Bình luận phim

Cô gái có hình xăm rồng

29/12/2011

Cứ tưởng tượng cảnh mở đầu cho một bộ phim Bond nhưng với màn làm tình bạo lực hơn nhiều là bạn sẽ có cảnh mở đầu của The Girl With the Dragon Tattoo.

Một đàn chim giật mình bay lên trời từ một lùm cây đen tối. Hình ảnh mờ mịt cho thấy những con người ta không thấy rõ mặt bị dây iPhone thắt cổ. Sự bạo lực gần như thôi miên và siêu nhiên này được đặt trên nền nhạc Immigrant Song của Trent Reznor và Karen-O.

Cảnh mở đầu đầy ám ảnh khiến bạn cảm thấy đầu óc lâng lâng và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng những gì tiếp theo lại diễn ra ở tốc độ binh thản và điềm đạm hơn nhiều, nhưng vẫn là một câu chuyện đen tối về giết người và sự xâm phạm tình dục.

Nếu đến giờ bạn vẫn chưa biết Cô gái có hình xăm rồng (The Girl With the Dragon Tattoo), kể về cái gì, thì nên biết câu chuyện cũng khá đơn giản. Nhà báo Mikael Blomkvist (Daniel Craig đóng) mất hết tất cả trong một vụ kiện mà anh bị oan. Trong quá trình xử án, anh được một ông trùm giàu có (Christopher Plummer) thuê để tìm hiểu một vụ giết người đã ám ảnh ông trong vòng bốn mươi năm. Mikael chấp nhận và thuê tài năng đặc biệt của Lisbeth Salander (Rooney Mara đóng), cô gái với hình xăm rồng, để giúp anh tìm hiểu vụ án.

Salader được Rooney Mara đóng một cách bình tĩnh nhưng cũng đầy quyền năng. Cô đã thoát khỏi cái bóng khổng lồ của Noomi Rapace, người đóng vai này một cách xuất sắc trong phiên bản Thụy Điển của bộ phim. Đây là một vai diễn nặng về nội tâm, nhưng bạn luôn cảm thấy có một sức mạnh và khả năng bạo lực rất lớn luôn bập bùng dưới bề mặt sự bình thản lạnh lùng của nhân vật.

Bộ phim hay nhất khi tập trung vào vụ án giết người nhưng hơi mất phương hướng khi bắt đầu kể về những vụ tình phức tạp của Mikael hay cuộc sống riêng tư đầy bóng tối của Lisbeth. Phần lớn thời gian đây không hẳn là vấn đề vì vụ giết người kia cũng chiếm một thời lượng lớn, nhưng nó cũng hơi làm hỏng cái kết phim.

Cảnh trong phim

Kết thúc thường có trong một bộ phim trinh thám về một vụ giết người là ta phải biết kẻ giết người là ai. Đạo diễn David Fincher đã dựng cảnh này một cách xuất sắc, vì ông cũng khá có kinh nghiệm trong thể loại này với Se7enZodiac. Sự căng thẳng trong phim nhiều khi là không thể chịu đựng được nhưng nó mang lại một cái kết rất ly kỳ. Nhưng vấn đề là cái kết đó không phải là cái kết của phim. Vì một lý do lạ lùng nào đó, chúng ta phải quay lại với vụ kiện của Mikael trong khi đạo diễn cố gắng giải quyết mọi vấn đề của phim. Điều này không cần thiết và khiến bộ phim có một thời lượng khá thách thức người xem – 158 phút và làm thân phận của tên giết người kia trở nên kém quan trọng.

Như bạn sẽ mong đợi ở Fincher, The Girl With the Dragon Tattoo là một bộ phim có ngoại cảnh tuyệt đẹp, lạnh lùng đến rùng mình. Toàn bộ bộ phim có một không khí bạo lực có thể khiến bạn khó giữ bình tĩnh.

Một số cảnh bạo lực – nhất là hai cảnh cưỡng hiếp – có vẻ không hẳn cần thiết, được tạo ra để gây sốc với khán giả hơn là khiến ta cảm thông cho nhân vật.

Bộ phim tập trung nhiều vào quá trình tìm hiểu vụ án, và hình ảnh những giấy tờ, tập tài liệu, ghi chú, ảnh tư liệu được rải rác khắp bộ phim. Nhiều phút trôi qua không có lời thoại nào, chỉ có tiếng nhạc phim đầy ám ảnh của Trent Reznor. Nhưng chính sự im lặng này khiến bạn càng mong đợi sự thực mà Mikael và Lisbeth đang tìm hiểu hơn.

Đây không hẳn là phim hành động nhưng Daniel Craig là một lựa chọn tốt cho vai Mikael hiếu kỳ và làm việc theo từng kế hoạch. Đây là một vai điềm tĩnh hơn bình thường của anh nhưng cũng là một vai xuất sắc nhất.

Vẫn phải xếp bộ phim này sau hai bộ phim theo thể loại giết người hàng loạt kia của Fincher: Se7en Zodiac. Tuy vậy, The Girl With the Dragon Tattoo vẫn là một bộ phim rất hay, đơn giản nhưng hiệu quả trong sự lạnh lùng của nó. Phim này cũng có việc sử dụng một bài hát của Enya trong phim một cách hay nhất.

Đánh giá: 4/5 sao

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: IGN


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi