Tin tức

Vụ án về số tiền giả làm đạo cụ cho Trivisa khiến người mê phim Hồng Kông bất mãn

04/06/2018

Tiền giả được cất giấu. Cảnh sát phát hiện ra chỗ giấu tiền giả. Công lý được thực thi.

Có vẻ giống cốt truyện phim ‘noir’, nhưng chỗ tiền giả đó đã được sử dụng làm đạo cụ trong một phim ly kỳ tội phạm từng đoạt giải thưởng được quay tại Hồng Kông. Và hai kẻ tình nghi — những người bị nhận án bốn tháng tù treo hôm 31/5 — không phải là những tội phạm làm tiền giả dày dạn mà là thành viên của một đoàn làm phim.

Các diễn viên và đoàn làm phim Trivisa tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm ngoái. Hôm 31/5, hai người liên quan đến việc sản xuất bộ phim này bị phán án treo vì sở hữu tiền giả — những tờ bạc mà các bị cáo nói chỉ là đạo cụ

Những người mê phim ở đây nói, câu hỏi là tại sao cảnh sát lại muốn buộc tội.

Họ nói vụ việc này là điển hình cho thấy các quy tắc nặng nề không cần thiết đang cản trở một nên điện ảnh từng có thời kỳ hoàng kim của phim kung fu Lý Tiểu Long và phim tâm lý của Vương Gia Vệ dường như đã qua lâu rồi, và hiện đang phải chật vật cạnh tranh với các đối thủ ngày càng tăng từ những hãng phim ở Hàn Quốc và Đại lục.

“Thật là giả nhân giả nghĩa,” Kevin Ma, người sáng lập Asia in Cinema, một trang tin tức điện ảnh khu vực, nói về sự kết tội đó. Ngay cả khi các quan chức Hồng Kông nói về việc hỗ trợ các nhà làm phim địa phương, anh nói, “họ lại có những luật lệ phức tạp, kỳ quái này cản trở ngành công nghiệp làm nên những xuất phẩm nghiêm túc có giá trị.”

Trong một tuyên bố, Liên đoàn các nhà làm phim Hồng Kông gọi bản án đó là “chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành công nghiệp điện ảnh trên toàn thế giới.” Và Hiệp hội nghệ thuật điện ảnh Hồng Kông cho biết họ lo ngại vì luật pháp quản lý ngành công nghiệp này đã vô cùng lạc hậu và đầy “những vùng xám khiến người trong nghề trở nên vô tình mắc tội.”

Cảnh trong phim Trivisa sử dụng tiền giả đạo cụ

Hai người bị kết tội hôm 31/5, Cheung Wai Chuen và Law Yun Lam, là những người kỳ cựu trong ngành công nghiệp điện ảnh Hong Kong bị bắt vào cuối năm 2015 với hơn 230.000 đôla Hồng Kông tiền giả và các đồng tiền khác, theo truyền thông địa phương đưa tin. Cảnh sát đã tìm thấy các tờ bạc này trong một chiếc xe và một văn phòng có liên hệ với đoàn làm phim. Số tiền giả đó thiếu giấy phép lưu trữ và vận chuyển hợp lệ, cho phép các nhà sản xuất phim chịu trách nhiệm lưu giữ.

Số tiền này đã được sử dụng trong phim Trivisa, bộ phim ly kỳ về ba tên tội phạm trong giai đoạn trước khi vùng đất cựu thuộc địa Anh này chuyển giao về Trung Quốc năm 1997. Trivisa đã giành năm giải thưởng tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông 2017, trong đó có phim hay nhất, nhưng sau đó bị cấm ở Đại lục — có lẽ, theo giới quan sát, vì những cảnh cho thấy bọn tội phạm hối lộ quan chức Trung Quốc.

“Bạn có thể coi đó chỉ là một phim tội phạm, nhưng tôi chắc chắn nó âm hưởng những gì nhiều người cảm thấy về sự chuyển giao,” Ross Chen, người sáng lập trang web Love HK Film và là thành viên của Hiệp hội phê bình điện ảnh Hồng Kông, nói.

Cảnh trong phim Trivisa sử dụng tiền giả đạo cụ

Cục điện ảnh Hồng Kông điều tiết và quảng bá ngành công nghiệp điện ảnh của đặc khu này. Trong một tuyên bố hôm 1/6, Phòng Thương mại và Phát triển Kinh tế, cơ quan giám sát cục điện ảnh, cho biết thỉnh thoảng họ nhận được yêu cầu về việc sử dụng tiền giả làm đạo cụ và họ đã cố gắng “hỗ trợ” và “giúp giải quyết mọi vấn đề.”

Đối với nhiều người trong nghề, vụ việc này là điển hình về việc Hồng Kông, một thành phố bán tự trị khoảng 7 triệu người, đang đấu tranh để duy trì ảnh hưởng văn hóa của mình giữa thời quyền lực mềm của Bắc Kinh ngày càng chiếm ưu thế.

Điện ảnh Hồng Kông có lẽ nổi tiếng nhất với phim kung fu thập niên 1970 của Lý Tiểu Long và những phim tâm lý chính kịch được khen ngợi của đạo diễn Vương Gia Vệ thập niên 90. Nhưng sau khi đạt đỉnh cao năm 1992, doanh thu phòng vé rớt mạnh khoảng 80% trong vòng 15 tiếp sau đó, còn khoảng 28 triệu USD trong năm 2007, theo số liệu của chính phủ. Một sự hồi phục trong năm 2015 đạt khoảng 30 phần trăm của đỉnh cao năm 1992.

Trivisa là bộ phim ly kỳ về ba tên tội phạm trong giai đoạn trước khi vùng đất cựu thuộc địa Anh này chuyển giao về Trung Quốc năm 1997

Ông Chen, của hiệp hội phê bình điện ảnh, nói ông không cho rằng vụ buộc tội tiền giả này bị thao túng, nhưng ông nghĩ bộ phim có rất nhiều chỉ trích ở Đại lục, đặc biệt là vì khắc họa quan chức Trung Quốc tham nhũng.

Ông nói thêm rằng ông không xem các phán quyết hôm 31/5 là “trừng phạt” các yếu tố nhạy cảm về chính trị của bộ phim, mặc dù ông thấy phán quyết quá nặng. “Bạn nghĩ các nhà sản xuất đạo cụ đó chỉ nên nhận cảnh cáo, nếu không thì một khoản tiền phạt nhỏ, là tệ nhất rồi,” ông nói.

Hôm 31/5, một trong hai bị cáo đã chất vấn về thời điểm của phán quyết.

“Các vị đã xem phim nhiều năm rồi, và những người trong các vị đang thực thi pháp luật đã nhìn thấy vấn đề nhưng không nói bất cứ điều gì,” ông Cheung nói với các phóng viên bên ngoài tòa án. “Tại sao bây giờ mới nói?”

Tang vật tiền giả của vụ án

Ngành công nghiệp điện ảnh trên toàn thế giới có những quy định chặt chẽ về việc chế tạo và sử dụng tiền giả trong phim, và đây không phải là trường hợp pháp lý đầu tiên phát sinh từ việc sử dụng tiền giả trông thật nhất có thể. Bất kỳ ai in tiền giả ở Hồng Kông đều phải xin phép. Họ còn phải làm những tờ bạc có “các yếu tố dễ nhận biết” để cho thấy rằng chúng không phải là tiền thật, thư ký thường trực về các dịch vụ tài chính và ngân khố Hồng Kông, Trần Hạo Liêm, nói hồi tháng giêng.

Cheung Kit-yee, thẩm phán trong vụ tiền giả Trivisa, nói rằng mặc dù các tờ giấy bạc trên trường quay có đánh dấu chữ “đạo cụ”, nhưng phải kiểm tra cẩn thận mới thấy, truyền thông địa phương đưa tin. Thẩm phán Cheung nói có nguy cơ các tờ bạc này có thể được sử dụng bất hợp pháp.

Nhưng ông Ma, nhà báo chuyên về điện ảnh, nói rằng vụ án này chỉ là ví dụ mới nhất cho thấy các nhà làm phim địa phương đi đường tắt vì họ không thể len lách qua được bộ máy quan liêu địa phương. Ông cho biết thậm chí có người đã quay cảnh phim rượt đuổi ô tô trên đường sau khi không lấy được giấy phép chính thức để những con đường đó được đóng lại tạm ngừng giao thông.

Vụ án này không chỉ có một gợi ý mỉa may, ông Ma nói. Một trong những khoảnh khắc nổi tiếng nhất của điện ảnh Hồng Kông là một cảnh trong bộ phim năm 1986 Điệp huyết song hùng / A Better Tomorrow, Đại ca Mark, do Châu Nhuận Phát đóng, đốt một tờ tiền giả 100 đôla để châm thuốc lá (ảnh trên).

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times