Tin tức

Vu Chính: Sự tự tin giữa những dòng chỉ trích

17/09/2013

Trong các thể loại phim truyền hình và điện ảnh Trung Quốc, phim cổ trang luôn được ưa chuộng và là một yếu tố không thể thiếu trong văn hóa nước này. Như Steven Spielberg là hình ảnh tượng trưng cho phim khoa học viễn tưởng ở Mỹ, những năm gần đây, nhà sản xuất phim, biên kịch Vu Chính đã tạo tên tuổi cho bản thân, trở thành hình ảnh tượng trưng cho phim truyền hình cổ trang ở Trung Quốc Đại lục, dù quanh anh không bao giờ thiếu những lời thị phi, chỉ trích.

Vu Chính chưa bao giờ đạo diễn bất cứ tác phẩm nào, nhưng tên tuổi anh luôn nổi bật hơn tên chính đạo diễn. Trong vòng 10 năm trở lại đây, đã có 20 phim truyền hình Trung Quốc gắn bó với tên anh. Dù cả giới chuyên môn trong ngành lẫn khán giả có nhiều lời chỉ trích dành cho phim gắn mác Vu Chính, nhưng anh vẫn góp phần tạo nên tuổi của các diễn viên như Dương Mịch, Viên San San, Triệu Lệ Dĩnh, và đưa Lâm Tâm Như, Chu Đông Vũ, Lục Nghị trở lại với khán giả.

Vu Chính

Đầu tháng này, phim điện ảnh đầu tiên với kịch bản của Vu Chính, Cung tỏa trầm hương, đã ra mắt, tạo hướng đi mới cho sự nghiệp của anh.

Chuyện của phụ nữ qua giọng kể của một người đàn ông

Vu Chính hiện nổi tiếng nhất với Cung tỏa tâm ngọc, một bộ phim về đề tài du hành thời gian, lấy bối cảnh đầu triều đại nhà Thanh. Sau khi phim công chiếu trên đài truyền hình Hồ Nam vào năm 2011, phim không những gặt hái thành công trong nước mà còn đem về cho Vu Chính giải Kịch bản truyền hình xuất sắc nhất tại Giải thưởng Truyền hình châu Á cùng năm. Trước và sau đó, các tác phẩm khác của Vu Chính gồm Mỹ nhân tâm kế (2009), Đường cung – Mỹ nhân thiên hạ (2011), Cung tỏa châu liêm (2011), and Mỹ nhân vô lệ (2012) – tất cả kể về cuộc đời đầy giông tố của các phi tần chốn hậu cung.

Trong một buổi phỏng vấn với Global Times gần đây, Vu Chính cho biết, anh cảm thấy khó chịu khi nhiều người gọi anh thiếu nam tính và thích quan tâm chuyện đàn bà.

“Kịch bản đầu tiên của tôi, Kinh Kha truyền kỳ, được viết theo lời kể của một người đàn ông. Lúc đó tôi khá hài lòng với kịch bản, nhưng khi phim được chiếu vào năm 2004, nhận được đánh giá không được tốt. Ngay cả mẹ tôi cũng không thích phim này,” anh nói.

Phải đến khi viết Sở Lưu Hương truyền kỳ (2005) và Đại Thanh hậu cung (2006), Vu Chính mới nhận ra, các nhân vật nữ dưới ngòi bút của anh lại có thể được yêu thích đến vậy.

Mỹ nhân vô lệ

Với Sở Lưu Hương, dù câu chuyện kể về một nhân vật hiệp khách, khán giả lại ít bàn tán về nhân vật chính. Những lời thảo luận trên mạng tập trung vào các nhân vật nữ nhiều hơn.

Rồi Đại Thanh hậu cung, kịch bản đầu tiên của Vu Chính về chốn hậu cung, ra mắt và nhận được sự yêu thích từ phía khán giả, cho anh thêm tự tin để viết kịch bản theo hướng này. Nhưng anh vẫn cho rằng, anh viết về phụ nữ qua con mắt của một người đàn ông.

So với các phim tương tự của các biên kịch nữ, Vu Chính cho rằng kịch bản của anh luôn kể về một nhóm nhân vật nữ, và anh viết họ bằng cách tương phản họ với nhau. Trong kịch bản của biên kịch nữ, anh nhận xét thường sẽ chỉ có một, hai nhân vật nữ trung tâm, và nhiều nhân vật nam phụ.

Vu Chính cho rằng sự khác biệt này là lý do kịch bản của anh thu hút và “tạo dấu ấn nhiều hơn với khán giả hiện đại.”

Những lời chỉ trích đến từ đâu?

Sinh năm 1978, không thể phủ nhận rằng Vu Chính là số ít biên kịch tạo được thành công thương mại cho bản thân ở tuổi đời rất trẻ. Nhưng những lời chỉ trích luôn đi theo tên anh.

Năm 2011, năm anh nhận giải Biên kịch xuất sắc tại Giải thưởng Truyền hình châu Á, anh cũng được cư dân mạng Trung Quốc chọn là Nhà giải trí khó ưa nhất năm 2011. Họ cho rằng anh sẽ “dùng cả sự nghiệp để đạo văn”.

Từ những kịch bản những ngày đầu như Đại Thanh hậu cung, tới Mỹ nhân tâm kế, tới Cung tỏa tâm ngọc, cư dân mạng luôn tìm thấy nhiều điểm “giống nhau” giữa kịch bản của anh với các tác phẩm khác tới trước.

Vu Chính cho biết, trước kia anh cũng để ý tới nhiều điều chỉ trích này, nhưng đến giờ anh đã học được cách không quan tâm tới những lời thị phi.

Mỹ nhân tâm kế

“Một tác phẩm không phải là tiền, không thể ai cũng thích được,” anh nói với Global Times, và thêm rằng các tác phẩm nổi tiếng khác cũng lấy cảm hứng từ các tác phẩm kinh điển. Kinh hoa yên vân của Lâm Ngũ Đường cũng có nhiều yếu tố lấy cảm hứng từ Hồng Lâu Mộng, trong khi Dạ yến của Phùng Tiểu Cương được dựa theo Hamlet của Shakespeare.

Những lời chỉ trích cũng đến từ giới chuyên môn trong ngành. Trong một phỏng vấn với tạp chí Southern Metropolis Entertainment Weekly, nhà sản xuất phim Trương Kỷ Trung gọi phiên bản Tiếu ngạo giang hồ của Vu Chính là “không thể xem được” và “một thảm họa chuyển thể”.

“Có khi đến tuổi đó, tôi cũng sẽ lên tiếng chỉ trích một người mới vào nghề. Tôi không hứa mình sẽ có khả năng nhìn thoáng,” Vu Chính phát biểu.

Mô hình Vu Chính

Vu Chính không bao giờ ngại ngần trong việc tự khen phim của mình.

“Phim của tôi luôn kiếm được tiền,” anh nói với Global Times. Đây là lời phát biểu anh từng nói nhiều lần với giới báo chí. Đường đến thành công của anh có vẻ có hai yếu tố: anh biết cách đo ni đóng giày kịch bản cho phù hợp diễn viên, và anh giỏi việc kinh doanh.

“Như thế sẽ dễ dàng hơn cho cả biên kịch và diễn viên,” anh nói về cách viết kịch bản riêng cho từng diễn viên.

Vu Chính cho biết, những kịch bản đầu tiên của anh có những nhân vật tính cách quá không kiên định, nhưng sau này, khi biết lấy tính cách diễn viên làm nền móng cho nhân vật, mọi thứ trở nên suôn sẻ hơn.

Như thế, sẽ không phải nghĩ, trong trường hợp này, nhân vật như thế sẽ phản ứng ra sao. Điều này cũng giúp diễn viên đóng một cách tự nhiên hơn.

Nhiều nhà làm phim khác thích tìm những tên tuổi vốn đã nổi tiếng để tạo sức hút cho phim của mình, Vu Chính thích chọn những diễn viên trẻ mới vào nghề, hay những tên tuổi không mấy nổi bật. “Cũng có rủi ro, nhưng tôi thích rủi ro như thế. Và tôi chưa bao giờ thất bại,” Vu Chính nói.

Cung tỏa trầm hương

Giờ đây, bước vào ngành điện ảnh, Vu Chính vẫn làm theo cách riêng của mình như thế.

Anh cho biết, nhiều nhà làm phim Trung Quốc sẽ chỉ làm một phim một lúc. Nhưng Cung tỏa trầm hương sẽ có phiên bản truyền hình và nhiều sản phẩm đi kèm khác.

Dù hâm mộ khả năng hòa hợp nghệ thuật và thành công thương mại của Lý An, Vu Chính cho biết anh không thể dành nhiều năm chỉ làm một bộ phim.

“Đời người có bao nhiêu năm? Tôi muốn làm một nhà làm phim thương mại,” anh nói.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi