Tin tức

Bộ phim đầu tiên do trí tuệ nhân tạo viết kịch bản The Last Screenwriter đã xuất hiện. Hollywood kinh hoàng

26/06/2024

Trí tuệ nhân tạo không chỉ tham gia đóng phim mà còn bắt đầu viết kịch bản!

Phim tâm lý The Last Screenwriter do ChatGPT tạo sinh viết kịch bản sẽ không giành được bất kỳ giải Oscar nào. Nhưng tại sao các rạp lại không dám chiếu nó?

Trí tuệ nhân tạo (AI) là mối đe dọa hiện sinh lớn nhất thời đại chúng ta: nếu bạn không tin, hãy hỏi Jennifer Lopez đi. Trong bộ phim Atlas gần đây của Netflix, cô đóng vai một nhà khoa học chiến đấu với một chương trình máy tính độc ác đang cố gắng xóa sổ loài người — nhân vật mới nhất trong một đội ngũ đông đúc những nhân vật phản diện ảo như vậy, từ HAL 9000 của 2001: A Space Odyssey cho đến các đặc vụ được thiết kế cứng nhắc của The Matrix.

Trong khi đó, ở thế giới thực, trí tuệ nhân tạo không chỉ tham gia đóng phim mà còn bắt đầu viết kịch bản. Bộ phim độc lập The Last Screenwriter trông giống một bộ phim bình thường — và phần lớn nó được làm như một bộ phim bình thường, có người thật có trang phục và lời thoại. Nhưng mỗi dòng thoại của phim đều do AI, cụ thể là ChatGPT, nghĩ ra: một chatbot trực tuyến đã viết kịch bản trong bốn ngày, dựa trên một lời gợi ý chỉ có 17 từ.

Phù hợp thay là bộ phim nói về chính quá trình đó. Phim tập trung vào Jack, một nhà biên kịch từng đoạt giải thưởng, nếm trải thành công lớn về tài chính — và khủng hoảng sáng tạo — khi anh hợp tác với một chương trình AI mới mang tính thử nghiệm.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là mối đe dọa hiện sinh lớn nhất thời đại chúng ta. Phù hợp thay là The Last Screenwriter nói về chính quá trình đó

The Last Screenwriter dự kiến ra rạp Prince Charles ở London vào tối chủ nhật 16 tháng 9 — nhưng đầu tuần này, sự kiện đã bị hủy sau khi địa điểm đó nhận được khoảng 160 lời phàn nàn từ cơ sở khách hàng. Sự việc làm The Last Screenwriter ê chề ngang bộ phim ly kỳ Control tưởng sẽ đánh dấu sự trở lại của Kevin Spacey, vào tháng 10 năm ngoái cũng đã phải hủy buổi công chiếu ở rạp Charles.

Sau khi rạp công bố The Last Screenwriter trên mạng xã hội vào ngày 17 tháng 6, những người theo dõi đã nhanh chóng phản hồi. “Rạp đang làm nền cho những bước đi làm suy yếu hoàn toàn quá trình sáng tạo,” một thành viên trọn đời đã đăng trên X (trước đây là Twitter). “AI = đạo văn,” một người dùng khác viết. “Thật xấu hổ là nhà rạp đã ủng hộ nó.”

Kể từ khi được công chúng chú ý cách đây chưa đầy hai năm, AI đã gây ra nhiều tranh cãi — đặc biệt là trong giới làm phim. Những cuộc đình công cay đắng và kéo dài của Hollywood năm ngoái một phần do nhận ra mối đe dọa từ việc các hãng phim áp dụng công nghệ này gây bất lợi cho các diễn viên và biên kịch.

Phim tập trung vào Jack, một nhà biên kịch từng đoạt giải thưởng, nếm trải thành công lớn về tài chính — và khủng hoảng sáng tạo — khi anh hợp tác với một chương trình AI mới mang tính thử nghiệm

Cáo buộc đạo văn không phải là một lời nói suông. AI biên soạn kết quả đầu ra của riêng nó từ tác phẩm đã tồn tại — nó sử dụng một lượng lớn văn bản (của con người), sau đó nó bồi đắp và nhào nặn lại, giống như những miếng gà tây rán hình khủng long ở định đạng văn bản, để đáp ứng các hướng dẫn do người dùng nhập vào. Và điều đó có nghĩa là mọi thứ nó tạo ra đều là đánh cắp — lại còn theo cách tràn lan và không thể truy vết được.

Tuy nhiên, trong khi các hãng phim bị trừng phạt, họ vẫn nhúng tay vào theo những cách hạn chế. Đầu năm nay, chiến dịch poster cho Civil War của Alex Garland đã sử dụng AI để tạo ra những hình ảnh đáng sợ, hơi “lạ”, một trong số đó cho thấy những người lính trên một chiếc xuồng chĩa súng trường vào một con thiên nga khổng lồ. Chiến dịch này đã vấp phải sự phẫn nộ trên mạng khi những người xem phim cũng như các nhà làm phim đều lập luận rằng các nhà thiết kế đã bị tước mất việc làm.

Trong khi đó tại Cannes năm nay, các thành viên của ngành lồng tiếng và phụ đề nói rằng những tiến bộ AI gần đây đã khiến họ phải chuẩn bị cho sự diệt vong. Tại sao phải thuê một diễn viên lồng tiếng mới và một phòng thu âm khi máy tính có thể thay đổi đoạn hội thoại ban đầu của các ngôi sao sang bất kỳ ngôn ngữ nào bạn thích, sau đó thậm chí làm cho cử động miệng của họ khớp với tiếng?

Một poster của Civil War

Trong bối cảnh đầy khó khăn này, đạo diễn của The Last Screenwriter, Peter Luisi, vô tình trở thành nam châm thu hút tranh cãi. Nhà làm phim sinh ra ở Zurich đã sáu lần được đề cử tại Giải thưởng Điện ảnh Thụy Sĩ — ông nhấn mạnh là ba lần cho hạng mục viết kịch bản, vì vậy không phải là ông sử dụng AI để làm công việc mà ông không thể làm được. Thay vào đó, ông giải thích qua Zoom rằng mình muốn thử nghiệm sức mạnh giả thiết này của công nghệ.

“Là một người sáng tạo, tôi luôn cho rằng sẽ không có máy tính nào có thể đảm nhận công việc của tôi,” ông giải thích. “Nhưng rồi đột nhiên, chúng ta dường như đang tiến gần đến điểm mà nhà sản xuất có thể gõ, ‘hãy cho tôi Indiana Jones kết hợp với The Terminator với một chút hài kịch lãng mạn’ và có được một kịch bản đủ hay cho mục đích trước mắt của họ.”

Ông nói tiếp, phản ứng của nhiều người trong ngành “là tức giận và sợ hãi hoặc bịt tai lại. Nhưng tôi muốn xem xét một cách nghiêm túc xem kết quả của kiểu làm phim này có thể là gì và chúng có thể thiếu gì xét về nét chấm phá của con người.”

Bộ phim độc lập The Last Screenwriter trông giống một bộ phim bình thường — và phần lớn nó được làm như một bộ phim bình thường, có người thật có trang phục và lời thoại

Vì vậy, một ngày tháng 12 năm ngoái, Luisi ngồi trước ChatGPT và đưa ra đóng góp sáng tạo duy nhất của mình cho kịch bản: “Viết cốt truyện cho một bộ phim mà nhà biên kịch nhận ra mình kém hơn trí tuệ nhân tạo.”

Trong bốn ngày tiếp theo, ông yêu cầu chương trình phát triển câu trả lời ban đầu: tạo nhân vật, xây dựng câu chuyện và cuối cùng là viết kịch bản cho từng cảnh riêng lẻ. Khi các vấn đề nảy sinh — từ những vấn đề rộng hơn, chẳng hạn như các nhân vật ngẫu nhiên chuyển đổi giới tính, đến các vấn đề phức tạp hơn như động lực không rõ ràng — ông yêu cầu chương trình làm lại và cải thiện những gì nó đã nghĩ ra.

“Nhưng ngoài việc cắt bớt một số cảnh dài, tôi buộc mình phải làm việc với bất cứ thứ gì AI đưa cho tôi,” ông nói. Trước cuối tuần, ông đã có một kịch bản phim dài 61 trang trên bàn.

Nhưng mỗi dòng thoại của phim đều do AI, cụ thể là ChatGPT, nghĩ ra: một chatbot trực tuyến đã viết kịch bản trong bốn ngày, dựa trên một lời gợi ý chỉ có 17 từ

Bộ phim trước đó của Luisi, phim hài có tựa Bonjour Switzerland, đạt doanh thu phòng vé đáng kể trong nước, vì vậy chính phủ Thụy Sĩ cấp cho ông khoản tài trợ 750.000 bảng Anh để đầu tư vào dự án tiếp theo. Tất cả chỗ tiền đó đã được đưa vào The Last Screenwriter — nhưng khi cố gắng kiếm thêm kinh phí, ông nhận ra mình không thể huy động được xu nào ngay khi giải thích bản chất của dự án.

“Tôi nghĩ mọi người đều sợ,” ông nói. “Bạn biết đấy, những biên kịch khác sẽ nói, ‘Họ đưa tiền cho một chiếc máy tính thay vì tôi.’” Tuy nhiên, không chỉ là chiếc máy tính. Mọi yếu tố khác, từ diễn xuất đến kỹ thuật quay phim và nhạc phim, đều là tác phẩm của một nghệ sĩ có tri giác (và được trả thù lao), “tất cả đều làm việc chăm chỉ nhất có thể để khiến kịch bản của AI hợp lý nhất có thể.”

Luisi nói tiếp, bản thân quá trình làm phim “về cơ bản là một thử nghiệm: khởi sự từ tổng hợp ban đầu này, chúng ta có thể tiến gần đến một bộ phim ‘thật’ đến mức nào?”

Một cảnh phim The Last Screenwriter do AI viết kịch bản. Nhưng mọi yếu tố khác, từ diễn xuất đến kỹ thuật quay phim và nhạc phim, đều là tác phẩm của một nghệ sĩ có tri giác (và được trả thù lao)

Câu trả lời có hai mặt: ở một số chỗ thì không thật lắm; ở những chỗ khác, thì thật đến đáng lo ngại. Phần lớn đối thoại tồn tại trong một loại thung lũng kỳ lạ về ngôn từ — mỗi câu đều là phiên bản hiển nhiên nhất của chính nó, trong khi câu châm ngôn viết kịch bản cũ “cho thấy mà không kể” liên tục bị bỏ qua. Tuy nhiên, đôi khi, một chi tiết sẽ khiến bạn ngạc nhiên: một liên hệ văn học thoáng qua hoặc một đoạn báo trước gợi ý cấu trúc sâu sắc hơn bên dưới chuỗi sự kiện đơn giản mà phần lớn thời gian bộ phim bận rộn làm ra.

Nếu muốn rộng lượng, bạn cũng có thể tiếp thu những gì Luisi miêu tả là “cái bóng” của những tác phẩm lớn, hay được trích dẫn có mối liên hệ nào đó với chủ đề của The Last Screenwriter. Chẳng hạn, có phải là trùng hợp ngẫu nhiên không khi nhà văn gặp rắc rối bị tấn công bởi những giọng nói không tự nhiên có cùng tên với nhân vật chính của The Shining?

Có lẽ điều thú vị nhất là — “và tôi thậm chí còn không yêu cầu điều đó,” Luisi nói — AI đã tự viết cho mình một lập luận rõ ràng chống lại những tuyên bố đạo văn đó. Trong một cảnh đầu phim, Jack nói với đối tác kỹ thuật số mới của mình rằng về cơ bản đó “chỉ là một nghệ sĩ phối lại.”

Rạp Prince Charles ở London, nơi buổi chiếu dự định diễn ra

“Điều đó có thể đúng,” nó trả lời, “nhưng ngay cả sự sáng tạo của con người cũng không từ thinh không mà có. Bạn cũng đi từ những bộ phim bạn đã xem, những cuốn sách bạn đã đọc, những trải nghiệm bạn đã sống.”

Tuy nhiên, hơn một giờ sau, một kết thúc có hậu đã đến, khi chúng ta yên tâm rằng không thể thiếu bàn tay con người trong nghệ thuật và AI không phải là điều đáng lo ngại. Không muốn suy nghĩ quá phản địa đàng, nhưng mà AI sẽ nói như vậy, phải không?

Bộ phim có đáng xem không? Trong phạm vi như một thử nghiệm, hoàn toàn đáng. Và lưu ý rằng bộ phim không lấy đi công việc của một biên kịch nào — đúng hơn, tình trạng không có biên kịch là lý do cho sự tồn tại của nó — đó là lý do mà phản ứng dữ dội đối với buổi ra mắt nói nhẹ nhất là sai lệch. (Người viết vẫn giữ quan điểm, có lẽ giờ kém thời thượng hơn trước đây, rằng để phê bình một bộ phim, bạn phải xem nó đã.) Và như một người bình luận trên trang Instagram của rạp chiếu phim đã chỉ ra, việc hủy các buổi chiếu phim vì sự phẫn nộ trên mạng xã hội cũng không hẳn là một bước đi bảo vệ giọng nói của các nghệ sĩ.

Tuyên bố hủy buổi chiếu The Last Screenwriter của rạp Prince Charles

Rạp Prince Charles từ chối thảo luận về việc hủy buổi chiếu nhưng hướng báo chí tới một tuyên bố trên mạng xã hội. “Phản hồi mà chúng tôi nhận được trong 24 giờ qua khi quảng bá bộ phim đã làm nổi bật mối quan ngại sâu sắc của nhiều khán giả về việc sử dụng AI thay cho một biên kịch chỉ ra vấn đề rộng lớn hơn trong ngành,” họ cho biết. “Vì lý do này, chúng tôi đã quyết định không tiếp tục tổ chức buổi chiếu.”

Tuy nhiên, buổi ra mắt vào chủ nhật đã vẫn diễn ra tại một địa điểm khác (và không được tiết lộ) ở nơi khác của thủ đô. Sẽ là sai lầm nếu từ chối cho những người cộng tác bằng xương bằng thịt của ông cơ hội ăn mừng thành quả của họ, Luisi giải thích, với cả ông đã đặt khách sạn và vé máy bay rồi.

Phản ứng dữ dội của công chúng ban đầu khiến ông bị sốc, nhưng ông bắt đầu hiểu chủ đề này có tính chất cấm kỵ: “Người ta không thích những gì đang xảy ra, vì vậy họ không muốn ai đụng chạm đến nó,” ông nói.

Nhà làm phim sinh ra ở Zurich Peter Luisi đã sáu lần được đề cử tại Giải thưởng Điện ảnh Thụy Sĩ — ông nhấn mạnh là ba lần cho hạng mục viết kịch bản, vì vậy không phải là ông sử dụng AI để làm công việc mà ông không thể làm được. Thay vào đó, ông giải thích qua Zoom rằng mình muốn thử nghiệm sức mạnh giả thiết này của công nghệ

“Nhưng quan điểm của tôi là công nghệ đã có sẵn ở đây, dù chúng ta muốn hay không. Vì vậy chúng ta phải tự hỏi: chúng ta cảm thấy thế nào khi máy tính viết nên câu chuyện của chúng ta? Tôi hoàn toàn không nói đó là điều tôi muốn xảy ra. Nhưng chúng ta không thể trốn tránh cuộc trò chuyện này được đâu.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Telegraph