Tin tức

Thế giới ngầm đấu với Vùng đất quỷ dữ

20/01/2012

2012 là năm chào đón một loạt phim hậu truyện và phần tiếp theo. Nhưng bên cạnh các thiên anh hùng ca kinh phí lớn như The Dark Knight Rises, The Avengers, G.I. Joe: Retaliation, The Expendables 2 và còn nữa, thì phần tiếp theo của hai loạt phim kinh dị khá thành công cũng đã sẵn sàng.

Ngày 20/1, Underworld: Awakening (Thế giới ngầm trỗi dậy) đánh dấu phần thứ tư trong loạt phim Underworld, còn cuối năm nay Resident Evil: Retribution 3D, phần thứ năm trong loạt phim dựa theo trò chơi điện tử sẽ ra mắt. Cả hai phim đều không được giới phê bình đánh giá cao, nhưng điều đó cũng không ngăn được người hâm mộ kéo đến rạp.

Như ta thấy, Thế giới ngầm (Underworld)Vùng đất quỷ dữ (Resident Evil) có khá nhiều điểm tương đồng về cốt truyện, phong cách chỉ đạo và quảng cáo. Trong bài viết này tác giả phân tích những điểm giống nhau đó, điều gì giúp các bộ phim này thành công bền vững như thế và đề nghị độc giả bình chọn phim ưa thích của mình:

Vai nữ chính

Cả hai loạt UnderworldResident Evil đều xoay quanh nhân vật nữ chính bí ẩn và giỏi võ. Vai chính của cả bốn tập Underworld là Selene, một ma cà rồng thợ săn (Death Dealer) chiến đấu chống lại người sói Lycan lẫn về phe họ. Trừ phần tiền truyện Underworld: Rise of the Lycans nói về nhân vật nữ chính khác, còn cả loạt phim Kate Beckinsale đều đóng vai Selene.

Trong Resident Evil, Milla Jovovich vào vai Alice, cựu nhân viên tập đoàn Umbrella, bị đem ra thí nghiệm và giờ cô quyết tâm hủy diệt cả tập đoàn này. Giữa cô và mục tiêu thường có hàng ngàn thây ma ngáng đường.

Cả hai nữ người hùng đều có lợi thế từ khả năng đặc biệt của mình khi làm nhiệm vụ. Selene là ma cà rồng, còn Alice có (hoặc từng có) cả tá kỹ năng sau khi Umbrella đem cô ra thí nghiệm.

Quái vật

Một trong nhiều điểm tương đồng dễ thấy giữa hai loạt phim đó là nhấn mạnh những con quái vật đặc trưng trong thần thoại và văn hóa đại chúng. Trong Underworld, phim tập trung mạnh mẽ vào thế giới ma cà rồng và người sói. Phim cho thấy sự khác biệt giữa người sói thường, bị bó buộc vào sự biến hình mãi mãi và Lycan, có thể chuyển đổi hình dạng người và sói. Trong khi đó, Resident Evil lại là thây ma và hàng loạt quái vật đột biến sinh học ngày càng kinh dị.

Một yếu tố chung nữa là cả hai nhóm quái vật đều có nguồn gốc từ khoa học viễn tưởng hơn là siêu nhiên. Ma cà rồng và Lycan trong Underworld là sản phẩm của một đại dịch virút. Còn quái vật trong Resident Evil là kết quả từ virút T của tập đoàn Umbrella hoặc loài ký sinh tự nhiên Las Plagas.

Phong cách

Dù thích hay không thì cũng có một phong cách làm phim có vẻ đã làm nên cả Underworld lẫn Resident Evil. Phim dựa vào hiệu ứng đồ họa vi tính quá nhiều, mà điều này còn phụ thuộc vào kinh phí và quy mô, do đó không được thuyết phục lắm. Và bởi hành động thường là tâm điểm của phim, nên có hàng tá cảnh quay chậm và cắt cảnh nhanh trong trân chiến. Còn cảnh Alice đối đầu với gã Người Rìu trong RE: Afterlife, phim đã chứng minh rằng một loạt cảnh hành động quay chậm là khả thi, nếu không muốn nói là đáng ao ước.

Còn một điều nữa là cả hai loạt phim đều vừa tham gia vào xu hướng 3D. Underworld: Awakening là phim 3D đầu tiên trong loạt phim này, còn Resident Evil: Retribution 3D là phim thứ hai.

Hãng phim

Cả Resident Evil lẫn Underworld đều do Screen Gems phân phối. Gần đây Screen Gems có vẻ đặc biệt quan tâm đến phim kinh dị kinh phí vừa phải được nhiều khán giả ủng hộ. Những phim kinh dị khác trụ được ở hãng này gồm Hostel 2, Anacondas: The Hunt for the Blood OrchidThe Cave. Screen Gems cũng dùng chiêu thức tương tự để bán từng loạt phim này.

Quảng bá

Cả hai loạt phim có vẻ đều biết đối tượng khán giả mà họ nhắm tới là ai cho đến hiện tại, và đó chính xác là những người họ phục vụ trong giai đoạn quảng bá. Cả hai đều có xu hướng thết đãi khán giả những đoạn phim giới thiệu đậm chất hành động, với rất nhiều đoạn quảng cáo chiếu trên truyền hình cáp như Spike TV. Áp phích và các tài liệu quảng cáo khác luôn in hình nữ chính ở vị trí nổi bật nhất. Nhìn chung chiến dịch quảng cáo của mỗi loạt phim khá giống nhau, nhưng Underworld thích tông màu xanh dương còn Resident Evil thì màu nâu đất nhiều hơn.

Những tay làm quảng cáo cũng không bác bỏ tiếp thị lan truyền. Điều này có thể vô thưởng vô phạt như chiến dịch Awaken Selene trên mạng hay bất thường như quyết định rải tứ chi của thây ma giả khắp Madrid cùng với tờ bướm quảng cáo RE: Afterlife.

“Ông trùm” của phim

Cả hai loạt phim đều không có cùng một đạo diễn cho mỗi phần. Có nghĩa là, Underworld lẫn Resident Evil có thể đòi hỏi một “ông trùm” dẫn dắt tiến trình của những tập phim. Nhà đồng sáng chế của Underworld Len Wiseman đạo diễn hai phần đầu và sản xuất hai phần sau. Paul W.S. Anderson đạo diễn phần đầu tiên, thứ tư và thứ năm của Resident Evil nhưng viết kịch bản cho cả năm phần. Dù thích những bộ phim này hay không thì các “ông trùm” đều giúp cho từng loạt phim luôn hút khách trong thập kỷ qua.

Doanh thu

Ít người chỉ ra được tập phim Underworld hay Resident Evil nào đặc biệt hay, nhưng điều đó không ngăn nổi phim thu về số lợi nhuận ấn tượng. Tới nay, mỗi tập trong hai loạt phim đều sinh lời cho Screen Gems, thường là gấp hai hay ba lần kinh phí sản xuất. Nhờ vào số tiền đầu tư khiêm tốn, lượng khán giả quốc tế, và xu hướng ra mắt phần tiếp theo trong giai đoạn "chết" từ tháng 1 đến tháng 2 hay tháng 9, các phim này vẫn sinh lời mà không gặp khó khăn mấy.

Tới nay, loạt Resident Evil thu về hơn 202 triệu USD doanh thu vé toàn cầu, còn loạt Underworld đạt hơn 160 triệu USD.

Phần tiếp theo

Nhờ yếu tố tài chính, cả Underworld lẫn Resident Evil tiếp tục cho ra phần tiếp theo mỗi hai hay ba năm, đều đặn như máy. Điều thú vị là, trong khi một phim hy vọng được giới phê bình đón nhận và lợi nhuận phòng vé giảm dần theo thời gian, thì cả hai loạt phim có vẻ chuyển hướng tốt. Resident Evil: Afterlife 3D là phần sinh lời nhất của loạt phim cho đến nay.)

Với cả hai loạt phim, phần đầu tiên có vẻ bị giới phê bình chỉ trích nặng nề nhất, và những nỗ lực sau này ít nhất chất lượng cũng được tăng lên vừa phải. Thật thú vị khi chứng kiến từng phần tiếp theo của năm nay sẽ thành công về tài chính lẫn đánh giá như thế nào.

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: IGN


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi