Tin tức

Những điều cần biết về bộ phim Tôi không phải Phan Kim Liên của Phùng Tiểu Cương

01/12/2016

Phim mới nhất của đạo diễn danh tiếng người Trung Quốc Phùng Tiểu Cương, I Am Not Madame Bovary / Tôi không phải Phan Kim Liên, đã đoạt nhiều giải thưởng ở Liên hoan phim San Sebastian, Toronto và Giải Kim Mã.

Bất chấp những danh hiệu đó, bộ phim nhận được đánh giá trái chiều từ khán giả. Có người khen ngợi cái nhìn trào phúng của bộ phim về một xã hội trọng nam khinh nữ và những vấn đề chính trị ở Trung Quốc, trong khi một số khác lại chỉ trích cốt truyện hoàn toàn vô lý.

Do nữ diễn viên Phạm Băng Băng (ảnh) đóng chính, bộ phim hiện đang giữ số điểm 6,9/10 trên trang đánh giá nổi tiếng của Trung Quốc Douban.

Nếu bạn dự tính xem phim này thì tùy bạn đánh giá, một số thông tin nền có thể giúp bạn hiểu rõ hơn.

Phan Kim Liên là ai?

Tựa tiếng Trung của bộ phim này thực ra phải dịch sang tiếng Anh là I am not Pan Jinlian. Phan Kim Liên là người đẹp trong tiểu thuyết Thủy hử đời Minh (1368-1644) ở Trung Quốc. Nhân vật này nổi tiếng vì quan hệ lăng nhăng với gã điển trai Tây Môn Khánh và đầu độc chồng mình là Võ Đại Lang, người chồng mà cô bị ép gả. Câu chuyện của nhân vật được miêu tả chi tiết hơn trong cuốn tiểu thuyết tình dục Tây sương ký, cô được khắc họa là một người phụ nữ khêu gợi dâm đãng.

Ở Trung Quốc, Pham Kim Liên thường được xem là biểu tượng phụ nữ xinh đẹp phóng đãng bất chấp đạo đức truyền thống.

Trong phim, nhân vật Lý Tuyết Liên của Phạm Băng Băng xuất thân ở một làng quê nhỏ. Để có căn nhà mà công ty của chồng cô chỉ dành cho nhân viên độc thân, cô và chồng quyết định "ly hôn giả". Tuy nhiên, sau đó chồng cô liền cưới một phụ nữ khác và chuyển đến sống trong căn nhà thứ nhì họ mua. Cảm thấy bị phản bội, Tuyết Liên đi kiện với hy vọng đảo ngược việc ly hôn để sau đó cô có thể ly dị anh chồng cũ một lần nữa, lần này với những điều kiện của cô. Tuy nhiên, cô gặp phải đủ thứ rắc rối khi kiện lên công an, thị trưởng và chủ tịch tỉnh.

Cố gắng biện hộ cho mình, chồng cô gọi cô là "Phan Kim Liên", kể với mọi người rằng cô không còn trinh tiết khi họ lấy nhau.

Để minh oan cho mình và đòi công lý, Tuyết Liên đi Bắc Kinh để kiện lên cấp chính quyền cao hơn.

Trong nỗ lực tìm tòi cái mới, đạo diễn Phùng từ bỏ khung hình chữ nhật truyền thống phù hợp với màn chiếu, giới thiệu phim ở khung hình tròn cạnh nhằm làm cho khán giả cảm thấy họ đang xem nhân vật qua một lỗ nhìn trộm.

Đề tài "ly hôn giả" là vấn đề hết sức thực tế ở Trung Quốc.

Do giá nhà cứ tăng không ngừng, các quy định về số lượng căn nhà mà một gia đình có quyền sở hữu cũng gia tăng.

Điều đó dẫn tới đủ thứ vấn đề. Chẳng hạn, khi có tin đồn giảm cho căn nhà thứ hai ở Thượng Hải lan tràn hồi tháng 9, số cặp vợ chồng nộp đơn ly dị tăng vọt đến mức các cơ quan thủ tục dân sự đã phải đóng cửa một ngày.

Liên hệ với văn học Pháp

Vì với thế giới bên ngoài Trung Quốc không quen thuộc với nhân vật Phan Kim Liên, những người chuyển ngữ quyết định tìm kiếm nhân vật tương tự trong văn học phương Tây cho tựa tiếng Anh của bộ phim. Họ quyết định chọn Madame Bovary.

Madame Bovary là tựa tiếng Pháp cuốn tiểu thuyết kiệt tác của nhà văn Gustave Flaubert (1821-1880). Emma Bovary, vợ của một bác sĩ sống ở một thị trấn nhỏ nước Pháp, có rất nhiều mối quan hệ lăng nhăng khi cô tìm cách thoát khỏi cuộc sống nhạt nhẽo.

Cuốn tiểu thuyết, xuất bản năm 1857, từng bị xem là tiểu thuyết khiêu dâm vì nội dung vi phạm đạo đức và luật lệ tôn giáo thời đó. Tuy nhiên, giờ đây Madame Bovary được xem là một kiệt tác của văn học hiện thực.

Emma Bovary và Phan Kim Liên có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều đại diện cho cuộc sống của những phụ nữ vượt ra ngoài giới luật thời đại của mình. Cả hai cũng phản ánh và thách thức xã hội trọng nam khinh nữ thời đó.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times