Tin tức

Các hãng phim có mơ về ngôi sao người máy không?

10/10/2023

Các diễn viên và biên kịch đình công e sợ trí thông minh nhân tạo (AI). Các nhà điều hành dường như không sợ. Cuộc chiến dai dẳng về công nghệ và quyền kiểm soát ở Hollywood này cũng diễn ra trên màn ảnh.

Tựa bài viết “Do Studios Dream of Android Stars?” của Manohla Dargis trên The New York Times phỏng theo tựa tiểu thuyết khoa học-viễn tưởng Do Androids Dream of Electric Sheep? (Người máy có mơ về cừu điện không?) của tác giả Philip K. Dick, được chuyển thể thành phim Blade Runner. (ND)

Các diễn viên và biên kịch đình công e sợ trí thông minh nhân tạo (AI). Các nhà điều hành dường như không sợ. Cuộc chiến dai dẳng về công nghệ và quyền kiểm soát ở Hollywood này cũng diễn ra trên màn ảnh.

“Chúng ta có diễn viên, đạo diễn, biên kịch. Hệ thống biến những người này thành cỗ máy tự động rõ ràng mới là điều sai trái,” nhà sản xuất độc lập David O. Selznick (Cuốn theo chiều gió) viết trong thư từ chức gửi người đứng đầu Paramount năm 1931

Ta đã thấy những điều mà các người sẽ không tin nổi, mượn câu thoại từ bộ phim năm 1982 gây sốc của Ridley Scott, Blade Runner. Nhưng là nhà phê bình phim nên tất nhiên là người viết cũng đã thấy. Và một trong những viễn cảnh khó tin mà người viết yêu thích nhất là những người máy đi lại, nói chuyện, suy nghĩ và thường đáng sợ, giống dạng khiến người viết vừa phấn khích vừa sợ hãi trong Westworld bản gốc và đặc biệt là The Stepford Wives.

Vào những năm 1970, những phim ghê rợn này mang đến một cái nhìn ảm đạm hơn nhiều về thế giới tương lai của chúng ta so với những đồng đội robot trong Star Wars sau đó sớm xâm chiếm nền văn hóa và ngành công nghiệp điện ảnh.

Từ lâu phim ảnh đã ám ảnh những cỗ máy tuyệt vời này, đặc biệt là những phát minh hình người trông giống chúng ta một cách bất an, có thể là người phụ nữ robot trong Metropolis (1927) của Fritz Lang hay người máy lừa lọc trong Alien (1979) của Scott, những sáng tạo tài tình “gần như giống hệt con người”, mượn một câu thoại khác từ Blade Runner.

Người phụ nữ robot trong Metropolis (1927) của Fritz Lang

Tuy nhiên, gần đây hơn, một bóng ma khác — trí tuệ nhân tạo — đã lần lượt thu hút và đánh động thế giới cả trên màn ảnh và ngoài đời thực. Trong Mission: Impossible phần mới nhất, Tom Cruise chiến đấu với một AI có nhận thức; trong phim ly kỳ hậu tận thế The Creator, John David Washington đóng vai một đặc vụ được cử đi thu hồi một vũ khí AI có ngoại hình giống đứa trẻ đáng yêu.

Người viết vẫn giữ cái nhìn cởi mở về The Creator ngay khi phải công nhận trí tuệ nhân tạo khiến mình nôn nao. Lỗi là Stanley Kubrick. Nói đùa tí thôi, nhưng những nghi ngờ từ thâm tâm của người viết về AI vẫn chưa biến chuyển nhiều kể từ khi giọng nói vô cảm đến kỳ lạ của HAL 9000, siêu máy tính trong bộ phim khiếp hãi năm 1968 của Kubrick, 2001: A Space Odyssey, thường trú trong đầu người viết. Giọng nói bình tĩnh, thận trọng và không ngừng nghỉ của HAL là giọng người viết đã nghe thấy khi đọc tuyên bố ngày 30 tháng 5 từ hơn 350 nhà lãnh đạo trong lĩnh vực AI. “Giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng từ AI,” tuyên bố viết, “nên là ưu tiên toàn cầu ngang với các nguy cơ quy mô cộng đồng khác như đại dịch và chiến tranh hạt nhân.”

Giọng nói vô cảm đến kỳ lạ của HAL 9000, siêu máy tính trong bộ phim khiếp hãi năm 1968 của Kubrick, 2001: A Space Odyssey

Vào thời điểm cảnh báo đó được đưa ra, Hiệp hội Biên kịch Hoa Kỳ đã đình công được bốn tuần. Động thái của họ một phần đến từ lo ngại rằng AI sẽ không chỉ xâm phạm sinh kế mà còn có thể ít nhất thay thế họ phần nào. Những lo ngại tương tự đã khiến SAG-AFTRA, công đoàn đại diện cho khoảng 160.000 nghệ sĩ biểu diễn và người làm truyền thông, đình công vào ngày 14 tháng 7, lần đầu tiên kể từ năm 1960 cả hai nhóm đều đình công.

Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình, hiệp hội thay mặt các hãng phim đàm phán, đã xua tan nỗi lo lắng của hai công đoàn bằng những lời hứa nhạt nhẽo rằng mọi việc sẽ ổn. “Chúng tôi là những công ty sáng tạo,” liên minh khẳng định vào tháng 5, “và chúng tôi đánh giá cao công việc của những người sáng tạo.”

Không chỉ một mình bạn cười khẩy khi đọc dòng đó đâu. Với lịch sử của điện ảnh và, bạn biết đấy, chủ nghĩa tư bản, và bỏ qua việc dùng “sáng tạo” làm danh từ đầy hợm hĩnh, sự đảm bảo này rất khó lòng có được một cách thiện chí.

AI mang hình dạng một đứa trẻ đáng yêu trong The Creator (ảnh), với sự tham gia của John David Washington (trái), một trong nhiều bộ phim có máy móc hình người

Tuy nhiên, những lo lắng của các biên kịch là nghiêm túc: bên cạnh những điều khác, họ không muốn AI được sử dụng để viết hoặc viết lại tư liệu văn học hoặc được sử dụng làm tư liệu gốc. Vào tháng 7, John Lopez trong nhóm làm việc về AI đã thêm một chút lãng mạn vào những điều kiện này, viết trên Vanity Fair rằng “ý nghĩa trong nghệ thuật luôn đến từ con người, từ việc có điều gì đó để nói, từ nhu cầu kết nối.” Người viết thông cảm, nhưng tự hỏi ông ấy có đọc bản ghi một cuộc họp báo cáo thu nhập của Disney bao giờ chưa.

Khi mà các công ty đã quét khuôn mặt và vóc dáng của diễn viên, không ngạc nhiên là SAG-AFTRA nói về AI và những mối lo ngại từ đó nghe như tận thế đã cận kề: “Những người biểu diễn cần có sự bảo vệ hình ảnh và diễn xuất của chúng tôi để ngăn chặn việc thay thế trình diễn của con người bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo.”

Andy Serkis cung cấp giọng nói và chuyển động cho Caesar trong Dawn of the Planet of the Apes

Đọc đến đây, người viết chợt nhớ tới Andy Serkis, nổi tiếng với vai trò lồng tiếng và cung cấp chuyển động cho các nhân vật dùng công nghệ ghi-chuyển động trong các phim Lord of the Rings và phiên bản khởi động lại của Planet of the Apes. Người hâm mộ diễn xuất của anh trong cả hai chuỗi phim, bao gồm bạn diễn James Franco trong Apes, đã vận động hành lang cho nam diễn viên nhận giải Oscar. “Đây không phải là hoạt hình vi tính mà là ‘trang điểm’ kỹ thuật số,” Franco viết trên Deadline, một góc nhìn mà các ông chủ trong ngành lẽ ra hẳn phải trân trọng.

Trong thời đầu cuồng nhiệt nhất của điện ảnh, người làm phim làm tất cả: viết kịch bản, đạo diễn, tìm kiếm địa điểm, diễn xuất. Khi điện ảnh trở thành một ngành kinh doanh lớn vào những năm 1910, tính hiệu quả đã trở thành mệnh lệnh đồng loạt và sau đó thành đặc tính ngành, đưa các nguyên tắc quản lý khoa học áp dụng vào cách làm việc. Khi quy trình sản xuất ngày càng được phân công hóa, các hãng chế tác rộng lớn đã được xây dựng để tập trung công việc (và giúp quản lý công nhân dễ dàng hơn) và các bộ phận cụ thể (điều hành, trang phục, điện) được thành lập, duy trì phân công lao động triệt để. Đến những năm 1920, đạo diễn, biên kịch và ngôi sao từng nắm quyền kiểm soát công việc của mình ngày càng phải tuân theo các nhà sản xuất và ông chủ hãng phim.

Gã Lang Thang làm việc trong một nhà máy được coi là mẫu mực về năng suất bị hút vào cỗ máy, một hình ảnh vẫn còn gây sững sờ về sự mất nhân tính triệt để trong Thời đại tân kỳ (1936) của Charlie Chaplin

Một số bộ phim dường như ám chỉ công xưởng Hollywood ở mức độ tượng trưng, bao gồm Modern Times (tạm dịch: Thời đại tân kỳ) (1936) của Charlie Chaplin. Trong phim, Gã Lang Thang làm việc trong một nhà máy được coi là mẫu mực về năng suất, bằng chứng là “máy nạp thức ăn” mới sáng chế nhằm phục vụ người lao động khi họ làm việc, tăng sản lượng và giảm chi phí chung. Tuy nhiên, khi ông chủ thử dùng máy nạp thức ăn với Gã Lang Thang, cỗ máy gặp sự cố. Không lâu sau khi quay lại làm công việc siết bu-lông chạy trên băng chuyền, anh ta suy sụp, bắt đầu cử động điên cuồng và bị hút vào cỗ máy, một hình ảnh vẫn còn gây sững sờ về sự mất nhân tính triệt để.

Mặc dù một số ngôi sao nỗ lực độc lập trong hệ thống, đặc biệt là khi họ có người đại diện cao tay, các hãng phim vẫn kiểm soát chặt chẽ phần lớn những người biểu diễn. Vào đầu những năm 1930, phương tiện công khai nhất của ngành nhằm kiểm soát những người lao động nổi tiếng nhất là hợp đồng quyền chọn, thường có thời hạn bảy năm. Các hãng phim không chỉ định hình và tinh chỉnh hình ảnh của các ngôi sao, đổi tên và điều phối quan hệ công chúng mà còn duy trì độc quyền đối với các dịch vụ của người biểu diễn. Hãng phim có thể hủy bỏ hoặc gia hạn hợp đồng, cho mượn diễn viên, giao cho họ những vai khủng khiếp cũng như đình chỉ và kiện những người họ coi là ngỗ ngược.

Bette Davis đã thắng giải Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc đầu tiên vào năm 1936, nhưng hai năm sau, bà nói, bà vẫn không có điều khoản nào trong hợp đồng về vị thế ngôi sao

“Tôi có thể bị buộc phải làm bất cứ điều gì hãng phim yêu cầu làm,” Bette Davis nói về Warner Bros., đã ký hợp đồng diễn viên tiêu chuẩn với bà vào năm 1931. Davis thất vọng với các vai diễn của bà và nói rằng cách duy nhất là từ chối, sự phản kháng mà công ty đã đáp trả bằng cách đình chỉ làm việc không trả lương cho bà. “Bạn thậm chí không thể làm việc trong một cửa hàng rẻ tiền,” Davis nói. “Bạn chỉ có thể chết đói.”

Bette Davis đã thắng giải Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc đầu tiên vào năm 1936, nhưng hai năm sau, bà nói, bà vẫn không có điều khoản nào trong hợp đồng về vị thế ngôi sao. Danh tiếng và tiền lương của bà đã tăng lên, nhưng quyền lực thì không: Hợp đồng thứ ba với Warners quy định bà phải “biểu diễn và cung cấp dịch vụ của mình mọi lúc, mọi nơi và thường xuyên theo yêu cầu của nhà sản xuất.”

Tương tự, đạo diễn và biên kịch được các hãng phim ký hợp đồng cũng đấu tranh để giành quyền kiểm soát và tự trị, trong đó các hãng phim có quan điểm, như biên kịch Devery Freeman từng nói, là khi thuê biên kịch, họ sở hữu ý tưởng đó “trọn đời và mãi mãi”.

AI giống con người trong Blade Runner và các lần miêu tả khác của Hollywood

Các hãng phim khác nhau và điều kiện lao động cũng khác. Năm 1937, nhà sản xuất độc lập David O. Selznick (Cuốn theo chiều gió) giải thích rằng, ở M.G.M., phần lớn công việc của đạo diễn “chỉ là bước ra sân khấu và chỉ đạo diễn viên, đưa họ qua các các nhịp độ được yêu cầu trong kịch bản.” Ông kể tiếp, tại Warner Bros., đạo diễn “thuần là một bánh răng trong cỗ máy”, thường được giao kịch bản chỉ vài ngày trước khi đi vào sản xuất.

Xét căng thẳng giữa nghệ thuật và ngành công nghiệp đã làm nên nét đặc trưng của phần lớn lịch sử Hollywood, không có gì ngạc nhiên khi phép ẩn dụ “bánh răng trong cỗ máy” xuất hiện thường xuyên trong biên niên sử ngày xưa tươi đẹp. Người viết yêu thích nhiều bộ phim kinh điển của Hollywood (và nhớ tính xuất sắc của chúng), nhưng với bao nhiêu là tài hoa, hệ thống cũng gây nhiều đau khổ. Cuối cùng, sự phẫn nộ về bóc lột tình dục và phân biệt chủng tộc chỉ là những ví dụ gớm ghiếc và trắng trợn nhất cho việc hệ thống này có thể và đã nghiền nát chính con người trong đó đến mức nào. “Chúng ta có diễn viên, đạo diễn, biên kịch,” Selznick viết trong thư từ chức gửi người đứng đầu Paramount năm 1931. “Hệ thống biến những người này thành cỗ máy tự động rõ ràng mới là điều sai trái.”

Hầu hết những cỗ máy biết suy nghĩ khó quên nhất trong phim đều có hình dạng con người. Ảnh: robot hủy diệt trong chuỗi phim Terminator

Sự tuyệt vọng của Selznick gợi nhớ đến một trong những cảnh người viết yêu thích nhất trong Blade Runner. Lấy bối cảnh Los Angeles thời tương lai, phim xoay quanh Deckard (Harrison Ford), một gã cộc cằn giống [Humphrey] Bogart, chuyên săn lùng những người máy nhân bản nổi loạn, những con người giả được sản xuất làm nô lệ lao động nhìn y như người thật. Khoảng đầu phim, Deckard đến thăm Tập đoàn Tyrell, nơi chế tạo người nhân bản, để nói chuyện với người sáng lập ma quái của nó. “Thương mại là mục tiêu của chúng tôi ở đây,” Tyrell nói khi bình thản giải thích ngọt xớt về hoạt động kinh doanh của mình. “‘Có tính người hơn cả con người’ là phương châm của chúng tôi,” ông ta nói tiếp, nghe rất giống một ông chủ hãng phim xưa.

Như trong Blade Runner, hầu hết những cỗ máy biết suy nghĩ khó quên nhất trong phim đều có hình dạng con người. Đó là trường hợp trong Metropolis, với một robot kim loại mang hình hài một người phụ nữ có sự sống, cũng như trong Westworld bản gốc, The Stepford Wives và chuỗi phim Terminator.

Kể cả khi AI không có cơ thể vật lý, những cảnh đáng nhớ được những diễn viên con người nổi tiếng lồng tiếng như Scarlett Johansson trong Her, câu chuyện tình lãng mạn ngọt ngào đến khó tin của Spike Jonze về một chàng trai (Joaquin Phoenix, ảnh) và một trợ lý ảo

Kể cả khi AI không có cơ thể vật lý, những cảnh đáng nhớ hơn được những diễn viên con người nổi tiếng như Paul Bettany lồng tiếng trong Iron Man và Scarlett Johansson trong Her, câu chuyện tình lãng mạn ngọt ngào đến khó tin của Spike Jonze về một chàng trai (Joaquin Phoenix) và một trợ lý ảo, một hiện diện phi vật lý được bạn nhanh chóng tự điền thêm chi tiết dựa vào lý lịch và cá tính ngôi sao tiềm năng của Johansson.

Vì phim ảnh đa phần theo chân nhân vật nên hình dáng con người không có gì đáng ngạc nhiên. Một robot là một khối kim loại có thể đáng sợ, nhưng những cỗ máy không có hình dáng con người sẽ không tạo được tiếng vang mạnh mẽ bằng những cỗ máy sống động xuất hiện trên màn hình của chúng ta. Vừa quyến rũ vừa gây khó chịu, không hoàn toàn là con người hay nhân tạo rõ ràng, những cỗ máy này có chức năng như người hầu, chiến binh, bạn đồng hành, đồ chơi, trò tiêu khiển và luôn luôn là những tấm gương gây bất an. Bộ phim tâm lý A.I. Artificial Intelligence (2001) của Steven Spielberg kể về cậu bé người máy David (Haley Joel Osment) khao khát tình yêu từ người mẹ là con người của cậu. Nhân vật David đã chắt lọc một lý do quan trọng khiến chúng ta cảm thấy bất an trước những cỗ máy này: “Ban đầu, chẳng phải Chúa đã tạo ra Adam để yêu Người sao?”

Bộ phim tâm lý A.I. Artificial Intelligence (2001) của Steven Spielberg kể về cậu bé người máy David (Haley Joel Osment) khao khát tình yêu từ người mẹ là con người của cậu

Isaac Asimov đã viết rằng khi ông còn nhỏ, những câu chuyện về người máy có thể được chia thành hai loại: “người máy là mối đe dọa” và “người máy là cảm xúc”. Một phần sức mạnh trong A.I. của Spielberg là cảm xúc của nhân vật chính bắt nguồn từ khao khát tình yêu của cậu bé. Tuy nhiên, David cũng cố tình gây khó chịu vì vừa là máy vừa là con người, điều khiến cậu ta không phải là cái nào trong cả hai. Nói theo cách nào đó, cậu là một đứa trẻ có vấn đề đối với cặp vợ chồng “nhận nuôi” cậu cũng như đối với Spielberg. Đó là một vấn đề mà bộ phim đã giải quyết bằng cái kết cổ tích và một số robot từ xa được gọi là “chuyên gia”, những sáng tạo yểu điệu thướt tha đã tắt nguồn sống của David. Đến lúc đó, tất cả vật chất hữu cơ trên Trái đất đều đã chết, con người đã tiến bộ về công nghệ đến mức tự đưa mình đến bờ tuyệt chủng.

Dù cố ý hay không, những bộ phim như A.I.Her, The TerminatorThe Matrix đều tiên tri về một tương lai đột nhiên đã xuất hiện ngày nay. Kể từ khi ChatGPT được giới thiệu vào tháng 11, cụm từ trí tuệ nhân tạo đã trở nên phổ biến, xuất hiện trên các tiêu đề, tại các phiên điều trần quốc hội và trên các biểu ngữ được các biên kịch và diễn viên giơ cao, họ có lý do chính đáng để lo ngại rằng họ đang bị đẩy đến bờ tuyệt chủng. “AI không phải là nghệ thuật” đã xuất hiện trên một số biểu ngữ, mặc dù người viết thích biểu ngữ “Trả tiền cho các biên kịch đi lũ AI khốn nạn!” hơn.

Biểu ngữ “Trả tiền cho các biên kịch đi lũ AI khốn nạn!”. Kể từ khi ChatGPT được giới thiệu vào tháng 11, cụm từ trí tuệ nhân tạo đã trở nên phổ biến, xuất hiện trên các tiêu đề, tại các phiên điều trần quốc hội và trên các biểu ngữ được các biên kịch và diễn viên giơ cao, họ có lý do chính đáng để lo ngại rằng họ đang bị đẩy đến bờ tuyệt chủng

Đó là một câu nói hay và là lời nhắc nhở rằng các cây bút không bao giờ có thể bị loại bỏ, hoặc ít nhất đó là điều người viết thầm niệm khi viết về thế giới mới nhiệm màu của chúng ta.* Siri, mày biết bình phim không?

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


* Theo tựa tiểu thuyết khoa học-viễn tưởng Brave New World (Thế giới mới nhiệm màu) của tác giả Aldous Huxley. (ND)