nghìn tỉ đồng).

Số liệu cho thấy phim Hàn Quốc chiếm 46,5% thị phần, tính trên số lượng khán giả, giảm từ 75,5 triệu vé bán được năm 2009 xuống 68,2 triệu. (Số liệu của KOFIC khá sát với những con số được cụm rạp CJ-CGV công bố trước đó vài ngày. CJ-CGV cho biết số lượng khán giả đến xem phim Hàn Quốc tụt từ 76,6 triệu xuống 69,3 triệu, và thị phần giảm từ 49% xuống 47%).

The Man from Nowhere, phim có doanh thu cao thứ hai tại Hàn Quốc năm 2010

Giá vé trung bình tăng lên đã ngăn doanh thu của phim Hàn Quốc không giảm quá sâu. Tính trên tổng doanh thu phòng vé, phim Hàn Quốc chiếm 43,9% thị phần, giảm 4,6% từ 525 tỉ won năm 2009 xuống còn 504 tỉ won. Giá vé trung bình tại Hàn Quốc năm 2010 tăng 12% từ 6.970 won lên 7.834 won.

Nhưng một phân tích khác về doanh thu trung bình của các phim Hàn Quốc cho thấy một kết quả không thể gọi là hài lòng. Số liệu của KOFIC cho biết số lượng phim Hàn Quốc ra rạp tăng 20% (từ 140 phim năm 2009 lên 168 phim năm 2010) nhưng doanh thu trung bình lại giảm tới 20%, từ 3,75 tỉ won xuống 3 tỉ won.

Tổng số phim công chiếu tại Hàn Quốc tăng từ 429 phim năm 2009 lên 482 phim, trong đó phim nước ngoài tăng từ 289 phim lên 314 phim. Doanh thu trung bình của phim nước ngoài tăng 7% từ 1,91 tỉ won lên 2,05 tỉ won.

2010 rõ ràng là năm thành công của phim 3D tại Hàn Quốc, một phần nhờ vào giá vé cao. Trong khi chỉ có 7 phim 3D công chiếu trong năm 2009, với 1,84 triệu lượt khán giả (chiếm 1,2% tổng số) tương đương 23,4 tỉ won doanh thu (chiếm 2,2% tổng số) thì năm 2010 có 26 phim 3D (Avatar khởi chiếu năm 2009 nhưng tính vào doanh thu 2010). Các phim này đã thu hút 16,8 lượt khán giả (chiếm 11,4%) và mang về 190 tỉ won, tương đương 16,5% tổng doanh thu phòng vé. Doanh thu trung bình của phim 3D tại Hàn Quốc tăng từ 3 triệu won năm 2009 lên 6,61 triệu won.

Một phân tích kèm theo của KOFIC cho thấy sự thay đổi mang tính hệ thống đã diễn ra tại các phòng vé Hàn Quốc năm 2010. Trong khi số lượng rạp chiếu phim gần như không thay đổi thì số lần tới rạp tính bình quân đầu người giảm còn 2,92, lần đầu tiên thấp hơn ngưỡng 3. KOFIC chỉ ra đó là do ảnh hưởng của truyền hình giao thức internet và dịch vụ tải phim hợp pháp trên mạng tại Hàn Quốc.

CJ Entertainment là nhà phân phối dẫn đầu tại Hàn Quốc

CJ Entertainment vẫn là nhà phân phối dẫn đầu. Hãng phân phối 44 phim trong năm 2010, chiếm 28% số lượng khán giả và 28% doanh thu với 332 triệu won. Hãng xếp vị trí thứ nhất tính trên các phim Hàn Quốc và xếp thứ hai chỉ sau Fox Hàn Quốc với tư cách nhà phân phối các phim nước ngoài.

Một công ty khác hoạt động theo mô hình sản xuất – giới thiệu – phân phối là Lotte Entertainment xếp thứ ba với 10% thị phần và doanh thu 113 tỉ won. Lotte phân phối tổng cộng 26 phim và đứng thứ hai tính trên các phim Hàn Quốc. Một hãng phân phối lớn khác Showbox/Mediaplex xếp thứ ba tính trên các phim Hàn Quốc (phân phối bảy phim), nhưng chỉ xếp thứ bảy trên tổng số, với 7% thị phần tương đương 74,4 tỉ won. Showbox/Mediaplex xếp sau công ty mới hoạt động được hai năm Next Entertainment World (NEW), phân phối 18 phim (trong đó có 8 phim Hàn Quốc) chiếm 7% thị phần tương đương 77,1 tỉ won. Các phim của hãng gồm Poetry và bộ phim đình đám cuối năm Hello Ghost.

Bảy phim Hàn Quốc lọt vào top 10 phim doanh thu cao nhất. The Man from Nowhere thu hút 6,18 triệu khán giả, xếp thứ hai sau Avatar, tiếp đến là Inception và phim Hàn Quốc Secret Reunion.

Bảng xếp hạng doanh thu phòng vé Hàn Quốc 2010

Xếp hạng | Tên phim | Doanh thu (USD)

1. Blades of Blood | 82.177.196

2. The Man From Nowhere | 42.484.155

3. Inception | 38.705.828

4. Yeuihyungje (A Sworn Brother) | 36.280.220

5. Iron Man 2 | 27.095.727

6. How to Train Your Dragon | 24.385.591

7. Pokémon: Diamond Pearl Gen-ei no hasha zoroark | 23.887.905

8. Moss | 21.922.944

9. Powha Sokeuro (Into The Fire)| 20.528.451

10. Hello Ghost 19.530.916

Mười phim Hàn Quốc đáng chú ý nhất năm 2010

The Man From Nowhere

Mối liên hệ duy nhất giữa cựu nhân viên lực lượng đặc biệt CHA Cha Tae Shik với thế giới bên ngoài là cô bé So Mi sống cạnh nhà. Mẹ cô bé là Hyo Jeong chuyển lậu ma túy từ một tổ chức buôn ma túy và giao số hàng này cho Tae Shik mà không để anh biết. Bọn buôn ma túy phát hiện Hyo Jeong cất lén số hàng và bắt cóc cả cô ta lẫn bé So Mi. Bọn chúng hứa thả hai người nếu Tae Shik chuyển hàng giúp chúng, thế nhưng thật ra vụ này là một âm mưu lớn hơn để loại trừ thủ lĩnh băng ma túy đối địch. Khi cơ thể bị mổ bụng của Hyo Jeong được phát hiện, Tae Shik nhận ra mạng sống của So Mi có thể cũng đang gặp nguy hiểm. Tae Shik trở nên điên cuồng trước viễn cảnh rằng có thể So Mi đã chết và chuẩn bị cho một cuộc chiến, đặt mạng sống của chính anh vào cảnh nguy hiểm.

The Secret Reunion

Sáu năm trước, một vụ nã đạn bí ẩn diễn ra tại Seoul. Hậu quả của vụ việc là Lee Han Kyu bị mất việc ở Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS). Sáu năm sau, Song Ji Won, một cựu điệp viên Bắc Hàn giờ đây đang hoạt động ở đâu đó trong thủ đô Seoul. Khi hai người đàn ông che giấu thân phận của mình và làm việc theo góc độ riêng, những rắc rối lại một lần nữa phát sinh…

Woochi

Bộ phim khởi đầu ở triều đại Chosun năm 1509 và xoay quanh bộ ba phù thủy Lão giáo, một pháp sư tên Jeon Woo Chi và con chó biến thành người của anh ta, một ông vua thối nát, những tên yêu quái độc ác, và một nhà tiên tri thổi sáo mọi người đều theo sau. Cuối cùng Jeon Woo Chi bị nhốt trong một cuốn sách cổ vì một tội ác mà anh không hề gây ra.

Đến năm 2009, các phù thủy được kêu gọi trở lại vì lũ yêu tinh bắt đầu xuất hiện ở Hàn Quốc hiện đại và gây rối khắp nơi. Ba nhà phù thủy kêu gọi Woo Chi, vừa được thả ra khỏi cuốn sách cổ, cứu lấy thời đại. Vấn đề là Jeon Woo Chi, một kiểu người phản anh hùng, lại trở nên hứng thú hơn với việc tham quan và lăng nhăng với phụ nữ ở xã hội Hàn Quốc hiện đại.

Nam diễn viên Kang Dong Won trong vai pháp sư từ thời Chosun trong Woochi

Moss

Ryu Hae Kuk đến một khu làng xa xôi hẻo lánh để dự đám tang của cha mình. Trong thời gian ở lại đây, anh điều tra về cái chết của cha và phát hiện ra một âm mưu. Tại sao dân làng lại hành động kỳ lạ như vậy? Tại sao họ luôn hỏi anh khi nào trở lại Seoul? Sau đó người đàn ông này đối chất với trưởng làng Cheon Yong Deok. Những bí mật của ngôi làng sau đó bắt đầu sáng tỏ…

Into the Fire

Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về 71 học sinh chiến đấu với hàng trăm binh lính Bắc Hàn trước cổng một ngôi trường trung học vào ngày 25/6/1950 trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Kap Jo là một cựu học sinh từng bị kết án giết người. Khi đang thi hành án phạt, anh tình nguyện chiến đấu với tư cách một quân nhân…

Harmony

Moon Ok từng là một giáo sư âm nhạc ở trường đại học, nhưng giờ đây bà đang ở bờ vực cái chết vì phạm phải tội ác gây ra bởi sự ngược đãi của chồng và mẹ chồng bà. Trong tù, Moon Ok gặp một cô gái trẻ tên Jeong Hye, cô giết chồng mình vì bị bạo hành. Lúc bị bắt giữ, Jeong Hye đang mang thai và do đó đứa bé chào đời trong tù. Mười tám tháng sau, Jeong Hye phải từ bỏ con mình để đưa đi làm con nuôi. Để được cùng con ở ngoài nhà tù trong một ngày, Jeong Hye thành lập một nhóm hợp xướng tù nhân. Moon Ok trở thành chỉ huy của nhóm nhạc này.

The Servant

Bộ phim hài này dựa trên câu chuyện cổ dân gian nổi tiếng của Hàn Quốc Chun Hyang. Phim bóp méo câu chuyện với câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu Lee Myong Ryong không hề lôi cuốn mà hầu cận của anh ta là Bang Ja Jeon mới là người hấp dẫn? Khi Lee Myong Ryong và Chun Hyang tìm hiểu nhau, cả hai người đều dùng người hầu cận để liên lạc…

The Unjust

Năm 2010, Hàn Quốc bị khủng bố với một loạt vụ sát nhân có mục tiêu là trẻ em. Cảnh sát liên tục thất bại trong việc bắt hung thủ. Cuối cùng, tổng thống Hàn Quốc trực tiếp dính líu vào vụ việc. Giới cảnh sát, bị áp lực tự mọi phía, theo đuổi một đối tượng khả nghi, nhưng đối tượng này lại bị cảnh sát bắn chết. Để tránh một cái chết khác xảy ra và bất cứ sức ép nào khác, Cơ quan Tình báo Quốc gia muốn nhanh chóng nhắm vào một người khác, bất cứ đối tượng đáng tin nào, và gần gũi với vụ việc.

Cyrano Agency

Bốn nhân viên công ty mai mối trong Cyrano Agency

Cyrano Agency bao gồm bốn thành viên đến từ một đoàn kịch, cung cấp dịch vụ mai mối cho những khách hàng bị thất tình. Công ty này chế ra những kế hoạch tinh vi, tùy nghi biến đổi để phù hợp với sở thích của đối tượng nhắm đến, vì mục tiêu sau cùng là giúp khách hàng có được tình yêu. Ông chủ và là đạo diễn đứng sau công ty này là Byung Hoon.

Mọi chuyện trở nên rắc rối với Cyrano Agency khi một khách hàng mới tên Sang Yong đến văn phòng của họ. Sang Yong là một nhà giao dịch tài chính thẳng tính không có khả năng giải quyết những mối quan hệ cá nhân. Anh đem lòng yêu một cô gái có tâm hồn tự do Hee Joong và đến nhờ Cyrano Agency giúp đỡ. Sau đó ông chủ của Cyrano nhận ra Hee Joong chính là người bạn gái cũ mà anh chưa bao giờ quên…


The Housemaid

Eun Yi, một người phụ nữ trung niên đã ly hôn, được tuyển vào làm người giúp việc cho một gia đình thượng lưu. Nhưng không lâu sau, ông chủ Hoon lợi dụng địa vị xã hội của mình mà nảy sinh quan hệ ngoại tình với cô. Nhưng cuộc “thăm viếng” của Hoon trở nên thường xuyên và bà giúp việc già Byung Sik báo cáo sự việc với mẹ của Hae Ra là Mi Hee, người có âm mưu cho Hae Ra quyền kiểm soát chồng mình. Sau đó Eun Yi có thai và muốn được giữ đứa bé. Sự việc bị gia đình phát hiện và cô bị Mi Hee buộc phải phá thai dù đã van nài được giữ đứa con và sẽ rời khỏi nhà. Kế hoạch của Mi Hee phản tác dụng khi Hoon điều tra bà vì đã giết chết con anh, dù đó là đứa con ngoài giá thú. Bị buộc phá thai khiến tinh thần của Eun Yi chuyển xấu và cô quyết định chính tay mình xử lý vấn đề.


Dịch: © Phương Thanh, Xuân Hiền, Hạnh Nguyên, Hồng Hạnh, Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Tổng hợp: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily, Global Times, Film Business Asia, Yonhap News,

Japan Times, The Hollywood Reporter, IMDb, Box Office Mojo, AsianMediaWiki