Tin tức

Phồn hoa: Mối tình Thượng Hải trầm tư vang vọng trong Vương Gia Vệ

16/01/2024

Phim bộ truyền hình Phồn hoa của đạo diễn Hồng Kông Vương Gia Vệ thu hút đám đông đến đường Hoàng Hà để tìm kiếm các món ăn và hoài niệm.

Từng vang danh là thiên đường ẩm thực, đường Hoàng Hà ở Thượng Hải từng có hơn 100 nhà hàng, trong đó nhiều nhà hàng phục vụ các món ăn cao cấp mà chỉ người giàu và nổi tiếng mới có thể bước vào.

Một cảnh trong phim bộ truyền hình đình đám Phồn hoa / Blossoms Shanghai của đạo diễn Hồng Kông Vương Gia Vệ. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của A Bảo (Hồ Ca, ảnh, chàng trai trẻ đầy tham vọng, nắm bắt cơ hội từ thị trường chứng khoán sơ khai để trở thành triệu phú

Nhưng vào cuối những năm 1990, hàng loạt thay đổi đã làm mất đi vẻ hào nhoáng của con phố nhộn nhịp này.

Vì vấn đề an toàn, các biển hiệu đèn neon mang tính biểu tượng tạo nên nét đặc trưng cho con phố đã bị gỡ bỏ. Rắn chiên, món ngon được nhiều người sành ăn ưa chuộng, cũng bị cấm. Khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990, đại dịch SARS năm 2003 và sự nổi lên của các con phố ẩm thực khác trong thành phố sau đó đã khiến nhiều nhà hàng ở đây phải đóng cửa.

Nhưng khu vực này đang trải qua một kiểu hồi sinh, với đám đông người lăm lăm máy ảnh đổ xô đến đó tìm kiếm sự hoài niệm và các yếu tố lịch sử cũng như những món ăn ngon.

Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết đoạt giải thưởng của Kim Vũ Trừng, lấy bối cảnh ở Thượng Hải và khơi dậy sự quan tâm đến lối sống và sự quyến rũ của thành phố

Wang Yongfen, sống trong một ngôi nhà thạch khố môn trên đường Hoàng Hà đã 35 năm qua, cho biết lâu rồi cô mới thấy đám đông như vậy.

Nguyên nhân đằng sau hiện tượng này là Blossoms Shanghai, phim bộ truyền hình mới của đạo diễn Hồng Kông Vương Gia Vệ.

Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đoạt giải thưởng của nhà văn địa phương Kim Vũ Trừng, Phồn hoa đưa khán giả trở lại Thượng Hải những năm 1990, khi thành phố đang trải qua tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng chưa từng thấy.

Phồn hoa đưa khán giả trở lại Thượng Hải những năm 1990, khi thành phố đang trải qua tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng chưa từng thấy

Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của A Bảo, chàng trai trẻ đầy tham vọng, nắm bắt cơ hội từ thị trường chứng khoán sơ khai để trở thành triệu phú. A Bảo do nam diễn viên nổi tiếng Trung Quốc Hồ Ca thủ vai. Các diễn viên tên tuổi khác bao gồm Mã Y Lợi, Đường Yên và Tân Chỉ Lôi.

Vương Gia Vệ đã mua quyền chuyển thể cuốn tiểu thuyết khoảng một thập kỷ trước và dành ba năm để sản xuất. Bộ phim rất được mong đợi này đánh dấu lần đầu tiên Vương Gia Vệ làm đạo diễn phim truyền hình.

Tác động ngay lập tức

Kể từ khi ra mắt vào ngày 27 tháng 12, Phồn hoa đã làm dấy lên thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Trong đó nhiều cư dân mạng bàn luận về sự miêu tả chân thực Thượng Hải qua năm tháng, cũng như việc sử dụng và bảo tồn phương ngữ Thượng Hải. Bộ phim cũng có phiên bản lồng tiếng Quan Thoại.

Một ngôi nhà thạch khố môn của Thượng Hải tái hiện trong phim

Trên thực tế, một số khán giả thậm chí còn chia sẻ các video ngắn từ bộ phim để giúp những người khác học phương ngữ Thượng Hải, vốn ít được thế hệ trẻ bây giờ sử dụng hơn.

Mặc dù không hoàn toàn hiểu được phương ngữ này, nhưng một người gốc Hà Nam tên Gao nói rằng cô thích xem phiên bản phương ngữ Thượng Hải hơn.

“Tôi thực sự ấn tượng với phương ngữ Thượng Hải trong bộ phim, giúp tôi đắm chìm hơn vào đó. Tôi thích xem các bộ phim bằng ngôn ngữ gốc và có phụ đề vì tôi được trải nghiệm cảm xúc và trạng thái tâm lý của các nhân vật nhiều hơn,” Gao nói.

Món ngon Thượng Hải thể hiện trên phim

Cô gái 30 tuổi này nói rằng thậm chí bộ phim còn khơi dậy cơn thèm các món ăn Thượng Hải trong người thân và bạn bè của cô ở tỉnh Hà Nam.

“Bộ phim truyền hình này đã khắc họa rất tốt Thượng Hải những năm 1990. Mặc dù tên của các nhà hàng và cửa hàng trong phim là hư cấu, những cảnh phim khiến tôi hồi tưởng về nhiều nhà hàng và quán rượu cổ kính ở đây,” Vương Gia Vệ nói.

Nhiều người khác cũng ca ngợi tính chính xác của các chi tiết được miêu tả trong phim, chẳng hạn như có bao nhiêu nhà hàng từng mở cửa từ giờ ăn trưa đến bình minh và mọi người phải đặt chỗ trước đến hai tuần.

Nhiều người lăm lăm máy ảnh đổ xô đến đường Hoàng Hà tìm kiếm sự hoài niệm và các yếu tố lịch sử cũng như những món ăn ngon họ đã thấy trên phim

“Các nhà hàng ở đây là những người tiên phong trong việc giới thiệu ẩm thực Hồng Kông đến với Thượng Hải. Nhiều đầu bếp hàng đầu đến từ Hồng Kông từng làm việc tại các quán ăn ở khu vực này,” đạo diễn Vương nhớ lại.

"Các món ăn Hồng Kông nhanh chóng trở nên phổ biến khi nhạc pop và phim Hồng Kông rất được săn đón ở đây vào những năm 1990. Người ta thường thấy những bức ảnh các chủ nhà hàng chụp cùng các ngôi sao điện ảnh và ca sĩ nổi tiếng đến từ Hồng Kông."

Một nhân viên bảo vệ họ Zhang, làm việc tại một tòa nhà văn phòng trên đường Hoàng Hà, nói rằng con phố này đã tràn ngập du khách kể từ khi bộ phim phát sóng.

Bến Thượng Hải, một địa danh khác được miêu tả trong phim

Zhang nói: “Nhìn khách sạn Park gần đó mà xem. Người ta xếp hàng từ 6 giờ sáng để mua chiếc bánh kẹp nổi tiếng của khách sạn này, mặc dù đến 8 giờ sáng cửa hàng bánh mới mở cửa. Dạo này cũng có nhiều người trẻ đến tham quan hơn.”

Tiền vào như nước

Một trong những người hưởng lợi lớn nhất từ cơn sốt này là nhà hàng Đài Thánh Viên, nguồn cảm hứng cho nhà hàng Chi Trân Viên hư cấu được miêu tả trong phim. Theo nhân viên của công ty, doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng vọt 170%. Đơn đặt hàng mua theo nhóm cũng tăng 240%.

Số lượng du khách đến khách sạn Fairmont Peace trên Bến Thượng Hải, một địa danh khác được miêu tả trong phim, cũng đang tăng lên, bằng chứng là hàng loạt bức ảnh được người dùng mạng xã hội Trung Quốc đăng tải.

Một du khách đến khách sạn Fairmont Peace chụp ảnh cạnh bức ảnh nhân vật chính A Bảo theo cảnh trong phim

Để tận dụng sự hâm mộ dành cho con phố, gần đây khách sạn này đã công bố một thực đơn cố định mới bao gồm một số món ăn có trong phim. Mặc dù có giá 1.460 nhân dân tệ (204 USD), các bữa tối cho hai người đã nhanh chóng được đặt hết chỗ.

Một quán ăn bán mì gạo kiểu Vân Nam cũng nhảy vào cuộc bằng cách tung ra các suất ăn mới và kết hợp các yếu tố từ bộ phim vào thực đơn của họ.

Các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến cũng báo cáo đơn đặt hàng mang đi cho các món ăn trong bộ phim truyền hình này đã tăng vọt. Ví dụ: đơn đặt hàng trực tuyến súp gạo, một món ăn đặc trưng của Thượng Hải được làm bằng cách ngâm cơm nguội trong nước luộc hải sản, đã tăng 1,5 lần trên Meituan, một nền tảng thương mại điện tử lớn về giao thức ăn.

A Bảo đãi đằng đối tác trong nhà hàng trên phim

Các món ăn kinh điển khác của Thượng Hải như sườn heo và bánh gạo cũng rất được ưa chuộng, với số lượng đơn đặt giao hàng tăng vọt 300% trên Meituan.

Pháo nổ vang trời

Huang Jiani, một cư dân cũ, cho biết bộ phim khiến cô nhớ lại thời mọi người còn được đốt pháo ở trung tâm thành phố dịp tết.

“Người kinh doanh tin rằng pháo nổ lớn hơn, lan hơn sẽ mang lại nhiều may mắn trong dịp Tết Nguyên đán. Vào đêm giao thừa, quản lý nhà hàng sẽ đốt những hộp pháo lớn hơn chiếc tivi ở giữa đường. Đến tận khi mặt trời mọc vẫn còn nghe nhữn tiếng nổ điếc tai,” Huang nhớ lại.

Một cảnh đốt pháo trong Phồn hoa

“Tiếng pháo nổ càng lớn hơn vào nửa đêm mùng 4 Tết vì đây là thời điểm người dân đón Thần Tài.

“Tôi vẫn còn nhớ mùi khói bay vào phòng khi chúng tôi mở cửa sổ sáng hôm sau. Và khi ra khỏi nhà, chúng tôi phải băng qua xác pháo màu đỏ, dày đặc khắp đường phố.”.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily