Tin tức

'Trolls World War': Một phim hoạt hình nhạc kịch kích hoạt 'cuộc chiến xinê' như thế nào

05/05/2020

Cốt truyện bộ phim hoạt hình Trolls: World Tour của Universal Pictures rất đơn giản: các thể loại âm nhạc khác nhau có thể kết hợp hài hòa. Nhưng việc phát hành-thẳng-kỹ thuật số của bộ phim đã khiến giới chủ rạp giận dữ hát một điệu rất khác.

Universal phát hành-thẳng-kỹ thuật số Trolls: World Tour đã khiến giới chủ rạp giận dữ

Trong cái chủ đề lâu nay đã trở thành một cuộc trưng cầu dân ý khó chịu về cách các bộ phim được phát hành trong lẫn sau đại dịch, Universal và giới chủ rạp đang chiến đấu không chỉ vì vụ Quỷ lùn mà còn cả khả năng sinh tồn của các cụm rạp chiếu. Trong khi các hãng phim khác vẫn chưa chọn phe, giới nhà rạp đã bắn một phát cảnh cáo toàn ngành vào các ông trùm Hollywood: bỏ rơi chúng tôi lúc này đi rồi biết tay.

Khi virus corona lan rộng và các rạp chiếu đóng chặt cửa nẻo, hầu hết các hãng phim vội vàng đưa những phim đã chiếu rạp rồi lên các hạ tầng kỹ thuật số, hoặc hoãn phát hành rạp các tựa như Black Widow, Wonder Woman 1984 và phim James Bond tiếp theo.

Nhưng thay vì hoãn Trolls phần tiếp theo, thay vào đó Universal đã phát hành thẳng bộ phim lên các hạ tầng chiếu phim theo yêu cầu như Apple TV, Amazon Prime và YouTube với giá 19,99 đôla, hoàn toàn bỏ qua phát hành rạp. Hãng phim khoe với Tạp chí Phố Wall rằng Quỷ lùn đã kiếm được gần 100 triệu đôla doanh thu phát hành kỹ thuật số trong ba tuần đầu tiên lên mạng.

The King of Staten Island của Judd Apatow lại được Universal tiếp tục cho ra mắt trên các trang web video theo yêu cầu (VOD) vào ngày 12 tháng 6

Đầu tuần lễ cuối cùng của tháng 4, hãng lại đưa ra quyết định tương tự với bộ phim hài sắp tới The King of Staten Island của Judd Apatow, sẽ ra mắt trên các trang web video theo yêu cầu (VOD) vào ngày 12 tháng 6.

‘KHÔNG PHẢI LÀ DỌA SUÔNG HAY THIẾU CÂN NHẮC ĐÂU’

Giới chủ rạp, vốn đã tức giận với quyết định về Trolls rồi, trở nên giận tím mặt và trút cho hả vào các giám đốc điều hành của Universal. AMC Entertainment, chuỗi rạp chiếu lớn nhất nước, nói họ sẽ không chiếu bất kỳ phim nào của Universal trong tương lai — bao gồm phần tiếp theo Fast and Furious rất được mong đợi — tại các rạp của họ ở Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Đông.

Trong một bức thư được gửi hôm 28/4 tới người đứng đầu hãng phim Universal, Donna Langley, người đứng đầu AMC Adam Aron than thở rằng “hàng thập kỷ hoạt động kinh doanh cực kỳ thành công cùng nhau lại đi đến kết thúc thật buồn.” Ông cũng cảnh báo rằng các hãng phim khác đi theo sự dẫn dắt của Universal có thể phải đối mặt với sự tẩy chay.

AMC Entertainment, chuỗi rạp chiếu lớn nhất nước, nói họ sẽ không chiếu bất kỳ phim nào của Universal trong tương lai — bao gồm phần tiếp theo Fast and Furious rất được mong đợi — tại các rạp của họ ở Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Đông

“Chính sách này ảnh hưởng đến bất kỳ và tất cả các bộ phim Universal, sẽ có hiệu lực ngày hôm nay và khi các rạp chiếu của chúng tôi mở cửa trở lại, và đây không phải là dọa suông hay thiếu cân nhắc,” Aron viết. “Tiện thể nói luôn, chính sách này không chỉ nhằm vào Universal vì giận dỗi hay nhằm trừng phạt dưới bất kỳ hình thức nào, mà còn mở rộng đến bất kỳ nhà làm phim nào đơn phương từ bỏ khung thời gian phát hành hiện tại,” Aron nói, nhắc đến khoảng cách thông thường ba tháng — hay còn gọi là “cửa sổ phát hành” — giữa chiếu rạp và phát hành kỹ thuật số của một bộ phim.

Cineworld, chuỗi rạp có trụ sở tại London có các thương hiệu ở Mỹ bao gồm Regal, United Artists và Edwards, cũng chỉ trích Universal gay gắt, nhưng không đi tới mức tẩy chay. “Động thái của Universal là hoàn toàn không phù hợp,” công ty cho biết trong một tuyên bố hôm 29/4.

RẠP CHIẾU THÌ QUÁ TUYỆT, NHƯNG PHẢI ĐÓNG CỬA

Hiệp hội các chủ rạp quốc gia (National Association of Theatre Owners - NATO), hiệp hội nghề dành cho các nhà rạp, cộng hưởng cảm xúc của AMC, trước đó đã ám chỉ khả năng trả đũa quyết định Trolls của Universal.

Universal nói rằng bình luận của Fithian đã bỏ qua điểm mấu chốt: Đúng, rạp chiếu quá tuyệt, nhưng đã phải đóng cửa — và có khả năng sẽ vẫn phải đóng cửa trong một thời gian tới

“Universal không có lý do để sử dụng các tình huống bất thường trong một hoàn cảnh chưa từng có tiền lệ làm bàn đạp để bỏ qua phát hành rạp thực sự,” John Fithian, chủ tịch NATO, nói trong một tuyên bố. “Rạp chiếu bóng cung cấp một trải nghiệm chìm đắm, chia sẻ yêu mến không thể sao chép được.”

Universal nói rằng bình luận của Fithian đã bỏ qua điểm mấu chốt: Đúng, rạp chiếu quá tuyệt, nhưng đã phải đóng cửa — và có khả năng sẽ vẫn phải đóng cửa trong một thời gian tới. (Chính xác đó là lý do tại sao hôm 28/4 Viện Hàn lâm Điện ảnh nói rằng các bộ phim không còn phải ra mắt ở rạp mới đủ điều kiện tranh giải Oscar.)

“Cứ cho là chọn không phát hành Trolls: World Tour đi, điều này không chỉ ngăn cản người tiêu dùng trải nghiệm bộ phim mà còn tác động tiêu cực đến các đối tác và người lao động của chúng tôi, quyết định là quá rõ,” Universal nói trong một tuyên bố gửi qua email hôm 29/4.

Cineworld, chuỗi rạp có trụ sở tại London có các thương hiệu ở Mỹ bao gồm Regal, United Artists và Edwards, cũng chỉ trích Universal gay gắt, nhưng không đi tới mức tẩy chay

RẠP CHIẾU BÓNG VỐN ĐÃ NGUY TỚI NƠI RỒI

Ngoài đe dọa các hãng phim ra, thời bây giờ giới chủ rạp hầu như chẳng có quyền lực gì. Lượt người xem đã giảm ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, và khi các dịch vụ phát trực tuyến mới nở rộ, giới chủ rạp tỏ ra không quan tâm đến việc thay đổi cách làm: chuyển sang đặt các bộ phim được sản xuất bởi các công ty như Netflix để chiếu.

Với doanh thu phòng vé rớt xuống zero gần như chỉ sau một đêm, các chuỗi rạp đại chúng — bao gồm AMC — đang phải đối mặt với khủng hoảng thanh khoản và có thể phá sản.

Đối với các hãng phim, đại dịch có thể mang đến một cơ hội hiếm có để xác định lại việc kinh doanh trong tương lai. Một hãng phim thường ăn chia 50/50 doanh thu phòng vé với chủ rạp. Nhưng khi hãng phim là nhà phân phối kỹ thuật số của chính mình, không phải ăn chia như vậy.

NBCUniversal, công ty mẹ của Universal Pictures, sẽ ra mắt dịch vụ phát trực tuyến mới, Peacock, vào ngày 15 tháng 7, có thể yên tâm cho rằng một số phim Universal sắp tới có thể ra mắt ở đó. Disney, công ty đã kiểm soát khoảng 40% doanh thu phòng vé Bắc Mỹ trước đại dịch, điều hành các hạ tầng phát trực tuyến Disney+ và Hulu. Trước đây Disney từng nói họ sẽ chuyển một số phim có kế hoạch phát hành rạp, như Artemis Fowl trong tháng 5, sang hạ tầng phát trực tuyến của họ vào cuối hè.

Đối với các hãng phim, đại dịch có thể mang đến một cơ hội hiếm có để xác định lại việc kinh doanh trong tương lai: khi hãng phim là nhà phân phối kỹ thuật số của chính mình, thì không phải ăn chia doanh thu với ai

Có lẽ các hãng phim đang hát như vẹt một câu từ ca khúc Leaving Lonesome Flats (tạm dịch: Rời bỏ những căn hộ cô đơn) của Dierks Bentley trong Trolls: World Tour: “I got the hammer down and won’t look back” — tạm dịch: “Tôi đã rồ ga vọt đi rồi và sẽ không nhìn lại.”

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: LAist.com