Việt Nam

Còn nhiều duyên nợ

14/04/2011

Hơn 40 năm gắn bó với nghề diễn, Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh đã chinh phục khán giả bằng đủ các vai chính - phụ, bi - hài khác nhau.

Căn hộ của Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn An Ninh (Hà Nội), trên tầng ba một khu tập thể cũ. Không khó để tìm ra nơi ông cư ngụ bởi chỉ cần hỏi thăm từ đầu phố, cả người già lẫn trẻ con đều háo hức chỉ đường, rồi không quên dặn: “Bảo ông Khải chúa ấy lâu rồi sao không thấy ló mặt ra ngoài nhé!”

Đấy là biệt danh mà họ gán cho ông khi nhớ đến vai diễn hoạn quan Khê Trung Hầu của ông trong bộ phim cổ trang Đêm hội Long Trì, mỗi lần tâu bẩm chúa Trịnh Sâm là chảy giọng dạ thưa: “Khải chúa” khiến người xem ôm bụng cười. Thế nên thường ngày, hễ thấy ông thong thả xách cặp lồng đi mua đồ ăn sáng, là lũ trẻ trong khu lại nhảy lên reo hò: “Khải chúa! Khải chúa!” Còn ông, như đã thành thói quen, lại tủm tỉm cười rồi gật đầu lẩm nhẩm: “Khải chúa, khải chúa...”

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh

Suýt soát tuổi 90, nghe đâu sức khỏe Trịnh Thịnh bây giờ cũng “ọp ẹp“ lắm nên ông gần như chỉ quanh quẩn trong nhà, ngồi lì trên chiếc ghế bành. Men theo lối đi nhỏ ẩm ướt dẫn lên căn phòng nơi ông ở, mường tượng ra cảnh ông dò dẫm di chuyển từng bước nặng nề xuống bậc cầu thang đã bong sờn tróc lở, tôi lại càng cố “phủi phui” cái ý nghĩ bất chợt thoáng qua về lý do cho cái sự lâu rồi không “ló” mặt ra ngoài của ông. Nhưng rồi ý nghĩ ấy, không may lại thành sự thật. Phía sau cánh cửa gỗ khép hờ như thể đã quen với sự ghé thăm của những vị khách bất chợt như tôi, Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh ngồi thu mình trên chiếc xe lăn giữa căn phòng tập thể thấp nhỏ, gương mặt vẫn hiền lành nghền nghệt pha chút trầm ngâm.

Ông thở dài chỉ xuống đôi chân đang bất động vì phải “dính chặt” với cái xe lăn này gần ba tháng nay, sau một lần chẳng may bị trượt chân khi bước từ giường xuống đất. Ông chép miệng bảo lâu lắm rồi thèm mon men ra ngoài hít khí giời mà không được, bao nhiêu năm đi đó đi đây tung hoành khắp nơi, giờ về già lại tập đứng lên ngồi xuống, lẫm chẫm dò dẫm đi từng bước như trẻ nhỏ. Chạnh lòng vậy chứ ông không buồn lâu, bởi đây không phải lần đầu tiên ông bị bệnh tật “giữ chân” trong suốt gần 10 năm qua, ông đều đặn ra vào bệnh viện nhiều đến nỗi có khi còn được các y bác sĩ gọi vui là... “bệnh nhân ruột”.

Tuổi già kéo đến, bệnh tật ập xuống, giờ người nghệ sĩ tài hoa của màn ảnh Việt một thời cũng bắt đầu quên quên nhớ nhớ. Nhưng lạ cái là dường như ông chẳng quên bất cứ điều gì liên quan đến nghề diễn, đến phim ảnh. Ông bảo giờ mà ngồi đếm lại thì chẳng nhớ nổi mình đã đóng bao nhiêu phim, đã đi bao nhiêu nơi nhưng thi thoảng ngồi lẩm nhẩm đọc lại kịch bản của một vai mà mình từng diễn thì vẫn cứ thuộc làu làu như thể mới hôm qua. Nhớ nhất là lần ông vào vai ông Củng trong bộ phim Vợ chồng anh Lực. Hồi đó đang diễn cảnh ông Củng đạp xe giữa trời mưa, ông bất ngờ vác xe đạp lên vai, xắn quần lội bùn, lấy luôn cả nón để che yên, lấy mũ đội cho đèn để xe khỏi ướt.

Một vai diễn của NSND Trịnh Thịnh trong phim Dịch cười

Cảnh diễn xuất sắc này khiến cả đoàn làm phim giật mình vì không có trong kịch bản, hóa ra ông quên mất mình đang diễn, cứ nghĩ đang đạp xe ngoài đời thật, hồi đó chiếc xe đạp là cả một gia tài nên ông diễn theo phản xạ thông thường: “Người có thể ướt chứ không thể để ướt xe”... Giờ vẫn “thèm” đóng phim lắm nhưng ông đành phải chịu, phần vì lực bất tòng tâm, phần nữa vì ông bảo phim Việt bây giờ làm “mì ăn liền”, ông không theo được. Ông ít xem tivi, có xem ông cũng không xem phim Việt Nam vì cứ bật lên ông lại sợ mình sẽ buồn bực với diễn xuất dễ dãi của nhiều diễn viên trẻ bây giờ. Thay vào đó, ông chọn cách tiếp nhận thông tin về thế giới xung quanh qua chiếc đài nhỏ cũ kỹ lúc nào cũng đặt ở đầu giường.

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh có một chiếc mũi quá khổ khiến gương mặt hiền lành bỗng trở nên đặc biệt, trông ông lúc nào cũng như tủm tỉm khiến người khác nhìn thấy phải phì cười. Chả thế mà suốt bao nhiêu năm chung sống cùng nhau, từ suốt những năm tháng ông rong ruổi khắp nơi theo đuổi phim ảnh đến khi về già ngã bệnh chẳng thể đi đâu, vợ ông phải thừa nhận “nhìn cái mặt hài hài của ông ấy, chẳng ai giận được”. Nhắc đến người nghệ sĩ già lại nhớ, cách đây tròn 10 năm, các cô con gái của ông cũng từng đứng ra tổ chức đám cưới Vàng cho bố mẹ, nhà chật nên đành phải mang ra ngoài, làm hẳn ở khách sạn. Trong không khí rôm rả của buổi lễ kỷ niệm, có người hỏi vui ông bà định đi nghỉ... tuần trăng mật ở đâu, ông chỉ tủm tỉm cười, nói mà như hát: “Ta lại về đây mái nhà xưa”. Trịnh Thịnh là thế, bạn bè chơi với ông đều biết, ông ít nói, ít cười, nhưng hễ nói, hễ cười là khiến bầu không khí rôm rả hẳn lên.

Cuối cuộc thăm nom bất chợt và ngắn ngủi, ông bảo hơn 40 năm sống với nghề diễn viên, giờ ông thấy mình vẫn còn nhiều duyên nợ với điện ảnh. Duyên thì không biết còn bao nhiêu, nhưng nợ thì chắc chắn là nhiều. Nhưng có lẽ lúc này, mong ước lớn nhất của ông là một ngày nào đó có thể tự mình xuống phố, để lại được gật đầu tủm tỉm mỗi khi có ai đó reo tên mình đầy thân thương: “Khải chúa!”...


Nguồn: An ninh Thủ đô