Bình luận phim

Long Môn phi giáp

30/12/2011

Long Môn phi giáp là tác phẩm thuần giải trí, và có chút gì hơn thế nữa.

Đạo diễn phim hành động nổi tiếng Từ Khắc trở lại với câu chuyện dân gian về Long Môn với tác phẩm IMAX 3D sáng tạo về mặt trực quan nhưng thiếu sót đầy bất ngờ. Cũng là tác giả kịch bản và “câu chuyện gốc” của bộ phim mới, đạo diễn họ Từ quả thực đã sắp xếp lại các tình tiết trong cả bộ phim võ hiệp kinh điển của Hồ Kim Thuyên Quán trọ Long Môn (1967) và bản làm lại do Lý Huệ Dân đạo diễn, Từ Khắc làm nhà sản xuất phim và đồng tác giả kịch bản, Tân Long Môn khách sạn (1992).

Là tác phẩm tiếp theo của Từ Khắc sau bộ phim hành động trinh thám siêu nhiên xuất sắc Địch Nhân Kiệt (2010), Long Môn phi giáp nhất định không hổ thẹn với tựa đề tiếng Anh Flying Swords of Dragon Gate: khán giả sẽ thấy những thanh kiếm (dao găm, mũi tên và cả dây xích nữa) bay nhanh như chớp về phía họ trong những cuộc tỉ thí mà trọng lực bị vô hiệu hóa.

Bất chấp những pha hành động ấn tượng và phong cách hài hước dễ chịu xuyên suốt phim, Long Môn phi giáp được cho là có câu chuyện dở nhất trong số ba bộ phim Long Môn.

Kế thừa lối kể chuyện tương tự hai tác phẩm trước, bộ phim lấy bối cảnh triều Minh kể về cuộc truy đuổi nhằm sát hại mục tiêu yếu thế (trong trường hợp này là một tì nữ trong cung có thai đang chạy trốn, do Phạm Hiểu Huyên thủ vai) của hoạn quan Tây xưởng, dẫn tới cuộc đấu cuối cùng giữa những kiếm khách quả cảm (Lý Liên Kiệt và Châu Tấn mặc nam trang), các sát thủ của nhà vua (Trần Khôn đóng hai vai, và Phàn Thiếu Hoàng) và các tay săn lùng kho báu hám lợi (Quế Luân Mỹ và Lý Vũ Xuân) tại vùng sa mạc Long Môn.

Những chi tiết thú vị trong hai bộ phim trước, như tục ăn thịt người ở quán trọ được ám chỉ, bị đem ra đùa cợt nhưng không can hệ với chút chiều sâu nào. Sự ám ảnh của nhân vật do Châu Tấn thủ vai đối với cây sáo – kỷ vật tình yêu, điều này lộ ra không chút bất ngờ – rõ ràng liên quan tới nhân vật của Lâm Thanh Hà trong Tân Long Môn khách sạn, mặc dù mối tình bên lề phim Long Môn phi giáp bị phá hỏng hoàn toàn bởi xúc cảm yêu đương không đáng kể giữa Lý Liên Kiệt và Chân Tấn trong vai đôi tình nhân được mong đợi (hay người yêu cũ, không rõ nữa).

Cuộc đấu kiếm hùng tráng giữa hai cao thủ Lý Liên Kiệt và Trần Khôn (trong một máy xe sợi khổng lồ!) xẹp lép một cách tầm thường, đoạn phim cuối trở thành cuộc truy tìm kho báu tại một cung điện bị vùi lấp, chỉ lộ ra dưới ánh sáng ban ngày sau một trận bão cát dữ dội xảy ra 60 năm một lần. Tình tiết cẩu thả đó được đạo diễn họ Từ ưu tiên vì tạo ra những đợt vui vẻ, hân hoan trong cốt truyện tiến triển đều đều dễ nhận thấy.

Kết phim ngắn gọn – hai kẻ truy tìm kho báu che giấu đường vào cung điện hoàng gia, cuối cùng hạ độc hoàng phi, người đã ra lệnh sát hại tì nữ đang mang thai – dường như được chêm vào cho vui, có vẻ không hợp với phong thái bản phim gốc của Hồ Kim Thuyên. Song với uy tín về bề dày võ thuật, Từ Khắc, giống như các nhân vật tinh quái của ông, có thể chỉ giả bộ theo khuynh hướng hài hước thái quá. Long Môn phi giáp là tác phẩm thuần giải trí, và có chút gì hơn thế nữa – và có lẽ với nhiều người như thế đã là quá đủ.

Hãng sản xuất: Film Workshop, Bona International Film Group, China Film Group, Shanghai Media Group, Beijing Poly-bona Film Publishing Company, Beijing Liangzi Group
Kinh doanh quốc tế: Distribution Workshop
Nhà sản xuất: Từ Khắc, Thi Nam Sanh, Trần Lạc Cảnh
Điều hành sản xuất: Vu Đông, Trần Lạc Cảnh
Đạo diễn/ tác giả kịch bản: Từ Khắc
Quay phim: Thái Sùng Huy
Chỉ đạo hành động: Nguyên Bân
Chỉ đạo nghệ thuật: Hề Trọng Văn
Thiết kế sản xuất: Lôi Sở Hùng
Biên kịch: Khâu Chí Vĩ
Âm nhạc: Hồ Vĩ Lập
Diễn viên chính: Lý Liên Kiệt, Chân Tấn, Trần Khôn, Quế Luân Mỹ, Lý Vũ Xuân, Phạm Hiểu Huyên, Phàn Thiếu Hoàng

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Daily


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi