Tin tức

Bước phát triển mới của thị trường điện ảnh Trung Quốc

11/09/2013

Ngành điện ảnh Trung Quốc nhận được bản báo cáo đẹp đẽ cho nửa đầu năm 2013, khi phim nội địa đạt tới 62% tổng doanh thu phòng vé cả nước.

Trong khi vận mệnh của phòng vé và các nhà sản xuất phim Trung Quốc đã lên lên xuống xuống trong suốt lịch sử hơn 100 năm, với sự gia tăng nhu cầu của khán giả, cả các nhà quản lý lẫn thị trường đều một lần nữa chứng kiến thời kỳ hoàng kim của mình.

Các rạp chiếu phim khắp Trung Quốc thu về tổng cộng 11 tỉ nhân dân tệ (1,79 tỉ đôla) vé bán từ tháng 1 đến tháng 6, trong đó hơn 6,8 tỉ nhân dân tệ đến từ các phim trong nước, theo số liệu được Tổng cục quản lý Báo chí, Xuất bản, Truyền thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc công bố hôm 17/7.

Các phim bom tấn nội địa như phim hành động – phiêu lưu Switch, American Dreams in China, So Young và phim tâm lý thanh niên Tiểu thời đại đã thống trị màn ảnh mùa hè.

Mặc dù phản hồi của khán giả và các nhà phê bình phim rất khác nhau, những cuộc tranh luận do các bộ phim trên gây ra dường như chỉ kích thích nhiều khán giả mở hầu bao của họ hơn.

Cảnh trong phim American Dreams in China

Riêng Tiểu thời đại đã bỏ túi hơn 460 triệu tệ doanh thu phòng vé từ khi khởi chiếu vào ngày 27/6.

Bộ phim lấy bối cảnh Thượng Hải đương đại đã lên tin chính trên các phương tiện truyền thông sau khi đánh bại phim bom tấn Hollywood Man of Steel về mặt doanh thu ngày khởi chiếu.

Bộ phim, kể về chuyện tình yêu và phát triển sự nghiệp của bốn nữ sinh viên, gây ra những cuộc tranh luận về cốt truyện, được một số nhà phê bình nói rằng “nhấn mạnh khao khát cuộc sống xa hoa của giới trẻ.”

Ngay cả tạp chí Mỹ The Atlantic cũng ra bài báo chê trách bộ phim là “bước nhảy lùi to lớn cho phụ nữ”, nói rằng “sự thô tục và hoàn toàn thiếu tự giác của bộ phim thật đáng kinh ngạc.”

Nhà văn chuyển sang làm đạo diễn Quách Kính Minh có vẻ không nao núng trước những đả kích. “Khán giả thay đổi, nhưng phim thì không,” anh nói. “Đó là điều mà ai cũng biết nhưng vờ như không thấy.”

Ảnh hưởng của đô thị hóa đối với điện ảnh

Một số nhà phê bình quy thành công gần đây của các phim nội địa là do lôi kéo lượng khán giả lớn hơn từ các thành phố cỡ nhỏ và vừa trong cả nước, nơi mà đi đến rạp chiếu phim đã trở thành lối sống tương đối mới.

Một lý do khác đằng sau thành công, theo lời họ, là những bộ phim ngày nay “bắt đầu phản ánh cuộc sống hiện thực của những người dân thường.”

Cảnh trong phim Finding Mr Right

“Tầng lớp dân thành thị mới đã trở thành khán giả xem rạp thường xuyên khi đô thị hóa lan tràn khắp Trung Quốc,” Lưu Hải Ba, phó giáo sư khoa Điện ảnh Đại học Thượng Hải, nói.

“Dân thành thị mới” là lớp người trẻ sinh ra vào cuối những năm 1980, sống ở những thành phố loại hai và loại ba, có nhu cầu về đời sống văn hóa phong phú hơn khi các thành phố quê nhà kém phát triển trước kia trở nên hiện đại hơn, theo ông Lưu.

Ye Xindai là một trong những người dân thành thị mới đó. Sinh ra ở một ngôi làng nhỏ ở huyện Vĩnh Xuân, thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến ở phía đông Trung Quốc, hiện giờ anh là nhà phê bình phim công tác tại Bắc Kinh.

“Các rạp chiếu phim ở quê tôi đang theo sát bước chân của các thành phố lớn ngày nay, và ngày càng nhiều người trẻ đi xem phim vào cuối tuần và các kỳ nghỉ,” Ye, 22 tuổi, nói.

Vào đầu những năm 1990, khi anh còn thiếu niên, các rạp chiếu phim ở vùng quê nhà xa xôi hầu hết suýt sập tiệm, vì thanh niên hồi đó thích giết thời gian nói chuyện qua video trên mạng hay xem DVD lậu ở nhà hơn.

Bản thân Ye lần đầu tiên bước vào một rạp chiếu phim vào năm 2002, khi anh theo học Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang trù phú ở phía đông Trung Quốc.

Tấm vé tiêu tốn của anh 30 tệ, số tiền này hồi đó có thể mua được khoảng 30 tô mì, Ye nhớ lại.

Các rạp chiếu phim hấp dẫn nhiều cư dân thành thị trẻ Trung Quốc

Thế mà, ngày nay, nhiều cư dân thành thị trẻ tuổi không do dự bỏ ra 80 tệ cho một ghế trong một cụm rạp.

Theo Cục Thống kê Quốc gia, dân thành thị ở Trung Quốc tăng 20,96 triệu người mỗi năm từ năm 2002 đến năm 2011, và khoảng 51,3% người Trung Quốc sống ở các thành phố, tính đến cuối năm 2011.

Khi mỗi ngày có 10 phòng chiếu mới được lắp đặt và các rạp chiếu phim trở nên phổ biến ở các thành phố nhỏ và vừa, quốc gia có 15.000 phòng chiếu phim này đã trở thành thị trường phim lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.

Thống kê từ điều tra của Entgroup Consulting năm 2012 cho thấy 284 thành phố loại ba và loại bốn của Trung Quốc chiếm 34% tổng doanh thu vé bán cả nước trong khi các thành phố loại một chiếm 37%.

Điều tra cho thấy thị phần của các thành phố nhỏ sẽ tăng đến 42% vào cuối năm 2015, khi thị trường ở các thành phố lớn hầu như đã bão hòa.

Phim nội địa đặc biệt được hoan nghênh ở các thành phố loại ba và loại bốn, theo báo cáo điều tra trên.

Người trẻ ở các thành phố mới nổi đó thường lạc quan về - và yêu thích – phim nội địa, điều này hứa hẹn triển vọng thị trường tốt đẹp, theo Thạch Xuyên, phó chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Thượng Hải kiêm giáo sư Đại học Thượng Hải.

Cảnh trong phim Tiểu thời đại

Trần Khả Tân, đạo diễn Hồng Kông đã thực hiện phim tâm lý American Dreams in China, nói ông cảm thấy đa số người Trung Quốc đã thay đổi và khao khát chứng kiến cuộc sống và giấc mơ của họ được tái hiện trên màn ảnh hơn.

“Người Trung Quốc ngày nay tự tin hơn trong việc xem các bộ phim dựa trên cuộc sống của chính họ,” Trần Khả Tân nói.

Cải cách ngành điện ảnh

Người Trung Quốc bắt đầu mơ về những bộ phim và rạp chiếu phim của riêng họ vào năm 1905, khi ba cuộn phim được tạo ra từ buổi quay ở khoảng sân nhỏ trong một tiệm ảnh ở Bắc Kinh về một ngôi sao kinh kịch diễn vở Định Quân sơn.

Trong hơn một thế kỷ, nền điện ảnh Trung Quốc đã lướt trên ngọn sóng của những vận mệnh khác nhau.

Ngành điện ảnh lên tới tột đỉnh vào năm 1977, sau cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976), khi số lượt người đến các rạp chiếu phim khắp cả nước đạt kỷ lục 29,3 tỉ.

Nhưng thị trường xuống dốc cho tới khi Trung Quốc bắt đầu chuyển đổi các rạp chiếu phim từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân vào năm 2002 trong quá trình thay đổi rộng lớn của đất nước từ nền kinh tế kế hoạch hóa chuyển sang kinh kế thị trường.

Anh hùng - bộ phim bước ngặt của điện ảnh Trung Quốc

Năm 2002, sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, các nhà chức trách đã cho phép thương mại xuyên biên giới rộng mở hơn và tạo điều kiện hoạt động nhiều hơn cho khu vực kinh tế tư nhân. Việc tổ chức lại các công ty điện ảnh nhà nước và thành lập các xưởng phim tư nhân cũng đưa nền điện ảnh nội địa bước vào con đường thương mại hóa nhanh chóng.

Năm đó, Anh hùng, do đạo diễn uy tín quốc tế Trương Nghệ Mưu chỉ đạo, nổi tiếng cả ở trong nước lẫn nước ngoài về mặt phòng vé, thu về con số cao kỷ lục 117 triệu nhân dân tệ trên toàn thế giới.

Bộ phim kinh phí lớn hội tụ các ngôi sao - Lý Liên Kiệt, Trương Mạn Ngọc và Chương Tử Di - được coi là bước ngoặt đánh dấu ngành điện ảnh Trung Quốc bước vào thời kỳ thành công.

Kể từ Anh hùng, ngành điện ảnh Trung Quốc đã chứng kiến thứ mà người trong ngành gọi là “giai đoạn thứ ba của phim kinh phí lớn” có các kỹ xảo đặc biệt với định dạng 3D hay IMAX tốn kém, theo Ye.

Nhưng sự suy thoái đột ngột vào năm 2012 cũng như thành công của phim hài kinh phí thấp Lost in Thailand là dấu hiệu của một sự biến đổi nữa.

Vào tháng 7/2012, doanh thu phòng vé của phim nội địa xuống mức thấp nhất trong vòng năm năm, đạt 2,8 tỉ nhân dân tệ. Chỉ 5% trong số 141 phim do Trung Quốc sản xuất chiếu trong nửa đầu năm 2012 hòa vốn, tất cả số còn lại thua lỗ, theo thống kê chính thức.

Cảnh trong phim Lost in Thailand

Sự xuống dốc xảy ra vài tháng sau khi Trung Quốc sửa đổi các quy định vào tháng 2/2012, tăng hạn ngạch phim nước ngoài hàng năm được chiếu ở các rạp chiếu phim trong nước từ 20 lên 34 phim.

“Tình trạng này một phần là do sự hờ hững với phim cổ trang, thể loại có khả năng qua kiểm duyệt hơn,” Hoàng Quần Phi, giám đốc New Film Association ở Bắc Kinh, nói thêm.

Trong khi đó, Lost in Thailand, bộ phim tâm lý do một diễn viên chuyển sang làm đạo diễn chỉ đạo thu về 1,2 tỉ nhân dân tệ ở phòng vé, đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé, xếp trên Titanic 3D và là phim Trung Quốc sinh lời cao thứ hai từ trước đến nay.

Thạch Xuyên quy thành công của Lost in Thailand là do sức mạnh áp đảo của các thành phố loại hai và loại ba.

Ngoài giá vé cao, phim cũng bị chỉ trích nhiều vì thô tục và ít giá trị nghệ thuật.

Thạch Xuyên lo rằng một ngày nào đó, đồng tiền sẽ đè bẹp giá trị nghệ thuật của một bộ phim khi các nhà đầu tư có xu hướng chọn các thể loại “thu hút” thị hiếu của họ hơn.

Như lời Ye Xindai nói, sự phát triển kinh tế nhanh chóng và khao khát sự sung túc về mặt vật chất của người trẻ tuổi cuối cùng sẽ sản xuất hàng loạt “những thứ khôi hài nhưng nông cạn.”

Cảnh trong phim Switch

“Theo quan điểm của tôi, giá trị nghệ thuật của bộ phim là điều quan trọng nhất, không phải là doanh thu vé bán cao ngất ngưởng,” nhà phê bình phim trẻ tuổi nói.

Kiểm duyệt được nới lỏng

Sự thay đổi gần đây nhất trong ngành điện ảnh Trung Quốc có lẽ là dấu hiệu tích cực đối với khán giả trong và ngoài nước.

Thông tư được Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành hôm 17/7, tuyên bố chính quyền bãi bỏ việc xem xét và phê duyệt toàn bộ các kịch bản phim. Thay vào đó, bản tóm tắt nội dung của các tác phẩm này sẽ vẫn là đối tượng phải thông báo công khai.

Thông tư cũng hủy bỏ 20 chủ điểm khác trên kịch bản truyền thanh, xuất bản phẩm và phim ảnh từng phải được sự đồng ý của chính quyền.

Nhiêu Thự Quang, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nghệ thuật Điện ảnh Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói sự loại bỏ trên là tích cực vì cho thấy “hệ thống xem xét và phê duyệt của Trung Quốc đang chuyển đổi từ quy định của con người sang quy định của luật pháp.”

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi