Chúng ta đều háo hức muốn thấy Chewie đánh bại siêu động cơ
(hyperdrive)* và thử lái chiếc Millennium Falcon mới toanh, nhưng khi
các ngôi sao bật lên những dải ánh sáng trong Solo: A Star Wars Story, chúng ta sẽ đạp ga số lùi.
Chúng ta sẽ trở lại: trở lại với cái đẹp khoa học giả tưởng những năm
1970, trở lại với những nhân vật mà chúng ta biết rõ hơn họ biết và trở
lại câu chuyện hết sức rắc rối nhưng không còn đương thời vì chúng ta đã
biết những gì tiếp sau đó.
Ngày xửa ngày xưa… (từ trái sang) Prometheus; Solo: A Star Wars Story; Fantastic Beasts: The Crimes of Grindelwald
|
Có lẽ gần đây rất nhiều khi bạn cảm thấy thế này. Đi xem phim bắt đầu cảm thấy giống như nhân vật Guy Pearce trong
Memento: thay vì tạo ra những ký ức mới, chúng ta lại khám phá những chuyện đã xảy ra trước đó.
Từ
quan điểm thương mại thì rất hợp lý để làm các tiền truyện. Chúng là
cách kiếm tiền trên thương hiệu đã được nhận diện mà không làm rối tung
phim gốc, và mang tuổi trẻ vào thay thế các diễn viên quá già, mệt mỏi
hoặc tốn kém để tái hiện vai diễn của họ. Với Han Solo, Harrison Ford có
cả ba lý do vừa kể. Anh đã cầu xin George Lucas giết Solo vào cuối phim
Return of the Jedi. Và báo chí đưa tin anh chỉ chịu quay lại cho
The Force Awakens với điều kiện anh chết. Nhưng Solo là một trong những nhân vật được yêu thích nhất của
Star Wars. Phải làm gì đây? Tiền truyện thôi!
Thời nay câu trả lời thường là vậy. Harry Potter hết phim? Một bộ tứ tiền truyện! (Phần hai,
Fantastic Beasts: The Crimes of Grindelwald ra mắt vào cuối năm nay, dự kiến phát hành ở Việt Nam ngày 17/11 với tựa
Sinh vật huyền bí: Tội ác của Grindelwald). Tương tự chuỗi phim
Alien cũng từ Ripley của Sigourney Weaver quay lại
Prometheus và
Alien: Covenant, những câu chuyện phức tạp xoắn xuýt trong khi
Alien gốc rõ như pha lê.
Chỉ những ‘fan gộc’ mới có thể theo dõi những trường thiên như
X-Men và
Terminator bây
giờ đã đi đến đâu, nhưng hãy chuẩn bị tinh thần cho những phần mới của
cả hai chuỗi phim đó đi, vì người ta đã du hành thời gian để tiền truyện
hóa các câu chuyện của họ cho đến chết. Và dám cá là bạn không thể chờ
đợi
Bumblebee, câu chuyện lấy bối cảnh những năm 1980 về xuất thân của chiếc xe-biến-thành-rôbô màu vàng từ
Transformers (điểm bán hàng chính: không do Michael Bay đạo diễn).
Nào
phải đâu chỉ có phim chuỗi: ai nấy đều thế cả. Không phim kinh dị tự
trọng nào bỏ lỡ cơ hội quay trở lại và giải thích nguồn gốc của nhân vật
phản diện:
Insidious,
Annabelle,
The Purge,
The Conjuring, cho chí
Exorcist: The Beginning và
Hannibal Rising. Các phim hoạt hình như
Monsters University và
Minions của
Despicable Me cũng có mặt. Trong khi đó,
Game of Thrones đang phát triển năm ý tưởng tiền truyện khác nhau. Cả David Chase cũng đang chuẩn bị một tiền truyện cho
The Sopranos,
lấy bối cảnh những năm 1960. Đó không phải là câu chuyện, đó là câu
chuyện nền. Tiếp theo là gì? Lady Bird: The Kindergarten Years? Baby
Driving School? The Shape of Water: Tadpole Love? Memento: It’s All
Coming Back to Me Now?**
Solo thực sự là tiền truyện của
Star Wars thứ năm. Các
tập từ I đến III của George Lucas vẫn không được yêu thích không phải
bởi vì chúng ta biết kết cuộc thế nào, mà vì cách kể chuyện không hấp
dẫn và các nhân vật nhạt nhẽo. Chí ít
Rogue One lệch đường đủ để bật ra một vài bất ngờ. Nhưng chỉ đến các tập VII và VIII gần đây mới đưa câu chuyện sang nơi nào đó mới, dù
The Force Awakens có vấn đề nhàm chán riêng.
Trong bất kỳ trường hợp nào, tiền truyện rõ ràng hiệu quả. Người ta đổ xô đi xem, như họ sẽ làm với
Solo. Về lý thuyết, quá khứ có thể chứa đựng nhiều bất ngờ như tương lai, và một tiền truyện tốt có thể thêm chiều sâu:
The Godfather Part II về bản chất là một tiền truyện,
The Good, the Bad và the Ugly
cũng vậy. Có lẽ hướng đi không quan trọng như chúng ta nghĩ. Có lẽ nhân
vật quan trọng hơn câu chuyện. Có lẽ người xem thích cảm giác chuyện gì
cũng biết. Nhưng liệu đây có phải là sự thay thế cho cách kể chuyện
theo trình tự thời gian xưa cũ hay ho không? Chuyện mới xảy ra ở đâu, và
chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, và chúng ta cảm thấy
như thể mình đang tiến lên? Như nền văn minh đang tiến lên? Chu trình
siêu anh hùng hiện tại của Marvel, dồn lên đỉnh điểm trong
Avengers: Infinity War,
đã chứng minh cách kể chuyện theo trình tự thời gian có thể tạo ra hồi
hộp và bất ngờ, thậm chí sốc, nhưng hầu hết các hãng phim đều không có
tầm nhìn xa hoặc tham vọng để lên kế hoạch trước xa đến như thế. Thường
xuyên hơn là họ bất ngờ có một cú ‘hit’, sau đó vụng về tìm cách kiếm
tiền trên chuyện hồi lại quá khứ.
Nếu
Solo thắng lớn, chúng ta sẽ sớm có nhiều thêm nữa – Alden
Ehrenreich tiết lộ anh đã ký hợp đồng cho ba phim trong vai Han Solo.
Sau đó, họ có thể theo con đường “Han Solo Trẻ”. Và khoan nào: Chewbacca
đã được 190 tuổi trong Solo; tiền truyện của cậu ta có thể cứ thế mà
làm. Họ có thể kéo ra tới tận thời vụ nổ Big Bang ấy chứ.
Khai hỏa siêu động cơ đi nào!*
Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Guardian
* Trong
Star Wars, hyperdrive là động cơ đưa phi thuyền vào
trạng thái siêu không gian. Gọi là động cơ nhưng hyperdrive không dùng
bất kỳ lực đẩy nào mà chỉ dùng đến sự biến dạng không gian
thời gian dưới tác dụng của trọng lực nhân tạo.
** Các tựa phim tiền truyện giả định cho
Lady Bird,
Baby Driver,
The Shape of Water và
Memento.