Tin tức

Steven Spielberg và Jurassic Park khiến khủng long trở nên hấp dẫn

07/06/2018

Thomas Adams, một nhà cổ sinh vật học ở Texas, nhớ lại lần đầu tiên anh xem Công viên kỷ Jura. Và phần hai, ba, và tư. Tất cả trong cùng một tháng - và khiến anh bỏ công việc làm quản lý cửa hàng băng đĩa để nghiên cứu khủng long.

“Bộ phim đó chịu trách nhiệm biến tôi trở thành một nhà cổ sinh vật học,” anh nói.

Cảnh trong phim Công viên kỷ Jura đầu tiên, với các diễn viên (từ trái qua): Jeff Goldblum, Richard Attenborough, Laura Dern và Sam Neill

“Tôi 25 tuổi và bị ảnh hưởng bởi bộ phim rất nhiều. Làm dấy lên lại toàn bộ niềm đam mê khủng long tôi đã có khi còn nhỏ. Đến nay tôi đã nghiên cứu cổ sinh vật học được 23 năm. Và tất cả là vì Công viên kỷ Jura.”

Mặc dù khởi đầu muộn, câu chuyện của Adams không phải là bất thường. Trò chuyện với bất kỳ nhà cổ sinh vật nào lớn lên trong thập niên 80 và 90 thì đều có khả năng họ sẽ nói với bạn điều tương tự - những giấc mơ thời thơ ấu trỗi dậy nhờ bộ phim bom tấn năm 1993 của Steven Spielberg.

Steve Brusatte, 34 tuổi, phó giáo sư cổ động vật có xương sống tại Đại học Edinburgh, đã xem phim đó với anh trai của mình hồi 9 tuổi.

“Phim làm chúng tôi choáng váng hết cả tâm trí,” anh nói. “Bộ phim giới thiệu một hình ảnh mới về khủng long. Tất cả các cuốn sách, phim ảnh và chương trình truyền hình mà tôi nhớ đã xem hồi còn nhỏ miêu tả khủng long như những con vật ngu độn, di chuyển chậm chạp, nhàm chán chỉ ngồi đó chờ đợi tuyệt chủng. Công viên kỷ Jura là một khám phá. Nó cho thấy hình ảnh chính xác hơn về khủng long là năng động, tràn đầy năng lượng và thông minh.”

Tiến sĩ Ellie Sattler, nhân vật do Laura Dern thủ vai, trong bom tấn Jurassic Park năm 1993

Và với Rebecca Hunt-Foster, nhà cổ sinh vật học 39 tuổi ở Utah, tiến sĩ Ellie Sattler, nhân vật do Laura Dern thủ vai, đã truyền cảm hứng.

“Nhìn thấy một nhà khoa học nữ mạnh mẽ, thông minh và can đảm có tác động rất lớn đến cô bé 14 tuổi trong tôi,” cô nói.

Jurassic Park không chỉ phá tan kỷ lục phòng vé (bộ phim thu về hơn 900 triệu đôla toàn cầu) và tạo ra một chuỗi phim - phần thứ tư Jurassic World: Fallen Kingdom ra mắt cuối tuần này; nó dẫn đến sự gia tăng số lượng người theo chuyên ngành cổ sinh vật học và một bước nhảy vọt lượng tử những điều chúng ta biết về khủng long. “Nếu nó không phải vì Jurassic Park khiến công chúng hào hứng về khủng long và sau đó đết lượt công chúng đi thăm các bảo tàng, chúng tôi sẽ khó mà trở thành những nhà cổ sinh vật học,” Adams thừa nhận. “Bởi vì chuyện là: các bảo tàng và trường đại học và các tổ chức khác nói, ‘Này, người ta thích khủng long kìa, vì vậy chúng tôi sẽ tài trợ cho bạn làm nghiên cứu, phát triển công nghệ’.”

Thói quen ăn uống của khủng long Heterodontosaurus tucki được phát hiện bằng cách sử dụng công nghệ chụp cắt lớp

Và, Adams cho biết, sự gia tăng tài trợ và sự gia tăng số lượng các nhà cổ sinh vật học đã dẫn đến sự gia tăng đột biến khối lượng các khám phá về khủng long. “Trước giữa thập niên 1980 có chừng một hoặc ba khám phá mới mỗi năm. Hôm nay chúng ta đang tìm kiếm khoảng 50 loài mới được phát hiện một năm. Và lý do là vì có nhiều người tìm kiếm khủng long hơn và họ sẽ đến những nơi khác nhau để tìm kiếm khủng long. Điều đó đã xảy ra sau Công viên kỷ Jura, sau năm 1993.”

Những khám phá như vậy bao gồm Acrotholus, có thể là loài khủng long đầu xương xưa nhất trên thế giới, được phát hiện ở Canada vào năm 2008; và xác nhận năm ngoái rằng khủng long Patagotitan cổ dài - biệt danh là Titanosaur khi nó được phát hiện ở miền nam Argentina vào năm 2012 - là động vật lớn nhất từng bước đi trên trái đất. Công nghệ mới cũng đã cách mạng hóa hiểu biết của chúng ta về thế giới thời tiền sử.

“Trong thập kỷ qua, các bản chụp cắt lớp CAT sọ khủng long bạo chúa (Tyrannosaurus rex) đã cho phép chúng ta hình dung khoang não,” Brusatte nói. “Và từ đó chúng ta biết rằng T. rex có thị giác hai mắt.”

Nhân vật Alan Grant của Sam Neill đối mặt với một con khủng long trong Jurassic Park năm 1993

Điều này mâu thuẫn với một trong những cảnh nổi tiếng nhất trong phim đầu tiên (có sử dụng một số cố vấn khoa học đáng kính), nhân vật Alan Grant của Sam Neill nói với những người bạn đồng hành, khi một con T. rex chồm tới họ: “Đừng cử động! Nó không thể nhìn thấy nếu chúng ta không cử động.”

“Khủng long T. rex thực sự có thị giác chiều sâu 3D,” Brusatte nói. “Nó còn có thể nghe thấy một dãy âm vực tiếng động và có khả năng đánh hơi tuyệt vời. Nếu con T. rex đuổi theo bạn, có thể nó sẽ bắt được bạn.”

Sự bùng nổ trong ngành cổ sinh vật học cũng đã dẫn đến phát hiện làm chuyển đổi hệ thuyết rằng hầu hết các loài khủng long đều có lông. Lý thuyết cho rằng các loài chim tiến hóa từ khủng long đã được chấp nhận là thực tiễn khoa học vào thời điểm bộ phim Công viên kỷ Jura được làm, nhưng chỉ đến năm 1996, hóa thạch khủng long có lông đầu tiên mới được tìm thấy - ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc.

Khủng long cá mập Mosasaurus trong Jurassic World năm 2015

“Những con khủng long ở Trung Quốc bị dung nham núi lửa chôn vùi,” Brusatte giải thích. “Trong hàng tỉ tình trạng bảo tồn mới thấy được một thứ gì đó mềm mại, như da hoặc cơ bắp hoặc các cơ quan nội tạng, được bảo tồn. Sau đó, càng ngày càng nhiều mẫu bảo tồn từ gỗ. Chúng tôi chìm ngập trong những khám phá khủng long có lông và bây giờ chúng ta biết, 20 năm sau, có lẽ hầu hết các loài khủng long, nếu không phải tất cả loài khủng long, đều có lông.”

Tất nhiên, các phim Jurassic Park đã không đưa lên tất cả thông tin này. Mỗi nhà cổ sinh vật học đều có đề tài yêu thích - cho dù đó là kích thước quá khổ của khủng long cá mập Mosasaurus trong Jurassic World năm 2015 hay con Dilophosaurus nhỏ xíu trong phim gốc có diềm xếp nếp và nọc độc.

Paul Barrett, chuyên gia khủng long tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London, nói: “Không có bằng chứng nào cho thấy nó có xếp nếp. Hay là bất kỳ loài khủng long nào có độc. Và vào thời điểm đó chúng tôi đã biết như thế.”

Nhưng hầu hết đều đồng ý rằng những điều không chính xác – tuy là “con dao hai lưỡi,” theo lời Barrett - có thể là một lực lượng tích cực.

Khi Jurassic World: Fallen Kingdom ra rạp tuần này ngày 8/6 (ở Việt Nam với tựa: Thế giới khủng long: Vương quốc sụp đổ), khủng long bạo chúa, khủng long cổ dài và nhiều loại khủng long to lớn nhất từng bước đi trên trái đất có thể một lần nữa sẽ lại làm xuất hiện những người theo đuổi ngành cổ sinh vật học từ trong số khán giả mê mẩn

“Có một hiện tượng thú vị xảy ra khi những bộ phim này xuất hiện,” Adams nói. “Giới chuyên môn nổi giận về những thứ không chính xác. Nhưng tôi luôn nghĩ, ‘Bạn biết là cũng được mà. Đâu cần phải chính xác’. Người ta đâu có làm phim cho các nhà cổ sinh vật học. Họ sẽ không kiếm được tiền nếu làm thế. Và họ khiến mọi người hào hứng về khủng long và điều đó đưa người ta đến với bảo tàng và ở đó tôi có thể nói, ‘Này, quý vị đang ở đây, chúng ta hãy dành một chút thời gian để nói cổ sinh vật học thực sự là gì nhé. Và có thể làm như vậy quả là điều tuyệt vời.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Telegraph