Việt Nam

Phim Việt nhiều kỳ chưa tạo dấu ấn

23/04/2018

Không phải đến bây giờ, điện ảnh Việt mới có những phim dài kỳ, bởi hình thức này đã có từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, nếu so sánh với thị trường điện ảnh thế giới, ngoài việc ít về số lượng, chúng ta còn chưa có phim nhiều kỳ gây được tiếng vang.

Một cảnh trong phim Lật mặt: Ba chàng khuyết của đạo diễn Lý Hải

“Mảnh đất màu mỡ” của Hollywood

Cuối tháng 4 này, Vũ trụ điện ảnh Marvel (Marvel Cinematic Universe - MCU) sẽ trình làng phần 3 trong loạt phim Avengers mang tên Cuộc chiến vô cực (Infinity War). Phần đầu tiên ra mắt năm 2012, cán mốc doanh thu hơn 1,5 tỉ USD và ba năm sau đó Avengers: Age of Ultron cũng có doanh thu hơn 1,4 tỉ USD. Ngoài loạt phim này, MCU còn có loạt phim: Người sắt, Vệ binh dải ngân hà, Thần sấm Thor...

Trong tốp 10 phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại của thị trường điện ảnh thế giới, tính đến thời điểm này, mới chỉ có ba tác phẩm thuộc thể loại phim đơn là Avatar (gần 2,8 tỉ USD), Titanic (hơn 2,1 tỉ USD) và Chiến binh Báo Đen (hơn 1,3 tỉ USD). Tám bộ phim còn lại đều nằm trong các series đình đám như: Star Wars, Harry Potter, Fast and Furious, Jurassic World... Avatar 2 hiện đã lên kế hoạch phát hành, dự kiến vào năm 2020, trong khi Chiến binh Báo Đen nhiều khả năng cũng có các phần tiếp theo.

Kỷ lục về series phim nhiều kỳ nhất hiện nay là James Bond với 26 tập đã phát hành, kể từ phần đầu tiên vào năm 1962. Sau đó phải kể đến Batman, Star Trek, Star Wars, X-Men... đều đã bước qua 10 phần. Nếu các series siêu anh hùng của MCU vẫn cứ đều đặn ra mắt mỗi năm, thì các series phim đình đám cũng rất đa dạng về thể loại như hành động, viễn tưởng, hoạt hình, kinh dị, tình cảm...

Các thị trường lân cận Việt Nam cũng có những loạt phim gây tiếng vang về doanh thu như: Chiến lang, Truy lùng quái yêu, Tây du ký, Diệp Vấn (Trung Quốc); Baahubali (Ấn Độ)... Nhìn vào những con số để thấy, các nhà làm phim nước ngoài chuộng phim nhiều kỳ đến mức nào. Và khi mùa phim hè ở Hollywood sắp khởi động vào tháng 5 tới, khán giả lại có dịp thưởng thức vô số những phần tiếp theo đầy ấn tượng.

Bảo mẫu siêu quậy - series phim hiếm hoi dành cho trẻ em

Chưa khai phá

Tại thị trường Việt Nam, đạo diễn Lý Hải vừa chính thức ra mắt Lật mặt: Ba chàng khuyết - bộ phim thứ ba nằm trong series phim Lật mặt. Đây cũng là phim nhiều kỳ đầu tiên sản xuất đến phần thứ ba, sau khi hai phần đầu đạt doanh thu ấn tượng, lần lượt là 72 tỉ đồng và 50 tỉ đồng. Sẽ chẳng ngạc nhiên nếu loạt phim này có những phần tiếp theo, bởi Lý Hải dường như là người khá mát tay khi đầu tư thực hiện các series. Trước đó, ở lĩnh vực âm nhạc, bộ phim ca nhạc-hài Trọn đời bên em từng được anh thực hiện 10 kỳ, suốt từ năm 2000-2010.

Cũng liên quan đến phim nhiều kỳ, bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito vừa công bố phần 2 của Gái già lắm chiêu. Êkíp đoàn phim Ông ngoại tuổi 30 sau khi cán mốc doanh thu 35 tỉ đồng sau hai tuần công chiếu cũng phát đi thông điệp sẽ làm phần tiếp theo. “Trong suốt quá trình thực hiện phim, câu chuyện chính của Ông ngoại tuổi 30 đã tạo cho chúng tôi rất nhiều cảm hứng. Trong đó có cả việc kể thêm những câu chuyện khác về gia đình bá đạo này. Hiện tại, chúng tôi đang trong quá trình đàm phán với phía Hàn Quốc về việc sản xuất tiếp phần 2 của Ông ngoại tuổi 30. Các công tác chuẩn bị cho phần 2 cũng đã bắt đầu triển khai,” bà Lê Đào Thy, đại diện nhà sản xuất phim, cho biết thêm.

Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Nhất Trung cũng khẳng định, 90% là êkíp sẽ tiếp tục thực hiện Nắng 49 ngày phần 3, dù thời gian có thể lùi, thay vì ra mắt đều đặn mỗi năm. Nhà sản xuất Charlie Nguyễn và đạo diễn Lê Thanh Sơn ngay sau thắng lợi vang dội của Em chưa 18 cũng công bố kế hoạch cho Em trên 18. Ban đầu, phim dự kiến ra mắt vào đúng dịp 30 tháng 4, một năm sau thành công của phần đầu tiên, nhưng vì một số lý do nên đã tạm lùi ngày phát hành.

Trong khoảng vài năm trở lại đây, khi điện ảnh Việt trở nên sôi động, số lượng phim tăng nhanh và đều, nhưng phim nhiều kỳ vẫn là mảnh đất chưa được khai phá nhiều. Nếu ngược dòng điện ảnh Việt, khán giả cũng chỉ có thể đếm chưa hết đầu ngón tay. Đó là Nụ hôn thần chếtGiải cứu thần chết (Nguyễn Quang Dũng), Hotboy nổi loạn (Vũ Ngọc Đãng), Bảo mẫu siêu quậy (Lê Bảo Trung), Nắng (Đồng Đăng Giao), 49 ngày (Nhất Trung), Để mai tính (Charlie Nguyễn)... Diễn viên Thái Hòa cũng từng tiết lộ sẽ có Tèo em 2 sau phần đầu tiên thành công, nhưng nhiều khả năng khó thành hiện thực vì bài toán kinh phí.

Nhà sản xuất vẫn dè dặt

Theo nhà sản xuất, đạo diễn Nhất Trung, việc các êkíp còn dè dặt đối với phim nhiều kỳ là thực tế rõ ràng. “Để làm được điều đó, cần có sự tính toán kỹ lưỡng, bởi sau thành công của phần 1, áp lực đối với nhà sản xuất càng tăng cao. Phần tiếp theo có gì đặc biệt, đột phá để giữ chân khán giả là bài toán cần có lời giải thỏa đáng nhất. Theo tôi, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nhà làm phim trên thế giới cũng gặp khó khăn này. Tuy nhiên, cũng có những lợi thế nhất định, bởi chúng tôi được hưởng lợi từ việc đã được khán giả yêu thích và có niềm tin”, Nhất Trung chia sẻ. Đạo diễn Lê Thanh Sơn cũng bổ sung: “Việc các gương mặt cũ trở lại, làm sao để có nhân tố mới, bất ngờ, kịch tính, chiều sâu là bài toán khó”.

Hiện nay, theo xu hướng thế giới, phim nhiều kỳ ở Việt Nam cũng phân thành hai dòng tương đối rõ rệt. Một, xây dựng tuyến nhân vật trung tâm xuyên suốt qua mỗi phần phim. Điều này có thể thấy ở Nắng, Hotboy nổi loạn, 49 ngày... Số còn lại, mỗi tập phát triển kịch bản câu chuyện khác nhau nhưng có những điểm chung về chủ đề tư tưởng, hay thông điệp muốn gửi gắm, như trường hợp Lật mặt, Nụ hôn thần chếtGiải cứu thần chết...

Đối với các nhà sản xuất phim nhiều kỳ, khó khăn chung thường thấy là vấn đề phát triển kịch bản. Theo đạo diễn Lê Thanh Sơn: “Khi bắt tay vào thực hiện Em trên 18 mọi thứ được dụng công rất nhiều. Chúng tôi đã phát triển hơn năm phiên bản kịch bản khác nhau, nhưng chưa ưng ý.” Nhà sản xuất của dự án Em trên 18, đạo diễn Charlie Nguyễn khẳng định: “Cho đến khi nào kịch bản đề cương hài lòng lên đến 90% chúng tôi mới viết chi tiết, trước khi bước vào sản xuất”. Lý giải rõ hơn về điều này, đạo diễn Nhất Trung cho hay, khi khán giả xem phần 1 chưa biết nội dung câu chuyện, tính cách nhân vật, nhưng sang đến phần 2, mọi thứ đã sáng tỏ nên sự đột phá là điều chắc chắn phải có. Cũng bởi lý do đó, không ít phim nhiều kỳ phần đầu thành công, nhưng phần sau lại cho thấy sự đuối sức hoặc không thể tiếp tục.

Liên quan đến câu chuyện doanh thu, đạo diễn Lê Thanh Sơn cho rằng, đó là điều luôn chi phối với bất kỳ nhà làm phim nào. Tuy nhiên, anh không để nó chi phối quá nhiều khi sáng tạo mà dành thời gian tập trung cho tác phẩm, để không gây thất vọng cho khán giả. “Những ngày đầu bước vào làm phim, đó thực sự là áp lực quá lớn. Tuy nhiên, sau này khi bắt đầu bất cứ dự án nào, chúng tôi đều hướng đến những giá trị mà bộ phim mang lại, về cuộc sống, gia đình, tình yêu..., hơn là chỉ chăm chăm vào doanh thu”, đạo diễn Nhất Trung cho hay.

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng