Vấn đề không phải là năm 2011 là năm không thành công của phim điện ảnh.
Thật ra, nó cũng khá thành công, đối với phim nghệ thuật và nước ngoài.
Vấn đề là 2011 là năm thật tồi tệ của những xu hướng làm phim, đầy rẫy
những thói quen điện ảnh quê mùa, cả cũ và mới, và những kịch bản thích
chọc tức khán giả.
Và sau đây là những xu hướng làm phim cần được các nhà làm phim cho vào sọt rác.
Lạm dụng 3D: Điều lạ lùng là 2011 có những dấu hiện cho thấy 3D đang lụi tàn (
Pirates IV, Green Hornet) nhưng cũng lại có những bộ phim có thể được cho là sự tái sinh của 3D như
Hugo, The Adventures of Tintin.
Điều rõ ràng là tính cả doanh thu phòng vé và đánh giá của chuyên môn,
định dạng 3D chỉ hiệu quả với một số ít phim, không phải là kỹ xảo có
thể dùng vô tội vạ.
Ca-lo vô hình: Bạn có bao giờ ước gì là có thể ngồi một chỗ ăn
uống gì tùy thích mà không lên cân hay nhăn nheo đi không? Chuyện như
thế chỉ xảy ra trong phim: Charlize Theron trong
Young Adult, Cameron Diaz trong
Bad Teacher và Julia Roberts trong
Larry Crowne (và
Eat Pray Love,
2010) đều ăn một lượng thức ăn (nhanh) khổng lồ mà vẫn giữ được thân
hình "mình dây". Chúng ta có cần ảo ảnh lố bịch và nguy hiểm này không?
Người đẹp “xấu xí”:
Ngày càng xuất hiện nhiều trên màn ảnh là những nhân vật nữ “được cho
là xấu xí” chỉ sau khi họ mang trên mặt một cặp kính mắt dày cộp, một bộ
váy lùng thùng hay tăng lên vài cân. Ta cứ tưởng loại người đẹp này đã
không còn chỗ dung thân, nhưng rõ ràng không phải vậy. Nếu
Young Adult có
thể hóa trang Charlize Theron thành một cô gái thực sự xấu xí, thay vì
vẻ bề ngoài tuyệt đẹp bình thường của cô, thì chắc bộ phim đã trở nên
hấp dẫn hơn nhiều.
Charlize Theron trong Young Adult
Đếm ngược chờ trailer: Ngày xửa ngày xưa, các hãng phim bảo công
bố trailer là công bố luôn. Giờ họ còn đếm ngược thời điểm công bố
trailer, đánh dấu từng ngày như những đứa trẻ lên ba chờ Ông già Noel.
Ôi trời đất ơi! Cuối tuần này trailer phim sẽ ra mắt trên mạng! Thôi,
đừng nói nhiều nữa, cho chúng tôi xem trailer luôn đi!
Các trò chơi chuyển thể thành phim: Sau sự thất bại khổng lồ của
Clue
vào năm 1985, ta cứ ngỡ rằng các nhà làm phim đã rút ra bài học rằng
các trò chơi gia đình không phải là ý tưởng phim hay. Nhưng không, trong
năm 2012 ta sẽ được xem
Battleship và còn có các kế hoạch làm phim dựa trên Cờ tỉ phú, Risk, Ouija và… ôi, cả Clue nữa! Hollywood thiếu ý tưởng vậy sao?
Phim làm lại, khởi động lại, hậu truyện, tiền truyện, khổ lắm nói mãi: Câu
trả lời cho câu hỏi trên là: đúng vậy! Hollywood đang rất thiếu ý tưởng
mới mẻ. Chưa bao giờ trong lịch sử điện ảnh ta phải thấy nhiều phim dựa
theo hay làm lại những bộ phim trước kia tới thế. Bạn biết tình hình đã
không cứu vãn nổi khi những phim như
Footloose đang được làm lại, và cả những phim khá mới mẻ như
The Girl with the Dragon Tattoo cũng có những phiên bản khác nhau. Đừng tái sử dụng mà động não một chút có được không?.
The Girl with the Dragon Tattoo phiên bản năm 2009 và 2011
Hạ bệ “phim con gái”: Khi các nhà phê bình phim, phần lớn là nam
giới, thấy một bộ phim thiếu những cảnh chém giết bom nổ, họ cho rằng đó
là “phim con gái” hay “chick flick”. Cả những nhà phê bình nữ cũng dùng
cái tên không mấy vẻ vang và chẳng hề chính xác này. Trong một năm mà
Bridesmaids đã
tạo một cuộc cách mạng đối với những tiêu chuẩn về giới trong điện ảnh,
thì ta nên cất cái nhãn mác “phim con gái” kia vào một xó nào đó.
Những cảnh hành động đến “kinh động”: Khi
đạo diễn không biết phải chỉ đạo cho một cảnh hành động như thế nào, họ
bắt đầu sử dụng mánh khóe là cho máy quay di chuyển, lắc lư càng nhiều
càng tốt, để tạo ảo ảnh là mọi thứ đang chuyển động. Phong cách này ít
khi giúp họ kể chuyện, và chỉ khiến khán giả đau đầu. Các đạo diễn phim
bom tấn nên đi học một khóa bổ túc về làm phim hành động đi.
Phản ứng thái quá đối với Oscar: Giải
Oscar trở thành vấn đề sống chết của nghệ thuật làm phim từ bao giờ
vậy? Các nhà làm phim bắt đầu quan tâm về sự đánh giá không mấy khách
quan của 6.000 thành viên trong ngành điện ảnh từ bao giờ? Có một dạo,
vào thập kỷ 60 và 70, giải Oscar được cho là trò đùa và nhiều người
thách thức giá trị của nó. Giờ bạn có thể đọc một số bài viết cho rằng
nếu không đoạt giải Oscar, thì các bộ phim sẽ bỗng không phải là phim
nữa. Xin họ nhận ra rằng, “Đó chỉ là một giải thưởng thôi.”.
Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Toronto Star
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi