Tin tức

Lựa chọn bây giờ hoặc không bao giờ của hãng phim: Kiện các công ty trí tuệ nhân tạo hay ký hợp đồng tài sản trí tuệ lớn

31/01/2024

Khả năng là họ vẫn đang đàm phán với các công ty AI nhằm đạt được thỏa thuận nhượng quyền.

Khi các trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh như Midjourney ngày càng có khả năng tái tạo phim chính xác từng khung hình, thì việc chúng có thể tạo một cái kết khác cho Avengers: Endgame chẳng còn xa nữa. Liệu Hollywood có để điều đó xảy ra không?

Không khó tưởng tượng một tương lai trong đó có những khán giả từ bỏ việc xem phim truyền thống để tự tạo ra phim của riêng họ bằng các công cụ AI, vay mượn rất nhiều từ tài sản trí tuệ của các hãng phim

Năm ngoái, Hollywood đã đánh giá được tiềm năng — và hiểm họa — của AI tạo sinh. Khi việc sử dụng các chatbot (tạm dịch: phần mềm trả lời tự động) bắt chước con người trở thành điểm mấu chốt trong các cuộc đình công, những người sáng tạo đã đâm đơn ra tòa, cáo buộc các công ty AI vi phạm bản quyền trên quy mô lớn sau khi tác phẩm của họ được cho là đã bị lấy làm tài liệu đào tạo. Trong bối cảnh của hàng loạt kiện tụng, một câu hỏi nổi lên: Tại sao không có hãng phim lớn nào khởi kiện để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của họ như những chủ sở hữu khác?

Khả năng họ vẫn đang đàm phán với các công ty AI nhằm đạt được thỏa thuận nhượng quyền là một câu trả lời. Còn kịch bản tồi tệ hơn liên quan đến khả năng họ muốn khai thác các công cụ cho riêng họ để cắt giảm chi phí lao động. Một câu trả lời khác nữa là có khả năng họ đang kiên nhẫn thu thập bằng chứng và chờ xem các vụ kiện khác tiến triển thế nào.

Trái: Cảnh phim Avengers: Infinity War Top Gun: Maverick. Phải: Những “sáng tạo” của Midjourney để mô phỏng những bộ phim đó

Giờ đây các hãng phim có thể có một số bằng chứng mà họ cần để vào cuộc, với việc các AI tạo sinh hình ảnh ngày càng trả về bản sao gần như chính xác từng khung hình từ các bộ phim. Khi dùng câu lệnh “Thanos Infinity War”, Midjourney — một chương trình AI chuyển đổi văn bản thành đồ họa cực thực — trả về hình ảnh của nhân vật phản diện da tím trong một khung hình dường như được lấy từ chính bộ phim của Marvel hoặc hình ảnh quảng bá, gần như không chút suy suyển. Cảnh quay Tom Cruise trong buồng lái của chiếc máy bay chiến đấu từ Top Gun: Maverick cũng được tạo ra tương tự nếu công cụ này được yêu cầu tạo một khung hình từ phim.

Các chatbot dường như có thể tái tạo hầu hết mọi phong cách hoạt hình, tạo ra các nhân vật có độ chính xác đáng kinh ngạc từ các tựa phim từ Shrek của DreamWorks đến Ratatouille của Pixar cho đến The Lego Movie của Warner Bros.

Không khó tưởng tượng một tương lai trong đó có những khán giả từ bỏ việc xem phim truyền thống để tự tạo ra phim của riêng họ bằng các công cụ AI, vay mượn rất nhiều từ tài sản trí tuệ của các hãng phim.

Cảnh phim thật so với “các sáng tạo” Midjourney được thực hiện từ câu lệnh từ các nhà nghiên cứu

Những phát hiện đó được trình bày chi tiết trong một nghiên cứu ngày 6 tháng 1 từ nhà nghiên cứu AI Gary Marcus và nghệ sĩ ý tưởng Reid Southen, từng làm việc cho The Hunger Games, Transformers: The Last KnightThe Woman King. “Những gì chúng tôi được cho thấy là có thể sẽ có nhiều vụ kiện tụng hơn trong lĩnh vực hình ảnh,” Marcus nói. “Về cơ bản, chúng đang sao chép các tài sản mà không có bất kỳ hình thức ghi nhận tác giả nào.”

Các chuyên gia pháp lý đã tư vấn cho The Hollywood Reporter rằng những phát hiện này cho thấy toàn bộ phim — hoặc ở mức tối thiểu là các trailer và hình ảnh quảng bá — đã được sử dụng để đào tạo các mô hình AI. Họ đánh giá là các hãng phim và đơn vị sản xuất sẽ có tha hồ mà kiện tụng vi phạm bản quyền. “Cách duy nhất để có được những hình ảnh này là nhập ít nhất một phần của bộ phim,” Justin Nelson, luật sư sở hữu trí tuệ đại diện cho các tác giả sách phi hư cấu trong vụ kiện OpenAI và Microsoft, cho biết. “Nếu tôi là hãng phim và là chủ sở hữu tài sản trí tuệ này, tôi sẽ gọi ngay cho luật sư của mình để cố gắng tìm hiểu xem tôi có những quyền gì.”

Các chatbot dường như có thể tái tạo hầu hết mọi phong cách hoạt hình

Sarah Odenkirk, luật sư sở hữu trí tuệ và đối tác tại Cowan DeBaets, nhấn mạnh: “Rõ ràng chuyện này cho thấy toàn bộ tác phẩm đang được sử dụng rộng rãi mà không được phép.” Scott Sholder, luật sư sở hữu trí tuệ đại diện cho Hiệp hội Tác giả trong vụ kiện OpenAI, cho biết thêm: “Điều này cho tôi biết rằng các tài liệu có bản quyền đã được sử dụng để đào tạo các mô hình và không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào phù hợp để ngăn chặn việc xuất ra nội dung vi phạm.”

Tuy nhiên, các vụ kiện hiện tại đã phần nào chới với trong giai đoạn tố tụng ban đầu. Mô hình AI là những hộp đen. Đây là một tính năng, không phải lỗi (OpenAI đã ngừng tiết lộ thông tin về nguồn dữ liệu của nó sau khi bị kiện). Do nội dung của tài liệu đào tạo phần lớn vẫn chưa được công chúng biết đến nên không có bằng chứng nào chứng minh rằng một tác phẩm cụ thể đã được sử dụng trong quá trình tạo chatbot. Bằng chứng duy nhất mà nguyên đơn có thể đưa ra là câu trả lời do chatbot tạo ra về cơ bản giống với tác phẩm mà nó bị cáo buộc vi phạm. Hiệp hội Tác giả, trong vụ kiện OpenAI, đã chỉ ra rằng ChatGPT đã đưa ra các bản tóm tắt và phân tích chuyên sâu về các chủ đề trong tiểu thuyết của họ để làm bằng chứng cho thấy OpenAI đã đào tạo dựa trên sách của họ.

Hình ảnh được tạo bởi công cụ chuyển văn bản thành hình ảnh Stable Diffusion

Lâu nay nhiều tòa án coi nhẹ vấn đề này. Trong lệnh bác bỏ các khiếu nại vi phạm bản quyền đối với Midjourney từ DeviantArt, hồi tháng 10 năm ngoái một thẩm phán liên bang đã nói rằng các nghệ sĩ sẽ phải đưa ra bằng chứng cho thấy các tác phẩm vi phạm về cơ bản giống với tài liệu có bản quyền được cho là đã bị lấy làm dữ liệu đào tạo. Vậy thì rắc rối lớn vì họ đã thừa nhận rằng “không có hình ảnh đầu ra nào từ [phần mềm] Stable Diffusion để trả lời Câu lệnh Văn bản cụ thể mà khớp hết với bất kỳ hình ảnh cụ thể nào trong dữ liệu đào tạo.”

Vụ Sarah Silverman kiện Meta cũng bị bác bỏ tương tự trên cơ sở cô không đưa ra bằng chứng cho thấy bất kỳ kết quả đầu ra nào “có thể được hiểu là viết lại, chuyển đổi hoặc chuyển thể sách của nguyên đơn,” theo phán quyết từ Thẩm phán U.S. District Vince Chhabria.

Những lo ngại xung quanh việc không thể đưa ra bằng chứng như vậy là một trong những lý do tại sao vụ The New York Times kiện OpenAI và Microsoft lại rất quan trọng

“Tình huống thật là luẩn quẩn,” Mitch Glazier, giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ cho biết. “Bạn không thể kiện trừ phi bạn có hồ sơ xác minh, nhưng có đệ được đơn kiện thì mới được điều tra. Chúng ta cần một số trình tự trước khi khởi kiện để xem tài liệu có bị sao chép hay không.”

Những lo ngại xung quanh việc không thể đưa ra bằng chứng như vậy là một trong những lý do tại sao vụ The New York Times kiện OpenAI và Microsoft lại rất quan trọng. Tờ báo trưng ra nhiều hồ sơ về các công cụ từ các công ty hiển thị các đoạn trích gần như từng chữ của các bài báo khi được yêu cầu, cho phép người dùng vượt tường lửa trả phí và có khả năng khiến dịch vụ này trở thành đối thủ cạnh tranh của The New York Times. Đơn kiện lập luận rằng những phản hồi này vượt xa các đoạn văn bản thường được hiển thị với các kết quả tìm kiếm thông thường. Một ví dụ về hơn 100 nội dung được cung cấp trong đơn khiếu nại: Bing Chat đã sao chép tất cả ngoại trừ hai trong số 396 từ đầu tiên của bài báo năm 2023 “Những bí mật mà Hamas biết về quân đội Israel”

Người dùng có thể không biết khi nào chatbot tạo ra nội dung vi phạm

Midjourney dường như đã rất chú ý đến vấn đề này nên phiên bản mới nhất của nó, phát hành ngày 21 tháng 12, không còn phối lại các hình ảnh và số liệu đủ để làm gây hoang mang những gì các chuyên gia pháp lý cho là vi phạm bản quyền rõ ràng. Sau khi Southen đăng lên mạng xã hội ngày 21 tháng 12 những phát hiện của mình, công ty đã chặn tài khoản của ông. Truy ngược trên Wayback Machine của Internet Archive cho thấy sau đó họ đã chèn vào các điều khoản là người dùng “không được sử dụng dịch vụ để tìm cách vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác.” Một phần của điều khoản nêu rõ rằng Midjourney sẽ kiện người dùng nếu họ phải đối mặt với hành động pháp lý bắt nguồn từ việc người dùng “cố ý” vi phạm tài liệu có bản quyền.

Nhưng một trong những vấn đề liên quan đến việc đặt trách nhiệm pháp lý cuối cùng lên người dùng là họ có thể không biết khi nào chatbot tạo ra nội dung vi phạm. Ai cũng biết Mario và Luigi nhưng không nhiều người biết đến bộ ảnh phong cảnh văn hóa của Joo Myung Duck.

Do nội dung của tài liệu đào tạo phần lớn vẫn chưa được công chúng biết đến nên không có bằng chứng nào chứng minh rằng một tác phẩm cụ thể đã được sử dụng trong quá trình tạo chatbot

Nếu kiện, các hãng phim lớn có thể buộc các công ty AI phải ngồi vào bàn thương lượng có lợi. Hầu hết những người sáng tạo đã nộp đơn kiện đều cho biết họ sẵn sàng chấp nhận các thỏa thuận nhượng quyền. Hiệp hội Tác giả đang đi theo hướng đó, đang tiến hành các kế hoạch công bố một nền tảng để các thành viên của họ chọn tham gia cấp nhượng quyền chung. Các thảo luận bàn về việc trả phí sử dụng tác phẩm làm dữ liệu đào tạo và cấm các kết quả đầu ra mượn quá nhiều từ tài liệu hiện có.

“Chúng ta phải chủ động vì AI tạo sinh sẽ luôn có trên đời,” Mary Rasenberger, giám đốc điều hành của tổ chức, đã chỉ ra rằng tác giả sách bán chạy James Patterson đã giúp tài trợ cho dự án. “Họ cần những cuốn sách chất lượng cao. Quan điểm của chúng tôi là không có gì sai với công nghệ này, nhưng nó phải hợp pháp và được nhượng quyền.”

Trong khi đó, khi các tòa án đang vật lộn với những câu hỏi mới về luật bản quyền, các nghệ sĩ ý tưởng như Southen thì thấy thị trường dịch vụ của họ đang bị thu hẹp khi họ ngày càng buộc phải cạnh tranh với các chatbot mà họ không hề muốn giúp tạo ra.

Khi các tòa án đang vật lộn với những câu hỏi mới về luật bản quyền, các nghệ sĩ ý tưởng như Southen thì thấy thị trường dịch vụ của họ đang bị thu hẹp khi họ ngày càng buộc phải cạnh tranh với các chatbot mà họ không hề muốn giúp tạo ra

“Việc làm ăn năm nay thực sự tồi tệ,” Southen nói. “Tôi biết đã có những cuộc đình công, nhưng chắc chắn còn nhiều chuyện nữa chứ không chỉ vậy thôi đâu.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.