Tin tức

Hollywood ngày càng chia rẽ về trí tuệ nhân tạo

13/08/2024

Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) làm rung chuyển Hollywood như một trận động đất.

Đó là năm 2022. Việc sa thải, cắt giảm chi phí và một cuộc đình công có vẻ không thể tránh khỏi của các biên kịch đang sắp nổ ra và ngành công nghiệp này đang trong tình trạng biến động.

Một cảnh trong cuộc đình công: Các thành viên của Hiệp hội Biên kịch bên ngoài Paramount Studios vào ngày 12 tháng 7 năm 2023

Mùa thu năm đó, OpenAI đã phát hành bản chạy thử ChatGPT trong khoảnh khắc quan trọng đầu tiên mà công nghệ này đi vào nhận thức của công chúng. Mọi thứ đã thay đổi, bắt đầu với ca khúc Heart on my Sleeve sử dụng phiên bản AI giọng hát của Drake và the Weeknd.

Theo những người hiểu rõ tình hình, SAG-AFTRA đã huy động đội ngũ vận động hành lang của họ ở Washington D.C, và Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ cũng làm điều tương tự. Họ đã tìm thấy những đôi tai biết lắng nghe của các Thượng nghị sĩ Chris Coons, Marsha Blackburn, Amy Klobuchar và Thom Tillis, sau đó đã công bố dự thảo luật về cung cấp các biện pháp bảo vệ chống sử dụng trái phép ngoại hình và giọng nói trong các công cụ tạo sinh. Vào ngày 31 tháng 7, phiên bản cập nhật của dự luật đã được giới thiệu — một bước ngoặt trong cuộc tranh luận về các rào cản AI.

“Việc soạn thảo dự luật No Fakes đã bắt đầu từ trước cuộc đình công, ngay sau ChatGPT và ca khúc giả giọng Drake,” cố vấn chung của SAG-AFTRA Jeffrey Bennett cho biết. “Không khó để đưa nó đến Thượng viện, vì giờ đây mọi người đều nhận thức chuyện gì đang xảy ra.”

Heart On My Sleeve: Hiện tượng do AI tạo ra sử dụng phiên bản AI giọng hát của Drake và The Weeknd

Trong khi đó, các hãng phim vẫn đứng ngoài cuộc, ít nhất là cho đến khi có bức tranh rõ ràng hơn về dự luật. Đối với họ, phép tính lại khác. Các giám đốc điều hành ủng hộ biện pháp này miễn là nó không can thiệp vào quyền sử dụng thứ gọi là “bản sao kỹ thuật số” trong các xuất phẩm nhại và phim tài liệu, cùng một số xuất phẩm khác, theo những người quen thuộc với các nỗ lực vận động hành lang của các hãng phim nói với The Hollywood Reporter.

Khi dự luật được đưa ra, hiệp hội nhà nghề của các hãng phim, Hiệp hội Điện ảnh (MPA), đã tuyên bố: “Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao việc các nhà tài trợ đưa vào các biện pháp bảo vệ nhằm ngăn chặn việc hạn chế quyền tự do ngôn luận được bảo vệ bởi hiến pháp,” điều này sẽ “cần thiết để bất kỳ luật mới nào có thể tồn tại lâu dài.”

MPA có những mối quan tâm — và lợi ích — khác trong lĩnh vực AI. Mặc dù các thành viên của họ có một kho phim và chương trình truyền hình cần được bảo vệ tránh việc các công ty AI có thể thu thập tài sản trí tuệ để cung cấp năng lượng cho hệ thống, cũng như có động cơ để ngăn chặn các tác phẩm do máy tính tạo ra sẽ cạnh tranh với chính họ, bản thân MPA cũng tạo ra rất nhiều nội dung mà một ngày nào đó nếu dùng các công cụ AI để làm thì sẽ có lợi hơn. Ít nhất MPA có phần để mắt hướng đến tương lai của việc chế tác.

MPA có những mối quan tâm — và lợi ích — khác trong lĩnh vực AI

Rạn nứt này đánh dấu sự phân rẽ ngày càng lớn giữa các công đoàn và hãng phim Hollywood về các vấn đề liên quan đến AI.

Đây là sự chia rẽ mà các giám đốc điều hành có thể cần phải giải quyết một cách ngoại giao. Trong cuộc họp báo cáo thu nhập của Netflix vào ngày 18 tháng 7, đồng giám đốc điều hành Ted Sarandos đã được hỏi về tác động tiềm năng của AI tạo sinh lên việc sáng tạo nội dung. Vị giám đốc điều hành trả lời rằng AI “sẽ tạo ra bộ công cụ tuyệt vời cho người sáng tạo, phương tiện tuyệt vời để người sáng tạo kể những câu chuyện hay hơn” nhưng lưu ý rằng “làm cho nội dung tốt hơn 10 phần trăm mới là vụ làm ăn tốt hơn và lớn hơn, chứ không phải là làm cho nội dung rẻ hơn 50 phần trăm.”

Phần lớn cuộc chiến về AI đã diễn ra một cách lặng lẽ trong một đấu trường bất ngờ: Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ, nơi khám phá các câu hỏi về chính sách xung quanh mối liên hệ giữa sở hữu trí tuệ và AI. Vào tháng 7, họ đã ban hành một báo cáo cảnh báo về “nhu cầu cấp thiết” đối với các luật quản lý deepfake. Cơ quan này đã đàm phán với các đại diện từ Hiệp hội Biên kịch Hoa Kỳ, Hiệp hội Đạo diễn Hoa Kỳ, SAG-AFTRA và MPA, cùng nhiều tổ chức khác.

Phần lớn cuộc chiến về AI đã diễn ra một cách lặng lẽ trong một đấu trường bất ngờ: Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ, nơi khám phá các câu hỏi về chính sách xung quanh mối liên hệ giữa sở hữu trí tuệ và AI

Những cuộc trò chuyện đó báo hiệu rằng các công đoàn của Hollywood và những gã khổng lồ công nghệ dẫn đầu trong việc phát triển các công cụ AI — một số đã có chỗ đứng trong ngành và là thành viên của Liên minh các nhà sản xuất phim điện ảnh và truyền hình cùng với các hãng phim lâu đời — đang trên đà xung đột về việc sử dụng các công cụ AI trong quá trình sản xuất.

Các công đoàn đã đứng về phía đối lập với MPA, sau có thêm Meta, OpenAI và các nhóm ủng hộ công nghệ, trong một số vấn đề nóng hổi. Điểm xung đột lớn nhất giữa họ là liệu có nên ban hành luật mới để giải quyết tình trạng sử dụng trái phép và không được đền bù tư liệu có bản quyền để đào tạo các hệ thống AI và việc tạo ra hàng loạt các tác phẩm có khả năng vi phạm bản quyền có vẻ giống với nội dung hiện có hay không.

Các hãng phim không chỉ nói rằng luật hiện hành là đủ, mà còn ủng hộ các tiêu chuẩn lỏng lẻo hơn cho bản quyền các tác phẩm do AI tạo ra. Họ nói rằng văn phòng bản quyền “quá cứng nhắc” trong yêu cầu về tác giả là con người, theo đó quyền sở hữu trí tuệ chỉ có thể được cấp cho các tác phẩm do con người tạo ra, vì “không tính đến sáng tạo của con người khi tạo ra một tác phẩm sử dụng AI làm công cụ.”

Vấn đề gây tranh cãi gay gắt này là một chiến trường lớn trong việc khai thác tư liệu do máy tính tạo ra. Một trong những lý do chính ngăn cản việc áp dụng rộng rãi các công cụ AI trong quy trình sản xuất là tác phẩm thành quả không đủ điều kiện để được bảo vệ bản quyền.

“Các hợp đồng quy định bạn phải xin phép các hãng phim, và chính sách của nhiều hãng phim là không cho phép,” điều hành chương trình kiêm biên kịch Mark Goffman (Bull, Limitless, The West Wing) cho biết tại AI on the Lot, một hội nghị AI trong ngành giải trí, vào tháng 5. Ông chỉ ra những hạn chế về mặt pháp lý trong lai lịch chuyển nhượng và phải ký “giấy chứng nhận xác thực rằng bạn tự viết.”

Tuy nhiên, công nghệ này ngày càng được áp dụng, ngay cả trong quá trình viết. “Tôi sử dụng [các mô hình ngôn ngữ lớn] để nghiên cứu,” Momo Wang (Minions, Despicable Me, Sing), giám đốc hoạt hình tại Illumination, cho biết tại hội nghị AI. “Đầu tiên, tôi viết một câu chuyện bằng tiếng Trung và dùng mô hình ngôn ngữ lớn dịch sang tiếng Anh, dễ hơn và tốt hơn bất kỳ phần mềm dịch thuật nào đối với tôi.”

Thức dậy đi, con người, thế giới lại thay đổi rồi OpenAI Sora

Việc sử dụng công cụ AI cũng đã chia rẽ các nhà làm phim. Không có công cụ nào thu hút sự quan tâm của ngành nhiều hơn Sora của OpenAI, ra mắt vào tháng 2 với khả năng tạo ra các clip siêu thực từ chỉ vài câu câu lệnh văn bản.

OpenAI — công ty đang phải đối mặt với đấu đá nội bộ của chính mình về các vấn đề liên quan đến việc triển khai công nghệ một cách an toàn, gần đây nhất là vụ kiện do cựu thành viên hội đồng quản trị Elon Musk đệ đơn vào ngày 5 tháng 8 nhắm vào việc công ty khởi nghiệp đã xoay trục hướng tới lợi nhuận — đã phát hành các video trình diễn công nghệ từ những người thử nghiệm beta, những người đang cung cấp phản hồi cho công ty khi họ tiến vào Hollywood.

Một số nhà sáng tạo đã bác bỏ công trình này bằng những lời chỉ trích rằng nó làm suy yếu tính chính trực của việc làm phim, trong khi những người khác lại ca ngợi việc đưa AI vào như một trong nhiều công cụ, như Adobe After Effects hoặc Premiere, trong kho vũ khí của họ mà không hoàn toàn dựa vào nó.

Quan điểm của các hãng phim cho thấy sự háo hức áp dụng AI vào quy trình sản xuất hoàn toàn trái ngược với quan điểm của SAG-AFTRA và Hiệp hội Biên kịch Hoa Kỳ

Quan điểm của các hãng phim cho thấy sự háo hức áp dụng AI vào quy trình sản xuất hoàn toàn trái ngược với quan điểm của SAG-AFTRA và Hiệp hội Biên kịch Hoa Kỳ, những đơn vị đã thúc giục Văn phòng Bản quyền khuyến nghị các nhà lập pháp thông qua luật yêu cầu các công ty phải có được sự đồng ý của người sáng tạo để đào tạo công nghệ của họ trên tư liệu có bản quyền. Cơ quan này dự kiến sẽ ban hành một báo cáo khác về vấn đề này trong năm nay.

“Về cơ bản, AI không thể sáng tạo,” Laura Blum-Smith, giám đốc nghiên cứu và chính sách cấp cao của Hiệp hội Biên kịch Hoa Kỳ cho biết. “Chúng tôi đã tích cực thảo luận về vấn đề này với cả các cơ quan điều hành luật và các cơ quan đại diện.”

Trong khi đó, Hiệp hội Đạo diễn Hoa Kỳ trả lời vòng vo. Mặc dù bày tỏ lo ngại về việc sử dụng sai công nghệ, nhưng họ cho biết “hoàn toàn mong đợi các đạo diễn và thành viên của chúng tôi tích hợp công nghệ này vào quy trình làm phim.” Với Hiệp hội Biên kịch Hoa Kỳ, họ ủng hộ việc thiết lập “quyền đạo đức” sẽ công nhận các biên kịch và đạo diễn là tác giả gốc của tác phẩm của họ, trao cho họ quyền kiểm soát tài chính và sáng tạo lớn hơn đối với việc khai thác tư liệu của họ ngay cả khi họ không sở hữu bản quyền.

AI phải là công cụ hỗ trợ chứ không phải hủy hoại việc làm phim

“Chúng tôi không phải là những người bi quan về AI,” giám đốc điều hành Hiệp hội Đạo diễn Hoa Kỳ Russell Hollander nói. “Nó có thể là một công cụ sẽ được sử dụng hiệu quả trong làm phim. Nhưng giống như nhiều công cụ khác, cần phải có những rào cản phù hợp và nó phải là công cụ hỗ trợ chứ không phải hủy hoại việc làm phim.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter