Tin tức

Thị trường điện ảnh Trung Quốc tăng trưởng chậm lại khi khẩu vị khán giả thay đổi

26/01/2019

Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đã khởi đầu tốt đẹp vào đầu năm 2018, nhưng trải qua nhiều khó khăn trong những tháng tiếp theo.

Vào tháng 2/2018, tháng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ba phim đã xoay xở thu về 2 tỉ nhân dân tệ mỗi phim, đẩy doanh thu phòng vé hàng tháng lên 10,15 tỉ nhân dân tệ. Tuy nhiên, nhìn vào phần còn lại của năm, doanh thu phòng vé hàng tháng có sáu lần giảm xuống dưới 4 tỉ.

Từ trái qua, áp phích ba phim đứng đầu phòng vé Trung Quốc 2018: Operation Red Sea, Detective Chinatown 2 Dying to Survive

Phim ngoại đấu phim trong nước

Bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2018 là Operation Red Sea với 3,65 tỉ nhân dân tệ, tiếp theo là Detective Chinatown 2 (3,4 tỉ nhân dân tệ) và Dying to Survive (3,10 tỉ) — tất cả đều là phim Trung Quốc.

Chỉ có bốn phim nhập khẩu lọt vào tốp 10 phim đầu bảng xếp hạng phòng vé Trung Quốc 2018, trong số đó chỉ một mình Avengers: Infinity War (2,39 tỉ nhân dân tệ) lọt vào tốp 5.

Thống kê trên hạ tầng bán vé Maoyan của Trung Quốc cung cấp thêm bằng chứng cho thấy phim Trung Quốc đang vượt xa đối thủ cạnh tranh nhập khẩu, 29 trong số 50 phim có doanh thu cao nhất trong năm là phim nội địa.

Bao năm Hollywood là “nhãn hiệu cầu chứng” cho các phim được nhập khẩu vào Trung Quốc, nhưng phim Ấn Độ mới là phần quan trọng của phòng vé Trung Quốc 2018. Tổng cộng có 10 phim Ấn Độ đã được phát hành tại các rạp ở Trung Quốc Đại lục trong năm 2018, trong đó Thugs of Hindostan ra mắt vào kỳ cuối tuần cuối cùng của năm. Con số này gần gấp ba lần so với năm 2017.

Xem xét thành tích phòng vé của các phim Ấn Độ ở Trung Quốc, bốn phim đã thu về hơn 100 triệu nhân dân tệ, không phải là tệ khi so với các phim Ấn Độ năm 2017 hiếm khi kiếm được hơn 10 triệu nhân dân tệ.

Hiệu ứng Matthew

Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đã sử dụng thuật ngữ hiệu ứng Matthew — khái niệm cho rằng người giàu trở nên giàu hơn và người nghèo trở nên nghèo hơn — để mô tả hiệu quả thị trường của các bộ phim năm 2018. Theo báo cáo trên Xinmin Evening News, 15 phim, chỉ 3% số phim được phát hành trong năm nay, chiếm 55% doanh thu phòng vé, trong khi hơn 77% phim chỉ đóng góp 2% doanh thu phòng vé.

Áp phích ba phim Ấn Độ, từ trái qua: Secret Superstar, Dangal, Bajrangi Bhaijaan, có doanh thu ngày mở màn cao nhất ở phòng vé Trung Quốc 2018

“Với chất lượng phim trong nước ngày càng tăng, hết phim này đến phim khác trở thành ‘hit’… nhưng khi một lượng khán giả khổng lồ bị cuốn hút vào những bộ phim đình đám này, những phim còn lại phải sụp đổ lớn hơn,” Yingyi Dushe, một tài khoản WeChat để chế độ công khai đã viết, trích dẫn số liệu thống kê từ cơ sở dữ liệu phim Entgroup.

“Năm 2017, 10 phim hàng đầu chiếm 36,4% tổng doanh thu phòng vé. Nhưng năm 2018, tỷ lệ đó đã tăng lên 42,4%,” tài khoản này nói thêm.

Thị hiếu khán giả thay đổi cũng có tác động trong năm 2018.

So với những năm trước đây khi các ngôi sao nổi tiếng và các tài sản trí tuệ nổi tiếng là lực hút mạnh nhất cho các bộ phim, khái niệm “nội dung là vua” đã được chấp nhận rộng rãi hơn. Trong 10 phim thua lỗ hàng đầu trên danh sách của Sohu Entertainment, nhiều phim kinh phí lớn với dàn diễn viên ngôi sao tên tuổi đã không lấy được khán giả.

Cảnh trong phim Asura, với (từ trái qua) Ngô Lỗi, Trịnh phối Phối và Lưu Gia Linh

Bộ phim kỳ ảo Asura là ví dụ nổi bật nhất. Với ngân sách được đồn đoán là 750 triệu nhân dân tệ, bộ phim bom tấn này có sự tham gia của nam diễn viên hạng A Lương Gia Huy và nữ diễn viên Lưu Gia Linh, cùng ngôi sao nhạc pop Ngô Lỗi. Tuy nhiên, Asura cuối cùng chỉ kiếm được 50 triệu nhân dân tệ ở phòng vé và bị rút khỏi rạp chiếu chỉ sau ba ngày.

Xây dựng rạp chiếu mới đã kịch trần

Dushe Yingyi cũng lưu ý rằng, theo thống kê từ China Film News, tính đến 30 tháng 11 Trung Quốc có 59.009 màn hình, tăng 16,2% so với 50.776 màn hình của năm 2017. Đó là mức tăng nhỏ hơn nhiều so với mức tăng trưởng 30,2% của năm 2016 và 23,3% của năm 2017.

Việc gia tăng số lượng màn hình ở các đô thị cấp ba và cấp bốn của Trung Quốc đã từng là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc, nhưng bây giờ khoản tăng đó không còn được tính đến nữa.

Xây dựng rạp chiếu mới ở Trung Quốc đã tăng trưởng kịch trần

Theo báo cáo từ trang tin tức Q Daily, các đô thị cấp ba và cấp bốn chiếm 34,58% tổng doanh thu vé ở Đại lục vào năm 2015. Tỷ lệ này tiếp tục tăng khoảng 27% mỗi năm ở các đô thị cấp ba và 35% ở các đô thị cấp 4, lên đến khoảng 38,75% tổng doanh thu vé năm 2017.

Tuy nhiên, doanh thu vé tại các đô thị này hầu như không thay đổi trong năm 2018, một dấu hiệu cho thấy tăng trưởng có suy giảm lớn.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times