Tin tức

Phim hoạt hình không phải chỉ là phim cho trẻ em

09/02/2022

Quái vật Điện ảnh: Bài viết này đăng trên The New York Times ngày 13 tháng 1 năm 2022, một phân tích sâu sắc gửi đến các nhà bầu chọn của Viện Hàn lâm, như lời kêu gọi họ cân nhắc trước khi năm cái tựa đề cử hạng mục hoạt hình được xướng tên. Nay thì, với Disney lấy hết ba trong năm suất đề cử rồi, chúng tôi chọn dịch để giới thiệu bài viết ấy kèm một tiếng thở dài!

Cảnh trong phim hoạt hình lãng mạn lấy bối cảnh Cuba Chico and Rita

Kể từ khi khởi xướng hạng mục Oscar phim hoạt hình hay nhất năm 2001, Viện Hàn lâm họa hoằn lắm mới tôn vinh các tác phẩm đề tài trưởng thành khi các siêu cường phòng vé nhắm đến khán giả ở mọi lứa tuổi. Những phim hướng đến người trưởng thành thường là những tác phẩm vẽ tay được hình thành ở nước ngoài bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh và không có sự tham gia của các tập đoàn lớn.

Một số từng là ứng viên đáng chú ý có thể kể đến là phim lãng mạn lấy bối cảnh Cuba Chico and Rita, bộ phim nói tiếng Pháp thơ mộng về số phận I Lost My Body, và bản chuyển thể tiểu thuyết đồ họa tự truyện Persepolis của Marjane Satrapi.

Sự công nhận dành cho những phim này tại lễ trao giải Oscar giúp đánh đổ mọi giả định cho rằng phẩm chất duy nhất của loại hình truyền thông này là làm phương tiện cho những câu chuyện hướng đến trẻ em.

Bản chuyển thể tiểu thuyết đồ họa tự truyện Persepolis của Marjane Satrapi

Nó cũng chứng minh rằng ngành công nghiệp hoạt hình Mỹ do hãng phim lớn thống trị hiếm khi đầu tư cho loại hình làm phim táo bạo này. Một ngoại lệ đã nhận được sự gật đầu của Viện Hàn lâm là bản thiền định stop-motion về sự cô đơn và tình bạn của Charlie Kaufman và Duke Johnson, Anomalisa.

Nhóm ứng viên hiện tại đang cạnh tranh một suất trong số năm ứng viên cuối cùng giới thiệu nhiều ví dụ về cách kể chuyện bằng cảm xúc cốt lõi giải quyết các vấn đề của người lớn với sự tinh tế về hình ảnh đậm phong cách.

Trước đây từng được đề cử cho câu chuyện gia đình kỳ ảo Mirai, đạo diễn người Nhật Mamoru Hosoda hướng sự quan tâm của ông vào cuộc sống trực tuyến mà chúng ta đang sống — một chủ đề ông đã từng đề cập trong Summer Wars (2009) — với âm nhạc khuấy động tâm hồn, câu chuyện cổ tích sống số Belle (dự kiến ra rạp ở Việt Nam vào ngày 25 tháng 2 với tựa: Belle: Rồng và Công chúa tàn nhang).

Mamoru Hosoda hướng sự quan tâm của ông vào cuộc sống trực tuyến mà chúng ta đang sống, xây dựng một vũ trụ ảo được gọi là U. Bên trong cõi vô hình này, cô thiếu nữ sợ sệt Suzu (do Kaho Nakamura lồng tiếng) biến thành một ngôi sao nhạc pop siêu tự tin

Mượn cốt truyện Người đẹp và quái vật năm 1991 của Disney, nhưng được thay đổi lại để phù hợp với thẩm mỹ sống động của mình, Hosoda xây dựng một vũ trụ ảo được gọi là U, nơi mọi người cùng tồn tại dưới dạng ảnh đại diện màu sắc rực rỡ thể hiện đúng đặc điểm thể chất và tính cách của họ.

Bên trong cõi vô hình này, cô thiếu nữ sợ sệt Suzu (do Kaho Nakamura lồng tiếng) biến thành một ngôi sao nhạc pop siêu tự tin. Nhưng khi một người dùng gây chuyện, một con rồng mặc áo choàng bí ẩn, bắt đầu tàn phá, thực tế tràn vào cuộc trốn chạy tưởng như bình dị này. Những pha hành động gay cấn, xây dựng thế giới đầy cảm hứng và nhạc phim lôi cuốn đối nghịch với những chủ đề gai góc hơn.

Với vẻ trang trọng xúc động, Belle đối đầu với sự mất kết nối trong giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, cũng như những người giám hộ bỏ rơi và lạm dụng những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, thay vì ám chỉ các tương tác mà chúng ta có thông qua các nhân vật trên internet, Hosoda trình bày phương thức tương tác thay thế là con đường kết nối chân thành.

Một cảnh trong The Summit of the Gods

Ngược lại, bộ phim leo núi nhập vai hấp dẫn The Summit of the Gods (phát trực tuyến trên Netflix) lập bản đồ câu chuyện về nỗi ám ảnh kép trong việc hết phim hoạt hình này đến phim hoạt hình khác về các địa điểm: Đỉnh Everest, dãy Alps, Tokyo, tất cả đều không kém cạnh trong kết xuất hoạt hình. Bộ phim do Pháp sản xuất (dựa trên manga của Jiro Taniguchi) miêu tả hoạt động vất vả và nguy hiểm giống như một cuộc truy tầm tâm linh.

Bất chấp việc lên đến đỉnh cao nhất thế giới, nhà leo núi ẩn dật Habu (Éric Herson-Macarel lồng tiếng) đã dành nhiều năm để chuẩn bị làm chuyện này một mình. Cùng lúc đó, phóng viên ảnh Fukamachi (Damien Boisseau) đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm chiếc máy ảnh thuộc về nhà leo núi George Mallory ngoài đời thực, người đã chết ở mạn phía bắc của dãy Everest. Những mong muốn riêng rẽ của họ sớm trở nên gắn bó chặt chẽ với nhau.

Trước khi thực hiện Summit, đạo diễn Patrick Imbert đã từng là đạo diễn hoạt hình cho các dự án siêu cách điệu như truyện ngụ ngôn nổi tiếng Ernest & Celestine. Nhưng ở đây, nỗ lực đạo diễn đơn đầu tiên của anh, có cách tiếp cận khắc khổ hơn đối với thiết kế nhân vật để khám phá niềm khao khát của con người với những điều chưa biết, chứ trọng tâm không phải là cách điệu. Mặc dù hầu hết chúng ta có thể không bao giờ hiểu điều gì thôi thúc người ta bất chấp tất cả ở những độ cao như vậy, nhưng Summit cố gắng đưa chúng ta đến gần đỉnh cao nhất có thể thông qua các ấn tượng cảm quan.

Một cảnh trong bộ phim tiếng Pháp ảm đạm cảm động The Swallows of Kabul

Ở trong thế giới thực đủ phức tạp của chúng ta, có hai phim năm nay củng cố một xu hướng xem hoạt hình là lộ trình để hiểu những phức tạp về văn hóa và địa chính trị của Afghanistan. Những tác phẩm này cùng với các bộ phim nổi bật gần đây như The Breadwinner được đề cử Oscar của Cartoon Saloon và phim tiếng Pháp ảm đạm cảm động The Swallows of Kabul.

Đầu tiên, là chuyến phiêu lưu của người tị nạn đã được trao nhiều giải thưởng Flee của Jonas Poher Rasmussen, một tác phẩm phi hư cấu truy dấu đường đi nguy hiểm của cậu trai trẻ từ những năm 1980 ở Kabul trong tình trạng hỗn loạn tìm đến an toàn trong ngôi nhà nhận nuôi cậu ta ở Copenhagen. Chủ thể, Amin (cái tên giả được sử dụng để bảo vệ danh tính nhân vật), kết bạn với nhà làm phim khi cả hai còn ở tuổi thiếu niên.

Xét mức độ nghiêm trọng của các tình huống được miêu tả và chúng dựa trên các sự kiện có thật, Flee gợi nhớ Waltz With Bashir của Ari Folman, phim tài liệu hoạt hình của Israel được đề cử Oscar phim quốc tế hay nhất năm 2009.

Một cảnh trong phim Flee của Jonas Poher Rasmussen

Hoạt hình đã trao quyền cho Rasmussen và nhóm của anh hiện thực hóa những ký ức đau buồn nhất, sang chấn nhất của Amin trong kiểu mê mẩn và đưa người xem trở về quá khứ không chỉ như nó đã xảy ra mà còn như anh đã trải qua, với sự cộng hưởng gần gũi sống động. Bên dưới hành trình mạo hiểm đó là việc Amin che giấu xu hướng tình dục của mình.

Flee (chiếu rạp) sẽ làm nên lịch sử Oscar nếu nhận được đề cử ở cả ba hạng mục phim hoạt hình, phim tài liệu và phim truyện quốc tế (đại diện cho Đan Mạch).

Bộ phim làm mờ ranh giới trong mùa giải thưởng này, đã thắng giải phim phi hư cấu hay nhất từ Hiệp hội phê bình điện ảnh New York và giải phim hoạt hình hay nhất từ Hiệp hội phê bình điện ảnh Los Angeles, là trường hợp điển hình cho giá trị và hiệu quả của phim hoạt hình đủ thể loại và định dạng.

Một cảnh trong My Sunny Maad do Michaela Pavlatova đạo diễn

Một câu chuyện gay cấn khác diễn ra ở Afghanistan, nhưng là nhiều thập kỷ sau, My Sunny Maad, đã nhận được một đề cử bất ngờ từ Quả Cầu Vàng. Nhà làm phim hoạt hình người Séc dày dạn kinh nghiệm Michaela Pavlatova, từng được đề cử Oscar cho phim ngắn năm 1993 Words, Words, Words, đây là phim hoạt hình đầu tiên của cô với câu chuyện kịch tính gia đình dựa trên tiểu thuyết của Petra Prochazkova.

Cô sinh viên người Séc tên Herra (Zuzana Stivinova lồng tiếng) chuyển đến Kabul sau khi kết hôn với một người đàn ông Afghanistan. Không thể có con, họ nhận cậu bé mồ côi nhút nhát Maad (Shahid Maqsoodi) để tạo thành một hạt nhân yêu thương, nhưng những lục đục trong nhà với các thành viên trong gia đình lớn, cũng như tình trạng bất ổn quốc gia ngày càng gia tăng, liên tục gây căng thẳng cho cuộc hôn nhân của họ.

Mặc dù đến nay phim chỉ trình chiếu giới hạn cho đủ điều kiện tranh giải, nhưng bộ phim tàn nhẫn chua xót này vẫn nhận được sự chú ý lớn. Pha trộn giữa chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo nhẹ nhàng với những sự thật phũ phàng không sàng lọc, Pavlatova đề cập đến vị trí dễ bị tổn thương của phụ nữ trong một xã hội gia trưởng hà khắc.

Một cảnh trong Cryptozoo do Dash Shaw đạo diễn

Trong khi các ứng viên được đề cập trên đây là tác phẩm quốc tế, hai tựa phim độc lập hiếm hoi của Mỹ cũng đi sâu vào chủ đề người lớn: cuộc phiêu lưu điên rồ Cryptozoo của Dash Shaw (phát trực tuyến trên Hulu) và sử thi kỳ ảo khủng khiếp The Spine of Night của Philip Gelatt (cho thuê theo yêu cầu).

Sáng tạo vô cùng sâu sắc, Cryptozoo tập trung vào nhiều sinh vật thần thoại, được gọi là sinh vật bí ẩn, bị ám ảnh bởi cả những người muốn trưng bày chúng trong công viên giải trí và quân đội Mỹ muốn sử dụng chúng làm vũ khí.

Cả Cryptozoo Spine đều là những bổ sung đáng hoan nghênh cho bối cảnh phim hoạt hình trưởng thành từ lâu hiếm có hình mẫu độc lập quyết liệt, như nhà làm phim hoạt hình kỳ cựu Bill Plympton và Don Hertzfeldt, những người cố gắng giữ toàn quyền kiểm soát sáng tạo các phim hài đặc trưng phong cách của họ bằng cách làm việc với nguồn lực hạn chế.

Một cảnh trong sử thi kỳ ảo khủng khiếp The Spine of Night của Philip Gelatt

Cho dù điều đó có nghĩa là hưởng lợi từ các quỹ nhà nước châu Âu (The Summit of the Gods, Flee, My Sunny Maad), thành lập một công ty tự cung tự cấp (như Studio Chizu của Hosoda) hay trở nên khéo tằn tiện để duy trì sự nghiệp, mẫu số chung của những bộ phim này dường như là chúng tồn tại bên ngoài những hệ thống cản trở phim hoạt hình thỏa chí tang bồng.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times