Giải thưởng - LHP

Phim Đại lục chinh phục Giải Kim Mã 2016

03/12/2016

Phim từ Trung Quốc Đại lục gây choáng váng tại giải thưởng tương đương Oscar của điện ảnh Hoa ngữ khi càn quét các danh hiệu đỉnh cao của đêm trao giải thưởng Kim Mã ở Đài Bắc với The Summer Is Gone đoạt phim hay nhất và Phùng Tiểu Cương là đạo diễn xuất sắc.

Phim hay nhất dành cho The Summer Is Gone của đạo diễn Trương Đại Lỗi, nói về kỳ nghỉ hè của một cậu bé ở vùng Nội Mông vào đầu những năm 1990 trong bối cảnh công ăn việc làm bị thu hẹp ở các doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ cải cách kinh tế. Phim còn được giải diễn viên mới xuất sắc dành cho cậu bé Bách Độ Mạch Khoa 10 tuổi và giải FIPRESCI của ban giám khảo độc lập gồm các nhà phê bình.

Đạo diễn Trương Đại Lỗi (phải), cùng cha (trái) và diễn viên nhí Bách Bộ Mạch Khoa (giữa), chụp ảnh cùng cúp vàng Phim hay nhất tại Giải Kim Mã lần thứ 53, diễn ra ngày 26/11/2016

"Tôi nên nói gì? Tôi thực sự không trông đợi chuyện này. Thật không thể tin được... Đây như một chuyến hành hương về Đài Bắc của tôi," đạo diễn Trương Đại Lỗi nóivới báo chí sau khi nhận giải.

Phùng Tiểu Cương nhận danh hiệu đạo diễn xuất sắc cho I Am Not Madame Bovary. Đạo diễn Phùng nói bộ phim này sát với tầm nhìn và tâm hồn nghệ thuật của ông nhất. Thú vị là, đạo diễn Phùng cũng đã thắng giải thưởng của Kim Mã 2015 cho diễn xuất ấn tượng trong Mr. Six, một dự án hiếm hoi mà Phùng Tiểu Cương lần đầu tiên tham gia trong vai trò diễn viên trên phim dài.

I Am Not Madame Bovary do Phạm Băng Băng đóng chính, trong vai một phụ nữ thôn quê kiện chồng cũ và đấu tranh với nạn quan liêu ở Trung Quốc. Phim cũng đoạt giải bình chọn của khán giả Đài Bắc.

"Tôi muốn cám ơn Phạm Băng Băng. Cô là một ngôi sao nhưng đóng trong phim nghệ thuật này mà không nhận thù lao," Phùng Tiểu Cương nói. Ông hy vọng Giải Kim Mã có thề trao giải cho Phạm Băng Băng khi nói, “Tôi hy vọng để khuyến khích thêm nhiều ngôi sao sử dụng sức ảnh hưởng của mình để thu hút khán giả đến rạp để xem phim nghệ thuật.”

Phùng Tiểu Cương chụp ảnh sau khi đoạt giải Đạo diễn xuất sắc với bộ phim I Am Not Madame Bovary

Nhưng Kim Mã đã trao giải nữ diễn viên xuất sắc cho hai nữ chính trong phim lãng mạn chính kịch Soul Mate, vốn là chuyện chưa từng có tiền lệ. Chu Đông Vũ và Mã Tư Thuần trong vai hai cô bạn thân mà tình bạn của họ chịu thử thách khi cùng yêu một người.

"Chúng tôi đã cùng nhau làm nên bộ đôi kỳ diệu," Mã Tư Thuần nói. "Không có cô ấy thì không có tôi, và ngược lại."

Phạm Vĩ, cũng từ Đại lục, đã hạ các đối thủ Lương Gia Huy và Trương Học Hữu thắng giải nam diễn viên chính xuất sắc với vai diễn trong phim Mr. No Problem. Trong phim, anh đóng vai nhà quản lý một nông trường thua lỗ ở Trùng Khánh những năm 1940. Phạm Vỹ nói anh biết ơn ban giám khảo đã "cảm nhận được sự tinh tế mà tôi đem đến cho nhân vật." Mr. No Problem cũng thắng giải kịch bản chuyển thể xuất sắc.

Cùng đoạt hai giải còn có những phim Detective Chinatown (biên đạo hành động xuất sắc, phục trang / hóa trang xuất sắc); Mad World (đạo diễn mới xuất sắc: Wong Chun, và nữ diễn viên phụ xuất sắc); cùng Trivisa (kịch bản gốc xuất sắc, biên tập phim xuất sắc); Crosscurrent (quay phim xuất sắc, âm thanh xuất sắc)..

Lần đầu tiên trong lịch sử Kim Mã, danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc được trao cho hai diễn viên Chu Đông Vũ (phải) và Mã Tư Thuần vì vai diễn đôi bạn thân của họ trong phim Soul Mate

Giải thưởng cũng tưởng niệm Abbas Kiarostami, đạo diễn tượng đài của Iran qua đời hồi đầu năm nay.

Bộ phim Godspeed của Đài Loan được tám đề cử và được yêu thích để thắng nhiều hạng mục, nhưng rốt cuộc chỉ được trao giải chỉ đạo nghệ thuật. Những thất vọng khác cho điện ảnh Đài Loan là bộ phim về người di cư được giới phê bình khen ngợi The Road to Mandalay được sáu đề cử nhưng rốt cuộc không có giải nào (tuy đạo diễn cùa bộ phim nhận được một giải an ủi – nhà làm phim Đài Loan nổi bật của năm), và thất bại của đấu thủ dự tranh Oscar phim nói tiếng nước ngoài Hang In There Kids (tức Lokah Laqi).

Chủ tịch ban giam khảo Kim Mã năm nay là đạo diễn kỳ cựu Hồng Kông Hứa An Hoa. Bà nói với giới truyền thông Đài Loan rằng ban giảm khảo đã trải qua một "quá trình chết đi sống lại" trong việc định đoạt các giải thưởng.

Nhưng vì phim của Đại lục càn quét giải thưởng Đài Loan, một số người dùng internet đã chất vấn quyết định của ban giám khảo.

Đạo diễn Đài Loan Triệu Đức Dĩnh nhận giải Nhà làm phim Đài Loan nổi bật của năm

"Hầu hết 17 giám khảo đến từ Đài Loan," Văn Thiên Tường, giám đốc điều hành của Ủy ban điều hành Liên hoan phim Kim Mã Đài Bắc, nói. "Chúng tôi không bàn luận một phim xuất xứ từ vùng nào khi bầu chọn. Bất luận chúng ta yêu thích The Road to Mandalay Godspeed đến đâu thì ban giám khảo có quyết định của họ."

"Trước khi bầu chọn," Hứa An Hoa bổ sung, "chúng tôi đã nhấn mạnh và nhất trí rằng chúng tôi sẽ không xét quốc tịch, vùng lãnh thổ của một phim, và phim do đạo diễn kỳ cựu hay đạo diễn mới làm ra."

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn