Hãy tham khảo các phân tích để cân nhắc xem liệu bộ phim này có xứng với
đồng tiền khó nhọc mới kiếm được của bạn trả thêm cho chiều không gian
thứ ba không
Bất luận bạn nói gì về Paul W.S. Anderson và tài năng làm phim của ông
đi nữa thì nhà đạo diễn này quả là một trong những chiến sĩ nhiệt tình
về làm phim 3D bằng 3D thật, bắt đầu với Resident Evil: Afterlife năm ngoái và giờ với The Three Musketeers (phát hành ở Việt Nam với tựa đề Ba chàng ngự lâm), nhắc người ta nhớ rằng tại Comic Con 2010 Anderson đã tuyên bố ông sẽ không bao giờ làm phim mà không có 3D nữa.
Thế tất cả những công sức đó đáng giá chứ? Rất nhiều cổ trang, gươm và những địa điểm thanh lịch để làm Three Musketeers, nhưng vấn đề không phải là bạn có gì trong tay, mà vấn đề là bạn làm được gì với chúng khi tận dụng công nghệ 3D.
Như chúng tôi vẫn thường làm trong chuyên mục 3D hay không 3D,
để tìm hiểu điều đó chúng tôi sẽ phân tích bộ phim theo bảy hạng mục
nhằm cân nhắc xem liệu bộ phim có xứng với đồng tiền khó nhọc mới kiếm
được của bạn trả thêm cho chiều không gian thứ ba này không.
Tính phù hợp
Câu trả lời thực sự tùy thuộc vào việc bạn có cho là phim hành động do người thật đóng xứng với 3D không. Ba chàng ngự lâm không thâm dụng hiệu ứng vi tính như các phim Resident: Evil
của Anderson, và thể hiện rất ít cảnh quay CGI để có thể "xồ ra" bằng
3D. Nhưng khi bạn có những địa điểm và phục trang trau chuốt thế này,
lại thêm cơ hội chĩa vài đường gươm vào mặt khán giả, bạn sẽ hiểu tại
sao lại có sức quyến rũ ở đấy. Nói thế này: Ba chàng ngự lâm phù hợp với 3D hơn Fright Night/Bóng đêm kinh hoàng.
Điểm: 3/5
Kế hoạch và công sức
Như vừa nói, Anderson là người đi đầu cổ vũ quay phim 3D thiệt, thế nên
ông đương nhiên hưởng hai điểm vì chỉ dùng máy quay 3D. Và có rất nhiều
khoảnh khắc trong suốt bộ phim Ba chàng ngự lâm, bất luận là
những cảnh đã được cấp bằng sáng chế cho Anderson trong đó Jovovich bay
qua mưa đạn hay chỉ là một đường gươm đâm đúng hướng, bạn có thể nói
rằng nhà đạo diễn này sung sướng cho máy quay 3D chạy. Hiệu quả như thế
nào lại là chuyện khác, nhưng rõ ràng Anderson đã nghĩ đến công nghệ 3D
trong đầu xuyên suốt bộ phim này.
Điểm: 3/5
Sâu trong màn ảnh
Nói tới mấy đường gươm chĩa ra là bạn biết nói gì rồi chứ nhỉ? Hiệu ứng
sâu trong màn ảnh là chiều ngược lại, loại hiệu ứng bạn có được khi một
phim 3D mở ra đại cảnh hoành tráng, và bạn thực sự cảm nhận được những
mặt phẳng đa dạng như một thế giới thật. Không may rồi, bất chấp nhiều
địa điểm rất đẹp và những cơ hội thể hiện chiều sâu, 3D trong Ba chàng ngự lâm
không hề đạt. Thậm chí có những cảnh quay trong hành lang cung điện dài
cũng chẳng thấy sâu thêm được chút nào nhờ 3D, còn những cảnh hành động
thì gần như chính xác là 2D. Thường một phim 3D thể loại hành động do
người thật đóng phải ghi điểm cao nhất ở hạng mục này, nhưng ở đây, phim
hầu như chẳng tạo được khác biệt nào.
Điểm: 1/5
Trước màn ảnh
Thế nên đây là chỗ để bạn tìm thấy những đường gươm chĩa ra khỏi màn
ảnh, hoặc tro bụi bồng bềnh trước mặt nhân vật, hoặc bất cứ gì tạo được
cảm giác như thể thế giới trong phim đang ở trước mặt bạn. Lại không may
nữa rồi, Ba chàng ngự lâm cũng thất bại ở hạng mục này nốt -
cả đám gươm đó chĩa ra khỏi màn ảnh có vẻ chẳng được bao xa. Hình như
các máy quay 3D họ sử dụng không làm việc tốt thì phải? Gì đi nữa, bộ
phim cũng thua luôn ở hạng mục này.
Điểm: 1/5
Độ sáng
Càng
nhiều phim 3D thì người ta càng giải quyết vấn đề này được tốt hơn, cơ
bản là cần tăng độ sáng tổng thể của bộ phim để bạn có thể thấy được khi
mang cặp kính 3D tù mù. Ba chàng ngự lâm, với rất nhiều cảnh
giữa ban ngày ban mặt hoặc trong những cung điện sáng choang lộng lẫy,
nhờ vậy mà không vấn đề gì về độ sáng, thậm chí cả trong những cảnh hành
động tưng bừng đôi lúc có thể rối ren (thiên hướng thích làm cảnh hành
động quay chậm của Anderson lại được việc).
Điểm: 5/5
Thử bỏ kính
Phép thử thực sự để biết liệu phim tận dụng
được công nghệ 3D hay không là gỡ kính ra giữa chừng và xem bạn có thể
hiểu gì không. Nếu hình ảnh mờ ảo không nhận ra được, tức là chúng thực
sự nổi lên trên màn ảnh khi bạn mang kính vào trở lại; còn như bạn chả
thấy có gì khác biệt, tức là 3D chẳng có mấy tác dụng. Có rất nhiều
trường đoạn trong Ba chàng ngự lâm có thể xem mà không cần kính
và tuyệt đối không có vấn đề. Thậm chí trong những cảnh lẽ ra phải có
độ sâu thực sự, mọi thứ lại trông rất bình thường khi không có kính. Đây
là một bằng chứng rõ ràng cho thấy bộ phim 3D này là một sự lãng phí.
Điểm: 1/5
Sức khỏe của khán giả
Đôi
khi 3D làm kém, những cảnh hành động có thể khiến bạn thấy mệt, với các
mặt phẳng thay đổi xoành xoạch và cảm giác chung là bạn bị mắc kẹt giữa
những cảnh đó trong phim. Quay bằng máy quay 3D thật giảm thiểu vấn đề
này đi rất nhiều, và dù những cảnh hành đông của Anderson thì kệch cỡm
và đôi lúc quá chậm, ít ra chúng cũng giữ cho khán giả không bị chóng
mặt trong lúc xem. Bạn cũng chẳng bị buồn nôn gì hơn nếu bạn có mắc phải
chứng này khi xem phim 2D đâu, vì phim Ba chàng ngự lâm nào có 3D gì cho cam.
Điểm: 5/5
Kết luận chung cuộc: 21 không phải là điểm số tồi tệ nhất trong xếp hạng của chuyên mục 3D hay không 3D,
phần lớn là nhờ máy quay 3D, giữ cho cảnh trí sáng sủa và không gây
mệt. Nhưng cũng khiến cho mọi thứ trông rất giống một bản 2D, tức là
tuyệt đối không có lý do gì xem phim này bản 3D, mặc dù đây là điều nhà
đạo diễn dự định suốt từ đầu. Cũng không có nhiều lý do để xem bộ phim
cực kỳ lố bịch này, nhưng nếu bạn không chờ được tới lúc xem trên truyền
hình cáp, ít ra hãy xem bản 2D và tiết kiệm chút tiền.
Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi