Bình luận phim

Điệp vụ tuyệt mật

29/06/2013

Bộ phim tâm lý, hành động hoành tráng nhưng dở tệ, hội tụ các ngôi sao từ Đại lục, Đài Loan và Hồng Kông, mang tính giải trí vừa đủ ở mức độ bắp rang bơ.

Thành Long làm được điều gì, Lưu Đức Hoa có thể làm được tốt hơn thế. Trong chừng mực nhất định. Giống như bộ phim mới đây của Thành Long 12 con giáp, Switch (phát hành ở Việt Nam với tựa đề Điệp vụ tuyệt mật) là phim hành động bom tấn về nạn buôn lậu tác phẩm nghệ thuật mang vẻ ngoài quốc tế - nhưng sự tương đồng giữa hai bộ phim kết thúc ở đó. 12 con giáp nhắm thẳng vào khán giả nhí và về cơ bản tồn tại để khiến đạo diễn, diễn viên chính, biên kịch, nhà sản xuất kiêm biên đạo hành động của mình nom sung hết mức có thể ở tuổi lão làng 58. Switch nhắm thẳng vào khán giả trưởng thành (với nhiều cảnh gợi cảm) và, dù có Lưu Đức Hoa đóng chính với diện mạo bảnh bao, nội dung phim không chỉ nói về anh. Với dàn diễn viên chủ chốt từ Đại lục (Trương Tịnh Sơ, Đồng Đại Vi), Hồng Kông (Lưu Đức Hoa) và Đài Loan (Lâm Chí Linh), lời thoại bằng tiếng Quan Thoại, tiếng Anh, tiếng Nhật và các địa điểm từ Dubai đến Hàng Châu, Switch hoành tráng hơn, dở tệ hơn, phô trương hơn và hơi mang tính giải trí cao hơn ở mức độ bắp rang bơ – dù không có mối quan hệ tình cảm thực sự nào giữa các nhân vật và ấn tượng biến mất ngay khi ánh đèn phòng chiếu phim sáng trở lại.

Về cơ bản, Switch là món hàng sản xuất công nghiệp đẹp đẽ nhưng trống rỗng, cho thấy gốc rễ của biên kịch kiêm đạo diễn Tôn Kiện Quân. Đây là tác phẩm đạo diễn đầu tay của anh ở tuổi cuối ngũ tuần sau mười năm ở Mỹ, sau gần hai mươi năm mới trở lại Đại lục làm việc trong ngành truyền hình và làm nhà sản xuất cho các phim tình cảm hài mới hào nhoáng như Call for Love (2007) và Fit Lover (2008). Thực hiện theo phong cách Bollywood thay vì Hollywood, bộ phim dài hai tiếng là trò hề với sự tham gia của những tên tuổi lớn, hiệu ứng kinh phí lớn và sự khoe mẽ về Trung Quốc vĩ đại. Kinh phí được đưa tin là 160 triệu tệ (26 triệu đôla) hiện diện ở mọi cảnh trên màn ảnh, kịch bản hầu như vô nghĩa khi nhảy từ Hàng Châu đến Dubai, từ Phụ Dương đến Tokyo như một chuyến tàu tốc hành và là tác phẩm thoát ly thực tế được dàn dựng thú vị nhưng rỗng tuếch, khiêu gợi, ngớ ngẩn không giả bộ thành bất cứ điều gì khác.

Ban đầu dự kiến phát hành vào cuối năm ngoái, bị trì hoãn vài lần sau đó (một phần vì quyết định chuyển bộ phim thành dạng 3-D), Switch trình làng với yếu tố bạo lực được dìm xuống đáng kể — nhận xét rút ra từ các trailer đầu tiên chứa các cảnh không có trong bản phim cuối cùng, nhất là các cảnh miêu tả nhân vật phản diện Nhật Bản dị biệt, do Đồng Đại Vi diễn với niềm hân hoan cùng bộ tóc giả màu trắng dài. Cũng có dấu hiệu về việc vài chi tiết trong kịch bản đã bị bỏ đi nhằm rút ngắn thời lượng bộ phim xuống còn hai tiếng: cốt truyện có vài lỗ hổng lớn, và đôi chỗ (như lúc nhân vật của Lưu Đức Hoa tạm thời ở lại một ngôi làng Trung Quốc) có vẻ bị cắt gọt quá đáng.

Một trong số ít ngôi sao Trung Quốc cùng thế hệ có sức hấp dẫn, đóng được các cảnh hành động, tâm lý, và vẫn trông thật bảnh trong bộ tuxedo, Lưu Đức Hoa neo vào bộ phim với nhân vật kiểu Bond vượt qua người vợ chuyên nghiệp, nhân vật siêu phản diện bẩn thỉu, một cô nàng quyến rũ và toán nữ sát thủ siêu hạng – tất cả có ý nhắm đến khả năng phát triển thành một loạt phim. Trong phim hành động kinh phí lớn đầu tay này, Trương Tịnh Sơ (The Road (2005), Aftershock (2010), Lacuna (2011)) mang lại nhiều nét đặc sắc – hơn mức kịch bản xứng đáng có được – cho vai diễn người vợ của cô và diễn đạt những cảnh hành động, trong khi Đồng Đại Vi (The Flowers of War (2011), American Dreams in China) lần đầu đóng vai phản diện, có nhiều kỷ niệm vui vẻ với vai diễn đại lưu manh yêu mẹ quá độ và cuồng tra tấn. Nhưng chính nữ diễn viên kiêm người mẫu Đài Loan Lâm Chí Linh (Xích Bích (2008), Love on Credit (2011), Say Yes!) là người sánh được với Lưu Đức Hoa về đẳng cấp khi hóa thân thành người phụ nữ ngoại quốc quyến rũ thay lòng đổi dạ nhanh như thay quần áo. Lâm Chí Linh nhận ra trình độ của mình ở Switch, và đem vào đó một phong cách quá đà phù hợp.

Các cảnh hành động, do đạo diễn các cảnh mạo hiểm người Mỹ Bob Brown đồng dàn dựng, và biên đạo võ thuật, được hỗ trợ từ các cảnh quay màn ảnh rộng vô cùng bóng bẩy của quay phim chính Thiệu Đan (Sky Lovers (2002)) và kỹ xảo hàng đầu, đều rất hay. Khi không sử dụng quá nhiều nhạc Elgar một cách nực cười, nhạc phim của Trần Côn làm tốt nhiệm vụ duy trì nhịp phim dồn dập. Việc chuyển sang dạng 3-D làm tăng thêm chiều sâu đáng kể cho hành động, đặc biệt là với nhiều cảnh miêu tả chốn khoái lạc của lưu manh, và không làm bạn bị sao lãng nhiều. Dù chỉ là một phần khá nhỏ của bộ phim, các cảnh ở Dubai nằm trong số đáng nhớ nhất: nếu không vì lý do nào khác, Switch sẽ đi vào lịch sử là phim đầu tiên có cảnh rượt xe xuyên qua khách sạn bảy sao.

Bản chiếu ở Hồng Kông ngắn hơn chín phút, bị cắt các cảnh miêu tả tình bạn giữa nhân vật của Lưu Đức Hoa với một cô gái trẻ khi anh ở lại ngôi làng Đại lục và cảnh trên bãi biển của hai nhân vật do Lưu Đức Hoa và Lâm Chí Linh thủ vai.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film Business Asia


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi