Phim bom tấn phi công chiến đấu của Tom Cruise được phát hành ngày 16
tháng 5 năm 1986. Kể câu chuyện các chiến đấu cơ của Hải quân Mỹ, với
các ngôi sao trẻ đang lên của Hollywood và nhạc nền thành công Danger Zone với chất giọng đầy cảm xúc của Kenny Loggins, Top Gun là phim có doanh thu cao nhất của năm 1986, kiếm được 356,8 triệu đôla toàn cầu.
Bộ phim đã làm bệ phóng sự nghiệp cho Anthony Edwards (Goose), Tim
Robbins (Merlin) và Meg Ryan (vợ Goose, Carole) — và đưa Tom Cruise
(Maverick) lên tầng bình lưu danh vọng.
Tom Cruise trong vai Maverick
Hơn nữa, nhạc nền của bộ phim đứng đầu bảng xếp hạng album Billboard và thể hiện ca khúc chủ đề
Take My Breath Away của nhóm nhạc Berlin, thắng giải Oscar Ca khúc gốc trong phim (
Top Gun
được đề cử ba giải Oscar khác). Và trong năm 2015, Thư viện Quốc hội
Hoa Kỳ đã chọn phim này đưa vào Viện lưu trữ phim quốc gia (National
Film Registry), một danh dự tuyệt đỉnh chỉ dành cho những bộ phim tuyệt
đỉnh, bạn biết rồi đó.
Thành tích điện ảnh duy nhất của đạo diễn Scott trước
Top Gun là bộ phim nghệ thuật tăm tối và ủ ê
The Hunger,
với Susan Sarandon và David Bowie đóng chính. Khỏi nói, Paramount đã
rất căng thẳng khi làm phim này — mà suýt chút nữa đã không bao giờ được
ra đời.
Một số nhà làm phim chủ chốt đã không còn trên đời,
trong đó có đạo diễn Tony Scott và đối tác sản xuất của Jerry
Bruckheimer, Don Simpson. Nhưng họ đã để lại một di sản mà khán giả khao
khát được thấy lại trong một phần tiếp theo đang chờ được bật đèn xanh.
Sau đây là 30 điều ít được biết về
Top Gun, nhân kỷ niệm 30 năm phim này ra mắt.
Val Kilmer trong vai Iceman
1. Nhân vật Maverick được đo ni đóng giày cho Cruise — diễn xuất của anh trong phim
All the Right Moves đã tạo cảm hứng cho các biên kịch viết vai này.
2. Lúc đầu Cruise miễn cưỡng với vai Maverick, nhưng anh lập tức thay đổi ý kiến sau lần đầu bay với phi đội Blue Angels.
3. Thoạt tiên Val Kilmer từ chối vai Iceman, cho đến khi Scott lùng ra anh và tuyển chọn anh một cách nhiệt tình.
4. Ở giai đoạn chọn diễn viên,
Top Gun
đã trở thành cái tựa nóng. Gần như tất thảy nam diễn viên trẻ ở
Hollywood đều muốn tham gia, trong đó có cả Charlie Sheen rất trẻ, nghe
nói anh sẵn sàng nhận vai gì cũng được, kể cả một vai nhỏ. (Anh đã không
được tham gia.)
5. Tầm nhìn ban đầu của Scott về bộ phim là “
Apocalypse Now trong vận tải hàng không.” Sau đó ông nhận ra đây “nhất định là một phim bắp rang… những ngôi sao rock ‘n’ roll của bầu trời.”
6. Kịch bản ban đầu cho Goose chết vì một vụ đâm máy bay trên trời. Hải
quân không chấp nhận chuyện đó, thế nên biên kịch đã thay đổi kịch bản
thành một hoàn cảnh đáng tin hơn, miêu tả một tai nạn thực sự đã xảy ra
(nhưng không dẫn đến kết quả thương vong).
7. Tạo hình của các
nam diễn viên trong chương trình đào tạo phi công lấy cảm hứng từ bức
ảnh của Bruce Weber, đặc biệt là trong cuốn sách đầu tiên của ông thể
hiện những người mẫu nam ăn mặc thiếu vải (và có một số khỏa thân) trong
chủ đề quân đội.
8. Tựa ban đầu của phim là
Top Guns — số nhiều.
9.
Nhân vật của Kelly McGillis, Charlie, mới đầu được định là một sĩ quan.
Nhưng Hải quân Mỹ không chấp thuận kịch bản có hai sĩ quan yêu nhau.
Các nhà làm phim cần sự tham gia của Hải quân, thế nên họ thay đổi nghề
nghiệp của cô thành nhà tư vấn làm công việc đánh giá thành tích của các
phi công.
10. Scott phải đấu tranh với hãng phim để tuyển
McGillis. Các nhà điều hành hãng phim muốn một nữ diễn viên trẻ trung
hơn, “thời trang hơn” đóng cặp với Cruise.
Kelly McGillis, trái, trong vai Charlie
11. Nhớ John Stockwell, đóng vai Cougar trong một cảnh đáng nhớ lúc đầu
phim khi anh hoảng sợ tìm cách đáp chiếc máy bay của mình không? Anh đã
đạo diễn những bộ phim bắp rang đầy nắng
Blue Crush năm 2002 với Kate Bosworth và Michelle Rodriguez đóng chính, và
Into the Blue năm 2005, với Paul Walker và Jessica Alba, và phim kinh dị
Turistas năm 2006.
12. Cảnh yêu nổi tiếng được quay sau khi phim đóng máy. Đúng vậy, không có cảnh yêu nào trong kịch bản!
13.
Lúc đó mái tóc của McGillis khác, cô đã kể lại trong một phỏng vấn năm
2013, đó là lý do cảnh nóng sử dụng hình cắt bóng và ánh sáng mờ. (Mái
tóc của McGillis cũng là lý do cô đội nón trong cảnh thang máy, cũng là
một phần trong những cảnh quay lại.)
14. McGillis quen biết
Kilmer trước phim này, cô cũng tiết lộ trong lần phỏng vấn nói trên. Họ
cùng vào trường nghệ thuật Julliard.
15. Được các nhà làm phim
khuyến khích, dàn diễn viên ăn chơi dữ dội suốt thời gian ghi hình ở San
Diego, để nhập vai. “Tôi nhớ thời gian đó trở thành một kỳ cuối tuần
‘khủng’,” Kilmer nhắc lại trong phần bình luận trên bản DVD của bộ phim.
16. Liên tục đàn đúm, dàn diễn viên còn chơi bóng rổ, đánh tennis và đến trường đua xe.
17.
Để sự đối đầu của họ trên màn ảnh sống động, hoặc chỉ Cruise hoặc chỉ
Kilmer tham gia đám tiệc tùng. Hai người không bao giờ đi cùng nhau.
18.
Theo Barry Tubb (Wolfman), cả đám chất nhau lên xe của Kilmer. Họ dùng
chiếc xe để “quậy xuyên biên giới Mexico” rồi đua trở về đúng giờ có mặt
trên trường quay.
19. Kilmer có khoảnh khắc diễn cương khi anh khạc ra từ “bullshit” trong cảnh ở nhà chứa máy bay.
20.
Phi công Art Scholl bị thiệt mạng trong lúc thực hiện một pha mạo hiểm
trong phim. Anh định bổ nhào xoay vòng để máy quay bắt cảnh bên trong
máy bay nhưng không bay trở lên được, và đâm xuống Thái Bình Dương.
21.
Cruise đã rất căng thẳng và bị áp lực, cảm thấy sức ép của việc gánh
vác bộ phim. “Cậu ta cũng như tôi không có chút kinh nghiệm nào,” Scott
kể lại.
22. Edwards và Ryan, đóng vai cặp vợ chồng trên phim, cũng hẹn hò nhau ngoài đời thực.
23.
Ryan không phải là lựa chọn đầu tiên của Scott cho vai vợ Goose. Vị đạo
diễn quá cố đã miễn cưỡng chọn cô vì cô từng là nữ diễn viên của phim
truyền hình trường kỳ
As the World Turns.
24. Bộ phim bắt nguồn từ bài báo xuất bản lần đầu trên tạp chí California.
25. Jack Epps Jr. đã viết kịch bản phim này cùng với Jim Cash, đối tác biên kịch của ông trên những phim như
The Secret of My Success và
Turner & Hooch. Epps quyết định
Top Gun
là phim thể thao hơn là phim quân sự sau khi ông bay một chuyến thật.
“Những thứ xảy ra với lực gia tốc,” ông nói về trải nghiệm với lực G
trong không trung. “Đây là một trong những trò thể thao tuyệt vời nhất
mà tôi từng tham dự trong đời.”
26. Giải thưởng gọi là “Top Gun” mà vì đó các phi công trong phim tranh nhau thực sự không tồn tại trong Hải quân.
27. “Chúng tôi đã trả Tom Cruise 1 triệu đôla để có cảnh mình trần,” tư
vấn kỹ thuật Pete Pettigrew kể về điều mà các nhà làm phim nói liên quan
đến nhu cầu có cảnh trong phòng thay đồ.
28. Các nhà điều hành
Paramount lúc đó là Jeffrey Katzenberg và Michael Eisner không thích
kịch bản. Phim bị xếp qua một bên cho tới khi CEO mới, Ned Tanen, tiếp
quản và bật đèn xanh trong một bữa ăn trưa bàn công việc. Ông này thậm
chí còn không đọc kịch bản.
29. Các diễn viên đóng vai phi công
phải có giấy phép bay và trải qua một đợt huấn luyện với Hải quân, trong
đó có việc lái một chiếc F-14. Rick Rossovich (Slider) có bí danh
“Rock” sau khi anh chìm nghỉm như đá rơi xuống hồ bơi trong đợt huấn
luyện bay trước khi quay.
30. Hải quân Mỹ báo cáo lượng đăng ký vào chương trình không quân tăng 500% sau khi bộ phim ra mắt, theo cuốn sách
Operation Hollywood: How the Pentagon Shapes and Censors the Movies xuất bản năm 2004.
Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: TheWrap