Tin tức

Trước thềm tái đàm phán: Hollywood định moi tiền từ Trung Quốc như thế nào

20/07/2017

Là một cơ hội nửa thập niên có một, và hàng tỉ doanh thu tiềm năng đang ở vào giai đoạn quyết định. Các điều khoản để ngành điện ảnh Mỹ làm ăn ở Trung Quốc, lãnh thổ phòng vé lớn thứ hai thế giới, đang thương lượng.

Tháng 2 năm 2012, nguyên phó tổng thống Jo Biden và phó chủ tịch Tập Cận Bình (nay là chủ tịch nước Trung Quốc), đồng ý một khung thương mại cột mốc bao gồm mọi thứ từ bao nhiêu phim Mỹ được Trung Quốc chấp nhận chiếu rạp, đến việc các phim đó được phát hành lúc nào và như thế nào, đến tỷ lệ ăn chia mà các hãng phim Mỹ có thể nhận lại. Quan trọng nhất là cả hai bên đồng ý xem lại các điều khoản vào năm 2017.

Các nguồn thân cận với việc tái đàm phán cho biết các cuộc thảo luận ban đầu đã diễn ra và những phiên thảo luận tiếp theo diễn ra vào cuối tháng 5. Không ai kỳ vọng một thỏa thuận đạt được trước cuối năm, nhưng một số ưu tiên – hay yêu cầu – của mỗi bên đang bắt đầu hình thành.

Theo khung hiện tại, Trung Quốc cho định mức nhập khẩu phim Mỹ không quá 34 đầu phim một năm trên cơ sở ăn chia doanh thu (đã tăng từ 20 phim năm 2012). Nhưng trong khi nhiều nhà quan sát có khuynh hướng tập trung vào trần hạn ngạch, người trong cuộc nói hệ thống hiện tại đã cung cấp đủ chỗ cho các phim bom tấn lớn nhất của Hollywood thâm nhập rồi – các ưu tiên lần này là vấn đề ăn chia chứ không phải bao nhiêu phim.

Dàn diễn viên chính của Beauty and the Beast tại sự kiện ra mắt phim ở Thượng Hải, Trung Quốc

Qua Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA), các hãng phim được cho là đã thúc giục Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ gây áp lực để có tỷ lệ ăn chia phòng vé lớn hơn ở Trung Quốc. Theo thỏa thuận cũ, tỷ lệ ăn chia dành cho Hollywood là từ 13% đến 25% - nhưng tỷ lệ ăn chia bình quân quốc tế là tầm 40%.

“Ở thời điểm này trong sự phát triển của Trung Quốc, không có lý do chính đáng cho việc tại sao tỷ lệ ăn chia không theo chuẩn thông thường của quốc tế,” một nhà điều hành kỳ cựu người Mỹ nói.

Trong các nhà điều hành hãng phim Mỹ làm việc tại Bắc Kinh tham gia cuộc khảo sát của The Hollywood Reporter, không ai kỳ vọng Trung Quốc sẽ chấp nhận tỷ lệ ăn chia 40%, nhưng thậm chí đạt được chừng 32% cũng coi như thắng lợi to lớn rồi. Song, bất cứ mức tăng nào cho phía Mỹ sẽ ăn vào phần xấp xỉ 18% mà các đơn vị phát hành nhà nước Trung Quốc, China Film Group và Huaxia, đang lấy từ mỗi phim (57% còn lại về tay các nhà rạp, thuế và các quỹ phát triển điện ảnh nhà nước).

Áp phích tiếng Trung của Wonder Woman

“[Nhà nước] sẽ không muốn lấn vào doanh thu của China Film Group; thay vào đó họ sẽ muốn tăng hạn ngạch,” một nguồn Trung Quốc có hiểu biết về các buổi thảo luận tại doanh nghiệp phát hành nhà nước này cho biết.

Trung Quốc đã gửi đi tín hiệu hạn ngạch nhập khẩu sẽ mở rộng. Hầu hết phim bom tấn hè lớn nhất của các hãng phim sẽ ra rạp ở Trung Quốc cùng ngày với Bắc Mỹ, bao gồm Pirates of the Caribbean: Dead Men Tell No Tales của Disney ngày 24 tháng 5, Wonder Woman của Warner Bros ngày 2 tháng 6 và Transformers: The Last Knight của Paramount ngày 23 tháng 6. Mặc dù những động thái đó được hoan nghênh, phía Mỹ được kỳ vọng đấu tranh để Trung Quốc không có bất cứ hạn ngạch nào vì nước này là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới – và chuyện ăn chia doanh thu là vấn đề chính.

Các nhà đàm phán Mỹ đã được yêu cầu tìm kiếm cam kết từ Bắc Kinh rằng họ sẽ không sử dụng “thời kỳ tắt điện” nữa: ngăn chặn phát hành phim Mỹ ở rạp trong những giai đoạn người dân nước này ra rạp nhiều nhất. Các hãng phim cũng muốn được thông báo sớm và trực tiếp kiểm soát về thời điểm phim của họ ra rạp ở Trung Quốc, vì Bắc Kinh nổi tiếng sắp lịch khởi chiếu các phim lớn của Mỹ vào những ngày trong tuần không thuận lợi, hoặc bất ngờ đặt hai phim bom tấn cạnh tranh nhau của Mỹ ra rạp cùng lúc để chúng xé xác lẫn nhau.

Khán giả Trung Quốc đông nườm nượp tại sự kiện mở màn Transformers: The Last Knight

“Tôi chắc là Bắc Kinh không đời nào từ bỏ các công cụ thao túng thị trường có lợi này đâu,” Stan Rosen, giáo sư khoa học chính trị tại USC nói, chỉ ra rằng Trung Quốc đã sử dụng cách đó trong những thời kỳ tuyệt vọng khi Hollywood thống trị, khi doanh thu hàng năm của phim trong nước tụt dưới ngưỡng mức kỳ vọng của chính phủ là 55%.

Nhưng ưu tiên khẩn cấp nhất của Bắc Kinh luôn là duy trì tăng trưởng cao cho toàn ngành. Và với việc phòng vé Trung Quốc mở rộng năm 2016 đạt mức tăng trưởng chậm nhất trong vòng hơn một thập kỷ, bàn tay Hollywood có vẻ mạnh hơn bao giờ hết. Suy cho cùng, Trung Quốc không thể đạt được vị thế ao ước là thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới mà không có cơ bắp phim bom tấn Mỹ giúp đưa lên.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter